Xứ tuyết (Kawaata Yasunari) – Vẻ đẹp nao lòng đến từ hình ảnh, ngôn ngữ

Thứ Ba, 30/11/2021 07:00

Được thừa hưởng gia sản giàu có do bố mẹ để lại, chàng trai Shimamura sống một cuộc sống ngao du tháng ngày, vô lo vô nghĩ không cần bận tâm đến chuyện tiền bạc. Trong một lần đến nghỉ lại một ngôi làng suối nước nóng ở xứ tuyết, anh quen biết Komako, cô gái làm nghề geisha để kiếm tiền trang trải thuốc men cho vị hôn phu. Từ cảm mến trước vẻ đẹp cùng sự thuần khiết quá đỗi của cô gái miền quê xứ tuyết, Shimamura đã bị cuốn vào mối quan hệ phức tạp với Komako cùng những con người bên cạnh nàng geisha ấy.

Ảnh minh họa.

Xứ tuyết, cuốn tiểu thuyết về một cuộc tình “không bàn tới vấn đề đạo lí hay không đạo lí”

Nếu tóm gọn lại nội dung của Xứ tuyết, có lẽ tiểu thuyết này sẽ chẳng có gì đặc sắc, thậm chí sẽ chỉ như một cuốn sách diễm tình ba xu trẻ tiền về câu chuyện ngoại tình giữa một gã khách làng chơi đã có gia đình với một cô gái hành nghề geisha miền xứ tuyết. Nhưng trên chuyến tàu thường niên anh ta vẫn đặt chân để đến xứ tuyết để gặp nàng geisha xinh đẹp, chàng trai ấy đã xuất hiện những rung cảm, xao động khác lạ trước một cô gái u sầu mà trùng hợp thay, cô gái ấy lại chính là bạn của người tình anh ta.

Nhưng cái đặc sắc của tác giảKawabata Yasunari, từ những tác phẩm đầu tay, cho đến các sáng tác cuối đời, và cả tiểu thuyết Xứ tuyết, trước táclàm nên tên tuổi Kawabata giai đoạn đầu sáng tác những năm 40-50, là ông đã luôn biến một cốt truyện đơn giản như vậy trở nên đầy ám ảnh. Bởi Kawabata không bao giờ đi sâu mà phán xét vấn đề “đạo lí hay không đạo lí” trong những mối quan hệ phức tạp của từng cá nhân ông tạo dựng. Thay vì đó, tác giả khắc họa lên mỗi con người với đầy đủ chiều sâu ở hành động, suy nghĩ, những biến chuyển mong manh, tinh tế của tâm hồn bảng lảng, mờ ảo như màu trắng bất tận của vùng xứ tuyết khi mãi bơ vơ, lạc bước, kiếm tìm lẽ sống nhưng càng kiếm tìm, khao khát cuồng nhiệt lại chỉ thấy, khát khao thiêu đốt và cháy rụi giữa nền tuyết dần tan. Đẹp mà buồn đến nao lòng.

Ấy là một tâm hồn chàng trai Shimamura, một lãng tử tài hoa chẳng phải lo lắng về vật chất, chỉ dành cả một đời kiếm tìm vẻ đẹp không chỉ ở mặt hình thức hay thân xác bên ngoài mà hơn cả, là cái đẹp tồn tại ở nội tâm, chiều sâu bên trong sự vật, con người. Ấy là Komako, cô gái geisha mang nặng một mối tình nhiệt huyết bung nở mà đớn đau, cuồng dại mỗi khi đứng trước Shimamura. Và còn là cô gái Yokomang vẻ đẹp thanh tao, thoát tục nhưng cũng đầy u buồn của người phụ nữ, như Komako nói, có trở ngại về mặt tâm lí.

