Cửa sổ văn nghệ

Tổ chức hoạt động kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Nguyễn Du

Thứ Tư, 03/06/2015 10:06
Sáng 2/6, tại Hà Nội, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã giới thiệu các hoạt động kỷ niệm 250 năm Ngày sinh và vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du (1765-2015).
 
Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du thuộc xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh
 
Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 250 năm Ngày sinh và vinh danh Danh nhân Văn hóa thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du sẽ được tổ chức trong tháng 11/2015 tại Hà Tĩnh. 
 
Trong thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh sẽ phối hợp với các cơ quan, các địa phương tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du như: Các hội thảo chuyên đề về Truyện Kiều và Nguyễn Du; Hội thảo quốc tế về cuộc đời và sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du; sưu tầm, giới thiệu xuất bản các tác phẩm của Nguyễn Du; xây dựng phim tư liệu, các tác phẩm sân khấu, âm nhạc, hội họa về thời đại, cuộc đời, sự nghiệp, tác phẩm của dòng họ ông. 

Các cuộc thi tìm hiểu, thi ngâm Kiều, lẩy Kiều, bình Kiều, nói chuyện về tác phẩm của Nguyễn Du cũng sẽ được tổ chức.

Nguyễn Du, tự Tố Như, sinh năm 1765, tại kinh thành Thăng Long trong một gia đình danh gia vọng tộc của xứ Nghệ. Quê gốc của Nguyễn Du ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Truyền thống dòng họ, quê hương, sự giao thoa của các vùng văn hóa, đặc biệt là nền văn hiến Thăng Long, phong ba bão táp của thời đại và cuộc đời, cùng tư chất thông minh, đã góp phần tạo nên một thi hào Nguyễn Du với lòng thương vô hạn mọi kiếp người đau khổ, sự bất bình, phẫn uất trước những thế lực chà đạp lên vận mệnh con người, sự cảm phục, ca ngợi những tình yêu cao đẹp, thủy chung, sự khao khát vươn tới công lý và cái đẹp vĩnh hằng... Những tư tưởng, tình cảm đó đã tạo nên những tác phẩm văn học kiệt xuất, đặc biệt là Truyện Kiều - tập đại thành của nền văn học cổ điển Việt Nam. 

Tên tuổi của Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều bất hủ - đỉnh cao của nền văn học nước nhà không những làm rạng danh cho dân tộc Việt Nam mà còn góp phần tôn vinh bản sắc, giá trị văn hoá Việt trên trường quốc tế. Hàng trăm năm nay, Truyện Kiều luôn được lưu truyền rộng rãi và có sức chinh phục lớn đối với mọi tầng lớp độc giả từ trí thức tới người bình dân, làm lay động trái tim của bao thế hệ người Việt Nam, là cảm hứng sáng tác cho các văn nghệ sỹ cho ra đời rất nhiều tác phẩm thi ca, nhạc họa. 

Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt ra khỏi bờ cõi của một quốc gia, trở thành một phần tinh hoa của văn hóa nhân loại, ghi dấu ấn của văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế. Đến nay, Truyện Kiều đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng trên thế giới. Với Truyện Kiều nói riêng và toàn bộ trước tác của Nguyễn Du nói chung, ông được các thế hệ người Việt Nam tôn vinh là Đại thi hào dân tộc, Hội đồng Hòa bình thế giới vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới. 

Kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, Danh nhân văn hóa thế giới là sự kiện văn hóa cấp quốc gia, có tầm ảnh hưởng quốc tế. Các hoạt động kỷ niệm được tổ chức nhằm khẳng định công lao, tài năng và tôn vinh những đóng góp đặc biệt xuất sắc của Nguyễn Du đối với nền văn hóa Việt Nam và nhân loại. 

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ (P.L)
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)