Dòng chảy  Văn nghệ

“Góp dó” như là cách nối dài và phát triển truyền thống

Thứ Tư, 12/12/2018 19:51
 

Ngày 12/12/2018, tại 32 Hào Nam - Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại (VICAS Art Studio) đã khai mạc Triển lãm tranh GÓP DÓ.

GÓP DÓ trưng bày những tác phẩm mĩ thuật được thực hiện trên giấy dó mang hơi thở thời đại của 13 họa sĩ từ Sài Gòn, Hải Phòng và Hà Nội, gồm: Bùi Tiến Tuấn, Doãn Hoàng Lâm, Nguyễn Nghĩa Cương, Vũ Thái Bình, Tào Linh, Bùi Văn Tuất, Trần Vinh, Ngô Thị Phương Bình, Nguyễn Bá Kiên, Nguyễn Minh, Đặng Hữu, Đoàn Đức Hùng, Nguyễn Đoan Ninh.

Gần 50 bức tranh trưng bày lần này trình ra cách mà các hoạ sĩ “ứng xử” với giấy dó bằng ngôn ngữ tạo hình và kĩ thuật riêng của mỗi người. Có người vẽ dó bằng kĩ thuật vẽ thuốc nước của Tây, có người vẽ như tranh thuỷ mặc của Tàu; có người bồi dó lên toan (canvas), lại có người bồi như tranh trục, có người vẽ dó khô, có người vẽ ướt, người dùng màu, người chỉ dùng mực… Rất nhiều cá tính sáng tạo, rất nhiều loại kĩ thuật từ 13 hoạ sĩ nhằm khai thác đặc tính riêng của giấy dó là loang, nhoè, thấm, chảy đã đem đến cho triển lãm sự đa dạng về hiệu quả thị giác, về khoái cảm thẩm mĩ. Ở đây, người xem tranh gặp một Nguyễn Nghĩa Cương thích suy tư về xã hội và tự nhiên ở quanh ta; một Bùi Tiến Tuấn ham chơi bố cục; một Tào Linh tinh vi trong kĩ thuật thấm màu và thông minh, ý nhị trong tạo hình; một Nguyễn Bá Kiên lãng mạn và lão luyện…

Hoạ sĩ Tào Linh chia sẻ: “Tôi theo đuổi chất liệu giấy dó từ nhiều năm nay vì giấy dó hợp với tạng tính của mình. Khởi đầu, tôi vẽ màu nước, màu bột trên giấy dó, nhưng càng về sau, tôi càng có xu hướng kiệm màu và cho đến vài năm gần đây thì chỉ còn dùng mực đen, mực tàu trên giấy dó. Tôi cảm thấy rõ ràng, bản thân thực sự tự do với loại chất liệu này.

Tôi tham gia triển lãm GÓP DÓ với 4 bức tranh mà tôi chọn từ 3 giai đoạn sáng tác của cá nhân trong khoảng 10 năm trở lại đây. Với sự chọn lựa này, bản thân tôi cũng nhận ra một số thay đổi về kĩ thuật, thẩm mĩ tạo hình của mình với chất liệu giấy dó. Nhưng chung quy lại, tôi cho rằng, ứng xử với dó thế nào cũng phải khai thác hết các đặc tính của dó, đó là sự loang, nhoè, thấm, chảy chỉ có riêng trên dòng giấy dó Việt”.

Hoạ phẩm "Phố" của Tào Linh, mực trên giấy dó, 35 x 50 cm

Phát biểu khai mạc Triển lãm, PGS.TS Bùi Quang Thắng - Giám đốc nghệ thuật của VICAS Art Studio - cho rằng: “Dó là một chất liệu truyền thống, nếu bảo tồn nó bằng cách thuần truyền thống như in tranh dân gian lên đó thì truyền thống ấy sẽ chết dần chết mòn. Vậy phải làm gì để truyền thống ấy trở nên sống động? Có nhiều cách trong đó nghệ sĩ thể hiện những tác phẩm hiện đại trên chất liệu dó chính là cách họ duy trì, nối dài và phát triển truyền thống”.

Khai mạc GÓP DÓ diễn ra lúc 17 giờ ngày 12/12/2018 tại VICAS Art Studio, 32 Hào Nam, Hà Nội

Trung tâm Hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại có chức năng nghiên cứu và hỗ trợ phát triển các sáng tạo và thử nghiệm về nghệ thuật đương đại ở Việt Nam, trực thuộc Viện Văn hoá nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch). Tại đây, Triển lãm GÓP DÓ sẽ kéo dài tới ngày 22/12/2018.

ĐĂNG HOÀNG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)