Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 933 + 934

Thứ Hai, 13/01/2020 07:00

 Mùa xuân, người chiến sĩ nơi hải đảo tiền tiêu căng mắt sóng. Mùa xuân, người chiến sĩ nơi biên giới vững đôi vai chồi lộc xanh mầm. Ở nơi xa tận Nam Sudan nửa vòng trái đất, đôi bàn tay, trái tim nồng ấm của người lính Cụ Hồ đã góp phần gìn giữ hòa bình, chăm chút mạch nguồn khát vọng nhân văn. Mọi sắc lính, mọi chủng quân thảy đều hướng về, góp phần dựng xây mùa xuân bền vững. Trong không khí ấy, Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện thân mật, ấm áp đầu xuân với Thiếu tướng Cao Minh Tiến - Chính ủy Học viện Kỹ thuật Quân sự.

Bài đối thoại Mùa xuân, tri thức và niềm tin sẽ mở đầu Tạp chí VNQĐ số Xuân Canh Tý 2020.

VNQĐ số này còn có bài trò chuyện giữa nhà văn Nguyễn Xuân Thủy và khách mời là đạo diễn, NSƯT Đỗ Thanh Hải có nhan đề Sản phẩm của người lãnh đạo là các quyết định. Nhận vị trí điều hành Trung tâm sản xuất phim truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) từ khi mới 35 tuổi, hơn 10 năm qua đạo diễn Đỗ Thanh Hải đã chèo lái, đưa ngôi nhà VFC trở thành một trung tâm sản xuất chương trình tầm cỡ với những phát triển đúng hướng, góp phần củng cố và giữ vững vị thế của Đài Truyền hình quốc gia. Trong thời đại báo hình bị cạnh tranh gay gắt bởi mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác, các chương trình do VFC sản xuất vẫn giữ chân được khán giả bởi sự đổi mới không ngừng để theo kịp nhu cầu của công chúng cả nước. Những ngày cuối năm bận rộn, khi cái tết đang cận kề, bứt ra khỏi vòng quay bất tận của công việc, Giám đốc VFC đã dành cho VNQĐ một cuộc trò chuyện như một sự “nhìn lại” chặng đường anh cùng VFC đã đi, những việc anh cùng VFC đã làm để có được một diện mạo như hôm nay.

Với quãng thời gian 2 năm, Cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới đã tạo nên một luồng không khí sinh hoạt văn chương hấp dẫn độc giả cả trong và ngoài quân đội, cả trong nước và nước ngoài. Thành công của Cuộc thi không chỉ đã thu hút được hầu hết các tác giả truyện ngắn Việt Nam tiêu biểu, sung sức, mà còn giới thiệu được một lớp tác giả mới đầy triển vọng cho nền văn học nước nhà, trong đó có những tác giả tác phẩm xuất sắc tạo được ấn tượng mạnh đối với các thành viên Ban Chung khảo. Tiêu biểu là các tác phẩm Nhà Thánh của Vũ Thanh Lịch; Bông điên điển hồng, Người trở về của Bảo Thương; Người về Tranh Sơn của Phạm Thu Hà; Bóng rồng, Mạc trà của Triều La Vỹ; Tiếng rền của đá của Trần Tú Ngọc; Từ bờ bên kia, Quẩn mãi bóng người của Lê Vũ Trường Giang...

Trong số này, VNQĐ sẽ giới thiệu lại một số tác phẩm đoạt giải thưởng: Nhà Thánh của Vũ Thanh Lịch (Giải Nhất); Người trở về của Bảo Thương (Giải Nhì); Người về Tranh Sơn của Phạm Thu Hà (Giải Nhì).

Đi về vùng thảo nguyên là truyện ngắn mang đậm dấu ấn, phong cách nghệ thuật của nhà văn Phạm Duy Nghĩa. Nhà văn đã làm cuộc “trở về” trong tâm thức, trở về với không gian miền núi. Ở đó không chỉ có đời sống của cộng đồng các dân tộc, mà những câu chuyện tình yêu, bản năng, gia đình, văn hóa, tâm linh, bản sắc cũng được nhà văn khắc họa rõ nét. Chạy trốn và kiếm tìm dường như là điều mà nhà văn trăn trở, day dứt trong tình yêu cũng như trong đời sống giữa hai không gian đô thị và miền núi mà anh mang nhiều duyên nợ.

