Ngô Thì Nhậm vốn người làng Tả Thanh Oai, nay là huyện Thanh Trì, Hà Nội. Sống dưới thời Trịnh - Lê, ông được Chúa Trịnh Sâm tin dùng. Sau khi nhà Trịnh - Lê suy tàn, Nguyễn Huệ đem quân tiến ra Bắc. Lúc đầu vì cho rằng Nguyễn Huệ là giặc, Ngô Thì Nhậm đã lui về ở ẩn. Nhưng chính trong 5 năm mai danh ẩn tích, ông đã nhận ra khí chất anh hùng của Nguyễn Huệ và sự bạc nhược, ươn hèn của Lê Chiêu Thống. Ông thường thể hiện rõ quan điểm của kẻ sĩ: “Người chính nhân phải biết coi vua chúa không bằng quốc gia, dân tộc. Kẻ quân tử chỉ biết thờ quốc gia, dân tộc, chứ không thờ chúa thờ vua”. Cũng bởi quan điểm ấy mà cả cuộc đời mình, Ngô Thì Nhậm đã mải miết đi tìm “minh chủ” để cống hiến cuộc đời mình vì quốc thái, dân an.
Vở cải lương “Người đi tìm minh chủ” được xây dựng để phản ánh cuộc đời và sự nghiệp của danh sĩ Ngô Thì Nhậm dưới ánh sáng của khoa học lịch sử hiện đại. Đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên cho biết, vở diễn cố gắng chuyển tải một cách khách quan nhất, nhằm xóa nhòa những nghi vấn lịch sử, hóa giải những nỗi oan khiên mà Ngô Thì Nhậm đã phải hứng chịu, đồng thời làm nổi bật công lao to lớn của ông đối với quốc gia, dân tộc trong một giai đoạn lịch sử nhiều biến động của đất nước vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX.
Nguồn: Đại biểu nhân dân