Về nguồn

Thứ Tư, 20/12/2017 00:39
LTS: Cuộc vận động Sáng tác văn học nghệ thuật về “Tình đoàn kết chiến đấu ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia” do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phát động từ tháng 3/2017 trên phạm vi ba nước Đông Dương, gồm năm thể loại văn học, âm nhạc, mĩ thuật, nhiếp ảnh và điện ảnh. Sau mười tháng, Cuộc vận động đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ hàng ngàn tác giả chuyên và không chuyên ở cả ba nước. Riêng thể loại văn học đã thu hút đông đảo tác giả tham gia với nhiều bút kí và kỉ niệm sâu sắc chất lượng. Bắt đầu từ số này, Văn nghệ Quân đội sẽ chọn giới thiệu với độc giả một số tác phẩm tiêu biểu của các tác giả Việt Nam.

Ghi chép. NGUYỄN PHƯƠNG DIỆN

Đằng đẵng bốn mươi năm, kể từ cái ngày đặc biệt của mùa hè ngột ngạt năm 1977 ấy, Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Akka Moha Sena Padei Techo Hun Sen mới có điều kiện trở lại thăm “người xưa, chốn cũ” - nơi ông từng sống trọn một ngày đêm với đầy ắp kỉ niệm cùng những người Việt Nam khi đặt những bước chân đầu tiên sang đất nước láng giềng nằm ở phía Đông Tổ quốc của mình. Trước đó gần chục ngày, tôi may mắn được yết kiến ông tại chính tư dinh của ông ở Thủ đô Phnom Penh. Qua câu chuyện gần một giờ đồng hồ, tôi thấy ông rất phấn chấn về chuyến thăm đầy ý nghĩa này. Ông bảo tôi:

- Bốn mươi năm qua dù có nhiều chuyến sang Việt Nam nhưng tôi vẫn luôn nung nấu muốn trở lại tái hiện chặng gian khổ tìm đường giải phóng dân tộc vào ngày 21 tháng 6 năm 1977. Đề xuất của tôi được đưa ra trong chuyến thăm Việt Nam vào cuối năm 2016. Chính phủ Việt Nam rất ủng hộ và giao cho Bộ Quốc phòng chủ trì cùng với các bộ, ngành và địa phương liên quan làm công tác chuẩn bị giúp tôi và đồng đội thực hiện tâm nguyện cháy bỏng bấy lâu nay.

Mặc dù đó là nỗi niềm đau đáu của mình nhưng Ngài Thủ tướng vẫn nhắc lại với tôi:

- Năm nay hai nước chúng ta kỉ niệm năm mươi năm thiết lập quan hệ ngoại giao và tổ chức năm đoàn kết Việt Nam - Campuchia, vì vậy hai bên cần chú trọng tổ chức các hoạt động sao cho tương xứng với các sự kiện lịch sử và mối quan hệ hữu nghị đặc biệt đã được xây dựng nên từ xương máu của nhân dân hai nước.

Tôi hiểu ngày 21 tháng 6 năm 1977 là một dấu mốc quan trọng không chỉ của cá nhân ông cùng đồng đội mà nó còn là một bước ngoặt lớn trong lịch sử của đất nước Campuchia. Chuyến thăm đặc biệt này được hai bên thống nhất sẽ thực hiện đúng vào ngày 21 tháng 6 năm 2017, có nghĩa là tròn bốn mươi năm kể từ khi ông bước chân sang đất Việt Nam, đi tìm con đường giải phóng đất nước.

Theo kế hoạch, Thủ tướng Hun Sen sẽ đi trực thăng từ Phnom Penh đến huyện Memot, thuộc tỉnh Tbong Khmum, cách biên giới Việt Nam khoảng mười sáu kilômét. Tại đây, ông có cuộc gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang Campuchia. Sau đó ông và phái đoàn Campuchia sẽ sang Việt Nam bằng đường bộ và lần lượt thăm năm địa danh có dấu ấn đặc biệt trong chuyến sang Việt Nam năm 1977. Cuối cùng ông và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có buổi trao đổi, gặp gỡ, nói chuyện với đại diện lãnh đạo hai nước; lãnh đạo các bộ ngành; lãnh đạo địa phương; bộ đội và cựu chiến binh quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam tại Campuchia; đại diện tuổi trẻ, học sinh, sinh viên Campuchia đang công tác, học tập tại Việt Nam. Như vậy, trong ngày 21 tháng 6 năm 2017, Thủ tướng Hun Sen và Đoàn Campuchia có tới bảy cuộc làm việc liên tục và ông có tám lần phát biểu, nói chuyện trước công chúng. Là người được theo sát chuyến đi, được chứng kiến từ cuộc làm việc đầu tiên của ông tại phum Koh Thmor, huyện Memot, tỉnh Tbong Khmum của Campuchia đến cuộc làm việc cuối cùng trong chuyến thăm và nghe bảy trong tám bài phát biểu, nói chuyện của ông, tôi thực sự thán phục phong thái làm việc, trình độ hùng biện, khả năng thu phục người nghe, đặc biệt là cử chỉ thân thiện, gần gũi với nhân dân của vị Thủ tướng mang quân hàm Thống tướng.