“...Ở chốt tiền tiêu này, đất dù có mặn cây cối vẫn rút ruột mà xanh. Con người cũng bấm chân trên đất mặn mà nghênh phong đón vũ. Đất đảo mặn mòi đã thẩm thấu, hun đúc cho họ một sự bình thản, như một thái độ sống, như một tâm thế tự nhiên với quê hương đất nước mà khi hỏi họ chỉ cười mộc mạc chẳng hề chạm đến một mĩ từ nào...”. Đó là những cảm nhận sâu lắng của tác giả Dương Tử Thành trong bút kí Đảo Trần - chốt tiền tiêu mặn từng thớ đất.

Phần Văn xuôi số này còn có tản văn Chợ hoa tết Hà Nội cũ của Trung Sỹ; kí ức lính Đón giao thừa trên cao điểm Văng Mu của Trần Khôi.

Không khí mùa xuân đất nước rạo rực trên từng trang của Phần Thơ VNQĐ số Xuân Canh Tý 2020, với sự xuất hiện ấn tượng của các nhà thơ đã quen thuộc với độc giả như: Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương, Pờ Sảo Mìn, Vương Trọng, Lê Huy Quang, Anh Ngọc, Nguyễn Hữu Qúy, Lê Thành Nghị, Nguyễn Đức Mậu, Trần Anh Thái, Mai Văn Phấn, Trần Quang Qúy, Hồng Thanh Quang, Nguyễn Việt Chiến, Lê Huy Mậu, Nguyễn Quang Hưng, P.N.Thường Đoan, Nguyễn Thúy Quỳnh, Lê Thanh My, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, Đinh Thị Như Thúy, Vi Thùy Linh, Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Lê Anh Hoài, Nguyễn Minh Cường, Hồ Minh Tâm, Trần Võ Thành Văn... Trong không khí chung của mùa xuân, ta bắt gặp những cảm xúc rất riêng của mỗi người viết. Thơ xuân mang đến hơi thở của đời sống hôm nay, gợi nhắc những kí ức đẹp đã qua hay dự cảm về một tương lai sẽ đến. Bên cạnh đề tài xuân tết, các tác giả cũng gửi gắm đến bạn đọc những câu chuyện, những cảm nhận đa dạng về đất nước, con người, tình yêu và những gì ẩn tàng trong cuộc sống.

Thơ trong những tập thơ là bài viết Nâng niu từng giọt sống của nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa giới thiệu thi tập Phút rành rang sống chậm của nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn. Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa cho rằng: "Định nghĩa về thơ, về nhà thơ, quan niệm về yếu tính của thơ thì có rất nhiều. Một trong những mẫu số chung đó là: thơ là tự sự của tâm hồn, nhà thơ là chủ thể duy cảm duy mĩ, yếu tính của thơ là cảm xúc cảm giác sống. Trường hợp Nguyễn Trọng Hoàn và thi tập Phút rành rang sống chậm nghiêng về mẫu số chung nói trên. (...) Rành rang sống chậm là cách người thơ tự mình cách biệt với những ráo rỗng xổi nông. Sống chậm để sống sâu, để tự phát quang mà trình hiện".

Mục VNQĐ giới thiệu là chân dung tác giả Nguyễn Quang Việt với chùm thơ nhiều ấn tượng của anh.

Văn học nước ngoài giới thiệu truyện ngắn Một chuyện có thật của nữ nhà văn người Ba Lan Olga Tokarczuk do dịch giả Ngân Xuyên dịch từ bản tiếng Nga, theo bản dịch từ tiếng Ba Lan của Irina Evgenevna Adelgeim.

Phần Bình luận văn nghệ với sự góp mặt của các tác giả: Hoài Nam, Lê Thị Hường, Ý Thiếp, Ngô Vĩnh Bình, Kiều Bích Hậu, Đỗ Anh Vũ, Thu Sang, Nguyễn Văn Hùng. Bước sang năm Canh Tý - năm Chuột, câu chuyện về chuột, hình tượng chuột trong hội họa và trong văn học sẽ được các tác giả đề cập, luận giải một cách lí thú qua các bài viết. Bên cạnh đó, các tác phẩm được đông đảo bạn đọc quan tâm, các vấn đề của đời sống hôm nay, chân dung nhân vật qua cái nhìn của văn nghệ sĩ... cũng được phản ánh một cách sinh động và thuyết phục...

Tạp chí VNQĐ số 933 + 934 dày 200 trang, dự kiến phát hành ngày 15/1/2020. Thân mời các bạn đón đọc!

