Vợ vắng nhà

Thứ Hai, 25/12/2017 00:50
 Truyện ngắn. HỒ HUY SƠN
 
Chưa đi chưa biết Hòn Câu
Đi rồi mới biết tiền trâu chẳng còn
Đêm, gã trằn trọc mãi không ngủ được, hết xoay bên này lại lật bên kia. Cơn buồn ngủ chờm xuống lúc tối giờ đã bỏ đi đâu xa lắc, gọi mãi không quay lại. Lòng dạ rối bời như cũ. Nản quá gã nhìn chong chong lên đỉnh màn thở dài, thấy mình vô dụng quá. Sáng mai thôi là vợ gã sẽ về đến nhà. Gã chưa biết phải ăn nói thế nào khi chạm mặt vợ...
*
*   *
Gã nhớ mùng hai Tết năm rồi vợ chồng gã dẫn nhau đi chúc Tết hàng xóm. Vừa bước chân vào nhà lão Hòa, không những vợ gã mà ngay cả gã cũng phải trầm trồ trước cơ ngơi nhà người ta. Đập vào mắt vợ chồng gã là ngôi nhà mái Thái bề thế, bên ngoài được sơn màu xanh da trời dịu mắt. Bên trong nền nhà được lát gạch hoa sạch bong. Gã cúi xuống, định tháo giày thì lão Hòa liền xua tay bảo cứ đi cả giày vào cho ấm chân. Không còn cách nào khác, gã đành làm theo dù trong lòng hơi ngại. Gã và vợ ngồi một bên, bên kia lão Hòa đang pha trà. Đợi trà chín, lão Hòa rót nước, hỏi:

- Chú với o uống trà đi. Răng, năm rồi có mần ăn được chi không?

Gã nhìn vợ rồi quay sang lão Hòa, cười một cách ngượng ngùng:

- Mần chi mô bác hè! Bác cũng chộ rồi đó, vợ chồng em chỉ trông vô dăm ba sào ruộng, em lúc mô tổ xây kêu mới có thêm việc làm. Xóm mình, nhà bác là nhứt chớ chi nựa!

Lão Hòa cười phá lên, nhấp ngụm trà rồi thủng thẳng:

- Chú cứ nói rứa, nhứt chi mà nhứt! Mà tui nói nầy, nhà o chú cũng thử mần một chuyến vô Nam coi răng. Ừ, cái nghề ve chai trông lên nỏ bằng ai nhưng trông xuống cũng được. O chú còn trẻ khỏe cũng nên tranh thủ kiếm chút vốn liếng, đặng sau ni lo cho mấy đứa học hành. Được cấy, mấy đứa nhà tui cũng lớn rồi, có thể bảo ban, chăm sóc nhau nên hai vợ chồng mới vô trong nớ được. Nhà o chú hai đứa còn nhỏ, cắt cử một người ở nhà còn một người đi. Mà nói thật với o chú, dân trong nớ dại lắm! Họ suốt ngày ăn nhậu, chai lon vứt bầy bừa, có khi vừa nghe mình rao “ai có nhôm đồng, sắt nhựa bán không”, là người ta ngoắc vô cho luôn. Thật! Chịu khó tí!

Ba từ cuối lão Hòa vừa nói vừa háy mắt. Gã nghe xong thì mặt nóng bừng. Lâu nay vợ chồng gã vẫn sống đàng hoàng, có sao đâu. Vậy mà giờ có người phải cất đặt giúp! Gã chưa biết đáp trả thế nào, trong khi vợ gã tỏ ra hớn hở với thông tin mà lão Hòa vừa “rót” ra, thì gã nhủ thầm trong bụng, tiền chớ có phải lá mít mô mà dễ dàng như rứa! Không dưng gã cảm thấy khó chịu trước thái độ của lão Hòa. Vài năm trước, cái nhà của lão cũng tồi tàn, xiêu vẹo chứ hơn gì ai. Vậy mà giờ đã ra vẻ là kẻ lắm tiền nhiều của. Cái thái độ ấy thật không chấp nhận được. Nhưng gã cũng chẳng biết phải phản ứng thế nào, nhất là bên cạnh khuôn mặt vợ gã đang hớn hở ra mặt. Vậy nên gã đành im lặng. Kể từ lúc đó gã thấy trà nhạt thếch dù chỉ sang đến nước thứ hai.
 