Ngay từ sáng sớm ngày 21 tháng 6, lúc mặt trời vừa rọi những tia nắng đầu tiên xuống vùng biên viễn bình yên giữa hai nước Campuchia - Việt Nam, chúng tôi đã có mặt tại phum Koh Thmor - nơi ông Hun Sen từ bỏ hàng ngũ của bè lũ diệt chủng Pol Pot - ra đi tìm đường cứu nguy dân tộc vào đêm 20 tháng 6 năm 1977. Khi chúng tôi có mặt, các loại xe con, xe ca, xe đặc chủng đã đậu thành hai hàng dài dọc theo con đường dẫn vào phum. Mới hơn sáu giờ sáng mà các quan chức Campuchia, bạn bè quốc tế, lực lượng vũ trang, lãnh đạo và nhân dân địa phương đã tập trung rất đông ở sân vận động của phum chờ đợi ông. Biết Thủ tướng đi bằng trực thăng đến đây nên mọi người rất háo hức, họ ngước nhìn lên bầu trời xanh trong mong mỏi. Gần bảy giờ, ba chiếc trực thăng lần lượt hạ cánh. Khi bụi còn chưa tan hết, ông Hun Sen đã bước xuống cầu thang máy bay. Với dáng đi nhanh nhẹn trong bộ quân phục gọn gàng, ông tiến thẳng đến chỗ chiếc miếu thờ nhỏ làm bằng gỗ ở ngay đầu phum. Có lẽ ngôi miếu đã được dựng lên từ rất lâu nên chân cột một bên đã sụt, lún làm cho nó nghiêng hẳn về một phía như sắp đổ. Đứng trước cửa miếu ông lặng đi rồi tự tay châm hương thành kính thắp hương trong vòng vây của phóng viên báo chí và người dân địa phương. Có lẽ đoàn tùy tùng cũng bất ngờ khi ông rẽ vào đầu thôn để thăm lại một nhà dân, nơi ông đã từng ở. Mỗi bước chân của ông như có sức hút mạnh mẽ kéo theo cả đoàn người đủ mọi thành phần ào ào di chuyển. Làm xong thủ tục thiêng liêng đó, ông mới bước ra gặp gỡ, bắt tay, chào hỏi những người chờ đợi đón ông.

Tại phum Koh Thmor, địa phương đã tổ chức Lễ kỉ niệm 40 năm kí ức hành trình tiến tới lật đổ tập đoàn diệt chủng Pol Pot.

Tôi thực sự xúc động khi nghe ông bắt đầu câu chuyện bằng việc thông báo về chuyến thăm Việt Nam hôm nay:

- Không có Việt Nam, tôi và đồng đội tôi chắc không còn sống đến bây giờ và cũng không có đất nước Campuchia hòa bình và phát triển như ngày nay.

Trong hơn một tiếng đồng hồ, ông đã ôn lại lịch sử đen tối của Campuchia dưới chế độ diệt chủng Pol Pot và cuộc sống khốn cùng, quằn quại của người dân Campuchia trong cái chế độ được coi là “quái thai” của lịch sử nhân loại. Không thể sống trong cái địa ngục trần gian ấy, biết bao người dân Campuchia đã phải chạy sang Việt Nam lánh nạn. Trong những ngày đau thương đó, ông và nhiều người Campuchia yêu nước đã quyết định tìm đường trốn sang Việt Nam đề nghị được giúp đỡ để đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, giải phóng đất nước. Giọng nghẹn ngào, ông kể về những ngày tháng sang Việt Nam được Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam cưu mang, giúp đỡ, cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm, vũ khí đạn dược và giúp đỡ xây dựng, huấn luyện lực lượng vũ trang. Bài nói chuyện của ông nhiều lần bị ngắt quãng bởi những tràng vỗ tay tưởng như không dứt. Với tình cảm sâu nặng tại nơi đã từng ở và từ đây ra đi tìm đường giải phóng dân tộc, Thủ tướng Hun Sen đã tặng địa phương một số công trình phúc lợi và nhiều suất quà, thuốc men cho người dân địa phương.

Sau gần hai giờ đồng hồ ở phum Koh Thmor đoàn xe tiếp tục cuộc hành trình nối đuôi nhau chạy ra hướng biên giới. Quãng đường chỉ hơn chục cây số nhưng gần một nửa là đường đất. Bụi cuốn lên mù mịt. Hai bên đường lúp xúp cây rừng, thỉnh thoảng hiện lên mờ mờ sau làn bụi một cái lán nhỏ dựng tạm có một vài sĩ quan và binh lính của quân đội Hoàng gia Campuchia súng ống sẵn sàng. Họ là lực lượng bảo vệ cho Đoàn của Thủ tướng Hun Sen trên đường sang thăm Việt Nam.

