Kéo dài từ nay đến ngày 31/03/2021, một trưng bày “tranh Tết” trong Dự án “Từ truyền thống tới truyền thống” đang diễn ra tại Đình Nam Hương, 75 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Lấy cảm hứng sáng tạo từ dòng tranh dân gian Hàng Trống từng xuất hiện và dần mai một ngay trên chính con phố Hàng Trống vốn thuộc huyện Thọ Xương xưa kia, dự án “Từ truyền thống tới truyền thống” là một nỗ lực đối thoại và viết tiếp giá trị từ dòng tranh truyền thống bằng những chất liệu truyền thống khác trong nền Hội hoạ Việt nam đó là chất liệu sơn mài và lụa.
Dự án là cơ hội để nhóm sinh viên được tuyển chọn từ chuyên ngành sơn mài và lụa thuộc khoa Hội Hoạ trường Đại học Mỹ thuật Việt nam có thể tiếp xúc trao đổi và học hỏi từ kỹ thuật tới tình yêu nghề, yêu văn hoá bản sắc bản địa từ nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống – nghệ nhân Lê Đình Nghiên.
Trong vòng 1 tháng các bạn sinh viên tham gia dự án đã có cơ hội tiếp thu khám phá trực tiếp từ những trải nghiệm thực tế với nghệ nhân Lê Đình Nghiên cũng như đề xuất những phương án sáng tạo tiếp các tác phẩm lấy cảm hứng từ chính dòng tranh Hàng Trống cũng như có thể tương tác ngay với chính không gian ngôi Đình Nam Hương toạ lạc trên phố Hàng Trống.
Trưng bày lần này là nỗ lực ứng tác và hoàn thành tác phẩm hoàn toàn mới trong 3 tuần làm việc tại 2 xưởng sơn mài và lụa dưới sự hướng dẫn của 2 giảng viên Triệu Khắc Tiến và Nguyễn Thế Sơn. Mỗi tác phẩm trưng bày lần này là những phương án ứng tác, từ những tác phẩm mang xu hướng thiết kế cho đến những tác phẩm mang tính thử nghiệm có khả năng tương tác cao chứa đựng những suy tư về giá trị di sản của văn hoá truyền thống trong đời sống hiện đại.
Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn hi vọng với thời gian trưng bày gần 2 tháng, trưng bày lần này sẽ có thể kích thích sự quan tâm của giới trẻ cũng như của cộng đồng trước những vấn đề sống còn của các giá trị di sản văn hoá nói chung cũng như của nghệ thuật tranh dân gian Hàng trống nói riêng. Đồng thời cũng khơi gợi tình yêu và sự trân quý các di sản văn hoá truyền thống không những của Việt nam mà của của các nền văn hoá khác dân tộc khác, khi phần tiếp theo của dự án sẽ kết nối di sản văn hoá của tranh khắc gỗ truyền thống Nhật bản tiếp tục được ứng tác với chất liệu truyền thống sơn mài và lụa trong nền Hội hoạ Việt nam sẽ diễn ra vào năm sau.
Đây là dịp để cổ vũ và tôn vinh những sáng tạo cá nhân của những sinh viên, những nghệ sỹ trẻ trên con đường sáng tác độc lập, để họ luôn quan tâm đến các giá trị di sản văn hoá truyền thống, văn hoá bản địa.
PV theo thông tin từ Ban tổ chức
VNQD