Ống kính nhà văn

Trên “đỉnh trời” Ngải Thầu Thượng

Thứ Bảy, 31/10/2020 00:12

Ngải Thầu Thượng thuộc xã Ngải Thầu, huyện Bát Xát, Lào Cai. Đây là thôn cao nhất của tỉnh địa đầu, nằm ở độ cao 2100 mét, treo lưng chừng núi Ma Cha Va, sát biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Nơi đây cũng là địa điểm lí tưởng để giới trẻ tìm đến "săn mây" cũng như thưởng lãm thiên nhiên diễm lệ. Tuy nhiên, cơ hội để được ngắm biển mây bồng bềnh trong nắng cũng là một sự hên xui. Tôi lên Ngải Thầu đúng đợt mưa bão, trời mù và mưa, khả năng được ngắm thiên đường mây chỉ 1%, tuy vậy, chúng tôi vẫn quyết định leo xe máy lên Ngải Thầu Thượng bởi cơ hội trở lại nơi này thật hiếm. Và dù không được đắm mình trên biển mây, tôi vẫn có những trải nghiệm đáng nhớ với thiên nhiên và con người ở nơi được mệnh danh là "đỉnh trời" này.

Trời mùa thu nhưng nơi “đỉnh trời” lạnh cóng, càng lên cao, đôi tay chúng cầm lái xe máy của tôi càng như đông cứng lại.

Khi đã đi “hết đường”, chúng tôi gặp một căn nhà có người đàn ông bên căn lán chất đầy đặc củi. Và chúng tôi nhanh chóng xin phép tá túc vào căn nhà này để tránh lạnh. Chủ nhà mở cánh cửa gỗ cho chúng tôi vào. Tên anh theo phát âm mà chúng tôi nghe không dám chắc sẽ chính xác là Sùng Mu Chứ.

Anh mở cửa dẫn chúng tôi vào nhà, nơi cả gia đình đang ngồi bên bếp lửa - cái bếp dường như quanh năm không bao giờ tắt.

Hai thứ nhiều nhất và không thể thiếu trong mỗi nhà người H’Mông nơi đây là củi và ngô treo trên trần nhà. Nhà Sùng Mu Chứ càng cần hai thứ đó bởi sự xa xôi mãi "đỉnh trời" này.

Cậu con trai Sùng A Qua năm nay bắt đầu đi học. Không khí lạnh theo chúng tôi ùa vào gian nhà kín trình tường đất dày với những ô cửa tí xíu, chị vợ anh Sùng Mu Chứ vội vào góc nhà lấy ra một chiếc áo mặc thêm cho cậu con trai đang líu lo như sáo.
Cô con gái bắt đầu vào tuổi cập kê ngồi lặng im bên bếp lửa, đôi má ửng thơm mùi khói, lửng lơ buồn, có chút bẽn lẽn trước những vị khách thăm nhà đường đột.
Ngôi nhà luôn khép kín cửa để tránh những cơn gió lạnh, dù trời chưa mùa đông.
Như nhiều gia đình người H'Mông khác, nhà anh Sùng Mu Chứ cũng luôn có một chảo cám lợn thường trực trên một góc bếp.

Ngải Thầu Thượng cách Y Tý, điểm du lịch nổi tiếng, khoảng 15km nhưng nằm cao hơn Y Tý rất nhiều. Đây là thôn cao nhất của Ngải Thầu, và có lẽ cũng là thôn cao nhất cả nước, treo lưng chừng trời bên đỉnh núi Ma Cha Va sát biên giới với Trung Quốc có độ cao 2300 mét. Ở đây có những loài hoa rất đặc trưng.

Cây cỏ ở đây luôn có một sức sống mãnh liệt để chống chọi với sự khắc nghiệt của thời tiết.

Nếu như Y Tý chủ yếu là người Hà Nhì sinh sống thì ở Ngải Thầu chủ yếu là người H'Mông. Những người H’Mông ở Ngải Thầu Thượng được ví như nhưng dũng sĩ canh “đỉnh trời”. Mùa đông ở đây sẽ là mùa đông lạnh nhất, nghe nói nếu đỉnh Fansipan có tuyết thì ở đây tuyết thường có trước. Có năm tuyết dày tới một mét, gần tháng trời mới tan hết. Bởi thế, sống được qua mùa đông ở nơi này là một thử thách khắc nghiệt. Chỉ có những chú lợn H'Mông lông dày hơn thịt và những cây Tống Quá Sủ, dịch từ tiếng Quan Thoại có nghĩa là “cây qua đông” (mà vẫn sống) là chống chọi tốt nhất, sức sống mãnh liệt nhất.
Những năm gần đây, Ngải Thầu Thượng được biết đến là điểm "săn mây" đặc sắc của dân phượt, cùng với đỉnh Lảo Thần khi khám phá cung Y Tý. Lên đến độ cao 2100 mét, “đục thủng” tầng sương mù, bạn sẽ chạm đến một cảnh giới khác khi có cơ hội được ngắm biển mây đẹp như "thiên đường".
Vì thế, dù đường đi khá chật vật thì dân phượt đã lên đến Y Tý, leo Lảo Thần thì chưa chắc (vì phải mất thêm 2 ngày cuốc bộ) nhưng thế nào cũng phải lên Ngải Thầu Thượng. Bởi ở Y Tý họ được ngắm các bản làng của người Hà Nhì, chiêm ngưỡng vẻ óng ả uốn lượn của ruộng bậc thang, nhưng chỉ ở trước thiên đường mây từ đỉnh cao Ngải Thầu Thượng họ mới thực sự vỡ òa cảm xúc, cảm giác mà tôi chưa được có trong chuyến đi này. Nhưng được đặt chân đến đây cũng đã mang lại cho tôi những trải nghiệm thú vị, khi một lần đã chạm tới “đỉnh trời” mây trắng.

Tổ chức trang: VŨ THÀNH DUY
Thực hiện: NGUYỄN XUÂN THỦY

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)