Đoàn xe dừng lại trước một bãi đất trống vừa được san ủi. Đây chính là nơi vào rạng sáng ngày 21 tháng 6 năm 1977, ông Hun Sen và bốn thuộc cấp của mình là Nhek Hươn, Nuch Than, San Sanh và Paor Ean, sau khi vượt qua biên giới đã dừng lại nghỉ chờ trời sáng để xác định phương hướng, lựa chọn vị trí thuận lợi cho việc đột nhập sâu vào lãnh thổ Việt Nam. Trên các giấy tờ, địa điểm này được gọi là X16; gốc cây độc lập hoặc khu vực Ang Đách. X16 thuộc địa phận ấp Thạnh Tây, xã Lộc Tấn, huyện Bình Long, tỉnh Sông Bé (nay là xã Lộc Thạch, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước). Bước xuống xe cách X16 vài chục mét, Thủ tướng Hun Sen bỗng đứng lặng người, ông khẽ quay lại, phóng tầm mắt xa xăm nhìn về Tổ quốc của mình. Hình như cảm xúc bịn rịn, nhớ nhung và tâm trạng lo lắng cho vận mệnh dân tộc và số phận của những người thân yêu phải ở lại sống dưới chế độ diệt chủng Pol Pot bốn mươi năm trước đây lại ùa về trong ông. Ông ngước mắt nhìn gốc cây độc lập và rảo bước về nơi đã từng chứng kiến những giây phút lịch sử trong cuộc đời cách mạng của mình. Đứng trước hai ngôi miếu nhỏ, một cũ, một mới, ông cùng phu nhân Bun Rany kính cẩn thắp nén tâm hương vừa để tạ ơn trời phật, vừa tri ân những người con của cả hai dân tộc đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của hai nước.

Thủ tướng Hun Sen bắt đầu bài phát biểu của mình bằng một câu chuyện cảm động và rất thiêng liêng trong chuyến đi có một không hai của mình và đồng đội. Vào lúc rạng sáng ngày 21 tháng 6 năm 1977, ông và bốn cộng sự có mặt tại chính nơi này. Thấy có một ngôi miếu cũ, mọi người tìm hương để thắp, nhưng mò mẫm mãi mà không thể kiếm nổi. May mắn, họ tìm thấy mấy nén hương đã cháy gần hết. Thế là bằng những nén hương cháy dở đó, năm người Campuchia đã gửi tấm lòng thành của mình trước khi bước vào con đường mới.

Có lẽ đoán biết được sự sốt ruột của người nghe, ông tiếp tục kể lại những cửa ải mà mình và đồng đội phải trải qua trong cái đêm đáng ghi nhớ ấy. Trước lúc ra đi, ông đã dự liệu những tình huống có thể xảy ra và chuẩn bị phương án xử lí. Nếu bị quân Pol Pot phát hiện, nhóm sẽ kiên quyết chống trả cho dù có bị hi sinh tất cả. Trường hợp bị bộ đội Việt Nam trả lại cho Pol Pot, tất cả sẽ tự sát bằng những cây kim mang theo. Trở ngại còn lại là phải vượt qua bãi mìn dày đặc của Pol Pot và tìm cách vượt biên sang Việt Nam an toàn. Tuy lo lắng và tính toán nhiều khả năng không may có thể xảy ra, nhưng ông vẫn tin rằng bộ đội và nhân dân Việt Nam sẽ giúp đỡ, cưu mang. Những năm tháng cùng kề vai sát cánh với bộ đội Việt Nam trên mặt trận chống Mĩ vào đầu những năm bảy mươi đã mách bảo ông, những người anh em Việt Nam sẽ tin tưởng và sẵn lòng giúp đỡ ông và những người Campuchia yêu nước.

 Chỉ vào hai đồng đội cũ còn lại cùng ông sang Việt Nam năm xưa, ông kể, khi chuẩn bị vượt bãi mìn, bỗng nhiên ông thấy lo cho tính mạng của các đồng đội. Ông hơi sững lại và nghĩ, biết đâu vì đi theo mình mà họ phải bỏ mạng ở giữa đường. Đoán biết được tâm trạng lo lắng của người chỉ huy, một người trong số họ đã nói với ông như một lời thề: Chúng tôi có chết cũng quyết đưa anh qua biên giới…

Vẫn nhìn về phía hai cộng sự, ông tiếp tục câu chuyện:

- Đó là lời của những đồng đội đã cùng tôi chiến đấu. Thế là tôi cùng họ mất gần hai tiếng để đi qua bãi mìn gần hai trăm mét. Lúc đó trời tối, chúng tôi không biết bên kia có bộ đội Việt Nam hay không... Những người đã từng thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, sẽ biết rằng chuyện này không phải đơn giản. Tôi thật sự đã đánh cược tính mạng của chính mình.

Giữa cái nắng tháng sáu như đổ lửa, trên khuôn mặt sạm nắng của Thủ tướng, những giọt mồ hôi chảy dài. Dường như ông không bận tâm vì điều đó và vẫn muốn trải lòng thêm, nhưng cách gốc cây độc lập không xa, đại diện phía Việt Nam đang chờ nên ông phải dừng lại. Thống tướng Tia Banh dẫn ông bước vào một lối đi nhỏ mới được sửa sang. Được gần hai chục mét, bỗng ông dừng lại rồi nhún người bước qua một cái hào nhỏ, đi thẳng vào vườn cao su mới trồng như tìm kiếm điều gì. Mọi người còn đang ngỡ ngàng, trong khi đó cánh phóng viên báo chí đã ào ào chạy tìm vị trí thuận lợi, hướng máy về phía ông tác nghiệp, họ hi vọng sẽ chộp được những hình ảnh đẹp trong cái khoảnh khắc đặc biệt ấy. Cũng như lúc bước vào, ông khoan thai trở ra với một nụ cười rất tươi và bước thẳng về phía Đoàn Việt Nam đang đứng chờ ngay cạnh đường tuần tra biên giới. Chủ khách gặp nhau, tay bắt mặt mừng, ông lần lượt ôm chầm lấy đồng chí Nguyễn Văn Trăm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước và các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an Việt Nam. Cuộc đón tiếp nguyên thủ quốc gia được coi là đặc biệt nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam kết thúc nhanh chóng để tiếp tục cuộc hành trình.