Ba con người, ba tính cách, ba vẻ đẹp khác nhau, gặp nhau nơi vùng tuyết trắng xóa, gắn kết với nhau bởi mối quan hệ, mối cảm tình mỏng manh như bông tuyết trắng, đẹp mà dễ dàng tan chảy. Những con người ấy, ẩn sâu nơi trái tim khát cầu cái đẹp của Shimamura, trái tim hừng hực yêu thương của Komako hay trái tim nguội lạnh của Yoko đều là sự cô đơn giữa một khoảng không vô định không thể lấp đầy. Nỗi cô đơn của những con người phải gánh chịu sự khủng hoảng cội rễ của cái tôi không tìm thấy một nơi chốn thực sự để đặt chân, không tìm thấy được tâm hồn thật sự là đồng điệu dù đã cố gắng trao đi rất nhiều. Mà càng vùi sâu vào tìm kiếm hay nhục dục, người ta lại càng cảm nhận sâu sắc và khắc khoải nỗi đơn côi. Họ, như con người Nhật Bản vừa bước chân ra khỏi Thế chiến thứ Hai, mất đi cả ý thức sống cùng khao khát sống, lặng lẽ như những cái bóng, mãi kiếm tìm bản ngã, chỗ đứng của chính mình trong xã hội hay hẹp hơn, chỉ là trong trái tim một người nào đó.

Cả tiểu thuyết Xứ tuyết, gần như chỉ xoay quanh ba con người đó cùng bóng dáng thấp thoáng ẩn hiện từ vị hôn phu bệnh tật của Komako nhưng đã như chứa đựng trọn vẹn đam mê, nhiệt huyết cuồng si của một cái tôi Kawabata Yasunari tài hoa tuổi trẻ. Ba cá tính, như sự phân thân từ bản ngã Kawabata nhiệt tình, say đắm trước cái đẹp của cảnh và cái đẹp của tình. Nhưng con người ấy, lại chỉ có thể phân thân mà tự đối thoại. Một Kawabata mê đắm trong cái đẹp đến thế, đến tận cùng vẫn lạc bước trước thời cuộc, vụn vỡ trong cuộc sống, tan vỡ trong tình cảm mà đón nhận cuối cùng, vẫn chỉ là đơn độc và thương tổn.

Cái đẹp sầu bi trong hình ảnh, ngôn từ tiểu thuyết Xứ tuyết

Bên cạnh những cá nhân mang đậm tính cách, tâm hồn con người nước Nhật thời hậu Thế chiến thứ Hai, điểm đặc sắc trong tác phẩm của Kawabata nói chung, Xứ tuyết nói riêng còn ở cách tác giả đã tạo dựng lên cả một không gian thiên nhiên, văn hóa đặc trưng của xứ Phù Tang, biệt lập, hư ảo và trầm buồn. Và ngay cái tên Xứ tuyết – Yukiguni cũng đã gợi tới một vùng núi, nơi cái lạnh tiết trời hòa quyện với sương khóiđịa hình tạo nên không gian đầy thơ mộng trải rộng sắc trắng bảng lảng giữa làn sương khói mờ ảo.

Xứ tuyết ấy, là địa danh hữu hình, nơi chàng trai Shimamura tìm đến mỗi năm hay vốn chỉ là một nơi chốn tượng trưng kí gửi của những tâm hồn đơn độc? “Bốn bề trắng xóa tuyết, tiếng tuyết đóng thành băng như âm vang từ tận lòng đất sâu. Đêm không trăng. Sao nhiều đến mức khó tin, ngước trông là thấy chúng nổi rõ trên nền trời, tưởng chừng đang rơi liên miên với tốc độ phi thực. Sao càng tới gần mắt người, vòm không nơi xa lại càng thêm thăm thẳm. Tất cả tạo nên sự hài hòa trong thinh lặng.” Cảnh tĩnh mịch “thinh lặng”, lòng người đơn độc cô đơn; cảnh và người, như hòa vào làm một tạo nên một bức tranh đẹp mà buồn tới não nùng.