Đêm đó, trước khi đi ngủ, vợ nói với gã sẽ đi miền Nam một chuyến. Gã vội can:

- Thôi thôi. Sung sướng chi cái kiếp tha phương. Mẹ mi cứ ở nhà, no đói có nhau.

- C...ó... n...h...a...u! - Vợ gã kéo dài giọng. - Cứ có nhau đi rồi khi mô mới ngóc mặt lên được. Đó, nhìn xung quanh coi. Người ta cũng mình trần mắt thịt như mình, mình cũng làm bạc mặt có thua chi ai mà giừ người ta nhà cao cửa rộng. Người ta nói mạnh vì gạo bạo vì tiền nỏ sai đi mô hết. Anh nhìn vợ chồng lão Hòa tề. Vài năm trước có dám mạnh mồm mạnh miệng rứa không?

Gã tiếp tục phản đối:

- Mẹ mi cứ nói rứa! Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, so sánh răng được.   

Vợ gã vẫn không chịu buông:

- Cảnh kiếc chi! Quan trọng là ở mình cả thôi. Cái nhà mình xập xệ quá rồi, không mơ nhà mái bằng mái Thái cũng phải kiếm tiền về mà sửa sang lại.

Chẳng phải gã không thấy nhà xập xệ, nhưng vợ chồng gã quanh năm quẩn quanh với năm ba sào ruộng, thỉnh thoảng gã mới đi phụ hồ thì lấy đâu ra tiền để sửa sang, chứ đừng nói đến chuyện xây nhà mới. Được bao nhiêu “lủm” vào cho ăn uống, tiền thuế sử dụng đất rồi tiền học của hai đứa. Kiếm đến đâu “gọn” đến đó thì mơ tưởng gì chuyện nhà cửa. Căn nhà này do đời ông bà để lại cho cha mẹ gã, lúc cha mẹ gã tạ thế thì để lại cho vợ chồng gã. Gã cũng muốn một căn nhà đàng hoàng nhưng đào đâu ra tiền. Để có tiền mà vợ chồng con cái phải xa nhau gã cũng không đành lòng. Hơn nữa, người phải đi lại là vợ gã. Làm thằng đàn ông mà phải để vợ mình lăn lộn ở xứ người, thực tình gã cũng vừa khó ở vừa cảm thấy có chút hèn hạ. Nhưng vợ gã lại không nghĩ vậy. Gã tiếp tục băn khoăn yếu ớt về hai đứa con, ruộng đồng, trâu bò. Vợ nói tính rồi, gã ở nhà lo cho hai đứa nhỏ, đến mùa làm không xuể thì thuê người làm. Còn trâu thì chịu khó chăm khi nào được giá thì bán. Tiền bán trâu với tiền vợ gã đi làm đủ để sửa sang lại nhà.

Vợ gã còn nói nhiều nữa. Toàn những điều có lí, khiến gã không còn biết phải đôi co thế nào. Vợ gã lâu nay vẫn được tiếng khéo cất đặt, mà một khi vợ đã quyết tâm như vậy, gã biết mình có nói thêm cũng bằng thừa. Thêm nữa, sự hứa hẹn của miền đất hứa không mơ hồ mà có hình hài rõ ràng. Nào nhà cửa, ti vi, tủ lạnh, xe tay ga...