Từ điểm thứ ba trong chuyến thăm của Thủ tướng Hun Sen, phía Việt Nam mới chính thức tham gia các hoạt động với Đoàn Campuchia. Điểm đến tiếp theo là một vị trí cạnh đường 13B, nằm sâu trong nội địa Việt Nam, cách điểm X16 khoảng mười chín kilômét. Đó là nơi ông và đồng đội quyết định cất giấu vũ khí. Ông kể, vào đến lãnh thổ Việt Nam mọi người hoàn toàn yên tâm và tin chắc sẽ không phải dùng đến vũ khí nữa nên cất đi. Hồi đó không có đường như bây giờ mà toàn là rừng, chỉ có một lối mòn. Nhìn thấy gần vị trí giấu vũ khí có một cái ao, nhóm của ông đã lấy nước ở đó để nấu ăn. Vì quá ít gạo nên họ chỉ nấu được cháo. Nấu xong, cũng không có đủ chén bát nên mọi người phải dùng chung một cái chén, thay phiên nhau húp cháo để có sức tiếp tục đi. Kể đến đó, Thủ tướng Hun Sen bước đến bên cạnh giá để vũ khí đưa mắt nhìn khắp lượt. Cuối cùng, ông dừng lại chỗ khẩu K59 cùng các vật dụng của mình khá lâu. Ông khẽ mỉm cười khi thấy tất cả vũ khí, trang bị của cả nhóm vẫn còn đầy đủ và được bảo quản cẩn thận. Số vũ khí mang theo ngày đó gồm: một khẩu súng AK, một khẩu Cacbin, một khẩu M16, một khẩu K59, một con dao phát rừng kiểu Campuchia và hai quả lựu đạn. Sau bốn mươi năm được nhìn lại những “vật bất li thân” ngày nào vẫn còn nguyên vẹn, ông nghẹn ngào đề nghị Việt Nam chuyển cho Campuchia để đưa vào bảo tàng gìn giữ lâu dài.

Rời nơi cất giấu vũ khí, Đoàn tiếp tục cuộc hành trình theo quốc lộ 13B đến ấp Hoa Lư, xã Lộc Tấn (nay là ấp Thạnh Biên, xã Lộc Thạnh), nơi ông và cộng sự đã gặp gỡ những người Việt Nam đầu tiên vào lúc 11 giờ ngày 21 tháng 6 năm 1977. Thủ tướng Hun Sen rất xúc động khi gặp lại hai cựu du kích của ấp Hoa Lư là Nguyễn Văn Hùng và Dương Văn Thân. Tuy nhiên, do lần đầu gặp nhau trong thời gian rất ngắn mà mãi bốn mươi năm sau mới được gặp lại nên ông không phân biệt được ai trong số hai người đàn ông năm xưa. Về phía mình, khoảng ba, bốn năm gần đây khi xem truyền hình, ông Hùng mới biết ông Hun Sen chính là Thủ tướng của Campuchia. Ông Hùng có vẻ hơi ngại ngùng khi đứng trước một vị nguyên thủ quốc gia. Nhận thấy điều đó, Thủ tướng Hun Sen đã chủ động đưa tay đặt lên vai người cựu du kích. Thế là khoảng cách giữa chủ và khách tan biến tự lúc nào. Họ cùng nhau ôn lại cuộc gặp gỡ lịch sử bốn mươi năm trước rất vui vẻ, tự nhiên. Hôm đó Nguyễn Văn Hùng đi làm rẫy, nhưng là một du kích nên anh vẫn mang theo khẩu AR15 bên mình. Khi vừa ra tới đường thì thấy năm người mặc toàn đồ đen, không mang theo vũ khí, thái độ có vẻ rất bình tĩnh đi từ phía biên giới vào. Nguyễn Văn Hùng chưa kịp nói gì thì một người trong số họ xem chừng là chỉ huy đã hỏi bằng tiếng Khmer:

- Ở đây có bộ đội không? Có mấy ông lớn không?

Với vốn liếng tiếng Khmer ít ỏi học được, Nguyễn Văn Hùng không trả lời mà hỏi lại:

- Mấy anh có việc gì mà sang đây?

- Đi kiếm bộ đội Việt Nam, chúng tôi nhờ anh giúp đỡ. - Vẫn người hỏi ban đầu trả lời.

 
4
Thủ tướng chính phủ vương quốc Campuchia Hun Sen cắt băng khánh thành Nhà văn hóa xã Lộc Thạch, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước - Ảnh: TL

Nguyễn Văn Hùng ra hiệu cho họ đi vào trong ấp nhưng anh lùi lại đi sau, cách người cuối cùng khoảng bốn đến năm mét. Đi được khoảng hai trăm mét thì anh Ân cũng là du kích của ấp ra cùng đưa nhóm người Campuchia đi. Lúc sau Nguyễn Văn Thân cùng một số du kích có mặt để đưa năm người về ấp...