Cùng với đó, tác giả không ngừng khai mở không gian tác phẩm từ vùng hẹp đầy bóng tối nơi con tàu đang dẫn người lữ hành tài hoa tới miền xứ tuyết đến không gian rộng lớn song lặng im u buồn tại mảnh đất Shimamura dừng chân. Không gian dịch chuyển, dòng thời gian cũng lặng lẽ luân chuyển tựa bánh răng tàu chạy quẩn quanh giữa ngưng đọng đời sống nơi xứ tuyết phủ kín sắc trắng tinh khôi lên nếp nhà, cỏ cây, cả từng hoạt động con người.

Cảnh vật, con người nhuốm màu thời gian và thời gian như chìm vào trong thinh không của cảnh sắc: “Nhớ lại cảnh tuyết buổi sớm phản chiếu trong gương hồi mùa đông năm trước, Shimamura nhìn về phía tấm gương, thì thấy trong gương lượn lờ những bông tuyết càng lúc càng phồng to như cánh hoa lạnh giá, tạo thành những vạch trắng xung quanh Komako đang lau vùng gáy trong bộ trang phục có cổ áo bửa rộng”; “Xe sợi trong tuyết, dệt vải trong tuyết, giặt vải trong nguồn nước tuyết tan, rồi phơi vải trên tuyết. Từ động tác xe sợi đầu tiên đến công đoạn cuối cùng dệt xong tấm vải, mọi việc đều diễn ra trong tuyết. Trong sách người xưa đã viết rồi, rằng phải có tuyết mới có vải chijimi, hay chijimi là sinh ra nhờ tuyết.” Tất cả, tạo nên cả một vùng văn hóa, tâm thức con người giao hòa, giao cảm trên từng từ ngữ, câu văn.

Như đã nói, văn chương của Kawabata Yasunari trong Xứ tuyết – Yukinaga đẹp một vẻ đẹp tinh tế vừa buồn thương, vừa day dứt, hoài niệm. Đó là những câu văn đa thanh, đa sắc đến từ việc liên tục thay đổi điểm nhìn trần thuật: từ nhân vật chính sang Komako rồi tới Yoko hay giọng kể của riêng người thứ ba – giọng kể của người trần thuật. Từ đó, làm nên chất thơ, chất nhạc trong trĩu nặng tâm tư, tình cảm của một nhà văn khắc khoải hai tiếng con người, dân tộc.“Dù không để ý, nhưng do đã thành thói quen thường xuyên tập đàn một mình trước thiên nhiên bao la, ngón đàn của nàng cũng tự nhiên trở nên mạnh mẽ. Nỗi cô độc san phẳng u sầu và hun đúc một sức mạnh tinh thần hoang dại...”

Chẳng vậy mà, tầng sâu văn hóa Nhật Bản vẫn luôn ẩn hiện trên ngôn từ đa thanh của Xứ tuyết về nghề làm vải truyền thống, về những nàng geisha đẹp nao lòng chỉ bán nghệ mà không bán thân, về những vùng suối nước nóng miền tuyết trắng cô tịch… Và từ không gian hẹp của văn chương, Kawabata đã mở ra không gian tâm hồn con người Nhật Bản cả một thời kì. Cuồng nhiệt hững hờ, lạnh lùng ấm nóng, cô đơn sầu thảm,... những cá nhân mang theo trọn một đời nỗi niềm khao khát đi tìm cái đẹp, khát cầu yêu thương.

Xứ tuyết không phải tác phẩm dễ đọc, dành cho người ít thời gian, muốn đọc nhanh, đọc lướt hay đơn thuần tìm một cuốn sách để giải trí. Đó là câu chuyện của cái đẹp tận sâu trong từng hình ảnh, câu từ, vẻ đẹp của con người, rộng hơn là của cả một đất nước. Cái đẹp mờ ảo như đến từ hư vô, khó nắm bắt, gọi tên, mang đậm dấu ấn cá nhân của một Kawabata giai đoạn sáng tác đầu, cuồng si và mê đắm.

MỌT MỌT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)