Lời ca ngợi những bà mẹ Hàn Quốc

Thứ Năm, 28/10/2021 13:02

Cuốn sách ảnh mới nhất của Jung Young-shin, Những người mẹ quê hương, đưa độc giả trở lại khung cảnh nông thôn và kém phát triển của Hàn Quốc vào cuối những năm 1980.

Bức ảnh được Jung Young-shin chụp năm 1988 ghi lại hình ảnh một người phụ nữ đi trên con đường không trải nhựa đến chợ ngoài trời được tổ chức 5 ngày một lần ở Gure, tỉnh Nam Jeolla, để mua nhu yếu phẩm hàng ngày hoặc bán nông sản để kiếm tiền. Nhà xuất bản Noonbit.
Nhiếp ảnh gia Jung Young-shin

Những người phụ nữ nông dân cao tuổi với khuôn mặt rám nắng sống trong cuộc sống mộc mạc, nguyên sơ được ghi lại trong những bức ảnh đen trắng, chụp chủ yếu vào năm 1987 và 1988. Mặc dù những bức ảnh chỉ được chụp cách đây khoảng 3 thập kỉ khi các vùng khác của Hàn Quốc đã phát triển để có thể đăng cai Thế vận hội Mùa hè 1988, thì hình ảnh những người nông dân ở nông thôn vẫn sống cuộc sống thôn dã, như còn cách xa với văn minh, hiện đại.

Họ vẫn sử dụng bò cày ruộng trước khi trồng lúa. Máy chạy bằng dầu vẫn chưa được sử dụng đầy đủ trong sản xuất lúa gạo. Trong bức ảnh, một người nông dân đang nghỉ giải lao trong khi cấy lúa trên cánh đồng. Bức ảnh khác là hình ảnh nữ nông dân đi dạo trên cánh đồng và một con chó chạy sau lưng cô.

Hay có các bức ảnh về những người nông dân đi bộ hàng giờ trên những con đường lộng gió, không trải nhựa, đến các khu chợ ngoài trời được tổ chức 5 ngày 1 lần để mua nhu yếu phẩm và bán nông sản để phục vụ cho cuộc sống có nhu cầu ít ỏi, đạm bạc. Có những bức ảnh ghi lại cảnh những phụ nữ lớn tuổi trò chuyện với nhau, người mặc cả giá rau, một số người chờ xe buýt.

Nhiếp ảnh gia Jung Young-shin chia sẻ với The Korea Times: “Những bức ảnh này đáng lẽ phải xuất bản từ lâu, bởi tôi muốn bày tỏ lòng trân trọng, ghi nhận sự chăm chỉ và hi sinh cho gia đình của những người mẹ, những người phụ nữ nông dân mà tôi đã chụp ảnh, nhưng tôi đã không thể làm vậy vì nhiều lí do.”

Ảnh chụp năm 1988 của Jung tại Gure, tỉnh Nam Jeolla / Nhà xuất bản Noonbit

Cô gọi những người phụ nữ lớn tuổi trong các bức ảnh của mình là "mẹ", một phần vì sự ấm áp mà họ đã đem đến trong các dự án ảnh của cô và một phần vì họ bằng tuổi mẹ cô.

“Tôi bắt đầu chụp ảnh nông dân và chợ nông sản vào những năm 1980, và vào thời điểm đó, những khu chợ như vậy rất phổ biến trên khắp đất nước", cô nói. "Một số bà mẹ nắm lấy tay tôi để đưa tôi về nhà của họ và giới thiệu cây cối và những khung cảnh khác mà họ cảm thấy phù hợp hơn cho các dự án ảnh, cười nhạo tôi vì chụp những bức ảnh nhàm chán như chợ nông sản trần tục. Họ đãi tôi bằng bữa ăn mà họ đã chuẩn bị và chúng tôi sẽ trò chuyện trong vài giờ.”

Sự hiếu khách của những người nông dân địa phương đã trở thành một trải nghiệm khó quên đối với cô. Nhiếp ảnh gia nói rằng cô ấy thực sự xúc động khi phân loại các bức ảnh mà cô chụp từ ba thập kỉ trước cho dự án sách.

Các nữ nông dân tại chợ nông sản Hàn Quốc tại khu chợ mở ở Geumsan, tỉnh Chungcheong Nam.

Ba thập kỉ săn ảnh tại các chợ nông sản đã khiến nhiếp ảnh gia có khám phá thú vị về những nữ nông dân ngày nay so với nông dân những năm 1980 đó là, “phụ nữ ngày xưa thường có kiểu tóc gần như giống nhau, tất cả đều để tóc dài và buộc lại bằng binyeo (một loại ghim tóc dài truyền thống mà phụ nữ Hàn Quốc sử dụng từ thời tiền hiện đại)”, còn ngày nay, phụ nữ ảnh hưởng bởi truyền hình, nên họ quan tâm nhiều hơn đến thời trang, tóc tai và làm đẹp mà họ thấy trên ti vi.

Những phụ nữ nông dân Hàn Quốc của những năm 1980 trên nhiều phương diện là biểu tượng của sự hi sinh và bất bình đẳng giới. Họ không được tiếp cận nhiều trường học chính thức trong một xã hội phụ hệ vốn ưu tiên nam giới, họ được dạy phải hi sinh bản thân vì con cái và vâng lời chồng. Sự phân biệt đối xử về giới phổ biến như vậy đã dạy cho các nữ nông dân trở nên khắc kỉ. Một số người trong số họ nhận thức được tầm quan trọng của việc hoàn thiện bản thân một cách muộn màng, và hối tiếc về những cơ hội giáo dục bị bỏ lỡ của họ.

Một người nông dân được nhiếp ảnh gia trích dẫn rằng, cô ấy có thể đã lấy được bằng tiến sĩ trong lĩnh vực chuyên môn của mình, nếu cô có thể đầu tư cùng lượng sức lực và thời gian mà cô đã bỏ vào trang trại của mình. Cuốn sách ảnh của Jung Young-shin chia làm ba phần: những bà mẹ làm việc ở trang trại; làm việc nhà và phụ nữ tại chợ nông sản, nhiếp ảnh gia đã giới thiệu những người phụ nữ Hàn Quốc mạnh mẽ trải qua cuộc sống nông thôn khắc nghiệt.

Cuốn sách ảnh của cô, Những người mẹ ở quê hương là lời tri ân của cô đối với những người mẹ Hàn Quốc đầy trách nhiệm, hi sinh, những người đã sống quên mình và phải vượt qua những hoàn cảnh khốn khó để nuôi con và cho chúng được tới trường học tập.

Những người mẹ quê hương là cuốn sách ảnh thứ 9 của nhiếp ảnh gia 63 tuổi, kể từ khi cô ra mắt với tư cách là nhiếp ảnh gia bằng cuốn sách ảnh đầu tiên Tales of Rural Markets (tạm dịch: Những câu chuyện về chợ nông thôn) vào năm 2002. Kể từ đó, cô đã chụp ảnh khoảng 600 chợ nông sản trên cả nước và tổ chức 10 cuộc triển lãm ảnh tại Hàn Quốc cho tới nay.

BÌNH NGUYÊN dịch theo Kang Hyun-kyung, KoreaTimes

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)