Kí ức của Thủ tướng Hun Sen về cuộc gặp gỡ này được ông diễn tả như một lời tri ân:

- Hôm nay, tôi trở về nơi mà bốn mươi năm trước bà con đã từng cưu mang tôi. Bốn mươi năm trước, sau khi cất giấu vũ khí, tôi đã đến đây. Khi tới, chúng tôi nhìn thấy nhà dân. Tôi nói với anh em, nếu người Việt Nam bắt trói thì cứ tuân theo… Tôi nhìn vào chiếc đồng hồ đeo trên tay và nghĩ rằng chắc chắn người ta sẽ tịch thu nó. Thế nhưng điều đó đã không xảy ra, không những họ không lấy đồng hồ của tôi mà thậm chí còn không mở ba lô của chúng tôi, không cần biết trong đó có gì… Tất cả quá tốt đẹp, không theo dự tính ban đầu.

Trong câu chuyện, mấy lần Thủ tướng Hun Sen nhắc đến một người con gái khi đó chừng mười sáu, mười bảy tuổi, biết tiếng Khmer đã làm thông dịch cho ông khi nói chuyện với mấy du kích Việt Nam. Ông bảo cô ấy nói được tiếng Khmer vì cô ấy sinh ra ở Campuchia, biết được tiếng Việt vì cô ấy làm ở nông trường cao su của Việt Nam. Ông phỏng đoán rằng cô gái ấy đã chuyển nhà đi chỗ khác nên hôm nay ông không gặp được để cám ơn. Rồi với giọng khôi hài, ông kể về bữa cơm đầu tiên trên đất Việt Nam của mình:

- Ở Campuchia, chúng tôi phải ăn cháo nhưng ở Hoa Lư hôm đó chúng tôi được bà con nấu cho nồi cơm bằng cái nồi số 10, lại còn có cả món canh xương nấu với củ cải ăn rất ngon. Năm người chúng tôi đã ăn hết cơm trong cái nồi thường để nấu cho mười đến mười sáu người ăn, tất nhiên cả món canh ngon tuyệt cũng hết veo. Lúc đó chúng tôi không cảm thấy xấu hổ vì ăn quá nhiều mà chỉ cốt được no bụng. Tôi ăn no đến mức bị lên cơn sốt rét trên đường về xã nên một người đàn ông đã phải mang giúp ba lô.

Kể xong ông cười rất sảng khoái. Tôi thầm nghĩ, một vị Thủ tướng xuất thân từ người lao động và từng là người lính, từng lăn lộn với mọi cung bậc của cuộc đời và nếm trải đủ vị đắng cay, thử thách, sẵn sàng trải lòng với công chúng, chắc chắn sẽ luôn thấu hiểu tình cảm chân thật và tấm lòng bao dung của người dân Việt Nam trước cơn hoạn nạn của đất nước mình.

Nghe xong câu chuyện của Ngài Thủ tướng, ông Thân khẽ mỉm cười. Chắc trong đầu ông Thân đang hiện lên hình ảnh năm người lính áo đen năm xưa gầy gò, khắc khổ lặng lẽ bước đi trên con đường từ ấp Hoa Lư về xã, trong đó có một người mà ông đã đeo giúp chiếc ba lô.

Có lẽ địa danh tiếp theo mới là nơi Thủ tướng Hun Sen cùng các thành viên trong Đoàn và cả những người dân địa phương đều mong có cuộc hội ngộ sớm. Đó là trụ sở xã đội xã Lộc Tấn cũ, nay là trung tâm hành chính của xã Lộc Thạnh. Ở đó, đúng vào buổi chiều ngày 21 tháng 6 năm 1977, trong căn nhà nhỏ hai gian nằm ngay góc ngã ba giữa hai con đường mòn, ông Hun Sen và cộng sự đã có cuộc trao đổi với lực lượng vũ trang và chính quyền xã Lộc Tấn, huyện Bình Long, tỉnh Sông Bé (nay là xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước). Trước khi sang thăm Việt Nam, Thủ tướng Hun Sen có nguyện vọng giữ lại hiện trạng căn nhà này, nhưng do thời gian quá lâu, ngôi nhà đã bị xuống cấp, hỏng nặng nên địa phương đã làm lại ngôi nhà mới trên đúng nền nhà cũ theo như mẫu ban đầu. Vừa xuống xe, Thủ tướng Hun Sen đã đi thẳng đến nơi mình đã làm việc với lực lượng vũ trang xã Lộc Tấn năm xưa. Ở đó, ông Hun Sen và nhóm của mình đã làm việc với Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Công an xã Đinh Bá Hợp và Xã đội trưởng Lê Hoài Mỹ, ông Trần Văn Thìn, Việt kiều Campuchia làm phiên dịch cho cả hai bên. Hiện nay ông Lê Hoài Mỹ đã mất, chỉ còn lại hai ông Đinh Bá Hợp và Trần Văn Thìn. Sau bốn mươi năm gặp lại, họ đã nhận ra nhau từ cái nhìn đầu tiên. Ông Hợp, ông Thìn tự nhiên trở thành “hướng dẫn viên” dẫn Thủ tướng Hun Sen đi một vòng quanh trụ sở xã đội, sau đó cùng nhau bước vào căn nhà nhỏ, nơi năm xưa họ đã có cuộc chuyện trò lịch sử. Trở lại khuôn viên, Thủ tướng Hun Sen đã cùng đại diện phía Việt Nam cắt băng khánh thành bia lưu niệm làm bằng một phiến đá nguyên khối khổ lớn ghi tóm tắt sự kiện bằng tiếng Khmer và tiếng Việt Nam. Lúc này, đại biểu của hai Đoàn và lãnh đạo, nhân dân địa phương đã có mặt khá đông đủ trước ngôi nhà khang trang sức chứa gần hai trăm chỗ ngồi cùng khuôn viên khá rộng được thiết kế theo kiểu kết hợp kiến trúc truyền thống của Campuchia và Việt Nam. Đây chính là món quà mà Thủ tướng Hun Sen tặng nhân dân xã Lộc Thạnh để vừa làm nhà văn hóa, vừa sẽ lưu giữ những hình ảnh về tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Campuchia, cùng nhau xây dựng một đường biên hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển.

