Nhà văn Kiều Bích Hậu - sinh năm 1972 tại Hưng Yên, hiện làm việc tại Ban Truyền thông Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX), Ban Đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam - là cộng tác viên thân thiết của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Giữa tháng 1/2020, nhân dịp dự Lễ trao giải Cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới do VNQĐ tổ chức, chị đã có những chia sẻ thú vị với bạn đọc tạp chí xung quanh những trải nghiệm đi, sống và viết của mình.
Bài trò chuyện cuối tháng 2 cùng nhà văn Kiều Bích Hậu do Hoàng Đăng Khoa thực hiện mang tên Tôi chẳng sở hữu gì cả, nhưng có thể dùng tất cả sẽ mở đầu Tạp chí VNQĐ số 935.
Phần Văn xuôi ghi dấu với các tác giả, tác phẩm ấn tượng. Chùm truyện ngắn: Một ngàn năm của quạ trắng của Nguyễn Dương Quỳnh, Lộc xuân của Đằng Miên, Cầu vồng đôi của Nguyễn Thảo Nguyên; ghi chép Bảo đảm thông tin nơi trời gần đất xa của Bùi Hiệp; kí ức chiến trường Một cuộc hành quân của Nguyễn Tư Duy; tản văn Tháng Giêng của Đỗ Bích Thúy.
Một ngàn năm của quạ trắng là truyện ngắn mang nhiều yếu tố huyền ảo. Nguyễn Dương Quỳnh đã dẫn dắt người đọc vào không gian đan xen giữa hư và thực. “Đã sinh ra có cánh để bay lên, chẳng thể thắng nổi sự thèm khát bầu trời”. Đó là câu chuyện về loài quạ tinh hay câu chuyện của con người? Khát vọng, mơ ước, bản năng hay còn điều gì huyền bí và thầm kín hơn đã thôi thúc sự vượt thoát? Như kẻ nhìn thấy ánh sáng, dù chỉ một giây phút ngắn ngủi, sẽ chẳng bao giờ cam chịu sống trong bóng tối nữa...
Lộc xuân đưa người đọc trở lại không gian miền núi với những con người nhỏ bé neo bám vào rừng núi, những số phận neo bám vào nhau trong cái buồn, cái khổ. “Khương bỏ vào rừng miết vì thường ở nhà Khương sẽ say hoặc không chủ định mà muốn đánh nó. Và Mảy sẽ khóc, hoặc giơ lưng ra chịu cho Khương đánh, hoặc chống lại Khương... Kết quả nào cũng chỉ có Mảy bị đau, bị tổn thương và Khương cũng vậy...”. Điều gì sẽ đưa con người nơi đây vượt qua buồn, khổ của số phận mình? Truyện có tính nhân văn và để lại nhiều ám ảnh.
Cầu vồng đôi là câu chuyện lấy bối cảnh sông nước miền Tây Nam Bộ. Hai người đàn bà, tưởng rằng những ngã rẽ của số phận sẽ đưa họ đến hai nẻo đường khác nhau nhưng họ lại có chung một niềm hạnh phúc, một nỗi đau do một người đàn ông mang lại. Câu chuyện chồng chung vốn không xa lạ, nhưng những góc khuất trong đời sống của mỗi người đã được tác giả khai thác đến tận cùng, để qua đó hai người phụ nữ tưởng như mặt trăng và mặt trời đối nghịch ấy lại có thể thấu hiểu và xích lại gần nhau để sẻ chia và bù đắp.
Phần Thơ có sự góp mặt của các tác giả quen thuộc như Nguyễn Minh Khiêm, Tuyết Nga, Trần Kim Hoa, Huỳnh Minh Tâm,... hay các tác giả trẻ như Hoàng Anh Tuấn, Trần Võ Thành Văn, Trương Công Tưởng, Thy Nguyên, Nguyễn Trường Phong... Chiến tranh, người lính, hậu phương là những đề tài lớn của thi ca đã được nhiều thế hệ các nhà thơ khai thác. Nhưng thơ ca cũng luôn có những lối rẽ do người viết tự tìm tòi để không đi vào lối mòn của các bậc tiền bối. Bởi vậy nên đọc trang thơ VNQĐ số 935 chúng ta vẫn xúc động khi gặp những tác phẩm sâu lắng, lay động về đề tài này. Bên cạnh đó là những cảm nhận, trải nghiệm của người viết hôm nay về muôn mặt của đời sống với cái nhìn bao quát hay những lát cắt, những khía cạnh mà các tác giả quan tâm và dành nhiều suy tư.
Thơ trong những tập thơ số này là thi tập Gặp người ở ngõ thế gian của Đỗ Trọng Khơi do Nguyễn Thị Kim Nhung chọn và giới thiệu.