Cuối cùng gã gắt:

- Tùy mẹ mi!
*
*    *
Ăn Tết xong, không đợi đến ngày giỗ họ, vợ gã theo vợ chồng lão Hòa vào Nam. Buổi tối hôm vợ đi, gã cùng hai con ra tận chợ để tiễn. Hôm đó là tối mùng sáu, Tết đã hết nhưng không khí xuân vẫn còn. Nhiều nhà lúc đó hoa đào mới đồng loạt nở bung, đèn quả nhót được quấn xung quanh các cành đào, chớp sáng đủ màu. Đó cũng là lần đầu tiên gã biết đến mùi vị của sự chia li. Lúc xe chưa đến, gã và mọi người tranh thủ bông đùa với nhau. Có người hỏi gã, ơ, rứa vợ đi rồi thằng nhỏ ở nhà ai chăm? Lại có người cảnh báo, ông cẩn thận, khéo mà chuyến ni mất vợ như chơi. Sau mỗi câu bông đùa kia là hàng loạt tiếng cười vang lên. Gã cũng tỏ ra không phải dạng vừa, bảo, để coi thiên hạ có ai hơn được tui không. Nếu hơn, tui biếu không đó! Gã mạnh mồm mạnh miệng là vậy, nhưng khi xe đến, tự dưng sững người lại. Lâu nay vốn quen với cảnh vợ chồng con cái, bốn con người ra vào có nhau; vậy mà sau buổi tối này, nhà chỉ còn ba người! Vợ gã đi, dự tính cũng phải đến cuối năm mới về. Từ giờ đến cuối năm, không biết ba bố con gã sống thế nào. Con chị mới mười tuổi đầu, còn thằng em cũng vừa lên bảy. Gã thì bữa say bữa tỉnh. Kể ra, vào hoàn cảnh đó, có bàn tay đàn bà vẫn hơn.
 
vo vang nha
Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Nghĩ đến vợ, gã thấy sống mũi ngùi ngùi. Vì thương. Bởi gã biết, đi xa là chấp nhận kiếp tha phương cầu thực. Thân đàn bà chân yếu tay mềm, nhỡ có chuyện gì hay lúc ốm đau, ai lo? Xưa tới giờ, cả gã rồi vợ đã biết mảnh đất miền Nam tròn méo thế nào. Chỉ biết là xa lăng lắc, đến hơn nghìn cây số.

 Xe từ từ chuyển bánh, gã cảm thấy sống mũi cay xè. Gã có bao giờ ủy mị vậy đâu? Đã thế, thằng con ngay lúc chiếc xe vừa rời đi thì òa lên khóc. Trong lúc gã đang luống cuống, chưa biết phải dỗ dành con thế nào thì con chị liền ôm em, làm thay phần việc đó cho gã.
- Bin hay hè, mẹ đi rồi cuối năm mẹ về, có chi phải khóc. Con trai con nôi mà khóc nhè, xấu hổ chết đi được!

Gã nhìn con chị nghĩ, té ra ở nhà này đàn bà con gái quyết đoán hơn đàn ông. Đêm đầu tiên vợ vắng nhà, không những hai đứa con mà gã cũng cảm thấy khó ngủ. Nhìn đâu cũng thấy trống trải, văng vắng. Chiếc giường đôi rộng thênh. Lâu lâu, vài cơn gió xuân len lỏi vào buồng lành lạnh. Đêm ngủ, hai tay vòng lên bụng tưng tức, cồn cào. Bất giác, gã nhìn sang, thấy chiếc gối vốn là của vợ trước kia, như ma xui quỷ khiến gã ôm thít lấy nó hít hà, trằn trọc...