Sau khi trồng cây lưu niệm và cắt băng khánh thành nhà văn hóa, Thủ tướng Hun Sen có buổi gặp gỡ, chuyện trò thân tình với lãnh đạo và nhân dân xã Lộc Thạnh. Ngoài hai trăm đại biểu trong nhà văn hóa, địa phương còn dựng thêm hai dãy nhà bạt và tổ chức truyền hình trực tiếp cho sáu trăm cán bộ và người dân nghe. Thủ tướng Hun Sen bắt đầu buổi trò chuyện bằng một kỉ niệm với mảnh đất này:

- Từ Hoa Lư đến Làng Chín trước đây đi đường khác rất nhiều so với bây giờ. Khi đó, mười một giờ tôi vào đến Hoa Lư. Trước đó chia nhau chén cháo, nên khi được ăn bữa cơm đầu tiên là vô cùng giá trị đối với tính mạng của tôi và đồng đội. Tại đây, lần đầu tiên tôi gặp cán bộ của Việt Nam. Tôi được hỏi mục đích sang Việt Nam là gì. Tuy chưa xác minh rõ ràng về chúng tôi, dù tôi đã vượt biên trái phép, lại không có giấy tờ hợp pháp, nhưng sự đối xử của Việt Nam rất tốt…

Nghe xong bài nói chuyện của Thủ tướng Hun Sen, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm giọng xúc động phát biểu:

- Chúng tôi đã được nghe chính Thủ tướng kể lại từng địa điểm, từng sự kiện lịch sử và những người mà Thủ tướng đã gặp cách đây bốn mươi năm trong một cảm xúc rất đặc biệt mà chúng tôi cảm nhận rằng những con người, những sự kiện lịch sử đó không bao giờ quên được trong trái tim Thủ tướng. Những địa điểm lịch sử ghi dấu ấn hoạt động của Ngài trên đất Bình Phước đã trở thành di tích quý báu và biểu tượng sáng ngời cho tình đoàn kết thủy chung của hai dân tộc Việt Nam - Campuchia đời đời bền vững.

Cuộc chia tay đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Lộc Thạnh với Thủ tướng Hun Sen và Đoàn diễn ra thực sự xúc động. Bất chấp cái nắng gắt buổi chiều, hàng trăm người dân đứng kín hai bên đường lưu luyến vẫy tay tạm biệt những người bạn quý. Trên xe, các ô kính được hạ xuống, những cánh tay giơ ra như muốn níu kéo khoảng cách lại gần…

Trong chuyến trở lại Việt Nam lần này, Thủ tướng Hun Sen đã có một nguyện vọng làm cho phía chủ nhà phải cân nhắc. Đó là việc ông muốn di chuyển từ xã Lộc Thạnh về Bộ chỉ huy tiền phương tỉnh Sông Bé cũ đóng tại xã Lộc Thắng, huyện Bình Long (nay là Thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) bằng chính chiếc xe Reo (GMC) mà năm 1977 bộ đội và dân quân Việt Nam đã dùng để chở ông về huyện. Sự đắn đo của phía Việt Nam không phải vì loại xe này đã không còn trong biên chế mà chính vì lí do an ninh và nghi thức ngoại giao. Trước sự thuyết phục kiên trì của vị khách quý, phía Việt Nam đã phải đồng ý đề nghị đặc biệt này. Quân khu 7 được giao sửa chữa, hồi phục hai chiếc xe GMC, một xe Zeep và tổ chức huấn luyện cho lái xe đủ điều kiện phục vụ cho nguyên thủ quốc gia. Sau khi ăn trưa, Thủ tướng Hun Sen cùng hai cộng sự và hai người con của hai cộng sự đã mất cùng ông sang Việt Nam năm 1977, nhanh nhẹn trèo lên chiếc xe tải GMC đã được chất thêm củi khô nhằm hướng Lộc Thắng thẳng tiến. Ngồi trên xe, ông Hun Sen kể rằng, hồi ấy trên xe chở củi, không ai bị còng, bị trói. Ông được thỏa thích dẫm chân lên đống củi mà nếu rơi vào tình huống tương tự ở Campuchia, Pol Pot sẽ chặt chân.

