“Như cánh chim trong mắt của chân trời”

Chủ Nhật, 27/05/2018 01:11
(Đọc tập phê bình chân dung cùng tên của Văn Thành Lê, Nxb Kim Đồng, 2017)

 . HOÀNG THỤY ANH

Từ thơ, tản văn, truyện ngắn đến truyện dài, với Văn Thành Lê, dường như mọi thứ đều chưa phỉ sức, phỉ chí. Như cánh chim trong mắt của chân trời ra đời là sản phẩm một cuộc vẫy vùng mới của anh. Xét cả chặng đường văn, Văn Thành Lê định vị mình trước (sáng tác) rồi sau đó mới định vị người khác (viết phê bình chân dung)(1). 

 
nhu canh chim trong mat cua chan troi 450x652 w b

Ngay ở Lời vào sách, Văn Thành Lê bộc bạch: “Phần đa những người viết chân dung văn học thường gặp gỡ, trao đổi với nhân vật hoặc đặt câu hỏi phỏng vấn, rồi dựng chân dung từ nguồn ấy, tôi thì khác, tôi viết bằng... vốn tự có. Nghĩa là, tôi dõi theo đường văn của nhân vật từ trước, đã đọc hầu hết tác phẩm mà nhân vật công bố, đã gặp nhân vật ở đâu đó hoặc trong công việc đã từng tương tác. Sau tất cả, điều gì còn đọng lại sẽ đi thẳng vào bài viết”. “Vốn tự có” quy tụ nhiều điểm nhìn: của bạn bè đồng nghiệp, của người đọc bình thường, của người sáng tác và của nhà phê bình. Trên cái lõi có sẵn như tiểu sử, tác phẩm, con người đời thường..., người viết phải lẩy ra được thần thái riêng khác của mỗi nhà văn. Chân dung của nhà văn phải được dựng lên bằng sự móc xích biện chứng giữa bên ngoài và bên trong, giữa hình thức và nội dung, giữa hiện tượng và bản chất, giữa người và văn, giữa đời tư và tác phẩm. Một Trần Thùy Mai với “những giấc mơ yêu bảng lảng sắc kinh kì”, với “chất Huế thanh dịu ẩn sau lớp ngôn từ” - “Huế từ sắc thái câu văn cho đến không gian, tinh thần nhân vật, Huế xuyên suốt cả gia tài tác phẩm”. Một Lê Huy Mậu, là ông Sông Quê, không chỉ vì là tác giả của bài thơ Khúc hát sông quê nổi tiếng, mà còn là vì sau nhiều năm bôn ba, long đong, cuối cùng ông cũng trở về với thơ “để làm mỗi việc nhặt lại bóng của chính mình với tuổi thơ và làng quê mình. Miệt mài và mê mải”. Một Trần Đức Tiến “riết róng quyết liệt” trong cuộc sống lẫn trong cuộc văn. Một Nguyễn Đông Thức (gắn liền với bộ phim truyền hình 12A và 4H chuyển thể từ truyện dài Vĩnh biệt mùa hè) rất sung sức, lia ngòi bút vào mọi ngõ ngách của đời sống. Một Nguyễn Liên Châu “như người đi ngược thời đại để buông neo giữ lại chút hình bóng của Sài Gòn thuở xa trong thơ văn và sách báo”. Một Hoàng Quý với “vốn liếng văn chương... dày, sâu, như cái giếng không đáy”...

