Giải mã Haruki Murakami qua âm nhạc và ngôn từ

Thứ Hai, 20/06/2022 14:43

Jay Rubin là một trong ba dịch giả đã gắn bó và tham gia chuyển ngữ các tác phẩm của Haruki Murakami sang tiếng Anh. Với sự am hiểu cũng như thân cận với tác giả, trong cuốn Âm nhạc của ngôn từ, ông đã lí giải con đường Murakami chọn, từ đó đưa ông đến thành công quốc tế, cũng như hành trình dài chinh phục độc giả.

Haruki Murakami là người được đồn đoán hàng năm cho giải Nobel, là người đã chiến thắng hầu hết các giải tiền-Nobel, và cũng là người mà cứ mỗi một tác phẩm ra đời, thì làng văn thế giới lại được dịp chao đảo. Điều gì đã khiến tác phẩm của ông có sức hút, và những điều ấy khởi nguồn từ đâu? Âm nhạc và ngôn từ sẽ dẫn dắt người đọc đi từ nội hàm: là cuộc đời và các tác phẩm của nhà văn; cho đến ngoại hàm, là những vấn đề xã hội được ông khai thác dưới lớp vỏ văn chương.

Jay Rubin và Haruki Murakami.

Khởi nguồn từ những truyện ngắn đầu tay như Nàng Ipanema 1963/1982 cho đến tiểu thuyết đầu tay Lắng nghe gió hát; các yếu tố truyền thống Nhật Bản dường như chưa hề tồn tại trong tác phẩm của Murakami. Nếu Kawabata có các nàng vũ nữ, có cái rung động tinh tế rất Nhật, Mishima thì có nỗi trầm uất của Samurai; thì ngược lại, Murakami không có gì cả. Ngay từ lúc bước chân vào làng văn, ông đã thể hiện một sự “chống Nhật triệt để”, như là hậu quả của nhiều yếu tố.

Sinh ra trong một gia đình trung lưu ngoan đạo, từ nhỏ Murakami đã được hướng theo một nền giáo dục gia giáo. Trong khi mẹ ông muốn ông thấm nhuần tính Nhật, thì ngược lại, ông chỉ thích Dostoyevski, Stendah và nhà văn Nhật duy nhất ông đọc lạ thay lại là Tanizaki Junichiro. Phản kháng lại sự áp đặt của cha mẹ, khi vào đại học ông kết hôn sớm cùng bà Yoko và mở quán bar nhạc Jazz để sống qua ngày.

Nhút nhát, cô độc và không tham gia và các phong trào sinh viên thời bấy giờ, Murakami đã vật lộn với nghiệp viết văn trong lúc phục vụ quầy bar, và chỉ viết khoảng 2 - 3 giờ sáng sau khi thái hành và quán bar đóng cửa. Ở thời điểm đó, câu văn của ông thường ngắn và chịu ảnh hưởng bởi Kurt Vonnegut. Ông viết từng chút do không biết mình đang viết gì, và có những lúc phải viết bằng tiếng Anh để rồi dịch ngược trở lại sang tiếng Nhật.

Tuy thế mà những thành công liên tục đến với ông. Sau Lắng nghe gió hát được gửi và chiến thắng giải thưởng của tạp chí Gunzo, Murakami đã bước đầu đi trên hành trình hình thành thế giới của riêng mình. Pinball 1973 là cuốn đầu tiên như thế, với các nhân vật Boku, Chuột và hệ thống những nhân vật phụ không ngừng biến đổi, thay hình đổi dạng trong các tác phẩm về sau. Cõi tưởng tượng của Murakami lên cao nhất ở Cuộc săn cừu hoang, cho đến khi chuyển sang xu hướng tự sự ở Rừng Na Uy và tiệm cận về gần chất Nhật hơn ở Ngầm.

Murakami đã từng cho rằng cuộc sống là buổi diễu hành của những điều vụn vặt, cho nên với ông, kí ức là tiểu thuyết mà tiểu thuyết cũng là kí ức. Trong các tác phẩm của mình, ông dùng danh xưng “Boku” - “tớ”, từ góc nhìn của người quan sát, cho lời khuyên và không hẳn là chủ thể hành động, mà chỉ tiếp nhận thông tin và đưa nó vào thế giới của mình. Sau những câu văn gọn, nhanh ở quãng đầu sáng tác, Jay Rubin cho thấy bắt đầu từ Cuộc săn cừu hoang, câu văn của Murakami đã bắt đầu dài ra, với các yếu tố tự sự hơn. Giờ đây ông không chỉ nắm bắt, mà là lôi chúng từ trong bản thân mình ra một cách tự phát. Tuy cũng trùng hợp là không ý thức, nhưng văn chương giờ đây đã có mục đích hơn.

Tưởng tượng lên đến cao nhất của Murakami trong thời kì đầu không thể không nhắc đến Xứ sở kỳ diệu bạo tàn và Nơi chốn tận cùng của thế giới. Ở tiểu thuyết đó, ông đã tạo dựng ra hai thế giới tồn tại song song, một tưởng tượng và một thực tại. Cũng như nhạc Jazz mà ông yêu thích, quá trình viết văn hoàn toàn diễn ra trong việc ứng tác, nơi ông không biết mình có thể sẽ đi đến đâu, mà chỉ viết bằng niềm tin phá vỡ cấu trúc gò ép cũng như định kiến ngăn cản dòng chảy ngẫu hứng. Bước chuyển đổi này khiến Xứ sở kỳ diệu bạo tàn và Nơi chốn tận cùng của thế giới là một tác phẩm quan trọng, tạo bước đệm cho thành công tiếp theo.

