"Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời": Quá khứ mặc cảm, hiện tại vụn vỡ và tương lai trống rỗng

Chủ Nhật, 31/10/2021 07:19

Là câu chuyện xoay quanh nhân vật Hajime, xưng tôi tự kể lại cuộc đời anh từ thuở thiếu thời đến mốc đời trung niên, tiểu thuyết Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời của Haruki Murakami đã mở ra đủ ba chiều kích về một thế hệ mang đầy mặc cảm trải rộng từ quá khứ, hiện tại và cho tới tương lai sau này.

QUÁ KHỨ

Được đánh giá là tiểu thuyết “đơn giản nhất” mà Haruki Murakami từng kể nhưng điều đó không có nghĩa Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời trở thành cuốn sách “dễ đọc” và “dễ cảm”. Nhất là khi, ở tác phẩm đó, Haruki Murakami đã gửi gắm những tầng sâu suy ngẫm, đi sâu vào góc khuất, tận sâu tâm hồn con người. Từ đấy, ông khắc họa lên, trước hết cả mặc cảm kí ức của những ai sống trong xã hội Nhật Bản thời hậu chiến.

Kí ức của một người đàn ông, sinh năm 1957, đến tuổi 37 đã thành đạt với chuỗi quán bar nhạc jazz tại Aoyama cùng một gia đình hạnh phúc bên người vợ hiền dịu và hai cô con gái nhỏ. Nhưng anh vẫn không thể nguôi ngoai nỗi ám ảnh về danh phận “con một” thuở thiếu thời khi bối cảnh nước Nhật bấy giờ, các gia đình đều có hai con. Để rồi như một sự cộng hưởng, người đàn ông có tên Hajime ấy, suốt tuổi thơ, cả lúc trưởng thành, vẫn luôn tìm thấy sự cuốn hút, niềm đồng cảm có thể về thể xác hay tinh thần nơi những cô gái cùng hoàn cảnh như anh.

Hajime chìm trong hồi ức quá khứ tuổi thơ với mặc cảm “con một” cùng cô bạn Shimamoto đồng cảnh, nhưng còn bất hạnh hơn anh khi sớm phải mang theo đôi chân tật nguyền. Hajime chìm vào tội lỗi tuổi trẻ bồng bột khi phản bội tình yêu của Izumi mà lấn sâu trong khát vọng nhục dục cùng chị họ Izumi.

Hajime ngày quá khứ đã xa, cô đơn trong chính gia đình. Và giữa xã hội rộng lớn, Hajime – con một sớm thành “kẻ dị biệt”, phần thiểu số, chỉ biết bám víu vào mối dây liên kết với những người đồng cảnh để củng cố một niềm tin cay đắng, rằng bản thân không bơ vơ giữa cuộc đời. Chàng trai ấy, cũng như bao người trẻ khác trong cả cuốn tiểu thuyết Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời, rộng hơn là cả xã hội Nhật Bản thời hậu chiến; đơn thương lạc bước cùng một cái tôi cô độc, “cá biệt” nhưng lại luôn mang theo khao khát, hi vọng đầy mâu thuẫn được giao cảm với cuộc đời. Cho dù, khát khao ấy có làm tổn thương bản thân hay tổn thương những người xung quanh thế nào chăng nữa.

Tiểu thuyết "Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời" của Haruki Murakami do Nhã Nam phát hành.

HIỆN TẠI

Con người là sinh vật kì lạ. Người ta không hề “quên”. Thứ người ta tưởng rằng đã “quên lãng”, thực chất chỉ được lưu giữ ở vùng tiềm thức. Để rồi khi có cơn gió, tựa một dạng “ám hiệu” thổi đến, đánh động nơi tiềm thức kia là quá khứ lại trỗi dậy mà làm xáo trộn cả hiện thực có phần “tạm bợ” và “giả dối” người ta dày công gây dựng. Như cách, Hajime tuổi trung niên, ngỡ rằng đã đi qua đủ thăng trầm, cay đắng cuộc đời, đủ độ lắng đọng thời gian để “quên” đi tất thảy nhưng cuối cùng, mặc cảm quá khứ vẫn đè nghiến lên thực tại mong manh, vụn vỡ anh đang “tồn tại”.