Các chi tiết đời tư, tính cách của nhà văn được Văn Thành Lê đưa vào không tuỳ tiện, dài dòng mà hết sức chọn lọc, ngắn gọn, đều là những chi tiết biết nói. Một Vũ Hùng với “giọng nói nhỏ nhẹ, chậm rãi, đầy hơi ấm (...) xen nụ cười thật dễ gần” đã làm nên “mười tám cung bậc của núi rừng, mười tám khúc tráng ca gan ruột về đại ngàn, mười tám thổn thức thương yêu nhà văn gửi về miền xanh thiên nhiên của tuổi trẻ”. Một Nguyễn Xuân Thủy “hiệu ứng cười tràn theo nhịp điệu chữ”. Một Đỗ Bích Thúy - “người đàn bà đẹp viết văn, với những trang văn lấp lánh phận người đẹp và buồn”… Bên cạnh những sự tương thích, trùng khít vừa kể, Văn Thành Lê còn rất tinh khéo phát hiện những điểm chênh thú vị giữa người và văn. Nguyễn Vĩnh Nguyên “đi giữa làng báo làng văn mà như người hoạt động bí mật, như điệp viên ngầm. Chỉ các trang văn trang báo của anh là nóng hổi và chắc chắn, chất hơn bất cứ phát ngôn cũng như tiếng dô ở chỗ đông người nào khác”. Đoàn Giỏi “là một trong những đại thụ của văn chương Nam Bộ” với một cá tính rất đặc biệt: “nước đến chân mới nhảy”. Cao Xuân Sơn “thẳng băng như đường chỉ mực tàu bật trên mặt gỗ” nhưng lại có “một tâm hồn tràn ngập trẻ thơ”…

Phải nói đến sự linh hoạt, tung tẩy của Văn Thành Lê nơi cuốn phê bình chân dung của mình: có bài đi từ tiểu sử đến tác phẩm, có bài triển khai theo các lát cắt đời và văn, có bài khởi xuất từ những cuộc gặp gỡ, từ những kỉ niệm, hồi ức rồi mới luận giải về tác phẩm, có bài đi từ tác phẩm đến cuộc đời... Dù triển khai theo hướng nào, người đọc cũng nhận ra tình cảm chân thành, thái độ trân quý và sự đồng điệu đồng cảm của Văn Thành Lê dành cho các nhà văn đồng nghiệp mà anh hữu duyên. Đối với những người nghệ sĩ chuyên tâm cho sáng tác, dù đôi khi biến cố cuộc đời trì níu họ lại, nhưng dường như mọi khó khăn, gập ghềnh ấy lại càng đưa họ đến bến bờ thăng hoa của chữ. Họ vịn vào câu văn mà đứng dậy, mà bứt phá. Sóng đời tạo nên những sóng chữ đầy mê dụ. Văn Thành Lê thấu cảm với nhà văn Võ Thị Xuân Hà khi chị “gượng dậy” sau “những chông chênh trong chuyện tình cảm riêng, (...) những đoạn ngặt nghèo về kinh tế”, chia sớt với Trần Thùy Mai khi chị “đi qua những tháng ngày giông bão”... Một trong những thủ pháp nổi trội tạo nên văn phong phê bình chân dung của Văn Thành Lê là thủ pháp so sánh: so sánh tác giả, so sánh tác phẩm, so sánh chủ đề, so sánh bút pháp... Những phép so sánh không hề khập khiễng này cho thấy tác giả cuốn sách đọc kĩ và tinh các nhà văn mà mình yêu mến như thế nào. Mặt khác, Văn Thành Lê còn thể hiện chất hàn lâm của một nhà phê bình khi tiệm cận chân dung nhà văn qua nhiều điểm nhìn tham chiếu: phê bình sinh thái, nữ quyền luận, thi pháp học... Từ góc nhìn phê bình sinh thái, anh tự tin so sánh và nêu chủ kiến: “...đẩy đại ngàn lên thành trung tâm, thành đối tượng, thành nhân vật, thì chắc chỉ có ở Sơn Nam, Đoàn Giỏi và Vũ Hùng. Trong đó, Vũ Hùng là nhà văn bền bỉ, trung thành tuyệt đối với thiên nhiên hơn cả. Ngoài thiên nhiên ra, chẳng mấy khi ông chung chạ với đối tượng khác”. Từ góc nhìn thi pháp học, Văn Thành Lê có những phát hiện thú vị về những cuộc chữ của Nguyễn Lãm Thắng, Trịnh Sơn, Đoàn Thạch Biền, Cao Xuân Sơn, Hoàng Quý... Từ góc nhìn nữ quyền luận, Văn Thành Lê nhận diện đặc tính vừa mềm mại vừa quyết liệt trong những trang văn của Võ Thị Xuân Hà, Trần Thùy Mai, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư...