Xen giữa những tiểu thuyết dài viết đến “kiệt sức” - như Jay Rubin cũng chỉ ra đây, Murakami còn là một người chuyên viết truyện ngắn cũng như dịch thuật văn chương từ khối Anh ngữ sang tiếng Nhật. Đối với ông, sáng tạo truyện ngắn chính là luận điểm để từ đó phát triển thành các truyện dài; trong khi dịch thuật là việc trị liệu, là quá trình “tái hòa nhập” trở lại sau sự kiệt quệ cũng như cú shock vì sự yêu thích quá lớn dành cho các tác phẩm của mình. Những nhà văn được ông yêu thích và thường xuyên dịch có thể kể đến F.S.Fitzgerald, Raymond Carver, Tim O’Brien… và cả sau này ông đã phát triển một mối thâm tình với Carver, người ở cách ông hơn nửa địa cầu.

Như vậy có thể thấy rằng quá trình sáng tác của Murakami là những ngẫu nhiên, ứng tác, và cố hòa nhập cùng nhau trong những hình tượng đã được đặt để như một ma trận. Tới Rừng Na Uy, và cũng chính là giai đoạn danh tiếng bùng nổ, Murakami đã chọn hướng tiếp cận khác, khi bỏ qua các thế giới tưởng tượng để đến gần hơn với dòng tự sự của những người trẻ, phá vỡ quy tắc trước đó từng đặt ra ở Lắng nghe gió hát là không viết về tình dục cũng như cái chết. Lạ thay một nỗi, tác phẩm ít yếu tố Murakami nhất lại là cuốn sách thành công vang dội, mà như đã biết, cứ 7 người Nhật lại có 1 người đọc Rừng Na Uy.

Tuy thế Murakami không hề quen thuộc với sự nổi tiếng vì đại trà này. Jay Rubin cũng tiết lộ rằng ông từng thấy shock và phải cùng với Yoko chạy biến sang châu Âu để có thời gian bắt tay vào các dự án mới, và đó chính là Nhảy nhảy nhảy. Như vậy có thể thấy rằng Murakami không ngừng chuyển mạch. Ông đi từ việc kết hợp trinh thám (Cuộc săn cừu hoang), sang ứng tác Jazz (Xứ sở kỳ diệu bạo tàn và Nơi chốn tận cùng thế giới), tới Pop (Rừng Na Uy), rồi hỗn loạn (Nhảy nhảy nhảy) và sẽ quay về pop lại một lần nữa với Phía Tây biên giới, Phía Nam mặt trời.

Các tác phẩm đã được chuyển ngữ của Murakami.

Sau quá trình chữa lành ở Nhảy nhảy nhảy và thế giới hư - thực không thể phân tranh, Murakami bắt đầu chuyển dịch gần hơn với các tác phẩm hướng về nước Nhật. Không dùng hình tượng chủ chốt như thế hệ các nhà văn trước, ông có cách riêng để cho thấy Nhật, dù cho đó là lớp nghĩa ẩn chứa thứ hai, vẫn đang hiện diện trong văn nghiệp ông. Đó là Biên niên ký chim vặn dây cót khi Murakami lặn sâu vào những nỗi đau mà đế quốc Nhật đã từng gây ra trong cuộc chiến Nội Mông, là Ngầm khi ông phỏng vấn cũng như phơi bày những sự lãng tránh của chính phủ về giáo phái Aum Shinrikyo trong vụ thảm sát bằng chất độc sarin trong tàu điện ngầm.

Như vậy sau những vòng tròn chủ lưu tiếp nối, Murakami từ một người “càng quốc tế bao nhiêu thì càng ít chất Nhật Bản bấy nhiêu” giờ đây lại chứa rất nhiều câu hỏi hiện sinh về cuộc sống, cái chết và kí ức. Ông cũng lặn sâu vào những vấn đề xã hội và buộc nhà văn phải có trách nhiệm. Những lề thói này hầu như ứng tác trong ông không có chủ đích, cũng như nhạc Jazz, nó đến bằng sự nhận thức hoàn toàn tình cờ. Như chính ông nói: “Sự tự phát chính là điều quan trọng nhất. Phải tự tin có đủ khả năng kể chuyện, phải tìm đúng mạch nước và làm các mảnh ghép khớp nối với nhau. Ta phải tin vào sức mạnh câu chuyện, từ đó khơi dậy được điều gì đó trong tinh thần mình”.

Với Âm nhạc và ngôn từ, Jay Rubin đã cung cấp những cái nhìn khác lạ cũng như phân tích những sự kết nối trong các công trình của Murakami. Nếu là độc giả trung thành, tác phẩm này sẽ tạo được sự thích thú bởi những phân tích, góc nhìn có phần mới lạ; còn nếu là độc giả mới, thì cuốn sách này cũng sẽ góp phần vào việc khẳng định di sản Murakami, và phần nào đó cho thấy những sự chuyển biến trong cuộc đời ông. Dù đã đọc hay chưa, thì đây cũng là cuốn sách vô cùng lý thú và rất đầy đủ về một nhà văn lớn.

THUẬN NGÔ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)