Những lời nói dối

Thứ Hai, 17/10/2022 00:59

J. M. Coetzee sinh năm 1940 ở Cape Town (Nam Phi). Ông tốt nghiệp đại học ngành toán ở quê nhà và làm việc ở Anh một thời gian rồi sang Mi, lấy bằng tiến sĩ ngành văn học Anh tại Đại học Texas ở Austin năm 1968. Xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay năm 1974, ông được trao hai giải Man Booker vào các năm 1983 và 1999, giải Jerusalem năm 1987, và giải Nobel văn chương năm 2003. Ông định cư ở Adelaide từ năm 2002 và trở thành công dân Úc năm 2006. Rất nhiều tiểu thuyết của ông đã được dịch sang tiếng Việt như Ruồng bỏ, Giữa miền đất ấy, Đợi bọn mọi, Ô nhục… Văn nghệ Quân đội số này giới thiệu hai truyện ngắn của ông.

*************

Những lời nói dối

Norma à,

Anh viết thư này từ San Juan, trong khách sạn duy nhất ở nơi này. Chiều nay anh đã thăm mẹ - nửa tiếng lái xe dọc theo một con đường quanh co. Tình hình mẹ trầm trọng như anh sợ, mà còn tệ hơn. Không có gậy mẹ không đi được, kể cả thế mẹ cũng rất chậm. Từ lúc ra viện mẹ không còn leo được cầu thang. Mẹ ngủ trên sofa trong phòng khách. Mẹ đã định cho chuyển cái giường xuống dưới tầng, nhưng người ta nói nó được đóng cố định, nên không thể di chuyển nếu không dỡ ra trước. (Penelope cũng có cái giường như thế nhỉ - Penelope của Homer?)

Sách với giấy tờ của mẹ đều ở trên tầng - không còn chỗ cho nó dưới tầng. Mẹ khó chịu, bảo mẹ muốn trở lại bàn làm việc, nhưng mà không thể.

Có một cậu tên là Pablo giúp việc trong vườn. Anh hỏi ai đi chợ. Mẹ bảo mẹ chỉ ăn bánh mì với phô mai cộng thêm rau cỏ sẵn trong vườn, không cần thêm gì nữa. Thế nhưng anh vẫn bảo, mẹ không có cô nào trong làng đến nấu ăn và dọn dẹp được à? Mẹ không chịu nghe - mẹ không có quan hệ gì với làng, mẹ nói. Pablo thì sao? Anh bảo - Pablo không ở trong làng à? Pablo là trách nhiệm của mẹ, mẹ nói. Pablo không thuộc về làng.

Pablo ngủ trong bếp, theo anh thấy. Cậu ta đầu óc để trên mây, hay trên cành cây nhỉ, nói giảm nói tránh thế nào cũng được. Anh nghĩ cậu ta là một người ngốc nghếch, một người khờ khạo.

Anh chưa nói vấn đề chính - muốn nhưng không đủ can đảm. Mai gặp mẹ anh sẽ nói. Không thể nói là anh hi vọng được. Mẹ lạnh nhạt với anh. Anh nghĩ mẹ cũng biết rõ vì sao anh đến.

Ngủ ngon nhé. Bảo các con anh yêu chúng nó.

John

Minh họa: Lê Trí Dũng

“Mẹ này, mình nói chuyện sắp xếp xem mẹ sống thế nào được không? Mình nói chuyện tương lai được không?”

Mẹ anh, ngồi trên chiếc ghế bành cũ kĩ cứng nhắc, được làm nhất định là bởi cùng một người thợ mộc đã đóng chiếc giường không di chuyển được, không nói một lời.

“Mẹ phải biết là con với Helen rất lo cho mẹ. Mẹ ngã một lần rất nặng rồi, đến lúc ngã một lần nữa chỉ còn là vấn đề thời gian thôi. Mẹ không còn trẻ nữa, rồi sống một mình trong ngôi nhà cầu thang dốc đứng thế này, trong một ngôi làng mà mẹ không có quan hệ tốt với cả hàng xóm - con nói thật, sống thế này không được đâu, không được nữa đâu.”

“Mẹ không sống một mình,” mẹ anh nói. “Pablo ở với mẹ. Mẹ có Pablo làm chỗ dựa.”