Gã từng uống rượu, từ ngày vợ vào Nam lại càng uống tợn. Ấy thế mà đột nhiên gã bỏ. Số là buổi chiều ấy gã đi làm về sớm. Con chị đi học chưa về, thằng em chơi loanh quanh đâu đó trong xóm. Bình thường, tan học là con chị lo cơm nước. Trong đầu gã lóe lên suy nghĩ phải làm gì đó để đỡ đần cho con. Ngay lập tức, gã vào bếp lấy nồi, định bụng sẽ nấu cơm để khi hai đứa về đến nhà vừa kịp có cơm ăn. Cầm nồi đến lu, lóng ngóng. Phải lấy bao nhiêu gạo mới đủ cho ba bố con? Chỉ câu hỏi đơn giản vậy cũng khiến đầu óc gã quay cuồng. Gã thấy mình tệ. Thực là quá tệ. Trong nhà này mình đã đóng góp được gì? Nếu không có vợ, không có con, mình sẽ sống chết ra sao? Gã nhận ra mình chỉ là thằng thợ xây quèn, vậy mà lâu nay lại ưa được phục dịch như ông vương ông tướng.

Mải nghĩ, gã không biết con chị đã đi học về từ lúc nào. Thấy bố đứng bên lu đựng gạo, nó ngạc nhiên: - Bố mần chi đó? Gã trở nên lúng túng: À, bố đang tính lấy gạo nấu cơm. Nấu mấy bát con hè?. Con bé bảo: - Lúc mẹ ở nhà, con thường đong hai bát. Giờ thì chỉ một bát rưỡi thôi bố nạ. Mà bố lấy gạo xong để đó, con chạy lên nhà thay quần áo rồi xuống nấu. Con bé tính chạy lên, chừng như nhớ ra điều gì bèn quay lại: - À, bố. Cạnh lu gạo có một cái hũ nhỏ, bố vốc một nắm gạo trong nồi cho vô cái hũ nhỏ kia nha bố!. Gã lấy làm ngạc nhiên: - Chi rứa con?. Con bé hồn nhiên trả lời: - Để khi mô trong nhà hết gạo, mình vẫn còn gạo trong cái hũ nhỏ đó!. Thì ra là hũ gạo tiết kiệm! - Ai bày cho con làm rứa?, gã hỏi. Con bé cười lỏn lẻn: - Con tự nghĩ ra. Gã cười, hai mắt rưng rưng.  

Từ hôm đó, xong việc gã không tụ tập rượu chè với cánh thợ mà về ngay với hai con. Gã thương con còn nhỏ, lại sớm xa mẹ nên cũng muốn bù đắp. Hai đứa nhỏ cũng ý thức được hoàn cảnh của nhà. Thằng em thì không nói, nhưng con chị bỗng bản lĩnh lên trông thấy. Một buổi đi học, một buổi dắt trâu ra đồng. Xong cơm nước, tắm rửa cho em. Con bé mới hơn mười tuổi chứ mấy, vậy mà giờ đảm đang không khác gì các mẹ các o ở làng. - Mi rồi cũng khổ thôi con ạ! - Gã chép miệng thương cảm, nung nấu ý định bán càng nhanh càng tốt con trâu nuôi hơn ba năm qua. Con trâu thuở xưa là đầu cơ nghiệp, nhưng giờ việc cày kéo hay gặt đã có máy móc thay thế. Ruộng vườn cũng chẳng có bao nhiêu nên việc nuôi trâu trong nhà trở nên không cần thiết, con lại phải mất công chăm.
*
*    *
Nhằm ngày chợ phiên, gã dong trâu lên chợ huyện dù sắp sửa bước vào vụ gặt mùa mười. Gã tính rồi, vài ba sào ruộng sẽ thuê máy, còn trâu bán lúc này mới được giá. Con trâu được dắt ra khỏi chuồng từ lúc sáng tinh mơ, như linh cảm thấy điều chẳng lành bước đi ì ạch khiến gã chốc chốc phải lấy roi quất vào mông vun vút.

Đến chợ, gã dắt trâu vào khu vực bán trâu bò. Chú trâu đen bóng, khỏe mạnh là kết quả của ba năm cả nhà xúm vào chăm bẵm, chẳng mấy chốc lọt vào mắt xanh của mấy tay thương lái, chuyên săn trâu bò cho các lò mổ. Sau một hồi kì kèo lên xuống, cuối cùng gã đồng ý bán cho cặp vợ chồng đang cần trâu về làm đồng với giá ba chục triệu. Dù gì, gắn bó với nó hơn ba năm, vì công việc phải bán nhưng gã không đành lòng bán cho mấy lò giết mổ. Nên khi thấy đôi vợ chồng mua về nuôi, gã thở phào như vừa trút đi một gánh nặng. 

