Abdulrazak Gurnah: “Văn chương của tôi có thể gặp gỡ nhiều độc giả hơn”

Thứ Năm, 04/11/2021 06:23

Những tiểu thuyết về cuộc sống mất mát và lưu vong của Gurnah được giới phê bình hoan nghênh nhưng doanh thu khiêm tốn. Bây giờ ông đã trở thành người con nổi tiếng thứ hai của vùng đất Zanzibar. Nhà văn nói về nạn phân biệt chủng tộc trên xe buýt ở Anh, về chuyến đi trở lại quê hương và việc viết tiểu thuyết.

Nhà văn Abdulrazak Gurnah

Tôi gặp nhà văn Abdulrazak Gurnah tại văn phòng đại diện của ông tại London. Trông ông trẻ hơn tuổi 73, tóc lốm đốm bạc, cất giọng đều đều và có chủ ý, với nét mặt hầu như không thay đổi. Ông nói, ông cảm thấy rất tốt khi tôi hỏi về tình hình gần đây của ông. Cách đó không lâu, ông mới chỉ là một nhà văn của nhiều cuốn tiểu thuyết được giới phê bình đánh giá cao, và thường xuyên làm việc tại nhà ở Canterbury, sau khi ông nghỉ hưu tại Đại học Kent. Giờ đây, ông đã trở nên nổi tiếng với những dòng trích dẫn ca ngợi từ Viện Hàn lâm Thụy Điển dành cho "sự thâm nhập không khoan nhượng và nhân ái trong các tác phẩm của ông đối với chủ nghĩa thực dân và số phận của những người tị nạn trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và lục địa."

Chiến thắng giải Nobel Văn học 2021 là một bước ngoặt. Gurnah là người da đen thứ tư được tôn vinh trong lịch sử 120 năm của giải. “Ông là một trong những nhà văn châu Phi vĩ đại nhất còn sống, trước đó rất ít người để ý tới ông ấy và điều đó làm tôi buồn phiền”, Alexandra Pringle, biên tập viên lâu năm của nhà văn từng chia sẻ với The Guardian. Alexandra cũng từng hỏi Gurnah có cảm thấy thất vọng không, khi trước đó sách của ông chỉ lọt vào danh sách rút gọn, nhà văn trả lời “Có lẽ Alexandra muốn nói rằng cô ấy nghĩ tôi xứng đáng hơn. Bởi tôi không nghĩ mình sẽ bị bỏ qua. Vậy mà tôi lại tương đối bằng lòng với những độc giả mà tôi có, song tất nhiên tôi có thể làm tốt hơn thế.”

Gurnah lớn lên ở Zanzibar, ngoài khơi bờ biển Tanzania, vào những năm 1950 và 1960. Kể từ năm 1890, đảo quốc này là một lãnh thổ nằm trong sự bảo hộ của nước Anh. Trong nhiều thế kỉ trước đó, vùng đất này đã là một trung tâm thương mại, đặc biệt là với thế giới Ả Rập. Di sản riêng của Gurnah phản ánh lịch sử này, và ông được nuôi dưỡng theo đạo Hồi. Năm 1963, Zanzibar giành độc lập, nhưng người cai trị của nó, Sultan Jamshid, bị lật đổ vào năm sau đó. Gurnah đã viết trong cuộc cách mạng vào năm 2001 “hàng ngàn người đã bị tàn sát, toàn bộ cộng đồng bị trục xuất và hàng trăm người bị cầm tù. Trong tình trạng đầy hỗn loạn và bắt bớ diễn ra sau đó, một cuộc khủng bố đầy thù hận đã cai trị cuộc sống của chúng tôi”. Giữa bối cảnh hỗn loạn như vậy, ông và anh trai của mình đã trốn sang nước Anh.

Một số tiểu thuyết của ông đề cập đến sự ra đi, rời bỏ và lưu vong. Trong Sự im lặng ngưỡng mộ, người kể chuyện, mặc dù xây dựng cuộc sống và gia đình cho mình ở Anh, nhưng lại thấy mình không còn là người Anh hay Zanzibari nữa. Sự rạn nứt của chính Gurnah với quá khứ của chính mình có còn ám ảnh ông? Chủ đề về sự dịch chuyển vẫn luôn cuốn hút ông, bởi: “Đây là một câu chuyện rất lớn của thời đại chúng ta, về những người phải tái tạo và làm lại cuộc sống từ nơi họ xuất phát. Khi ấy, họ nhớ những điều gì? Làm cách nào để giải quyết nỗi nhớ ấy? Làm thế nào để họ thích nghi với cuộc sống mới? Làm thế nào để họ được tiếp nhận trong cuộc sống mới?...

