Dân tộc Khmer chủ yếu sống huyện miền núi Tri Tôn, Tịnh Biên của tỉnh An Giang, với đặc điểm sinh sống ở các vùng biên giới khó khăn, họ chủ yếu sinh sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia đình, làm nghề thủ công truyền thống.
Người dân tộc Khmer ở An Giang chủ yếu theo Phật giáo Nam tông. Họ quan niệm ngôi chùa là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, văn hóa, thể hiện những triết lí nhân sinh và đời sống tinh thần của cộng đồng Khmer. Hằng năm có nhiều lễ hội tôn giáo được tổ chức tại chùa như Lễ dâng áo cà sa, Lễ đặt cơm vắt, Lễ Phật đản, Nhập Hạ, xuất Hạ, Lễ Dâng bông, Lễ Dâng y tức He... Đây là những nghi lễ tôn giáo quan trọng, ăn sâu vào tâm thức cộng đồng người Khmer. Ngoài ra còn có các lễ hội dân gian vừa gắn với cộng đồng văn hóa, vừa gắn với tín ngưỡng tôn giáo, sản xuất nông nghiệp được tổ chức như Lễ Chol Chnam Thmay (Tết Nguyên đán); Lễ Sen Donlta, Lễ đúc cốm dẹp mừng mùa lúa mới (trước ngày 20/11 Dương lịch hằng năm)...
Chùa là một công trình nghệ thuật kiến trúc có giá trị độc đáo, góp phần làm phong phú thêm cho kho tàng văn hóa dân tộc Khmer.
Người Khmer tổ chức đời sống cộng đồng theo các phum, sóc bình dị. Tuy vậy, họ lại dành nhiều tiền của, công sức để xây dựng các ngôi chùa thật nguy nga. Toàn tỉnh An Giang hiện nay có 65 ngôi chùa. Trong đó có 46 chùa theo hệ phái Mohanikay (phái Đại Chúng) và 19 chùa theo phái ThomMayuth (phái Chuẩn theo Phật Pháp), chư tăng Nam tông Khmer có 979 vị, trong đó có 04 Hoà thượng, 11 Thượng toạ, 30 đại đức, 130 À cha và hơn 600 savi. Từ lúc sinh ra đến khi tạ thế, mỗi người Khmer đều gắn với ngôi chùa. Những tháp mộ trong khuôn viên được xem là đặc trưng của chùa Khmer. Việc làm đó thể hiện sự kí thác trọn vẹn niềm tin vào nơi cửa Phật, với mong ước về một cuộc sống đầy đủ, sung túc, viên mãn ở kiếp sau. Ngoài chức năng là trung tâm tôn giáo, trung tâm cộng đồng, chùa Khmer còn là nơi đảm trách chức năng giáo dục quan trọng.Bất cứ ngôi chùa Khmer nào cũng tiếp nhận việc tu tập báo hiếu của nam nhân khi đến tuổi trưởng thành theo luật tục. Tại đây, nhà chùa vừa là nơi tu tập, vừa là nơi để người con trai Khmer học hành. Các Hòa thượng được học viết kinh lá buông trong quá trình tu nghiệp. Hòa thượng Chau Ty chùa Soài So một trong những người lưu giữ nghệ thuật kinh lá buông cho biết: Sách lá Buông - hay sách Sa Tra đều có ở tất cả các chùa tại An Giang, trong đó chùa Srvay Ton ở thị trấn Tri Tôn lưu trữ nhiều bộ kinh sách lá buông nhất đã được ghi nhận thiết lập kỉ lục Việt Nam. Kinh lá buông phần lớn dùng ghi chép lại kinh Phật, chuyện tiểu sử tiền kiếp đức Phật Thích Ca, bộ Tam Tạng kinh … truyện Ramayana, truyện Catêlok (rút ra bài học ở đời) hay truyện kể dân gian, tục ngữ, thành ngữ, câu đối… Trẻ em được học nhạc ngũ âm. Hàng năm, lễ hội Đua bò Bảy Núi được người dân Khmer long trọng tổ chức luân phiên ở chùa Thơ Mít (Tịnh Biên) và chùa Tà Miệt (Tri Tôn) thu hút hàng trăm ngàn lượt người tham dự, cổ vũ. Người dân Khmer xem ngôi chùa là chốn thiêng liêng nhất để tựa nương.
Cổng chùa Kôl kăs, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn - được mệnh danh là Cổng trời vùng Bảy Núi. Có thể nói, mỗi ngôi chùa là biểu tượng văn hóa tín ngưỡng, là niềm tự hào và là sự kết tinh tổng hòa các giá trị văn hóa, nghệ thuật, triết lí nhân sinh của cộng đồng Khmer nơi đây. Tổ chức trang: VŨ THÀNH DUY
Thực hiện: TRƯƠNG CHÍ HÙNG
VNQD