Phần Văn học nước ngoài giới thiệu truyện ngắn Vanvild Kava của Isaac Bashevis Singer - Nguyễn Huy Hoàng dịch từ bản tiếng Anh do Isaac Bashevis Singer chuyển ngữ từ tiếng Yiddish. Isaac Bashevis Singer là nhà văn Mĩ gốc Do Thái Ba Lan, đoạt giải Nobel văn học năm 1978.
Phần Bình luận văn nghệ có sự góp mặt của các tác giả: Nguyễn Đình Minh Khuê, Phan Ngọc Ninh, Trần Thị Vân, Hoàng Thị Hường, Kiều Chinh, Nguyễn Thị Hồng Hoa. Sự vật trong văn chương có vai trò như thế nào, con người có thực sự thấu suốt mọi sự vật như quan niệm của chính mình? Nhịp điệu có phải là điều quyết định đến sự sống còn của thơ ca? Chiến tranh trong những cuốn nhật kí chiến trường đã hiện ra như thế nào? Nhạc indie được hiểu và có đời sống ra sao... Tất cả sẽ được diễn giải, luận bàn một cách logic và thú vị.
Tạp chí VNQĐ số 935 dày 120 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 20/2/2020. Thân mời các bạn đón đọc!
Văn
Hoàng Đăng Khoa
Nhà văn Kiều Bích Hậu: "Tôi chẳng sở hữu gì cả, nhưng có thể dùng tất cả"
Nguyễn Dương Quỳnh
Một ngàn năm của quạ trắng
Bùi Hiệp
Bảo đảm thông tin nơi trời gần đất xa
Nguyễn Tư Duy
Một cuộc hành quân
Đằng Miên
Lộc xuân
Nguyễn Thảo Nguyên
Cầu vồng đôi
Đỗ Bích Thúy
Tháng Giêng
Thơ
Nguyễn Minh Khiêm
Dòng sông không ngủ; Câu thơ trao nắng; Tiễn
Tuyết Nga
Biển; Hơi ấm; Sông Đuống chiều cuối năm
Huỳnh Minh Tâm
Thơ dâng mẹ; Hoa bần ly; Bầy chim di trú
Trần Kim Hoa
Búi tóc; Sông Lam; Đứt nối giêng hai
Nguyễn Hưng Hải
Tôi về tôi nhớ; Sáng mai con về nhà chồng
Nguyễn Trường Phong
Anh không thể kể về nỗi buồn của anh; Những thập kỉ cũ
Trần Thế Vinh
Lục bát ra giêng; Ừ thôi ta về
Lê Hào
Gáo Giồng; Đêm Lai Vung
Nguyễn Văn Song
Tên làng ở nghĩa trang Trường Sơn; Cõng mẹ
Lê Văn Hiếu
Giọt nước giữa khuya; Duỗi thẳng chân mà ngủ
Hoàng Anh Tuấn
Tháng hai; Rằm
Nguyễn Thị Kim Nhung
Nỗi buồn nguồn cội (đọc Gặp người ở ngõ thế gian của Đỗ Trọng Khơi)
Đinh Sỹ Minh
Hơi ấm của làng
Phạm Nguyên Thạch
Bên mương
Trần Võ Thành Văn
Trên nỗi nhớ em xa
Nguyễn Đức Sơn
Bóng mẹ bên sông
Mai Tuyết
Mặt trời mọc trên nhánh xuân non
Trương Công Tưởng
Chân dung
Thy Nguyên
Rét ngọt
Văn học nước ngoài
Isaac Bashevis Singer
Vanvild Kava (Nguyễn Huy Hoàng dịch từ bản tiếng Anh
do Isaac Bashevis Singer chuyển ngữ từ tiếng Yiddish)
Bình luận văn nghệ
Nguyễn Đình Minh Khuê
Văn chương và sự vật
Phan Ngọc Ninh
Nhịp điệu như là sinh mệnh của thơ ca
Trần Thị Vân
Hình ảnh chiến trường trong nhật kí chiến tranh
Hoàng Thị Hường
Lời nguyện cầu từ Chernobyl - bản vọng âm từ những chấn thương
Kiều Chinh
Nhạc indie - “quay vào tường mà viết”
Trần Thị Hồng Hoa
Mark Twain và nguyên mẫu nhân vật Tom Sawyer
Minh họa, ảnh
Bìa 1: Tranh giấy dó của họa sĩ Lương Thị Hiện
Tranh, ảnh, minh họa: Bùi Quang Đức,
Nguyễn Văn Đức, Tào Linh, Nguyễn Anh Minh,
Nguyễn Đăng Phú, Lê Huy Quang, PV.
VNQD