Từ bao giờ, hoa gạo đã gắn liền với những kỉ niệm khó quên của bao người xa quê khi nhớ về một ngôi làng, một triền đê, một cánh đồng, một con đường có cây hoa rực đỏ mỗi độ tháng ba về. Nhưng hoa gạo không chỉ có ở đồng bằng, trên vùng núi cao gạo cũng mọc rất nhiều, ở đây, chúng bỗng phù hợp hơn với tên gọi mộc miên hoa. Khác với không gian bình địa êm đềm, thân thuộc, nhưng mộc miên trên núi cao cũng đem lại những cảm xúc đặc biệt, trong những chập chùng xanh, bên sườn núi cheo leo, từng thân cây đứng cô đơn trong sự kiêu hãnh bung nở đến cháy lòng. Có một nhà thơ trong một lần lên biên giới, đến với các chiến sĩ biên phòng đã cảm tác một bài thơ về loài hoa đặc biệt này tại mảnh đất Mèo Vạc, Hà Giang năm 2009. Chẳng hiểu sao lần nào qua biên giới/mộc miên cũng rực đỏ triền sông, rực đỏ vách núi, rực đỏ tâm can/mộc miên đỏ một trời biên viễn/như máu tươi ròng rã ngàn năm. Bài thơ có tên Hoa mộc miên biên giới ấy của tác giả Nguyễn Linh Khiếu, về sau, cùng với hai bài thơ khác của ông đã được trao Giải Nhất cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nếu như hình ảnh “rừng xanh hoa chuối đỏ tươi” trong Việt Bắc của Tố Hữu như một nét chấm phá, một điểm nhấn của thiên nhiên Tây Bắc thì hình ảnh mộc miên biên giới do Nguyễn Linh Khiếu vẽ nên lại như một nốt trầm, không chói lóa phơ phới mà ngẫm ngợi thẳm sâu một ý niệm về biên cương linh thiêng tự ngàn năm trên màu đỏ như những giọt lệ trải khắp dải biên cương Tổ quốc với những tự vấn nơi bờ cõi: Có ai trồng mộc miên biên giới/hay biên cương cây tìm đến mọc lên? Phải chăng hoa gạo từ mỗi miền quê đã theo dấu chân người lính ra trận, để rồi mọc lên nơi người lính ấy hi sinh, những bông hoa như ngàn vạn trái tim trai trẻ, như hồn người ngã xuống, cháy đỏ những nỗi niềm. Và tháng ba này, mộc miên hoa vẫn thắp đỏ trời biên tái! Những cánh chim lửa vùng biên. Đốt lên từng nụ thả lên trời... |