“Con đồng ý, Pablo sống với mẹ. Nhưng cấp cứu mẹ có dựa được vào Pablo không? Lần cuối Pablo có giúp được gì cho mẹ không? Mẹ mà không gọi được cho viện thì hôm nay mẹ ở đâu?”

Ngay khi những lời ấy rời khỏi môi anh đã biết mình vừa mắc phải sai lầm.

“Mẹ ở đâu à?” mẹ anh nói. “Con có vẻ biết rồi sao còn hỏi mẹ? Dưới đất, bị giòi bọ ăn, chắc thế. Mẹ phải nói như thế đấy chứ gì?”

“Mẹ, xin mẹ hãy biết nghĩ. Helen đang tìm hiểu rồi, có hai chỗ không xa nhà nó mà ở đấy mẹ sẽ được chăm sóc tốt và con với nó tin là mẹ sẽ thấy như ở nhà. Mẹ có cho con kể không?”

“Hai chỗ? Chỗ ý con là viện à? Viện là nơi mẹ sẽ thấy như ở nhà à?”

“Mẹ, mẹ gọi sao cũng được, mẹ trách Helen trách con cũng được, nhưng thế cũng không thay đổi thực tế - thực tế của cuộc sống này. Mẹ đã gặp sự cố nghiêm trọng một lần rồi, hậu quả mẹ còn chịu đây. Tình hình mẹ cũng không khá hơn được. Mà ngược lại, rất có thể nó sẽ còn tệ hơn. Mẹ đã nghĩ nằm liệt giường trong ngôi làng khốn khổ này mà chỉ có Pablo săn sóc thì thế nào chưa? Mẹ đã nghĩ biết mẹ cần chăm sóc mà không chăm sóc được cho mẹ thì thế nào với Helen, với con chưa? Vì bọn con sao mà bay hàng ngàn cây số mỗi tuần để đến được, sao mà bay được?”

“Mẹ không mong các con làm thế.”

“Mẹ không mong bọn con làm thế, nhưng đấy là chuyện bọn con phải làm, đấy là chuyện người ta làm cho người người ta yêu. Nên xin mẹ hãy làm ơn và im lặng nghe trong lúc con sắp xếp cho mẹ. Mai hoặc ngày kia ngày kìa mẹ con mình sẽ rời khỏi nơi này đến Nice, chỗ Helen. Trước khi mẹ con mình đi con sẽ giúp mẹ đóng mọi thứ quan trọng với mẹ, mọi thứ mà mẹ muốn giữ. Mình sẽ đóng tất cả vào hộp để sẵn sàng chuyển đi khi mẹ đã xong xuôi.

Từ Nice rồi con với Helen sẽ đưa mẹ đến xem hai căn nhà con đã nói, một ở Antibes, một ở ngay ngoài Grasse. Mẹ có thể đến xem rồi xem thế nào. Bọn con không áp lực gì với mẹ cả, không một chút nào. Mẹ không thích cả hai cũng được, mẹ có thể ở nhà Helen trong lúc bọn con tìm chỗ khác, còn rất nhiều thời gian.

Bọn con chỉ muốn mẹ được vui, vui vẻ và an toàn, mục đích của mọi chuyện là thế. Bọn con muốn đảm bảo là nếu có chuyện gì thì còn có người ngay đấy, và mẹ sẽ được chăm sóc.

Con biết mẹ không thích viện, mẹ ạ. Con cũng thế. Helen cũng thế. Nhưng trong đời rồi sẽ đến lúc chúng ta phải thỏa hiệp giữa những gì mình muốn một cách duy ý chí với những gì tốt cho mình, giữa một mặt là độc lập và mặt khác là an toàn. Ở Tây Ban Nha này, ở ngôi làng này, ở ngôi nhà này, mẹ không có chút an toàn nào cả. Con biết mẹ không đồng ý, nhưng đấy là thực tế phũ phàng. Mẹ có thể đổ bệnh mà không ai biết. Mẹ có thể ngã thêm lần nữa, rồi nằm bất tỉnh, hoặc là gãy tay gãy chân. Mẹ có thể sẽ chết.”

Mẹ anh khẽ phớt một tay, như để xua đi khả năng ấy.