Lấy ra một ít tiền, còn lại gã cất vào túi quần, dùng chiếc kim băng cẩn thận cài lại, sau đó gã hí hửng đi vào khu vực bán quần áo. Cũng sắp sửa bước vào năm học mới, gã muốn mua cho hai đứa con bộ quần áo tươm tất cho bằng bạn bằng bè.

Ngày phiên, chợ đông nghìn nghịt. Khó khăn lắm gã mới chen vào được hàng quần áo, rồi cũng khó khăn như vậy để chen ra. Ra đến cổng chợ, trông thấy o Thắm hàng xóm đang đi vào. Khoảng cách quá gần khiến gã không thể lánh đi đâu được. Không còn cách nào khác đành lên tiếng:

- Kìa, o Thắm. O đi mua chi rứa?

Thắm nhìn gã, vẻ mừng rỡ:

- Uơ, anh Vệ cũng đi chợ răng? Đã mua chi mô. Em cũng vừa lên đây thôi. Em lên kiếm ít liềm sắc sắc chuẩn bị cho vụ gặt tới anh nạ! Anh mua được chi rồi?

Gã giơ lên túi nilong màu đen, hai quai đã được thắt chặt.

- Bữa ni tui đưa trâu lên bán. Tiện thể mua cho hai đứa bộ quần áo cho hắn đi học. Rứa thôi, rứa o đi chợ đi. Sắp trưa rồi. Tui về trước đây!

Gã chào Thắm rồi cắm cúi bước đi. Được một đoạn quay lại nhìn trộm, tấm lưng con gái nõn nà hút chặt đôi mắt. Thắm đã ngoài hai mươi, chưa chồng, đang sống cùng cha mẹ già. Nhớ lại buổi trưa tuần trước khi ra giếng rửa chân, qua hàng dâm bụt, gã tình cờ trông thấy Thắm đang tắm. Giếng nằm khuất sau hông nhà, Thắm thản nhiên lột hết áo quần, chỉ giữ lại chiếc quần bé tí như lá nho, đang đậu hững hờ trên một nhành cây nhỏ. Thắm múc một gàu nước rồi chậm rãi xối lên người. Những giọt nước kịp ve vãn trên thân thể ngọc ngà trước khi trôi xuống đất. Thắm dùng tay kì cọ khắp cơ thể. Gã dán chặt hai mắt vào bàn tay ấy, bàn tay đang nhẹ nhàng di chuyển từ bả vai đến hai bầu ngực, thầm ước bàn tay ấy là của mình! Gã ngây người, như không tin vào mắt mình. Mọi thứ đập vào mắt như trêu ngươi. Cứ tưởng, bản năng giống đực trong gã đã ngủ yên từ khi vợ vắng nhà. Nhưng lúc ấy, gã nhìn xuống rồi nhận ra thứ trong chiếc quần cộc đã dựng đứng từ bao giờ...

Nghĩ đến buổi trưa hôm ấy gã thấy trong lòng rộn rạo, khoảng đùi bên dưới nóng hổi. Như ma xui quỷ khiến, nhìn đồng hồ thấy vẫn còn sớm, gã liền đi Hòn Câu. Cả huyện không ai là không biết nơi ấy. Gã nghe Hòn Câu nhiều lần, hôm nay cũng muốn đến thử cho biết. Gã đi hú họa như vậy, may mà cũng gặp một em trạc tuổi và bắt mắt như Thắm. Vừa đóng cửa phòng, gã liền đổ ập lên người cô gái, hùng hục như thể nỗi nhớ vợ bị dồn nén bao lâu, nay mới có dịp bung phá. Được một lúc, gã nằm lăn xuống giường, không định ngủ mà hai mắt díp lại. Lúc tỉnh dậy thì thấy phòng trống trơn.

