Từ lâu, tôi đã nghe họa sĩ Lê Thiết Cương nói về ý tưởng thực hiện một dự án họa Kiều và làm sách Truyện Kiều bản đặc biệt. Thế là sau thời gian dài ấp ủ, lại phải vài lần gián đoạn bởi dịch bệnh, đầu năm 2022, dự án tâm huyết của anh đã hoàn thành với cuốn sách Truyện Kiều - Nguyễn Du/Lê Thiết Cương-24 tranh. Cuốn sách và triển lãm tranh cùng tên giúp những người yêu hội họa, yêu Kiều được dịp thưởng ngoạn Truyện Kiều dưới góc nhìn “thi trung hữu họa”.
Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du là tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam. Cũng hiếm có tác phẩm nào được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và mang lại cảm hứng sáng tác cho các văn nghệ sĩ ở nhiều loại hình nghệ thuật như Truyện Kiều. Họa Kiều, cũng không phải điều gì mới lạ. Bởi từ nhiều năm trước, các danh họa Việt Nam từ thế hệ trường Mỹ thuật Đông Dương đến sau này như: Tô Ngọc Vân, Lê Văn Đệ, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nghị, Lê Lam... đã vẽ Kiều. Nhưng, truyện Kiều với những giá trị vượt thời gian trong đó luôn mang lại cho mỗi họa sĩ những cảm xúc và cách thể hiện riêng.

Cuốn Truyện Kiều - Nguyễn Du/ Lê Thiết Cương 24 tranh.
Họa sĩ Lê Thiết Cương kể, quê anh ở vùng ven sông Đáy (Hà Tây trước đây). Tuổi thơ anh với những ngày chạy bom Mỹ về quê sơ tán, trong hầm trú ẩn đào giữa rặng tre, anh em anh thường được nghe bà đọc Kiều. Những câu Kiều bà đọc lẫn vào tiếng bom, tiếng máy bay... đã ngấm dần vào anh như thế. Thế nên anh thuộc Kiều từ sớm và thích Kiều cũng rất tự nhiên, giống như cách bà anh được các cụ đọc cho nghe từ nhỏ vậy.
Lê Thiết Cương đã vài lần định vẽ Kiều nhưng đều dang dở bởi rằng thuộc, thích Truyện Kiều rồi nhưng còn phải hiểu Kiều, đọc được vẻ đẹp của từng câu chữ, khi ấy cảm xúc mới có thể bùng lên, gọi màu, gọi hình về. Phải chăng phải đến khi đã đi qua những đoạn trường nào đó, khi đã đủ trải nghiệm, cảm xúc người họa sĩ mới thành công “nhập” vào Kiều qua những bức họa. Với anh, vẽ tranh hay minh họa Truyện Kiều phải là quá trình bắt đầu từ ga khởi hành là Truyện Kiều, nhưng đích đến phải là hội họa, là vẻ đẹp của ngôn từ được chuyển soạn thành vẻ đẹp của hội họa. Đó như là quá trình dịch Kiều từ thơ sang họa, là phổ họa cho Kiều như nhạc sĩ phổ nhạc cho thơ vậy.
Thông thường, họa Kiều theo kiểu tả thực, tức là thơ sao vẽ vậy được nhiều họa sĩ chọn thể hiện, kiểu như những câu tả cảnh, tả người: “Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”, hay “Râu hùm hàm én mày ngài”... Còn Lê Thiết Cương lại chọn họa những câu tả ý, tả tình, tâm trạng, có vẻ khó thể hiện hơn, bằng phong cách tranh ước lệ, tối giản, vốn là sở trường của anh. Họa sĩ Lê Thiết Cương quan niệm, Nguyễn Du đã từ cuốn tiểu thuyết Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân để viết Truyện Kiều bằng thể thơ lục bát thuần Việt, với cách nói, cách nghĩ đậm chất người Việt. Thế nên, Kiều trong tranh anh cũng đậm chất người Việt với yếm đào, khăn mỏ quạ, mấn, nón quai thao...
Cuốn sách còn hấp dẫn ở điểm, bên mỗi bức tranh vẽ Kiều của Lê Thiết Cương sẽ có thêm phần thơ ngắn của nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha cảm tác từ câu thơ và bức tranh. Chẳng hạn, để họa cho câu “Sông Tương một dải nông sờ/ Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia”, thể hiện tâm trạng Kiều và Kim trọng luôn nhớ thương nhau nhưng lại không gặp được nhau; thì bức “Tương tư” anh vẽ chân dung Kiều và Kim Trọng ngược chiều nhau ở hai đầu bức tranh, ở giữa là dòng sông ước lệ bằng bốn nét như bốn sợi dây đàn nguyệt chảy ngang qua khuôn mặt họ. Phần thơ của nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha là: “Kim Trọng chết đứng/ Kiều bay/ sông vẫn chảy”. Tất cả hòa thành bản tam tấu thơ-họa-thơ độc đáo.
Tác phẩm của họa sĩ Lê Thiết Cương, có thể nói là bản có nhiều điểm đặc biệt, cũng là bản có nhiều phụ bản màu nhất của một họa sĩ từ trước đến nay. Phần đầu cuốn sách là 24 bức tranh chất liệu bột màu trên vải màn bồi giấy dó được vẽ với cảm hứng từ những câu Kiều kèm theo những dẫn giải của họa sĩ Lê Thiết Cương như một cách trò chuyện gợi mở độc giả khám phá thêm vẻ đẹp của Truyện Kiều. Anh còn tỉ mỉ thống kê trong 3.254 câu thơ để đưa ra phụ lục 177 chữ “Lòng”, mà theo kiến giải của anh, nếu như chỉ được chọn một chữ để có thể chứa toàn bộ nội dung, tư tưởng, nghệ thuật của Truyện Kiều thì đó chính là chữ “Lòng”. Phần thứ hai là toàn bộ nội dung Truyện Kiều của Nguyễn Du theo bản in Nguyễn Du-Truyện Thúy Kiều của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo, ấn bản đầu do Vĩnh Hưng Long in năm 1925.
Lê Thiết Cương là họa sĩ được nhiều nhà thơ, nhà văn “chọn mặt” mời minh họa cho tác phẩm của mình. Anh cũng thực hiện nhiều dự án thơ trên gốm, kinh trên gốm, vẽ tranh từ cảm hứng thơ của các thi sĩ Việt... và cả họa Kiều. Truyện Kiều, với anh, dù phân tích, bình luận chi tiết, rạch ròi từng câu chữ, từng dấu chấm, phẩy cũng chỉ đạt được 99,9%, còn lại dù 0,1% cũng là bất khả thi chẳng thể lý giải. Phần đó cũng chính là món quà quý giá dành tặng riêng cho nghệ thuật, cho nghệ sĩ mà mỗi người chỉ có thể cảm được nó theo cách riêng. Với việc vẽ Kiều cũng vậy, 24 bức vẽ cũng có thể nói là nhiều, nhưng có thêm cũng chẳng bao giờ là đủ...
Một số bức hoạ Kiều của hoạ sĩ Lê Thiết Cương:
DƯƠNG HÒA
VNQD