Dòng chảy  Văn nghệ

“Chiến tranh - đất nước - con người trong văn học và điện ảnh đương đại”

Chủ Nhật, 23/12/2018 14:33

Đó là chủ đề của Hội thảo khoa học diễn ra ngày 22/12/2018, tại Thành phố Hồ Chí Minh, do Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Chiến tranh cách mạng gắn với đất nước và con người là đề tài lớn trong văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại, nhiều tác phẩm lớn đã được đưa vào giáo trình và sách giáo khoa phổ thông. Từ khi đất nước tiến hành đổi mới đến nay đã có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật phản ánh những khía cạnh mới, thể hiện những cách nhìn mới về chiến tranh trong mối quan hệ với đất nước và con người. Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành tổ chức Hội thảo này nhằm tổng kết những thành tựu văn học và điện ảnh, suy nghĩ về phương hướng nghiên cứu và giảng dạy các vấn đề chiến tranh - đất nước - con người trong văn học và điện ảnh đương đại.

Chủ toạ Hội thảo (từ trái qua): nhà thơ Giang Nam, đạo diễn Đặng Nhật Minh, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, PGS.TS Đoàn Lê Giang, PGS.TS Lê Quang Trường, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu

Hơn 40 bài tham luận, bài phỏng vấn của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia về văn học, điện ảnh đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà thơ, nhà văn, đạo diễn đến từ mọi miền của đất nước đã gửi về Hội thảo, mang đến những cái nhìn mới mẻ về các vấn đề thuộc lý luận/lịch sử văn học và điện ảnh, về tác phẩm văn học và điện ảnh đề tài chiến tranh Việt Nam, Nga, Hàn Quốc..., về những chiều cạnh hiện thực chiến tranh trong mối quan hệ với đất nước và con người. Tất cả tham luận gửi về đã được Ban tổ chức tập hợp trong Kỷ yếu Hội thảo. Có thể kể tên một số tham luận đáng chú ý như: Hành trình thơ về đề tài kháng chiến chống Mỹ của TS, nhà thơ Phạm Quốc Ca; Sự can dự của quân đội Hàn Quốc trong chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam qua một số tác phẩm văn học Việt Nam thời hậu chiến của GS.TS Phan Thu Hiền; Các nhà phê bình nhận diện về văn học chiến tranh đầu thế kỷ XXI đến nay của PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn; Xem 10 tập phim tài liệu Mỹ “The Vietnam War” - vài cảm nhận của một người trong cuộc của nhà văn Tô Hoàng; Văn học và ký ức về chiến tranh Việt Nam của TS Trần Đăng Trung; Động hình mới của văn xuôi chiến tranh qua những phác thảo rời của PGS.TS Bùi Thanh Truyền; Hình ảnh người lính Hàn Quốc trong văn học Việt Nam của PGS.TS Võ Văn Nhơn...

Kỷ yếu Hội thảo

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS Phan Mạnh Hùng, Phó trưởng Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Hội thảo mong muốn lắng nghe những phát biểu mang tính chuyên môn sâu từ các nhà nghiên cứu, phê bình văn học và điện ảnh về những vấn đề: sự chuyển động, thay đổi, những xu hướng tiếp cận mới về đề tài chiến tranh - đất nước - con người trong văn học và điện ảnh đương đại; tổng kết, đánh giá những thành tựu của văn học và điện ảnh về đề tài này trong thời gian vừa qua và triển vọng trong tương lai; những nghiên cứu so sánh với các tác phẩm cùng chủ đề trong các nền văn học trên thế giới nhằm tìm ra những kinh nghiệm, gợi mở những hướng đi mới trong thực tiễn nghiên cứu phê bình, sáng tác văn học và điện ảnh ở Việt Nam. Và, vấn đề quan trọng mong nhận được ý kiến là giảng dạy tác phẩm văn học chiến tranh trong nhà trường”.

TS Phan Mạnh Hùng trình bày báo cáo đề dẫn Hội thảo

Trong khuôn khổ một buổi, Hội thảo tập trung nghe và thảo luận xung quanh gần 10 tham luận tiêu biểu. Kết quả của Hội thảo là những gợi ý tham khảo cho nghiên cứu phê bình văn học và điện ảnh, cho việc đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy về vấn đề chiến tranh trong mối quan hệ với đất nước và con người trong văn học và điện ảnh đương đại, ở nhà trường bậc đại học và phổ thông.

PHAN PHƯƠNG

 

 

 

 

 

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)