Gã đứng dậy cầm chiếc quần dài lên. Nhẹ bẫng. Hoảng hồn, gã lục lọi túi quần nhưng cọc tiền trong đó đã biến mất. Chiếc kim băng cũng không còn. Gã vội vã lao ra khỏi phòng, hỏi thăm cô em lúc nãy nhưng không một ai nhìn thấy ả. Ả biến mất cùng cọc tiền gần ba chục triệu! Dù tiếc đứt ruột nhưng gã cũng không dám làm ầm ĩ, đành lủi thủi đi về.

Chuyện gã đi Hòn Câu mất toi gần ba chục triệu không hiểu sao lại lan về làng. Một đồn mười, mười đồn trăm. Cho đến khi hai câu thơ giễu ra đời. Chưa đi chưa biết Hòn Câu. Đi rồi mới biết tiền trâu chẳng còn. Đám người đang tụ năm tụ ba nói chuyện, thấy gã đi qua thì đọc váng lên. Thêm cả mấy đứa con nít, thấy gã ở đằng xa liền lanh lảnh đọc rồi ú té chạy. Rồi thằng con trai gã, nghe ai đọc ở đâu về cứ ra rả như ve sầu mùa hè. Chưa đi chưa biết... Không nghĩ đến thì thôi, hễ nghĩ đến hai câu thơ kia lại khiến đầu óc gã lùng bùng. “Tiền trâu”. Ruột gan cồn cào. Với số tiền này, gã nghiễm nhiên có thể sửa sang lại ngôi nhà cho nó đàng hoàng. Chẳng dám mơ đến nhà mái Thái mái bằng, nhưng một ngôi nhà vững chãi tránh mưa tránh nắng cho bốn con người là hoàn toàn có thể. Nhưng giờ số tiền đó không còn nữa.

Gã co chân trên ghế, tay vòng lên đầu gối nhìn ra ngoài trời. Khuôn mặt lặng thinh vì tiếc của. Mấy hôm nay, gã toàn ngồi như vậy. Bên ngoài, nắng vẫn chói chang dù đang là thời điểm lập thu. Cái bực bội trong người gã như càng được nung lên, rồi lan ra khắp người, đâu đâu cũng bừng bừng. Tệ hơn, chuyện còn vượt quãng đường hơn nghìn kilômét vào Nam. Vợ gã lật đật tìm về.
*
*    *
Sau hai ngày một đêm trên xe vợ gã lù lù xuất hiện giữa sân. Không kịp cất đồ đoàn hành lí, nhác thấy gã ngồi trong nhà, vợ gã liền lu loa:

- Ôi ông Vệ ơi là ông Vệ ơi. Ông nói đi coi mồ, ông ném ba chục triệu của tui mô rồi?

Gã tần ngần nhìn vợ, chưa biết phải mở lời như thế nào. Gã hiểu phản ứng của vợ. Đừng nói vợ mà ngay cả gã cũng đang ngẩn ngơ với số tiền đó. Ba chục triệu chứ đâu phải ít!

Bất giác, gã nhìn qua hàng dâm bụt. Lúc đó, trong đầu gã có nghĩ đến Thắm, nhưng nếu đổ tội cho Thắm thì vô lí quá. Gã nhanh chóng xua đuổi ý nghĩ đó ra khỏi đầu. Sau cùng gã cũng tìm ra lí do để trả lời vợ:

- Đã nhủ ở nhà rồi nỏ nghe, còn nằng nặc đòi đi Nam…

Vợ sững người khi nghe gã nói vậy. Sau mấy giây ngơ ngác, vợ gã bắt đầu òa lên khóc:

- Uớ làng nước ơi. Là tại tui. Tại tui mọi bề…
 
H.H.S
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)