“Mấy chỗ con với Helen đang gợi ý đây không như viện ngày xưa nữa. Nó được thiết kế tốt, giám sát tốt, vận hành tốt. Nó tốn kém vì nó chi hết cho lợi ích của khách hàng. Người ta trả tiền, và đổi lại người ta được chăm sóc hạng nhất. Nếu chi phí thành vấn đề thì con với Helen sẵn sàng đóng góp. Mẹ sẽ có một căn hộ nhỏ cho riêng mẹ; ở Grasse mẹ còn có thể có một mảnh vườn nhỏ nữa. Mẹ có thể lấy đồ ăn ở nhà hàng hoặc họ sẽ giao đến căn hộ. Cả hai đều có phòng tập thể dục và bể bơi; lúc nào cũng có sẵn nhân viên y tế và bác sĩ vật lí trị liệu. Có thể đấy không phải là thiên đường, nhưng với một người ở vị trí của mẹ thì đấy là điều tốt đẹp gần nhất.”

“Vị trí của mẹ,” mẹ anh nói. “Thế chính xác vị trí của mẹ là gì, theo ý con?”

Anh vung tay lên giận dữ. “Mẹ muốn con nói chứ gì?” anh nói. “Mẹ thực sự muốn con nói những lời đấy chứ gì?”

“Ừ. Để thay đổi thôi, như một bài tập thôi, nói mẹ nghe sự thật.”

“Sự thật là mẹ là một bà già cần được chăm sóc. Mà một người như Pablo không thể gánh được.”

Mẹ anh lắc đầu. “Không phải sự thật đấy. Nói mẹ nghe sự thật khác, sự thật thật cơ.”

“Sự thật thật?”

“Ừ, sự thật thật.”

*

*        *

Norma à,

“Sự thật thật”: đấy là cái mà mẹ đòi hỏi, hay có lẽ van nài.

Mẹ biết rất rõ cái sự thật thật ấy là gì, anh cũng thế, nên đáng lẽ nói ra không cần khó đến thế. Và anh đã đủ giận để làm thế - giận vì phải đến tận đây để thực hiện một trách nhiệm mà em hay Helen hay anh sẽ không nhận được lời cảm ơn nào cả, không ở thế giới này.

Nhưng anh không thể. Anh không thể nói vào mặt mẹ những lời mà anh không thấy khó khăn gì khi viết ra ở đây, lúc này, với em: Sự thật thật là mẹ sắp chết. Sự thật thật là mẹ đã bước một chân vào trong mộ. Sự thật thật là mẹ đã bất lực trong thế giới này, và ngày mai mẹ sẽ còn bất lực hơn nữa, và cứ thế ngày qua ngày, cho đến khi đến cái ngày sẽ không còn chút sức lực nào. Sự thật thật là mẹ không ở vị trí nào để mà đàm phán. Sự thật thật là mẹ không thể nói Không.

Mẹ không thể nói Không với tiếng tích tắc của đồng hồ. Mẹ không thể nói Không với cái chết. Khi cái chết nói “Đến đây”, mẹ phải cúi đầu và đến. Vì thế hãy chấp nhận. Hãy học cách nói Ừ. Khi con nói, Hãy bỏ lại ngôi nhà mà mẹ đã dựng cho mình ở Tây Ban Nha, bỏ lại những thứ thân quen, đến và sống phải trong một viện dưỡng lão nơi mà mỗi sáng một cô y tá quê ở Guadaloupe sẽ đánh thức mẹ dậy với một li nước cam và một lời chào vui vẻ (Quel beau jour, Madame Costello!)(1), đừng chau mày, đừng bàn lùi. Hãy nói Ừ. Hãy nói, mẹ đồng ý. Hãy nói, mẹ trong tay con đây. Còn nước thì còn tát.

Norma à, rồi sẽ đến một ngày mà cả anh và em sẽ cần được nói sự thật, sự thật thật. Vậy thì mình có thể thỏa thuận không? Mình có thể hứa là sẽ không nói dối nhau, là bất kể những lời ấy có khó nói thế nào, mình cũng sẽ nói - những lời nó sẽ không tốt lên, nó sẽ tồi tệ đi, và nó sẽ tiếp tục tồi tệ đi cho đến khi nó không thể tồi tệ đi được nữa, cho đến khi nó là tồi tệ nhất?

