“Bụi đường di dân”: Khi con người bị dồn đến đường cùng

Thứ Tư, 15/12/2021 13:51

Khủng hoảng nhân đạo không còn là câu chuyện quá xa lạ vào những ngày này. Khi thế giới ngày càng rộng mở hơn thì con người ngày càng có dịp nhìn sâu vào những nỗi đau trong một đời sống quá nhiều xung đột. Từ vùng Trung Đông liên tục đổi chủ cho đến Bắc Mĩ với Mexico đầy biến động, Bụi đường di dân có thể nói là phiên bản hiện đại hơn của Chùm nho phẫn nộ, cho những con người bị nén đến mức tối đa.

Để nói về Mexico thì ngoài những dấu ấn huy hoàng của Juan Rulfo hay Carlos Fuentes thì càng về sau, văn chương của địa hạt này trong mắt người đọc không gì nổi bật hơn hai từ “hiện thực”. Mấy năm trước, trong cuốn Hurricane Season (tạm dịch Mùa cuồng nộ), nhà văn Fernanda Melchor đã viết về một nơi chốn vô cùng bạo lực, với đói nghèo, bất công và sự xuống cấp về nhân tính. Nối gót đề tài này, Bụi đường di dân là câu chuyện xen kẽ giữa hi vọng, tuyệt vọng; giữa yêu thương và cũng can đảm khi con người lâm vào ngõ cụt.

Tiểu thuyết là câu chuyện kể về Lidya, và chuyến hành trình vượt biên đến Mĩ của cô. Có chồng là một nhà báo chuyên viết về những băng đảng ma túy ở Mexico, trong ngày lễ trưởng thành của cô cháu gái, gia đình 16 người của Lidya đã bị sát hại vô cùng dã man, nhưng cô và cậu con trai Luca may mắn thoát chết một cách thần kì. Trải qua hơn 53 ngày và 4.200 dặm đường, cuộc hành trình của họ kết thúc ở nước Mĩ xa xôi, trong quãng thời gian đó là những đấu tranh, khó khăn và gian khổ chưa khi nào thôi ngả bài.

Tiểu thuyết Bụi đường di dân.  

NHỮNG SONG ĐỀ NAN GIẢI

Trong câu chuyện đầy dũng cảm mà cũng li kì này, Jeanine Cummins đã khắc họa các nhân vật vô cùng điển hình và đầy phổ quát, đại diện cho những cá thể hay một cộng đồng rời khỏi quê hương để trốn chạy, khi bạo tàn và tuyệt vọng lên ngôi. Ở vùng Acapulco ấy, các băng đảng thay phiên nhau hoạt động. Cứ mỗi ngày lại có những nạn nhân khác nhau như sự giương oai, không từ một ai: từ những đứa trẻ còn rất hồn nhiên cho đến những nạn nhân lớn hơn, và bao trùm trong bầu không khí chỉ là sự ngột ngạt chết chóc.

Lidya - chủ một tiệm sách nhỏ, người phải đóng tiền bảo kê cho những “hung thần” nhằm đảo bảo công việc làm ăn của mình, trong một lần tình cờ, đã gặp Javier - “giáo chủ” của băng đảng đang lên tại đây. Chia sẻ cùng nhau sự trùng hợp về căn bệnh ung thư của hai người cha cũng như tình yêu vô bờ bến đối với văn học, Lidya đã trở thành “nữ hoàng tinh thần” cho tên khát máu ấy, y bị cô cuốn hút một cách không ngờ tới.

Trong ngày bài báo về chân dung hắn ra lò, cô con gái - nữ hoàng trong trái tim bé nhỏ, Marta, rốt cuộc cũng nhận ra cha mình là ai, dẫn đến cái chết như lời buộc tội những gì hắn làm. Quay cuồng trong sự trả thù vô độ, 16 xác chết trong một buổi tiệc đã được tìm thấy, hai nạn nhân sau cùng cũng không tránh khỏi sự săn lùng rốt ráo khi địa bàn của hắn đã vươn rất xa, ra khỏi những vùng địa lí ngoại biên, có sự kết hợp của cảnh sát và đủ mọi thành phần, vì cơ bản, lợi ích mà những băng đảng trả cho những viên chức này lớn gấp nhiều lần lương công của họ.

Lidya và Luca lên đường chạy trốn sự truy lùng này, trong quá trình đó, họ gặp được rất nhiều những nạn nhân khác nhau, cũng chia sẻ cùng số phận với họ. Đó là Rebecca và Soledad chạy trốn tên côn đồ đã cưỡng hiếp họ và muốn biến họ thành nô lệ, đó là Beta - một cậu bé choắt lên 10, không muốn gì hơn ngoài “giấc mơ Mĩ” xa vời để thoát khỏi bãi rác hay Marisol và Nicholas - những con người tuyệt vọng quay trở lại Mĩ vì những đạo luật di dân khắc nghiệt và không công bằng.

Jeannie Cummins đã xây dựng trong tác phẩm này những nhân quần vô cùng điển hình, từ đó có thể thấy được tham vọng xây dựng một cách có lớp lang và đầy ý nghĩa các nhân vật của cô. Từ tình cảm thương yêu, hi vọng và sự đồng cảm vượt lên trên nỗi khiếp sợ, như Lidya dành cho hai chị em người Honduras, dành cho Beto. Những người di cư này không có gì ngoài nỗi sợ và sự đồng cảm dành cho nhau. Họ là những người thiếu thốn nhất, nhưng luôn dành cho nhau những sự động viên với tất cả những gì bản thân có thể.