Dựng chân dung văn học của các nhà văn, phải chăng cũng là cách thế khả dĩ để Văn Thành Lê đi tìm cho mình một cái tôi khác? Một cái tôi như đã nói, chưa phỉ sức, phỉ chí với bầu trời mênh mông của văn chương. Một cái tôi luôn háo hức, tò mò khám phá. Một cái tôi muốn học hỏi, tích lũy. Một cái tôi dũng cảm và tự tin, muốn phục dựng, khẳng định những giá trị văn học chân chính. Một cái tôi tâm huyết, đầy hi vọng về tương lai văn học. Cái tôi đa diện đó được lồng ghép ngay trong hai mươi lăm chân dung nhà văn mà anh đã dựng nên. Anh thẳng thắn đặt ra những câu hỏi thể hiện trách nhiệm cao của người cầm bút trước một nhà văn có tầm như Đoàn Giỏi mà đã đi hết cuộc đời rồi vẫn “không thuộc về nơi đâu”. Từ chân dung Vũ Hùng, anh đưa ra những luận điểm khá thú vị về mối quan hệ biện chứng giữa con người và sinh thái thông qua việc cắt nghĩa cụm từ “luật rừng”. Nói về humour trong văn chương Việt, anh nhận định: “Văn chương Việt trước giờ vẫn bị cho là dè sẻn tiếng cười, thừa bi kịch u uẩn mà thiếu hài hước trào lộng, nhất là ít dám giễu nhại chính mình”. Lạm bàn về văn học dân tộc miền núi, anh thẳng thắn bộc trực: “Không phủ nhận thành quả của các nhà văn dân tộc thiểu sổ, nhưng dường như nhắc đến các tác phẩm viết về miền núi, về đồng bào dân tộc ít người, thì thành tựu nổi bật lại gọi tên các nhà văn coi tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ”… Không thể không kể đến một cái tôi khác nữa của Văn Thành Lê được hiển lộ sinh động suốt cuốn sách: cái tôi tươi trẻ, tếu táo, suồng sã rất có duyên. Chẳng hạn, anh viết về Đỗ Bích Thúy: “Người đẹp thường bận bịu với việc làm sao để... đẹp hơn nữa hoặc để cho mọi người thấy cái đẹp của mình, chứ thời gian đâu nghĩ suy, trăn trở, quan sát, chiêm nghiệm về những gì diễn ra xung quanh mình và ở trong mình để trút vào câu chữ. Đỗ Bích Thúy thuộc về số ít người vừa đẹp vừa quyết liệt, văn lại quyết liệt hay”. Hay đây là đoạn anh nói về sự trỗi dậy của những sáng tác dành cho thiếu nhi: “Vài năm trở lại đây, các nhà văn sung sức đang thừa thắng xông lên với sáng tác dành cho người lớn bỗng nhiên trẻ ra, trong veo, khom mình cúi xuống chơi với thiếu nhi”... Đây là cách để người viết chân dung văn học rút ngắn “khoảng cách sử thi” giữa nhà văn và độc giả, giữa văn chương và cuộc đời. Văn Thành Lê phát huy tối đa đặc trưng tự do, phóng túng của thể loại phê bình chân dung. Tuy nhiên, cũng không khó nhận ra sự “quá liều” của những đoạn “trữ tình ngoại đề” mà tác giả cuốn sách sử dụng.   

Bằng thái độ tò mò, hứng thú của một người đọc, bằng tinh thần, trách nhiệm cao của một người cầm bút, với sự di chuyển hợp lí điểm nhìn bên ngoài và điểm nhìn bên trong, với những diễn ngôn phê bình tinh tế, tự tin và giàu chất văn, Văn Thành Lê dựng nên hai mươi lăm chân dung nhà văn khá sinh động và thuyết phục.

“Như cánh chim trong mắt của chân trời”. Sau cuộc chơi phê bình chân dung này, hẳn Văn Thành Lê đang lấy đà để thực hành đường bay mới. Người bay có tới được chân trời hay không không quan trọng, quan trọng là chân trời luôn có người (dám) bay.
 
Nhật Lệ, 16/3/2018
H.T.A
———
 
1. Kim Nhung, “Nhà văn trẻ Văn Thành Lê: Định vị mình trước khi chạm tới người khác”, http://vannghequandoi.com.vn/Binh-luan-van-nghe/nha-van-van-thanh-le-dinh-vi-minh-truoc-khi-cham-toi-nguoi-khac-11543.html.

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)