Kết thúc cuộc hành quân bằng chiếc xe tải cũ kĩ, Thủ tướng Hun Sen chia sẻ một cách cởi mở:

- Cá nhân tôi từ một Thủ tướng trẻ nhất thế giới, đến nay đã trở thành một trong những người ở cương vị Thủ tướng lâu năm nhất trên thế giới. Hôm nay tôi mặc sắc phục Thống tướng 5 sao và tôi vẫn mong được đi lại chiếc xe Reo năm xưa. Tôi muốn con cháu ghi nhớ, đừng bao giờ để xảy ra chiến tranh và mong nhà văn hóa này như là biểu tượng của hòa bình, của tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia.

Tuy không nói ra nhưng có lẽ tất cả những người được chứng kiến chuyến đi này đều nghĩ rằng việc đi trên chiếc xe tải năm xưa không chỉ vì những kỉ niệm của quá khứ mà nó là một thông điệp - thông điệp hòa bình - từ vị Thủ tướng đã sẵn sàng đánh đổi cả cuộc đời mình mới có được để hôm nay ông nhắn gửi cho thế hệ trẻ.

Điểm cuối cùng trong chương trình hoạt động tại tỉnh Bình Phước, Thủ tướng Hun Sen và Đoàn thăm lại địa danh lịch sử nơi ông và đồng đội đã trực tiếp trao đổi với bộ đội Việt Nam và đề nghị Việt Nam giúp xây dựng lực lượng vũ trang để lật đổ chế độ Pol Pot. Người trực tiếp làm việc với ông ngày đó là Trung tá Nguyễn Văn Bình, nguyên Tỉnh đội phó kiêm Chỉ huy trưởng tiền phương tỉnh Sông Bé cũ. Vì lí do sức khỏe nên ông Nguyễn Văn Bình không đến được Bình Phước mà sẽ chờ Thủ tướng Hun Sen tại Bình Dương. Tuy lưu lại đây trong khoảng thời gian không dài nhưng Thủ tướng Hun Sen đã nhắc lại ý nghĩa của địa điểm lịch sử này với các thành viên của hai Đoàn Việt Nam và Campuchia. Có lẽ tâm trạng ông lúc này đang nghĩ tới vị sĩ quan đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam đã gặp trao đổi với ông rất nhiều vấn đề mà ông mong đợi trong cái buổi tối ngày 21 tháng 6 sáu 1977 đáng nhớ ấy. Hơn nữa, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Dương sẽ diễn ra lễ đón chính thức của Thủ tướng nước chủ nhà Nguyễn Xuân Phúc đối với chuyến thăm đặc biệt của ông mà tính đến lúc này đã sắp bước qua thời gian đã định.

Mặc dù các hoạt động diễn ra liên tục và hết sức khẩn trương nhưng mãi đến xế chiều Đoàn mới rời Bình Phước hành quân về Bình Dương. Tuy lịch làm việc quá dày nhưng dường như cả khách và chủ đều quên đi sự mệt mỏi và cái nắng như đổ lửa của những ngày đầu hè. Cái nóng oi nồng như báo hiệu sắp có một trận mưa lớn. Quả thực, đoàn xe về gần tới Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Dương trời bỗng đổ mưa như trút nước.

Lễ đón Thủ tướng Hun Sen và phái đoàn Campuchia được tổ chức rất trọng thể ngay sảnh chính của Trung tâm Hội nghị. Bất chấp trời mưa rất to, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra tận xe đón Thủ tướng Hun Sen. Được chứng kiến giây phút Thủ tướng Hun Sen từ trên xe bước xuống, lao tới ôm chầm lấy Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tôi nghĩ họ không chỉ là hai nguyên thủ của hai quốc gia bè bạn mà còn là những người bạn thân thiết của nhau. Chả vậy mà trong lời cám ơn của mình, Thủ tướng Hun Sen đã nói một câu đầy hình ảnh mà hết sức thân thiện với người đồng cấp của mình: “Một lần nữa tôi rất cảm ơn anh Phúc và anh là Nguyễn Xuân Phúc, tôi là Mãi Phúc”. Sau nghi thức ngoại giao trang trọng diễn ra khá nhanh, Thủ tướng Hun Sen tới thẳng phòng khách nơi ông Nguyễn Văn Bình đang chờ. Tuy không còn nhanh nhẹn như xưa nhưng ông Tư Bình rất vui khi gặp lại con người khi mới hai lăm tuổi mà đã biết đặt niềm tin vào Quân đội và nhân dân Việt Nam để rồi dốc hết gan ruột trình bày không giấu giếm những ý nghĩ, nguyện vọng của mình ngay từ buổi gặp mặt đầu tiên. Câu chuyện của họ tưởng chừng không thể dứt nhưng vì trong Hội trường, hơn một nghìn cán bộ, cựu chiến binh, đại diện các tầng lớp nhân dân và học sinh, sinh viên của hai nước đang chờ nghe buổi nói chuyện của hai Ngài Thủ tướng nên phải dừng lại. Tạm biệt người cựu chiến binh già, Thủ tướng Hun Sen cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bước vào Hội trường trong tiếng vỗ tay như sấm dậy. Cơn mưa bất chợt khi chiều đã làm cho trời đất Bình Dương mát mẻ trở lại, nhưng nó không thể làm dịu được không khí nóng hổi của cuộc hội ngộ giữa những người anh em thân thiết. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự vui mừng của Chính phủ và nhân nhân Việt Nam được đón Thủ tướng Hun Sen cùng Đoàn đại biểu của Vương quốc Campuchia sang thăm Việt Nam đúng vào một ngày lịch sử. Ông đánh giá cao những thành quả cách mạng của nhân dân Campuchia giành được trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng đất nước ngày nay. Thủ tướng khẳng định tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Campuchia mãi mãi là biểu tượng sáng ngời về mối quan hệ thủy chung, trong sáng. Vận mệnh của hai dân tộc là không thể tách rời nhau, đó là một chân lí từ thực tiễn lịch sử của hai nước. Việt Nam mãi mãi là người bạn láng giềng thủy chung, trước sau như một với đất nước và nhân dân Campuchia.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trích câu thơ ngọt bùi nhớ lúc đắng cay trong bài thơ Ba mươi năm đời ta có Đảng của nhà thơ Tố Hữu để nói về ý nghĩa của sự kiện này và cho rằng hôm nay là dịp để cùng nhớ lại lịch sử quan hệ đoàn kết, kề vai sát cánh bên nhau giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam - Campuchia, lúc khó khăn, hoạn nạn cũng như trong hòa bình, phồn vinh, hạnh phúc.