 

Văn

P.V Chính ủy Cao Minh Tiến: Mùa xuân, tri thức và niềm tin 3. Dương Tử Thành Đảo Trần - chốt tiền tiêu mặn từng thớ đất 12. VNQĐ Cuộc thi khép lại con đường mở ra 39. Vũ Thanh Lịch Nhà Thánh 44. Bảo Thương Người trở về 56. Phạm Thu Hà Người về Tranh Sơn 65. Phạm Duy Nghĩa Đi về vùng thảo nguyên 113. Nguyễn Xuân Thủy Đạo diễn, NSƯT Đỗ Thanh Hải: Sản phẩm của người lãnh đạo là các quyết định 132. Trần Khôi Đón giao thừa trên cao điểm Văng Mu 142. Trung Sỹ Chợ hoa tết Hà Nội cũ 159.

 

Thơ

Hữu Thỉnh Qua sông Hằng 25. Vũ Quần Phương Nét xuân 25. Pờ Sảo Mìn Mùa hoa nở những con đường 26. Anh Ngọc Chử Đồng Tử 27. Nguyễn Đức Mậu Đêm Khâu Vai 28. Vương Trọng Gửi người đi ngắm tuyết 29. Lê Thành Nghị Sẽ đến mùa thu 30. Quang Phương Chứng kiến 31. Mai Văn Phấn Chậm 32. Trần Anh Thái Đồng Châu 33. Nguyễn Hữu Quý Mưa Trường Sa đón khách 34. Trần Quang Quý Gọi vía 35. Cao Xuân Thái Dáng núi biên thùy 36. Lê Huy Quang Nhớ An Dương 37. Lê Mạnh Tuấn Con thuyền xanh 38. Hồng Thanh Quang Người đàn bà không bao giờ cũ 81. Nguyễn Việt Chiến Em ngồi gỡ ánh trăng xưa 82. Lê Huy Mậu Trăng lạnh 83. Mai Liễu Chậm nguồn sông Miện 84. Võ Sa Hà Rễ gió 85. Lê Thiếu Nhơn Nắng ngược 86. Hoàng Đăng Khoa Nâng niu từng giọt sống (đọc Phút rành rang sống chậm của Nguyễn Trọng Hoàn) 87. Trần Đăng Huấn Với người bạn cũ 103. Lê Anh Hoài Xuân đã luồn trong áo 104. Ngô Kim Đỉnh Chuyển mùa 104. Hồ Minh Tâm Lời muộn cùng thu 105. Hồ Huy Sơn Câu chuyện nhỏ của tôi 106. Nguyễn Minh Cường Trầm ngâm xuân 108. Nguyễn Quang Hưng Như phố Hàng Gai 109. Chung Tiến Lực Khèn núi 110. Nguyễn Thanh Kim Nắng xuân 111. Nguyễn Thị Thúy Hạnh Những bản dịch 111. Đặng Vương Hưng Thiếu thừa 112. P.N.Thường Đoan Chiều trên đồi cát Hòn Rơm 148. Nguyễn Thúy Quỳnh Một bản tạm ghi về Sa Pa 149. Lê Thanh My Cơn mưa cuối 150. Nguyễn Thị Ánh Huỳnh Anh là sợi khói 151. Đinh Thị Như Thúy Chiều cuối năm 151. Vi Thùy Linh Tắm mây trong 152. Vũ Thiên Kiều Cúi mặt 153. Ngô Thanh Vân Pleiku và em 154. Vũ Thị Huyền Trang Thân phận 155. VNQĐ giới thiệu thơ Nguyễn Quang Việt: Tháng mười một; Đồng Dương; Mùa xuân biên giới 156.

 

Văn học nước ngoài

Olga Tokarczuk Một chuyện có thật (Ngân Xuyên dịch từ tiếng Nga, theo bản dịch từ tiếng Ba Lan của Irina Evgenevna Adelgeim) 91.

 

Bình luận văn nghệ

Hoài Nam Thư gửi Mina - tác phẩm đáng chú ý của tiểu thuyết Việt Nam năm 2019 163. Lê Thị Hường Hà Nội - bụi, hoa và tản văn 167. Ý Thiếp Phong tục ngày tết trong thơ xuân thuở trước 173. Ngô Vĩnh Bình Nhẹ tênh một cuộc chơi 178. Kiều Bích Hậu Câu chuyện về hạnh phúc và tâm hồn 181. Đỗ Anh Vũ Cảm hứng mùa xuân trong tập Lửa thiêng 184. Thu Sang Con chuột trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam 188. Nguyễn Văn Hùng Chuột - từ biểu tượng văn hóa đến hình tượng văn học 191.

 

Minh họa, ảnh

Bìa: Thu về - Tranh của Nguyễn Thị Hòa

Phụ Bản: Ảnh của Vũ Anh Dũng

Minh họa: Thành Chương, Công Quốc Hà, Phạm Minh Hải, Ngô Xuân Khôi, Chiết Tô, Đặng Tiến, Vũ Đình Tuấn, PV...

VNQD
Thống kê