Dòng chảy  Văn nghệ

Tranh Lê Thị Lựu - “ánh sáng Pháp, hồn dạ Việt” - và hành trình về nước

Thứ Sáu, 07/12/2018 17:43

 

 

Hành trình đưa hội hoạ Lê Thị Lựu về với dân tộc được đánh dấu bằng sự kiện trưng bày tranh của hoạ sĩ này tại Bảo tàng Mĩ thuật TP. Hồ Chí Minh và sự kiện ra mắt ấn phẩm Lê Thị Lựu - ấn tượng hoàng hôn do Thuỵ Khuê biên soạn.

Lê Thị Lựu là nữ sinh tốt nghiệp thủ khoa khoá III Trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương Hà Nội (năm 1932). Từng làm giáo sư ở Trường Trung học Bảo hộ (Trường Bưởi), Trường Nữ Sư phạm (Hàng Bài), Trường tư thục Hồng Bàng Hà Nội… Từ năm 1940 sang định cư tại Pháp và chuyên tâm thực hành sự nghiệp mĩ thuật của mình.

 
Hoạ sĩ Lê Thị Lựu, Paris, 1947

Từ khi Lê Thị Lựu mất (1988), nhà nghiên cứu phê bình Thuỵ Khuê đã manh nha hành trình đưa tranh của nữ hoạ sĩ tài hoa đầu tiên của Việt Nam này về nước. “Bởi một tài năng như Lê Thị Lựu phải có mặt trên quê hương, để đồng bào chiêm ngưỡng tác phẩm. Bởi một tài năng như Lê Thị Lựu, không thể như Hồ Xuân Hương, rồi đây người Việt sẽ chỉ mơ hồ, chẳng biết bà có thật hay không, bà đã sống như thế nào… Ở Pháp, nhưng ở đâu? Tại sao tác phẩm lại hoàn toàn bị thất lạc? Tại sao trong các bảo tàng từ Nam chí Bắc, không có lấy một bức tranh của Lê Thị Lựu?”.

Sau chuyến về Việt Nam tháng 11 và 12/2017, quan sát những khởi sắc của đời sống mĩ thuật cũng như của công tác bảo quản tác phẩm nghệ thuật ở trong nước, nhà nghiên cứu phê bình Thuỵ Khuê đã quyết định bước đầu đưa hai bộ sưu tập tranh Lê Thị Lựu của Ngô Thế Tân (chồng của nữ hoạ sĩ) và của Thuỵ Khuê - Lê Tất Luyện về nước, trao tặng Bảo tàng Mĩ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Các tác phẩm đã trao tận tay cho ông Giám đốc Bảo tàng, tại Paris, vào tháng 6/2018, để kỉ niệm 30 năm ngày nữ hoạ sĩ qua đời.

Hành trình đưa hội hoạ Lê Thị Lựu về với dân tộc được đánh dấu bằng sự kiện 26 bức tranh của họa sĩ Lê Thị Lựu được trưng bày tại Bảo tàng Mĩ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tháng 11/2018 và sự kiện ra mắt ấn phẩm Lê Thị Lựu - ấn tượng hoàng hôn do Bảo tàng Mĩ thuật Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành quý IV/2018.

Lê Thị Lựu - ấn tượng hoàng hôn là tác phẩm khảo cứu được Thuỵ Khuê biên soạn dựa trên những tài liệu do chính Lê Thị Lựu và Ngô Thế Tân cung cấp.

Cuốn sách Lê Thị Lựu  - ấn tượng hoàng hôn

Bằng nhãn quan tinh nhạy của một nhà nghiên cứu phê bình, Thuỵ Khuê nhận định về tranh lụa thời kì toàn bích của Lê Thị Lựu (từ 1960 trở đi) như sau: “Đó là một thế giới đã qua, không bao giờ trở lại: thế giới Tự lực văn đoàn mà Lê Thị Lựu vừa là đối tượng được các văn nhân thi sĩ mơ ước, là người vẽ lại cuộc sống thơ mộng thời ấy qua chân dung những thiếu nữ, thiếu phụ, thiếu nhi trên toàn bộ tranh bà”. “Màu sắc trong tranh Lê Thị Lựu phản ảnh hai không gian, hai tâm tưởng: ánh sáng Pháp, hồn dạ Việt”. "Người nghệ sĩ ấy đã sống trong khoảng trời Việt Nam đầu thế kỉ và đã khuất li đất nước vào những năm 40. Bà đem khí quyển tâm hồn, đem cái hoàng hôn buồn bã rất Hồ Dzếnh ấy nhuộm với những nét u hoài của tỉnh nhỏ Gentilly, với màu vàng thu đất Pháp. Tranh Lê Thị Lựu dan díu với thiên đường Việt Nam thơ mộng đài các tiền chiến xa biệt, thời Sơn nữ ca, Một đêm trong rừng vắng, ẩm thêm sắc thái nghiêm đài nhìn về đất cũ của những người cách nước lâu ngày, có những nhịp đời thương nhớ âm vọng trong thời khắc và lòng người như lời Hồ Dzếnh. Gần gụi với tâm tư chiều Hồ Dzếnh, tranh Lê Thị Lựu dấy lên trên nền năm tháng cũ một bóng hoàng hôn mơ hồ ôm trùm lên sự vật; khiến cho ai đó, mỗi lần tìm đến tác phẩm Lê Thị Lựu, lại thấy vang lên những bâng khuâng gió nhớ về qua lá đầy”…

Mẹ địu con, tranh lụa của Lê Thị Lựu, khoảng 1965-1970

Cuốn sách Lê Thị Lựu - ấn tượng hoàng hôn giúp người đọc không chỉ tri nhận về cuộc đời và sự nghiệp sáng tạo mĩ thuật của hoạ sĩ Lê Thị Lựu, mà còn hiểu thêm về Trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương những năm đầu, về cuộc sống trên đất Pháp của các hoạ sĩ tiên phong cũng như tấm lòng của các hoạ sĩ đối với quê hương đất nước, qua những bài phỏng vấn các hoạ sĩ Vũ Cao Đàm, Lê Phổ và ông Ngô Thế Tân do tác giả cuốn sách thực hiện.

ĐĂNG HOÀNG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)