"Ác ý" của Higashino Keigo: Từ ác ý mà tạo nên tội ác

Chủ Nhật, 21/11/2021 15:43

Hidaka Kunihiko, một nhà văn ăn khách bị giết một cách bí ẩn trong phòng làm việc, ngay trước ngày anh định cùng người vợ mới tái hôn chuyển sang sống tại Canada. Người đầu tiên phát hiện án mạng chính là vợ anh – Hidaka Rei và người bạn thân – Nonoguchi Osamu. Cảnh sát nhanh chóng vào cuộc và bất ngờ thay, người phụ trách vụ án chính là Kaga Kyoichiro, đồng nghiệp dạy cùng trường với Nonoguchi Osamu ngày trước.

Ảnh minh họa.

Ác ý, cuốn tiểu thuyết ẩn chứa nhiều bất ngờ

Ác ý là câu chuyện về cái chết của một nhà văn đang ăn khách: Hidaka Kunihiko. Tên sát nhân nhanh chóng bị tóm gọn, chính là một trong hai người đầu tiên phát hiện án mạng, cũng là bạn thân của nạn nhân: Nonoguchi Osamu. Và dường như, mọi chống cự của hắn với cảnh sát đều vô cùng yếu ớt. Kể cả động cơ gây án mà hắn cố gắng che giấu, lấp liếm cũng được thanh tra phụ trách vụ án Kaga Kyoichiro tìm ra khá dễ dàng.

Nhưng ẩn sau vụ án tưởng chừng đơn giản đấy, là những tình tiết còn bỏ ngỏ, sự mập mờ trong động cơ gây án ngỡ rằng đã rất rõ ràng như muốn dẫn dụ người điều tra, đi xuống cái bẫy đã được thủ phạm tính toán tinh vi. Để rồi, trọn vẹn chương cuối cùng, chính là lúc thanh tra Kaga lật lại toàn bộ suy luận trước đấy của anh. Và người đọc nhận ra, mọi điều tác giả dẫn dắt, ngay chương đầu tiên đã là tiền đề cho bất ngờ cuối cùng; ngay trong những chi tiết tưởng chừng chỉ là tiểu tiết cũng đóng vai trò quan trọng hình thành bước ngoặt cho tác phẩm; cùng với đó, hình ảnh vị thanh tra vốn rất mờ nhạt trước đó, được tô đậm một cách đột ngột. Một người đã dám thử và sai, dám nghi ngờ chính bản thân, dám đi ngược lại công sức đã bỏ ra trước đấy chỉ nhằm mục đích, kiếm tìm sự thật cuối cùng.

Bằng kết cấu khá đặc biệt, là sự tập hợp của nhiều thể loại: vừa là hồi kí, vừa là ghi chép, vừa là lời trần thuật được viết bởi nhiều lời kể, điểm nhìn khác nhau; tác giả Higashino Keigo đã đưa đến cho người đọc trinh thám những cách nhìn nhận vụ án hết sức đa chiều, đa diện. Đồng thời, dung lượng vừa phải, tình tiết cô đọng, Ác ý là một trong số ít tác phẩm của Keigo vừa tập trung được vào vụ án, vừa đi tới tận cùng tâm lí, suy nghĩ để tạo lên những hình tượng nhân vật có chiều sâu trong nội tâm lẫn hành động.

Một nhà văn Hidaka, hiện lên qua những tín hiệu, qua lời kể của Nonoguchi đã bị khúc xạ thành một “phản diện”, người bị hại bỗng chốc như trở thành hung thủ, căn nguyên của mọi bi kịch. Kẻ sát nhân, mang nặng chấp niệm ác ý Nonoguchi lại bỗng trở thành một nạn nhân đầy yếu đuối nhận được sự đồng cảm của truyền thông, công chúng. Và người cảnh sát Kaga, không phải ngẫu nhiên anh dành nhiều tâm huyết đến thế cho vụ án này.

Dường như, mọi cá nhân trong tiểu thuyết Ác ý, dưới ngòi bút Higashino Keigo, vị trí, vai trò của họ đều đã đảo lộn. Và Ác ý, cũng trở thành một tiểu thuyết trinh thám đầy đặc biệt. Khi tác phẩm này, không phải hành trình người điều tra kiếm tìm chân tướng hung thủ mà là công cuộc vị thanh tra phải vượt thoát hàng loạt cái bẫy ngôn từ kẻ thủ ác giăng sẵn để tìm ra sự thật mang tên: quá khứ và động cơ gây án. Để rồi, khi bức màn hạ xuống, người đọc mới giật mình rằng, ác ý, có thể khiến con người ta trở nên nhẫn nhịn và nhẫn tâm đến thế sao?

Ác ý bất ngờ bởi tình tiết và đoạn kết rất “sắc. Nhưng Ác ý, còn bất ngờ bởi sự khắc họa tới sắc lạnh vào vùng tối con người của tác giả Higashino Keigo vậy.

Ác ý, hơn cả một tác phẩm trinh thám

Mỗi nhân vật xuất hiện trên trang văn của tiểu thuyết Ác ý, đều như mang một lớp mặt nạ, do tự thân hoặc do người khác cố tình tạo dựng để che đậy bí ẩn trong quá khứ không dễ dàng chia sẻ, càng không thể dễ dàng phơi bày trước ánh sáng. Và từ những cá nhân mang nhiều uẩn khúc trong tâm hồn, tác giả Higashino Keigo đã gợi lên những giá trị hết sức nhân bản trong giá trị con người lẫn cách làm người.