Sự xuất hiện trở lại của Shimamoto sau 25 năm cô ra đi không một lời từ biệt với Hajime, như vai trò một chất xúc tác, thổi bùng lên ngọn lửa nhục dục xen lẫn tự ti, cả những khát khao mãnh liệt nhất thuở nào ùa về trong tâm trí Hajime. Giữa thế giới thực tại êm đềm giả tạo, đậm mùi cồn và sắc dục; cả quá khứ chưa quá xa vời tràn ngập đổ vỡ cùng dục vọng xác thịt bản năng; Shimamoto tựa mảnh vỡ kí ức trong trẻo nhất Hajime còn gìn giữ. Về người con gái khiếm khuyết, chẳng phải người đẹp nhất từng đi qua cuộc đời anh song là người đồng cảnh, đồng cảm, đồng điệu nhất với anh về mặt tâm hồn.

Nhưng 25 năm sau họ gặp lại, chẳng còn với tư cách hai đứa trẻ cùng mang thân phận con một, yêu sách, yêu nhạc nữa. Họ đối diện với nhau, trên tư cách giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Họ có cuộc sống riêng với những mối quan hệ xã hội ràng buộc mà họ không thể, hoặc không đủ dũng khí để phá vỡ. Họ làm tình cùng nhau một lần duy nhất, rồi Shimamoto lại biến mất không lời từ biệt như 25 năm trước, chỉ có điều, đây có lẽ là lần vĩnh biệt giữa hai người lẫn quá khứ cả hai từng trải qua.

Cuộc đời Hajime, từ quá khứ đến hiện tại cứ vậy trải dài, nối tiếp những cô đơn, chia cắt rồi lại rạn nứt, đổ vỡ. Một chàng trai, nếu xét “đạo lí hay không đạo lí” (chữ dùng của Kawabata Yasunari) thì chỉ thấy, con người ấy tồi tệ, ích kỉ, xấu xa, bản năng, bạc nhược. Song tới tận cùng, Hajime vẫn là một gã đàn ông đáng thương. Tưởng rằng đã có tất cả, để rồi nhận ra thực chất, anh ta chẳng còn gì ngoài “sa mạc” chờ đợi trước mắt cùng sự trống rỗng vô tận đang bào mòn con người này. “Tôi có cảm giác người ta tìm cách nghiền nát tôi và tôi thường trực sống trong thế phòng thủ. Không có những người bạn, hẳn là tôi sẽ giữ những dấu ấn còn đau đớn hơn về giai đoạn bất ổn của thời niên thiếu đó.”

Nỗi cô đơn, mặc cảm không thể khỏa lấp, Hajime sống mà chỉ như một “tồn tại” vô định giữa dòng thời gian cuộn xoáy. Và với một kẻ sinh ra, lớn lên ở xã hội Phù Tang thời hậu chiến, trưởng thành rồi dần đi tới sườn dốc phía sau cuộc đời vào những năm cuối thế kỉ XX, Hajime như biểu tượng Haruki Murakami xây dựng cho một thế hệ tựa dấu gạch nối giữa hai thời đại của đảo quốc mà con người bao năm qua vẫn mãi kiếm tìm ý nghĩa cuộc sống, ý nghĩa cái tôi trong niềm cô độc khắc khoải.

