Ống kính nhà văn

Pác Thay - Vùng đất còn phong kín

Thứ Ba, 17/11/2020 18:09

Pác Thay là tên của một bản thuộc xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Vùng đất này đã sinh ra nhà văn Cao Duy Sơn, nhà thơ Y Phương, nhà thơ Từ Ngàn Phố… và thế hệ 7x nổi lên một gương mặt nghệ sĩ Tày đang được chú ý trong giới mĩ thuât thủ đô: hoạ sĩ Hoàng A Sáng.

Vùng đất đẹp mơ màng nằm kề biên giới cùng những phong tục độc đáo trong văn hoá của người Tày cũng đã đi vào rất nhiều những tản văn của Y Phương khiến chúng càng trở nên huyền bí.
Đã đi rất nhiều bản làng vùng cao, nhưng dường như chưa bao giờ tôi gặp một nơi nào đẹp và nguyên sơ như Pác Thay.

Pác Thay nằm gọn trong một thung lũng với tứ phía là núi cao, rừng cây biếc xanh. Bản Pác Thay là bản người Tày toàn tòng, định cư từ rất lâu đời. Người Tày ở Pác Thay cũng sinh sống trên nhà sàn, chăn nuôi gia súc gia cầm dưới gầm sàn, nhưng nhà sàn ở Pác Thay không phải dựng bằng gỗ mà được xây bằng đá. Bậc thang dẫn lên sàn nhà cũng bằng đá. Mái lợp ngói âm dương. Và vì xây bằng đá nên rất bền, có lẽ không hiếm những ngôi nhà có tuổi thọ hàng trăm năm. 
 Theo lệ người Tày, thường ở đầu bản trồng một cây đa, cuối bản trồng một cây gạo. Cây gạo này nằm ở cuối làng.

Lúa vàng ruộm, thơm tho trên khắp các cánh đồng. Giờ đã vắng tiếng đập lúa. Các gia đình thường thuê máy tuốt, nhanh gọn, đỡ vất vả.

Đường làng nhỏ hẹp, sân hẹp, nên lúa được phơi luôn trên mặt ruộng vừa gặt xong.

 Lúa chín, căng mẩy mang tới một thứ xúc cảm được mùa rất đặc trưng. Nhìn lúa óng lên dưới nắng sớm, lòng người tự dưng rộn ràng, hạnh phúc.

Bà lão này đã hơn tám mươi tuổi, không nói được tiếng phổ thông,
nhưng bà luôn thường trực một nụ cười chất phác.
Suốt dọc hai bờ sông có rất nhiều cọn nước. Giờ đang mùa gặt, chủ yếu cọn được nghỉ ngơi. Một vài chiếc vẫn quay thì dòng nước bị chặn lại, chảy ngược ra sông. Cọn nước ở Pác Thay đã được thay khung sắt, do một tổ chức của Đức tài trợ với mục đích để người dân không phải chặt cây trên rừng về dựng cọn nữa. Dù bằng gì, dù mang thông điệp gì, những cái cọn vẫn là một hình ảnh tuyệt đẹp mang tính biểu tượng của tập quán canh tác lúa nước miền núi.
Đầu bản có một cây cầu treo. Cuối bản cũng một cây cầu treo. Cả hai đều bắc qua sông Bắc Vọng.
Nhưng cầu treo cuối bản đã bị chặn lại, không cho dân sử dụng nữa vì xuống cấp. Thay vào đó, người ta qua lại trên một con đập tràn. Cây cầu treo không sử dụng nữa vẫn vắt qua sông như một nét vẽ.
Tuy nhiên, không phải lúa vàng trên tất cả mọi thửa ruộng. Ở Pác Thay, cũng như nhiều bản làng miền núi sát biên khác, rất nhiều người lao động khoẻ mạnh đã bỏ ruộng đồng sang bên kia biên giới làm thuê.  
Những thửa ruộng mỡ màng, phẳng phiu, màu mỡ bị bỏ hoang, cỏ mọc bời bời. Mẹ của bạn tôi, một bà lão đã hơn tám mươi tuổi, quá nhớ mùa màng nhưng các con cháu đều đi xa, nhà không có ai làm ruộng được. Bà tiếc ruộng bỏ không. Nhớ những năm xa xưa, để có thêm một thửa ruộng thì phải gom góp bao nhiêu năm trời mới mua được. Con cháu thương nỗi tiếc nhớ của bà mà thuê người làm. Một vụ toàn bộ chi phí mất 8 triệu đồng, trong khi nếu mua gạo về ăn thì cả gia đình chỉ tiêu đến 5 triệu một năm cho tiền gạo là cùng.
Pác Thay trong buổi sớm cuối thu đầu đông, long lanh vàng mật ngọt. Khoảnh khắc tuyệt diệu của buổi sáng ấm áp, no đủ sẽ khiến ai ai cũng cảm thấy thật hạnh phúc vì được sống. Vùng đất này vẫn còn phong kín với du khách, như sơn nữ ngủ quên trong rừng. Nếu một ngày có dịp đến Trùng Khánh, bạn nhớ đừng bỏ qua Pác Thay, vẻ đẹp nguyên sơ của một bản Tày đang đợi bạn.
Tổ chức trang: Vũ Thành Duy
Thực hiện: Đỗ Bích Thúy
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)