Mở đầu bài phát biểu của mình, Thủ tướng Hun Sen nói:

- Hôm nay tôi sẽ nói bằng tiếng Việt với các bạn Việt Nam. Những kẻ thù địch khi nghe tôi nói bằng tiếng của các bạn, chúng bảo tôi là bù nhìn của Việt Nam...

 Ông hơi ngập ngừng nhìn xuống dưới hội trường như muốn thẩm định lại từ bù nhìn mà trong khi nói, có lẽ ông còn hơi nghi ngờ về cách diễn đạt của mình. Quả thật, ông nhớ không nhầm. Kẻ thù địch không dưới một lần bảo ông là “con rối”, là “tay sai” của Việt Nam. Trước những cáo buộc đó, ông đã thẳng thừng bác bỏ và đập lại với những lập luận đanh thép. Trong bài nói chuyện của mình, một lần nữa cho thấy ông là người rất kĩ lưỡng trong dùng từ ngữ, việc này còn là thái độ tôn trọng nước chủ nhà của ông. Thủ tướng Hun Sen cũng không ngần ngại nói ra sự công kích, bôi nhọ của kẻ thù đối với mình. Tính cách thẳng thắn, rõ ràng của ông đã tạo ra sức cuốn hút mạnh mẽ người nghe. Bỗng giọng ông nghiêm lại:

- Một số nước coi mình là bố của dân chủ, mẹ của nhân quyền nhưng mà bắt người ta trói và đưa vào tù, nhưng đối với Việt Nam đối xử với chúng tôi không phải như tù binh hoặc là người vi phạm, phạm tội.

Ông kể, trên một số diễn đàn khi ông nói bằng tiếng Anh, tiếng Pháp nhưng không thấy bọn thù địch nào bảo ông là tay sai cho ai cả. Còn tại sao ông nói tiếng Việt thì lại bảo ông là tay sai? Quan điểm của ông về ngôn ngữ còn bộc lộ rất rõ khi nói chuyện với sinh viên, thanh niên Campuchia ngay cuối buổi gặp mặt tối 21 tháng 6 năm 2017. Với tình cảm thân thiện, ông đã xưng chú với các bạn trẻ và khen các cháu nói tiếng Việt tốt hơn ông. Ông tự nhận mình phát âm tiếng Việt không có dấu sắc. Ông đã nhắc nhở các bạn sinh viên, thanh niên Campuchia: “... Các cháu đừng sợ nói tiếng Việt người ta cho là bù nhìn của Việt Nam, nói tiếng Thái Lan người ta cho là bù nhìn của Thái Lan”.

Bài nói chuyện với sinh viên, thanh niên Campuchia đang học tập, làm việc ở Việt Nam đã kết thúc chương trình làm việc ngày 21 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Hun Sen. Tính từ khi rời khỏi Thủ đô Phnom Penh đến lúc này, ông đã có buổi làm việc kéo dài liên tục gần mười sáu giờ đồng hồ. Trong đó, các buổi nói chuyện đều vượt thời gian so với kịch bản và ông đã cùng với Đoàn phải di chuyển liên tục trên quãng đường khá dài bằng nhiều phương tiện khác nhau. Nhưng lạ thay, vị Thủ tướng xấp xỉ thất tuần không hề có dấu hiệu mệt mỏi. Trong buổi chiêu đãi muộn đêm ấy, ông vẫn tươi cười, sảng khoái khi trò chuyện với chủ nhà và quan khách. Có lẽ ước mong dồn nén trong suốt bốn mươi năm đã được toại nguyện và không khí nồng ấm, thân thiện trong tất cả các buổi gặp gỡ ở các địa danh lịch sử đã truyền cho ông thứ năng lượng đặc biệt - năng lượng của niềm tin và tình hữu nghị, để ông tái hiện trọn vẹn chuyến đi tìm đường giải phóng dân tộc năm ấy bằng chuyến trở lại Việt Nam lần này được chính ông và đồng đội gọi bằng cái tên đầy ý nghĩa: “Về nguồn”.
 
Hà Nội - Phnom Penh, tháng 6 năm 2017
N.P.D

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)