Dòng chảy

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 sẽ diễn ra tại cố đô Hoa Lư

Thứ Năm, 06/02/2025 16:41

Lần đầu tiên được tổ chức không phải tại Hà Nội, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23, năm 2025 với chủ đề “Tổ quốc bay lên” sẽ diễn ra tại Hoa Lư, tên gọi mới của Thành phố Ninh Bình, địa danh mang nhiều ý nghĩa lịch sử. Buổi họp báo diễn ra sáng 6/2/2025 tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam.

Đêm thơ nguyên tiêu với tên gọi “Tổ quốc bay lên” sẽ diễn ra vào 20 giờ ngày 12/2/2025 tại Nhà hát Phạm Thị Trân, Số 65, đường Lê Đại Hành, Phường Vân Giang, TP. Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Kịch bản văn học của nhà thơ Hữu Việt, Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam Khoá X. Nghệ sĩ Nguyễn Quang Thập, Giám đốc Nhà hát Chèo Ninh Bình đảm nhận vai trò đạo diễn.

Theo ban tổ chức, đại diện các thế hệ nhà thơ nối tiếp đã làm nên diện mạo của nền thơ Việt Nam sẽ xuất hiện tại đêm thơ diễn ra vào Rằm tháng Giêng tại Hoa Lư. Công chúng sẽ được lắng nghe tác phẩm thơ của các nhà thơ: Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Lệ Thu, Trần Đăng Khoa, Phan Hoàng, Nguyễn Việt Chiến, Trần Kim Hoa, Đinh Thị Như Thúy, Bình Nguyên… và các nhà thơ trưởng thành sau Đổi mới đang tạo được ấn tượng trên văn đàn: Nguyễn Bảo Chân, Nguyễn Tiến Thanh và một số nhà thơ trẻ đã ít nhiều được ghi nhận như Nguyễn Quang Hưng, Phùng Thị Hương Ly…

Một toạ đàm thơ do nhà thơ Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chủ trì mang tên “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ” cũng sẽ diễn ra lúc 8 giờ 30 phút ngày 12/2/2025 tại khách sạn Hoàng Sơn, số 98, đường Trịnh Tú, Phường Ninh Khánh, TP Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. “Với tư cách người cầm bút, nhà thơ phải luôn có khát vọng khám phá và chinh phục những chân trời nghệ thuật đang đặt ra hằng ngày, thậm chí hằng giờ khi ngồi trước trang giấy trắng. Nhưng với tư cách một công dân, bằng sáng tác của mình người cầm bút phải thể hiện trách nhiệm với đất nước, dân tộc và nhân loại tiến bộ trên thế giới; bởi nếu thiếu những điều đó thì tác phẩm văn chương sẽ không còn nhiều ý nghĩa”, đại diện Ban tổ chức cho biết.

Họp báo giới thiệu về Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 diễn ra sáng 6/2 tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam.

Tại buổi họp báo, nhà thơ Trần Anh Thái, Chủ tịch Hội đồng thơ, Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, nhà thơ phải có trách nhiệm xã hội, không thể li khai không gian mình sinh sống. Tuy vậy, ngoài trách nhiệm xã hội còn có trách nhiệm nghệ thuật. Toạ đàm “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ” cũng mong muốn góp phần định vị nền thơ ca Việt Nam trong thi ca thế giới, đặt ra những tìm tòi đổi mới để khẳng định chất lượng và tầm vóc của thơ ca Việt Nam. Chủ tịch Hội đồng thơ nói rằng, trước đây chúng ta phải hi sinh cho các cuộc kháng chiến, vì mục tiêu độc lập dân tộc, hoà bình và thống nhất đất nước, chưa có điều kiện nhiều cho những tìm tòi nghệ thuật, bây giờ đất nước đã hoà bình, đổi mới, là lúc cần nhìn lại để đổi mới thơ ca.

Bên cạnh tác giả trực tiếp đọc thơ có các tiết mục ngâm thơ do các nghệ sĩ trình bày. Có thể nói đây cũng là nét mới làm nên sự chuyên nghiệp khi chú trọng phần nghệ thuật biểu diễn tại Ngày thơ Việt Nam những năm qua. Một số tác phẩm thơ sẽ được các nghệ sĩ thể hiện tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 như: Nguyên Tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Dục Thúy sơn của Trương Hán Siêu, Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân, Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi của Nam Hà. Trong khuôn khổ chương trình cũng sẽ có những bài hát phổ thơ của các nhà thơ Việt Nam như: Đường chúng ta đi (thơ Xuân Sách, nhạc Huy Du), Tổ quốc gọi tên mình (thơ Nguyễn Phan Quế Mai, nhạc Đinh Trung Cẩn)…

Toàn cảnh buổi họp báo.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao tỉnh Ninh Bình cho biết, hiện công tác chuẩn bị cho Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 tại Ninh Bình đã sẵn sàng để chào đón người yêu thơ đất cố đô và du khách về với Ninh Bình - Tràng An thưởng thức những vần thơ xuân và du ngoạn cảnh quan của Ninh Bình. Một số bài thơ cổ khắc trên đá tại Núi Thuý, Ninh Bình cũng sẽ được triển lãm, giới thiệu trong không gian Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Khoá X cho biết, ý định “di cư” Ngày thơ Việt Nam từ Hà Nội đến các địa phương trong cả nước đã có từ lâu nhưng vì nhiều lí do phải đến cuối nhiệm kì X mới thực hiện được. Ông cho rằng, thơ ca là là một phần căn cước văn hoá của người dân Việt Nam, bởi thế, Ngày thơ Việt Nam diễn ra vào Rằm tháng Giêng hàng năm luôn nhận được sự quan tâm lớn. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tin rằng, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 với những khác biệt về nội dung, hình thức, không gian thể hiện sẽ thu hút sự quan tâm của người dân cố đô Hoa Lư và du khách cả nước đến với Ninh Bình dịp đầu xuân Ất Tỵ 2025.

P.V

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)