Tọa đàm “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ” đã diễn ra sáng 12/2/2025 tại Khách sạn Hoàng Sơn, TP. Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23, do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức. Ông Tống Văn Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà thơ Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cùng các nhà văn, nhà thơ tham dự Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 đã tham dự buổi tọa đàm.
Đoàn chủ tịch điều hành tọa đàm gồm Nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhà lí luận phê bình Nguyễn Đăng Điệp và nhà thơ Trần Anh Thái.
Trong phần đề dẫn, nhà thơ Nguyễn Bình Phương đã gợi mở một số chủ đề để các nhà thơ tham dự tọa đàm có thể cùng thảo luận. Ông nói rằng, với những tọa đàm trong Ngày thơ Việt Nam những năm gần đây, như “Thơ hiện nay với hôm nay”; “Từ bản lĩnh đến bản sắc của nhà thơ” và lần này, tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 là tọa đàm với chủ đề “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ”, mục đích gần nhất của tọa đàm là để chúng ta thấu hiểu hơn tinh thần của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 với tên gọi “Tổ quốc bay lên”. Khi chọn đề tài này vế "trách nhiệm" tôi quan tâm đến hai từ "sứ mệnh" và "trách nhiệm", tôi thấy "trách nhiệm" gần gũi hơn, trách nhiệm với những gì đưa ra, trách nhiệm với những gì chia sẻ với công chúng. Khi công bố tác phẩm là người nghệ sĩ đã công bố với công chúng quan điểm, thái độ của mình với thơ ca và xã hội.
![](http://vannghequandoi.com.vn/thumbnail/VNQD-480-2025-2-12/3acd0053-43db-4b44-9783-26719191ea64_1.jpeg)
Buổi toạ đàm diễn ra tại khách sạn Hoàng Sơn, TP. Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Nhìn lại thơ ca của chúng ta có làm tốt những vấn đề ấy hay không, có kiến tạo đời sống tinh thần cho xã hội hay không? Có ý kiến cho rằng thơ ca chưa đáp ứng được yêu cầu của đời sống, thiếu sự truy nguyên ráo riết, thơ dường như không mang lại khát vọng, niềm tin cho con người. Chúng ta hãy cùng xem những ý kiến đó có đúng không. Thơ đã vượt lên đời sống hay tụt hậu, lảng tránh đời sống một cách vô can? Chúng ta cùng soi chiếu vào đời sống thơ hiện nay, soi chiếu vào những tác phẩm thơ được trình diễn trong đêm thơ nguyên tiêu tối nay tại Ninh Bình để có cái nhìn thấu đáo.
Nhà thơ Đặng Huy Giang với bản tham luận “Để thi ca trở về giá trị đích thực”, ông dẫn câu chuyện, sinh thời, nhà thơ lớn Chế Lan Viên là người viết nhiều về trách nhiệm và khát vọng của thơ và nhà thơ bằng thơ nhất. "Ông có nhiều bài mang tầm suy nghĩ lớn ở mức bao quát, ôm trùm về thơ và người làm thơ. Hai câu thơ: “Thơ cần có ích/ Hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi”, khiến tôi nghĩ nhiều về trách nhiệm của nhà thơ hôm nay", Đặng Huy Giang nói.
![](http://vannghequandoi.com.vn/thumbnail/VNQD-480-2025-2-12/ae1a07e5-4d40-4941-bc50-a78336f109c7.jpeg)
Nhà thơ Nguyễn Bình Phương phát biểu đề dẫn toạ đàm.
Theo Đặng Huy Giang, thơ ca Việt Nam hôm nay có diện mà không có đỉnh, tìm ra được một gương mặt mới, một hiện tượng thơ mới, bây giờ thật là khó. Ông đưa ra những nhận định có phần gây sự: “Những bài thơ đèm đẹp, vô thưởng, vô phạt hơi nhiều. Những bài thơ không sạch nước cản, lại đẻ non, rất sẵn. Những bài thơ mang giá trị hữu ích, có ảnh hưởng tốt về mặt mỹ cảm rất hiếm. Những bài thơ có ý, có tứ cũng rất hiếm. Những bài thơ có giá trị về mặt tư tưởng thì chẳng khác gì “sao buổi sớm”, “lá mùa thu”...”. Nguyên nhân của những điều mà Đặng Huy Giang đưa ra đó là, thơ hôm nay đã xa rời công chúng.