Sự tiếp đón của nước Anh đối với Gurnah vào cuối những năm 60 thường mang tính thù địch. Khi ông còn trẻ, ông đã nhận được những lời lẽ thẳng thừng khá xúc phạm. Thậm chí ông còn không thể lên xe buýt vì sự phân biệt chủng tộc và nhiều sự đối xử bất công khác. Tiến bộ của con người đối với vấn đề di cư lúc đó gần như là ảo tưởng. Sau đó người ta cố gắng thay đổi nhưng dường như không thành công, khi những người tị nạn và xin tị nạn thường bị coi như tội phạm. Khi vụ bê bối Windrush nổ ra, hàng người nhập cư bị đe dọa trục xuất mặc dù đã đến Anh từ Caribe nhiều thập kỉ trước, đối với ông không phải là điều bất ngờ. Điều đó thực sự đau lòng nhưng nó sẽ luôn có thể diễn ra, trong tương lai hay ngay cả lúc này.

Gurnah đã sống ở Anh 17 năm trước khi quay trở lại Zanzibar. Trong thời gian ấy, ông đã trở thành một nhà văn. Nghề nghiệp đó không xuất phát từ mong muốn, định hình của nhà văn nhưng được hình thành từ hoàn cảnh mà ông đã trải qua: nghèo đói, nhớ nhà, thất học, khốn khó. Từ đó, ông đã suy nghĩ và viết về nhiều thứ. Tôi hỏi, chuyến trở về quê hương đầu tiên của ông như thế nào? Ông đáp, có thể là kinh hoàng: 17 năm là một khoảng thời gian dài với bao điều đổi thay. Bạn có thể xấu hổ, tự hỏi mình có đúng khi rời đi không? Bạn cũng nghĩ sẽ chẳng có ai nghĩ gì về bạn, bởi bạn không còn là ai trong số họ nữa. Nhưng may mắn trên thực tế, khi bước xuống máy bay, mọi người đều vui mừng khi nhìn thấy bạn ”.

Mọi cư dân của Zanzibar đều biết về nước Anh. Nhưng có lẽ công bằng mà nói, khi nghe tin người mới đoạt giải Nobel lớn lên ở đâu, nhiều người Anh đồng nghiệp của ông sẽ hỏi: "Đó là đâu?" Ở một mức độ, đó là một sự bất đối xứng có thể hiểu được và Gurnah cũng không thấy làm lạ về điều đó. Mặt khác, ông nói, đó cũng không hoàn toàn là lỗi của họ. “Đó là bởi vì họ không được nói về những điều này. Ví dụ, bạn có học bổng một mặt, nghiên cứu sâu sắc và hiểu tất cả các khía cạnh của ảnh hưởng, hậu quả, hành vi tàn bạo. Mặt khác, bạn có một bài tóm tắt chọn lọc về những gì cần ghi nhớ”.

Có cách kể chuyện nào đó có thể lấp đầy khoảng trống không? “Đối với tôi, dường như tiểu thuyết là cầu nối giữa những khoảng trống, là cầu nối giữa học thuật rộng lớn này và thứ nhận thức phổ biến đó. Vì vậy, bạn có thể đọc những vấn đề này như hư cấu. Tôi hi vọng rằng phản ứng đối với người đọc là họ chưa biết điều đó, rồi họ sẽ đi tìm đọc về điều đó.

Đó hẳn là một trong những hi vọng mà ông dành cho công việc của mình? Ông trả lời, “đó không phải là điều quan trọng duy nhất của việc viết tiểu thuyết. Nếu bạn muốn có trải nghiệm thú vị và vui vẻ. Bạn muốn nó thật khéo léo, thú vị và đẹp mắt nhất có thể. Vì vậy viết là sẽ tham gia vào quá trình đó, một phần để biết những trải nghiệm, một phần để hiểu bản thân, hiểu con người và cách con người đối phó với những tình huống khác nhau, nói cách khác, viết để thể hiện những điều cụ thể, những trải nghiệm phổ quát.”

Gurnah chia sẻ, ông không biết mình sẽ làm gì với số tiền thưởng 840.000 bảng. Và khi tôi hỏi việc trở thành một người Zanzibari nổi tiếng nhất kể từ Freddie Mercury là trải nghiệm thế nào, “Ừm, Freddie Mercury nổi tiếng ở đây (nước Anh) - anh ấy không thực sự nổi tiếng ở Zanzibar, ngoại trừ đối với một số người kinh doanh du lịch. Có một quán bar tuyệt vời mà một người họ hàng của tôi sở hữu, được gọi là Mercury. Nhưng tôi nghĩ nếu tôi hỏi ai đó trên đường phố, 'Freddie Mercury là ai?' họ có thể sẽ không biết. Nếu hỏi về tôi, chắc họ cũng không biết tôi là ai.”

Điều đó có thể đã từng xảy ra, nhưng với tư cách là người châu Phi da đen đầu tiên giành được giải thưởng trong hơn ba thập kỉ, Zanzibar - và cả thế giới - giờ đây có thể sẵn sàng chú ý đến Abdulrazak Gurnah hơn một chút.

HOÀNG DIỆP theo Independent

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)