TƯƠNG LAI

Quá khứ mặc cảm, hiện tại vụn vỡ, tương lai phía trước đón đợi Hajime, bản thân anh ý thức được, cũng chỉ là một mảng trống rỗng tựa sa mạc hoang vắng. “Thế giới của chúng ta giống như thế. Khi trời mưa hoa nở và khi trời không mưa hoa héo. Bọn thằn lằn ăn côn trùng và bị bọn chim ăn thịt. Nhưng tất cả rồi sẽ chết đi, khô teo đi. Một thế hệ biến mất, một thế hệ khác thế chỗ. Có nhiều cách sống và nhiều cách chết. Điều đó không quan trọng. Thứ duy nhất còn lại chính là sa mạc”.

Chìm vào dục vọng, hay lãng quên trong thứ hạnh phúc êm đềm tạm bợ, tới tận cùng cũng chẳng thể cứu rỗi Hajime. Từ “ám ảnh” thân phận con một thuở thiếu thời, con người ấy đã bị chiếm trọn bởi ám ảnh về cái chết. Song cái chết kia không đơn thuần là chết về mặt thể xác, mà là chết về mặt tâm hồn. Người ta không còn tha thiết sống, “sao cũng được” mà tồn tại lay lắt trên cuộc đời. Khao khát đến thế, thử và sai, điên cuồng và mãnh liệt, thương tổn người khác và thương tổn bản thân đến vậy; mà đổi lại, vẫn chỉ là một tương lai gá víu những vụn vỡ, bất định, mờ ảo.

Nhà văn Haruki Murakami. Ảnh: Ali Smith/Guardian

Hajime, dấu gạch nối giữa hai thời kì, dấu gạch nối giữa hai thế hệ; không phải nhân vật đầu tiên, cũng chẳng phải cá nhân duy nhất Haruki Murakami đặt vào hoàn cảnh phải chịu dằn vặt giữa một bên là quá khứ, một bên là hiện tại, mà chọn lựa bên nào thì tương lai mở ra cũng chỉ là mảng trống rỗng những cồn cát trải dài vô tận. Như trong Rừng Na Uy, Watanabe Toru cũng phải trải qua khổ đau khi đứng trước quyết định, đi lùi về phía Naoko - cô gái tượng trưng cho quá khứ, tan vỡ, cái chết hay Midori - cô gái biểu tượng cho hiện tại, tương lai nhiệt huyết mà mãi mãi, một người như Toru cũng khó chạm đến được. Bởi vậy, có thể nói, nhân vật trong tiểu thuyết của Haruki Murakami có tính phổ quát rất mạnh mẽ cho phần tâm hồn của tuổi trẻ hay con người nước Nhật luôn mâu thuẫn, giằng xé trong ba chiều kích thời gian: quá khứ - hiện tại - tương lai.

Tựa đề tác phẩm, Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời rất gợi hình, gợi tả được kết hợp từ hai phần, phần “phía Nam biên giới” là tên một bản nhạc jazz, phần “phía Tây mặt trời” lại ám chỉ tới hội chứng của một nhóm người: chứng cuồng loạn Siberia. Và cả hai khía cạnh ấy, đều gắn kết chặt chẽ với nhân vật tôi - Hajime. Hajime là chủ một chuỗi quán bar nhạc jazz, Hajime cũng đang dần dần chìm sâu xuống hố đen cô độc, sau tháng năm vẫy vùng đến “điên loạn” để được “sống.”

Là một trong những nhà văn Nhật Bản đương đại nổi tiếng nhất vào thời điểm hiện tại, sáng tác của Haruki Murakami chưa bao giờ “dễ đọc”, “dễ cảm”. Kể cả với Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời cũng vậy. Tác phẩm vẫn tràn ngập yếu tố tính dục giữa những ám ảnh thân thế, nhân thể của con người đang dần mất đi mục đích sống, được kể từ một giọng điệu nhẹ bẫng của người đàn ông xưng “tôi”, đang tự kể lại cuộc đời mình. Tất cả, tạo lên vẻ đẹp ngôn ngữ, văn chương Haruki Murakami trong bức tranh xã hội, con người nước Nhật đầy mờ ảo, khắc khoải và ám ảnh.

MỌT MỌT

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)