Để bàn về trách nhiệm và khát vọng cả nhà thơ, trong tham luận của mình, nhà thơ Hà Phạm Phú đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “nhà thơ, anh là ai?”. Theo ông, câu hỏi “Nhà thơ, anh là ai?” không chỉ là câu hỏi của nhà thơ đối với bản thân nhà thơ, mà quan trọng hơn, đó chính là câu hỏi đối với động cơ sáng tác của nhà thơ, đó là sự phản tư sâu sắc đối với bối cảnh văn hóa xã hội, và đối với cả nhận thức của bản thân mình. “Thân phận của nhà thơ là đa nguyên, vừa biểu đạt cá nhân, vừa là thư kí của thời đại. Mỗi nhà thơ chỉ có một cuộc sống thực tế, anh ta không chỉ gánh vác những trách nhiệm xã hội mà còn có khát vọng cao cả là sự nghiệp thơ ca, nơi tâm hồn mình thuộc về”, ông nói.
![](http://vannghequandoi.com.vn/thumbnail/VNQD-400-2025-2-12/6a71423e-c56f-47da-83a2-156633811f78.jpeg)
Nhà văn Hà Phạm Phú đọc tham luận tại toạ đàm.
Theo ông, trách nhiệm xã hội của nhà thơ có nền tảng rộng rãi. Các nhà thơ lớn trong lịch sử đều là những người tiên phong của thời đại, là những con người sẵn sàng ghé vai gánh vác trách nhiệm xã hội.
Trách nhiệm xã hội của nhà thơ là như thế nào? Theo Hà Phạm Phú, "thơ có thể phàn nàn về các vấn đề chính trị, phê bình những tệ nạn hiện tại và quan tâm đến sinh kế của con người. Thơ có thể trau dồi gu thẩm mĩ của con người và trau dồi tư cách đạo đức của họ. Nó cũng có thể đóng vai trò giao tiếp, kế thừa hoặc tiếp nối văn hóa. Thơ là một mô hình thu nhỏ của xã hội. Sứ mệnh xã hội của thơ là quay trở lại với xã hội, cảm nhận và mô tả nỗi đau của xã hội, quan tâm đến mọi đối tượng có thể quan tâm. Trách nhiệm của nhà thơ là đi TIÊN PHONG và DỰ BÁO nó.
Còn theo nhà thơ Vũ Quần Phương, một bài thơ hay phải phù hợp với thời cuộc. "Có lần tôi hỏi nhà thơ Tố Hữu: Sao anh ít viết thơ tình yêu, ít quá. Có phải vì anh “làm to” sớm quá, viết thơ tình sợ mất nghiêm. Tố Hữu cười và trả lời Vũ Quần Phương như tâm sự: “Chắc là không. Trong kháng chiến chống Pháp tôi đang tuổi tìm hiểu, đi chơi với nhau cũng không muốn đi qua những anh em trong cơ quan, những người đang xa vợ con, gọi là thoát li để lên chiến khu. Tự mình thấy ngượng”. Ông đã không làm thơ tình yêu cũng là vì thế.