Vùng đất ấy, nơi một đứa trẻ như Beto phải bỏ đi, nơi những cậu thanh niên 16, 17 tuổi như Lorenzo chạy trốn sự bạo tàn của những băng đảng khét tiếng, trong một trạng thái gần như vô vọng; đã quay mặt lại với những hậu duệ của mình, để những đứa con của nó sống cùng với nắng, gió, bụi đường, sa mạc, với Tequila, với xương rồng và những người thân bỏ lại… Những đứa trẻ ấy đi tìm Thiên đường đã mất, muốn quay trở lại, nhưng chưa bao giờ có thể.

VÙNG ĐẤT VÔ VỌNG

Mexico hay những lãnh thổ còn tranh chấp, nói rộng ra hơn trong tác phẩm này, là những nơi bạo tàn lấy đi nhân tính của những con người vốn là trụ cột của sự đồng cảm. Họ có thể ra tay tàn bạo với những đứa trẻ, lạm dụng những cô gái vị thành niên. Trong những chuyến đi đến thiên đường le norte, lên phía Bắc biên giới giữa Mĩ và Mexico, những gì chờ đón họ là tốp cảnh sát tuần tra biên giới, nhưng như thế sẽ còn may mắn, nếu họ không rơi vào tay các băng đảng bắt cóc, tống tiền; để rồi bị bán như từng món đồ một.

Quá trình đó còn là những lần nhảy tàu bất chấp tính mạng, mà bất cứ một sai sót nào cũng phải trả giá bằng mạng sống của mình. Họ chạy trốn con quái vật này bằng cách chui vào hang của con quái vật khác. Họ bị cưỡng hiếp, cướp bóc, đôi khi là bỏ mạng lại nơi sa mạc khi đã rất gần đến cổng Thiên đường. Họ không có lựa chọn khác, vì ngoảnh đằng sau là chốn địa ngục nơi chỉ có những thây ma bị mờ mắt vì tiền và quyền lực; trong khi phía trước là nước Mĩ đầy cuốn hút.

Mexico trong tiểu thuyết này tràn ngập bi kịch, để sự đồng cảm và những tình cảm trìu mến được tô đậm thêm bởi những sẻ chia chung một số phận. Mexico một mặt bạo tàn với những tội ác, nhưng bên cạnh đó, nó cũng ấm áp và đầy chân tình, với những nhân viên đường sắt ngó lơ cho người di dân “bám tàu”. Đó cũng là những công dân nông thôn che giấu cho họ, là lão Danilo tốt bụng với con dao rựa dẫn đường trên con đường tội lỗi, là cô y tá Angelo, là các bà xơ và thầy linh mục, là Paola - bà chủ ngân hàng đầy đồng cảm.

Nhà văn Jeanine Cummins. Nguồn The Irish Times

Từng hàng những người Guatemela, Honduras, Sal Savador, người Da đỏ… nối đuôi nhau cho đến vô cùng để tìm bằng được sự sống của mình. Ở đó nổi bật lên những nỗi đau người mẹ bị tách rời khỏi con cái của mình, của những cô gái bị cưỡng hiếp ám ảnh đến muôn đời sau, của những xác mục ở nơi sa mạc không biết khi nào đến nơi siêu thoát… Jeanine Cummins đã viết nên một mạng lưới những thân phận là mắt xích thúc đẩy nhau, để từ đó ta thấy được những luồng di dân không phải là một ước mơ có phần xa xỉ, mà đó là cách duy nhất họ có thể làm, không thể thoát được.

Bụi đường di dân cũng đậm đặc không khí Mexico với những nhà văn nổi tiếng, với những cụm từ được giữ nguyên gốc, một phần gợi nhớ gốc gác Tây Ban Nha, nhưng cũng đôi lúc gợi lên một sự hòa nhập của những chủng tộc hài hòa đến vô cùng tận. Đây là một cuốn sách đại diện cho những điều lớn lao, nhưng không từ bỏ bản nguyên của nó - vùng đất nhiều biến động và không khi nào ngưng nghỉ của những xào xáo nội bộ.

*

Bằng cách kể chuyện giản dị trong cốt truyện tăng tiến và nhiều kịch tính, Jeanine Cummins bằng ngón nghề sắp đặt và khơi gợi cảm xúc đã dẫn dắt người đọc qua cuộc hành trình to lớn và đầy cảm xúc của những con người bị dồn đến bước đường cùng. Ở đó, giữa những nhỏ nhen bạo tàn của trò chơi quyền lực; người đọc cũng đồng thời thấy tình yêu, tình thân, sự sẻ chia, nỗi đồng cảm và tính nhân văn của những con người chưa bị tha hóa. Bụi đường di dân là lời nói thay cho những mảnh đời bất hạnh, nhưng cũng đồng thời là câu phê phán cho một xã hội hiện đại nhưng nhỏ nhen, ích kỉ, thiếu liên kết để tìm ra giải pháp. Một cuốn tiểu thuyết đầy biến động mà bất cứ ai cũng rất nên đọc để thêm đồng cảm và thêm thấu hiểu. Sách do Nhà sách Hải Đăng liên kết với Nxb Lao động in và phát hành qua bản dịch của Quách Cẩm Phương.

NGÔ THUẬN PHÁT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)