Ống kính nhà văn

Ngôi nhà gốm của cựu binh “dị nhân”

Thứ Hai, 10/08/2020 12:20

Với mỗi người đàn ông thì việc phấn đấu để có nhà cao cửa rộng phục vụ cuộc sống của gia đình, vợ con là một trong những mục tiêu lớn trong đời. Nhưng với cựu binh Nguyễn Xuân Trường (thôn Sơn Kiện, xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) thì lại khác. Dù chỉ có một căn nhà cấp 4 lợp pro xi măng nhưng ông không để dành tiền để xây cất ngôi nhà to hơn, hiện đại và tiện dụng hơn mà nghĩ cách làm cho ngôi nhà ấy độc đáo theo một cách chẳng giống ai. Từ vài chục năm nay, số tiền kiếm được ông đều dành cho một đam mê lớn của đời mình, đó là sưu tầm bát đĩa gốm cổ về trang trí cho ngôi nhà bằng cách gắn chúng lên khắp nơi cùng chốn, từ tường rào đến cổng, và gần như toàn bộ các mặt của căn nhà đang ở. Vì đam mê chẳng giống ai này mà người dân quanh vùng gọi ông là “dị nhân”.

Kết quả là đến nay, sau hơn hai mươi năm tỉ mẩn gắn từng món đồ gốm, ông Trường đã có một công trình độc đáo, thu hút khách gần xa tham quan cũng như truyền thông trong nước và quốc tế để mắt đến.
Từng là lính chiến đấu ở chiến trường Lào, năm 1985, ông Trường về quê làm ruộng và hành nghề sơn bàn ghế nuôi vợ và hai con. Việc ông đến với niềm đam mê gốm cũng tình cờ, trong một lần đi làm cho nhà chủ là một người sưu tầm đồ cổ, ngắm nghía các cổ vật một cách say mê, niềm đam mê dành cho đồ gốm đã lây sang ông từ lúc nào không biết. Đó là khoảng năm 1986, theo như ông nhớ lại.
Nhưng cuộc sống khó khăn, kiếm ăn từng bữa, làm gì có tiền để mà chơi đồ cổ, dù là những đồ rẻ tiền, phải mãi đến năm 1991 ông mới có tiền mua mấy món đồ gốm đầu tiên. Những chiếc đĩa, bát gốm cứ nhiều lên trong căn nhà nhỏ. Và từ năm 1996, ông Trường quyết định giữ những đồ gốm mình có bằng cách gắn chúng lên tường nhà. Từng cái, từng cái một…

Để theo đuổi đam mê sưu tầm đồ gốm, ông Trường đã nhiều phen khiến gia đình lao đao. Từ việc xúc trộm thóc của nhà đem bán lấy tiền mua đồ cổ đến phi vụ lớn nhất, năm 2000, ông đã đem cầm cả sổ đỏ căn nhà để vay lãi 3 triệu mua món đồ mà mình quá thích. Số nợ ấy phải 6 năm sau vợ ông mới trả hết, khi mà cả gốc và lãi đã lên đến 23 triệu.

Ngoài bỏ tiền mua, ông còn đạp xe rong ruổi tìm kiếm khắp nơi. Một trong những địa bàn ông thu được khá nhiều bát đĩa gốm cổ là dọc theo hai bên bờ sông Hồng từ các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái… Nhất là khi các tàu hút cát dưới sông hút dính đổ đi, có khá nhiều đồ gốm. Lòng sông đã lưu giữ chúng từ đời này qua đời khác, đến một ngày đẹp trời và đủ duyên, chúng sẽ lộ diện để gặp ông. 

Đam mê đồ gốm cổ, thu gom, tích cóp mãi, đến khi ngoài bốn mươi ông mới gắn được những món gốm đầu tiên lên tường nhà. Đến nay, sau hơn hai mươi năm, tuổi tác nhiều lên tỉ lệ thuận với những đồ gốm bao kín nhà trong nhà ngoài. Căn nhà của ông tuy không “hoành tráng” và hiện đại nhưng lại mang một vẻ đẹp độc nhất vô nhị, như một điểm nhấn nơi làng quê Vĩnh Phúc.

Chiếc mái pro xi măng tuềnh toành xưa nay cũng đã được ông thay bằng mái ngói khiến căn nhà cũng khang trang và đẹp hơn. Ông dặn con cái, sau này trưởng thành, nếu có tiền thì mua đất khác làm nhà ở, còn căn nhà này đừng đập phá, cũng đừng bán đi, hãy giữ lại nó như một kỉ niệm. Tâm nguyện của ông Trường là để lại một công trình văn hóa độc đáo cho vùng quê mình sinh ra, lớn lên và cả đời gắn bó.

Tổ chức trang: VŨ THÀNH DUY
Thực hiện: Ảnh MẠNH HÀ; Text HOÀNH SƠN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)