Vũ Quần Phương đã thông qua việc quan sát các nhà thơ thế hệ đi trước giải quyết vấn đề trách nhiệm và khát vọng như thế nào để luận bàn và trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ hôm nay. Tố Hữu có hai giai đoạn, một thời thơ của ông đậm chất lãng mạn. Gì sâu bằng những trưa thương nhớ/ Hiu quạnh bên sông một tiếng hò. Trong kháng chiến chống Pháp ông đã bẻ lái. Hì hà hì hục/ Lục cục lào cào/ Anh cuốc em cuốc/ Đá lở đất nhào/ Nào anh bên trai/ Nào em bên nữ/ Ta thi nhau thử/ Ai nào hơn ai! Qua câu chuyện về Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Đình Thi… nhà thơ Vũ Quần Phương đã nói về sự dung hòa giữa trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ, họ đã lựa chọn để phù hợp với thời cuộc, với tình thế cách mạng để hoàn thành sứ mệnh với nhân dân, với Tổ quốc. Kể lại những câu chuyện cụ thể liên quan đến những con người cụ thể, các bậc tiền bối của nền thi ca cách mạng, Vũ Quần Phương cho rằng, khi làm tròn trách nhiệm thì đó là khát vọng.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, một người được công chúng nhớ bởi những bài thơ đậm chất thế sự thì cho rằng, các nhà thơ hôm nay đã mang lại những phát hiện mới, có giá trị khắc hoạ bằng ngôn ngữ của thơ. "Nỗi đau của những phận người- cái mà chỉ ít năm trước đây, không ít người làm thơ còn né tránh. Họ đã chạm được vào cõi sâu của tâm hồn, không chỉ bằng sự phá vỡ sắc cạnh của lí trí mà còn bằng cảm xúc của trái tim, điều đó làm cho người đọc thấy gần gũi và đồng cảm với nhà thơ, khi độc giả không bị áp đặt bởi một chủ thể ngôn ngữ có ý định mà được tham dự cùng tác giả vào những cảm xúc được tái hiện từ cái chất liệu đời thường còn rớm máu và khó nhọc này", Nguyễn Việt Chiến nhận định.
![](http://vannghequandoi.com.vn/thumbnail/VNQD-480-2025-2-12/a7c40c38-c9fa-497c-8342-51844d1ebaa3.jpeg)
Quang cảnh toạ đàm.
Dẫn ra những ví dụ minh hoạ cho luận đề "thơ cơ là tín hiệu rung chuyển thời cuộc", nhà thơ Khuất Bình Nguyên đặt câu hỏi: Bước vào kỉ nguyên mới - kỉ nguyên vươn mình của dân tộc; thi ca cần rũ bỏ cái gì và đứng dậy bằng cái gì trên đường đi tìm tín hiệu rung chuyển của thời cuộc? Dẫn lời nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường nói rằng, cái tầm thường giết chết thi ca, ông nêu vấn đề: Phải chăng nền thơ của chúng ta phải rũ bỏ cái tầm thường cả trong sáng tác, cảm thụ và bình giá thi ca?
Nhà thơ Khuất Bình Nguyên nhận định: “Thế giới hiện nay là sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nền văn hóa đang cắm cờ lên đất của nhau và trên những lá cờ ấy đều có ngôi sao hình con chíp. Bởi lẽ đó, phải chăng thi ca phải đứng dậy từ truyền thống để làm nên truyền thống mới - truyền thống của chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa nhân văn thấm đậm tình non nước trong sự vươn mình của dân tộc”.
![](http://vannghequandoi.com.vn/thumbnail/VNQD-480-2025-2-12/98750b60-1f51-47a3-880a-353effd535cb.jpeg)
Nhà thơ Ngô Đức Hành tại toạ đàm.
Chung niềm trăn trở, nhà thơ Ngô Đức Hành cũng nêu vấn đề, thế hệ nhà thơ chống Mĩ đã hoàn thành trách nhiệm với đất nước, vậy thì trong kỉ nguyên mới các nhà thơ Việt Nam phải làm gì để đất nước vươn mình?