Đó là tận sâu của thứ chấp niệm mang tên “ác ý” mà Nonoguchi hướng tới Hidaka mà ta có thể hiểu: Qua cách giáo dục của người lớn, qua những mối quan hệ xung quanh mà tạo nên thành kiến đậm sâu trong lòng đứa trẻ như thế nào. Thành kiến, ác ý mang tính truyền đời, và đối diện với thành công của người khác, ác ý chuyển thành ghen tị, thù ghét rồi thành sát ý lúc nào không hay. “Cách cư xử trong quá khứ của anh và mẹ anh khiến tôi cảm thấy như hai người có thành kiến với anh Hidaka và mọi người ở quanh đó.[...] Vì tôi nghĩ có lẽ một trong những lí do khiến anh hồi nhỏ ghét anh Hidaka có liên quan đến suy nghĩ đáng khinh mà mẹ anh gieo vào đầu lúc đó, nên nói vậy thôi.”

Từ đấy, Ác ý khẳng định chỗ đứng, dù là tác phẩm tác giả Keigo hướng tới sự cô đọng trong tình tiết, thì đây vẫn là câu chuyện ẩn chứa nhiều mặt của cuộc sống, hiện thực đầy phức tạp. Mà sâu sắc nhất, chính là vấn đề giáo dục trẻ nhỏ của bậc làm cha, làm mẹ. Tùy vào cách dạy dỗ, đứa trẻ tựa tờ giấy trắng ấy trở thành người nghĩa hiệp như Hidaka hay trở thành một kẻ sống cô lập, ti tiện, nhỏ nhen, ích kỉ như Nonoguchi. Và thành kiến đó, vừa là nghi kị, thù ghét; đồng thời cũng phản ánh sự nhỏ bé, yếu đuối của kẻ mang ác ý. Bởi, trong nội tâm Nonoguchi, một kẻ từ bé đến lớn chỉ biết trốn tránh, hẳn không dưới một lần, muốn được trở thành Hidaka tài năng, hòa đồng và không chịu khuất phục.

Bên cạnh câu chuyện chuyện “trồng người”, giáo dục trong Ác ý còn được triển khai trên khía cạnh thực tế, gần gũi và nghiệt ngã hơn: vấn đề bạo lực học đường, mà bạo lực không chỉ ở phương diện thể xác mà còn là bạo lực ở phương diện tinh thần. Có thể thấy, bóng ma mang tên “bắt nạt” đã nhen nhóm, xuyên suốt tiểu thuyết Ác ý như thế nào. Từ thấp thoáng hiện lên qua bóng hình thấp thoáng cuốn sách Vùng cấm săn bắt của Hidaka đến quá khứ của Kaga và rồi bức màn phía sau sự thật của Nonoguchi. Để rồi, gấp trang sách lại, hẳn không ai là không cảm thấy day dứt, ám ảnh và trăn trở cho câu hỏi như chẳng có câu trả lời: Làm thế nào để chấm dứt bạo lực học đường đây? Thờ ơ, vô cảm nhưng sự quan tâm không đúng cách, như càng đẩy bạo lực tăng cao và giết chết tâm hồn người học trò.

Và rộng hơn nữa, là câu chuyện giáo dục trong cách ứng xử của con người nói chung trước một sự kiện. Xã hội phát triển kéo theo sự phát triển của truyền thông cùng hệ thống tin tức. Vậy đứng trước những tin tức vàng thau thật giả lẫn lộn đó, con người cần có cái nhìn đa chiều, phản biện như thế nào để không trở thành con rối giữa biển tin tức? Như trong vụ án Hidaka, dường như tất cả đều đã bị Nonoguchi dẫn dắt, chỉ có Rei cùng Kaga, những người đã quá rõ về nạn nhân lẫn kẻ sát nhân mới có được sự sáng suốt.

Nhờ tập trung gần như trọn vẹn dung lượng cuốn sách vào một đề tài, xoáy sâu xung quanh một vụ án nên Ác ý khắc phục được không chỉ điểm yếu chí mạng trong cách kể mà còn khắc phục được phần nào điểm yếu dàn trải trong nhiều tác phẩm của Higashino Keigo. Mặc dù vẫn còn đây đó những vấn đề bỏ ngỏ trong mối quan giữa Nonoguchi và Hidaka, giữa Nonoguchi và Kaga cùng quá khứ của Kaga thì đó cũng là những khía cạnh có thể phần nào thấu hiểu. Bởi Ác ý được viết vào năm 2001, cho nên không khí lẫn bối cảnh trong Ác ý đã khá cổ. Vì thế, thủ pháp gây án lẫn quá trình thanh tra Kaga tìm ra động cơ thực sự của Nonoguchi trong câu chuyện có phần giản đơn, rườm rà.

Nhưng trừ bỏ yếu tố về mặt thời gian sáng tác thì Ác ý là một cuốn sách còn nguyên giá trị đến ngày nay. Hơn cả một cuốn tiểu thuyết trinh thám đọc xong rồi quên ngay, Ác ý khắc họa sâu sắc mặt tối trong tâm hồn con người, trong cách thức giáo dục con người và hoạt động trồng người. Qua Ác ý, Keigo tiên sinh như gióng một hồi chuông cảnh tỉnh chúng ta rằng, thành kiến vô lý của con người thời nào chẳng có, và thực trạng bạo lực học đường trong xã hội hiện đại, như càng có xu hướng trẻ hóa, leo thang. Đứng trước bối cảnh đó, người làm cha mẹ, người làm giáo dục phải làm gì đây. Để mặc cho cái tôi ích kỉ trong quá trình dạy dỗ con cái, trốn tránh để mặc những vấn đề nhức nhối học đường tồn tại? Điều đó thật sự, không còn là trách nhiệm của một cá nhân đơn lẻ, mà hơn cả, là trách nhiệm của cả cộng đồng; cho tương lai những đứa trẻ mai sau.

MỌT MỌT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)