Nhà thơ Nguyễn Kiến Thọ là người phát biểu cuối, sau khi nghe các nhà thơ tham luận anh đã bỏ qua bài viết đã chuẩn bị để chia sẻ những ý kiến tức thời. "Khơi dậy ý thức tự do cá nhân trong người làm thơ và người yêu thơ. Chưa bao giờ chúng ta có những điều kiện thuận lợi như hôm nay. Người sáng tác cần cấy thứ men phản kháng, nếu không có sẽ không bao giờ thành rượu được, chỉ là gạo thôi. Nhưng từ rất lâu rồi chúng ta cứ hiểu phản kháng như là chống đối, nó chỉ là phản biện, phản tỉnh thôi. Đó chính là sự khích lệ cái mới để vươn tới những đỉnh cao hơn. "Đừng nói gì đến trách nhiệm lao, trước hết phải biết trân trọng những sáng tạo mang tính cá nhân. Ví dụ về bài thơ Con chim chào mào của nhà thơ Mai Văn Phấn gần đây được đưa vào sách giáo khoa như một sự dũng cảm, tìm tòi của các nhà biên soạn sách, sau đó đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của dư luận, đặc biệt là trong cộng đồng giáo viên, nhưng ở phía những người sáng tác, dù nhiều người có thể có tiếng nói để giải mã về bài thơ nhưng đã không ai lên tiếng. Trước hết các nhà thơ cũng cần bày tỏ trách nhiệm bảo vệ các tác phẩm xứng đáng.
![](http://vannghequandoi.com.vn/thumbnail/VNQD-400-2025-2-12/9c5540b5-383f-487e-b19a-08adcc1d4224.jpeg)
Nhà thơ Nguyễn Kiến Thọ tại toạ đàm.
11 tham luận đã được trình bày trong buổi sáng. Câu chuyện của thơ ca là bất tận, cũng cần có những quãng nghỉ để tạm kết thúc những ý kiến toạ đàm. Nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp đã tổng kết những ý kiến tọa đàm "Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ". Theo đó, các tham luận đã tập trung lí giải và luận bàn xoay quanh chủ đề trách nhiệm và khát vọng, thiết thực với đời sống xã hội, với môi trường sống chúng ta đang hít thở, tạo nên suy tưởng của nhà thơ về thời đại sang sống, để có tác phẩm hay, vì "đơn vị đo kích thước của nhà thơ là chữ của chính nhà thơ đó". Chữ là sinh thể, là linh hồn, bản năng và khát vọng của nhà thơ. Thời đương đại khác với những năm kháng chiến, những năm chiến tranh, những năm đầu đổi mới, thời mà chỉ một cú nhấp chuột cả thế giới đã hiện ra, các văn bản nghệ thuật cũng có thể được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo… Với nền thơ rộng nhưng đỉnh thì yếu, bội thực thơ vì thơ bình thường nhiều quá, dông dài nhiều quá, nói những chuyện không thiết thực với con người, vậy nên thơ đương đại cần nhất là sự tinh chất. Càng nhiều tiếng nói, nhiều cá tính, tìm tòi, nhiều ngả đường càng nhiều cơ hội để có tác phẩm đỉnh cao. Quyền năng sáng tạo gắn liền với trách nhiệm và khát vọng, đi đến tận cùng để biểu đạt những gì sâu thẳm nhất.
Thơ là chìa khóa để mở những bí mật của tâm hồn, từ đó phơi bày một cách tinh tế mọi ngóc ngách của cuộc sống. Thơ là lời thú nhận thẳng thắn nhất của tâm hồn. Hệ quả là thơ có thể xoa dịu, thanh lọc, nâng đỡ tâm hồn. Vậy nên, người ta thường nói rằng, nếu một dân tộc thiếu thi ca thì tương lai của dân tộc đó chắc chắn sẽ thiếu hi vọng.
Nhà thơ Nguyễn Bình Phương ở phần đầu toạ đàm đã nói rằng, con người tìm đến thơ cũng là tìm đến sự lạc quan, niềm tin sau những đổ vỡ mất mát. Trong rất nhiều lí do khiến con người không bị sa vào tha nhân là biết vịn vào thơ ca. Con người không có cánh nhưng có thơ ca. “Trong chủ quan của tôi thơ chỉ kết thúc khi làm tròn trách nhiệm và khát vọng tột cùng là giải phóng con người khỏi bóng tối. Nếu nhận thức như thế thì ta sẽ thấy trách nhiệm và khát vọng không quá xa nhau, trong khát vọng có trách nhiệm và trong trách nhiệm có khát vọng của người nghệ sĩ”, nhà thơ Nguyễn Bình Phương nói.
THIỆN NGUYỄN
VNQD