Chồng yêu của em, John.

***************

Minh họa: Lê Trí Dũng

Con chó

Tấm biển trên cánh cổng đề “Chien méchant,”(2) và con chó nhất định là méchant. Mỗi lần cô đi qua nó lại xồ mình lên cổng, tru lên với mong muốn tóm được cô và xé cô thành từng mảnh. Nó là một con chó lớn, một con chó dữ, thuộc dạng chó chăn cừu Đức hay Rottweiler gì đó (cô không biết mấy về các giống chó). Từ đôi mắt vàng của nó cô cảm nhận được sự thù hằn thuộc dạng thuần túy nhất đang chiếu lên mình.

Sau đó, khi ngôi nhà có con chien méchant đã ở đằng sau, cô ngẫm lại sự thù hằn ấy. Cô biết đó không phải là chuyện cá nhân: bất cứ ai đến gần cánh cổng, bất cứ ai đi bộ hay đạp xe qua, đều sẽ nhận được nó. Nhưng sự thù hằn ấy cảm giác sâu sắc thế nào? Nó có như một dòng điện, bật lên khi đối tượng lọt vào tầm mắt và tắt đi khi đối tượng rút lui vào góc quanh? Những cơn co giật thù hằn sẽ tiếp tục xốc con chó khi nó chỉ còn một mình, hay là cơn cuồng nộ bỗng dưng dịu xuống, và nó trở lại trạng thái yên ổn?

Cô đạp xe qua ngôi nhà ấy hai lần mỗi ngày trong tuần, một lần trên đường đến bệnh viện nơi cô làm việc, một lần sau khi tan ca. Chuyện đi lại của cô đã quá quen nên con chó biết phải chờ cô khi nào: trước cả khi cô đi vào tầm mắt của nó ở cổng, hừng hực vì rạo rực. Vì căn nhà nằm trên dốc nên buổi sáng, lên dốc, cô đi qua chậm; buổi chiều, ơn trời, cô có thể đạp qua nhanh.

Có thể cô không biết gì về các giống chó, nhưng cô hiểu rõ sự thỏa mãn mà con chó có được từ những lần gặp mình. Đó là sự thỏa mãn vì thống trị được cô, sự thỏa mãn vì được người ta sợ.

Nó là chó đực, không tỉa lông theo như cô thấy. Nó có biết cô là phụ nữ, trong mắt nó con người có nhất định phải thuộc về một trong hai giới tính, tương ứng với hai giới tính của loài chó, và do đó nó có cảm thấy hai kiểu thỏa mãn cùng lúc - sự thỏa mãn của một con thú thống trị một con thú khác, sự thỏa mãn của một con đực thống trị một con cái - hay không thì cô không biết.

Làm sao con chó biết, bất chấp vẻ ngoài thờ ơ, rằng cô sợ nó? Câu trả lời: vì cô toát ra mùi của sự sợ hãi, vì cô không giấu được nó. Mỗi lần con chó xông về phía cô, một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng cô và một nhịp mùi thoát khỏi da, một cái mùi mà con chó lập tức nhận ra. Nó đưa con chó vào những cơn cực phẫn, cái luồng sợ hãi phát ra từ sinh vật bên kia cánh cổng này.

Cô sợ nó, và nó biết thế. Hai lần một ngày nó có thể mong chờ điều đó: sinh vật này đi qua, trong nỗi sợ nó, toát ra mùi của sự sợ hãi như một cô gái điếm toát ra mùi của tình dục.

Cô đã đọc Augustine. Augustine nói rằng bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy chúng ta là những sinh vật sa ngã nằm ở thực tế là chúng ta không kiểm soát được chuyển động của cơ thể mình. Cụ thể, đàn ông không thể kiểm soát những cử động ở bộ phận đàn ông của mình. Nó hành xử như thể có một ý chí riêng; có lẽ thậm chí còn hành xử như bị chiếm hữu bởi một ý chí bên ngoài.

Cô nghĩ về Augustine khi đến chân con dốc có ngôi nhà, ngôi nhà có con chó. Cô có kiểm soát được mình lần này không? Cô có sức mạnh ý chí cần thiết để cứu mình khỏi toát ra cái mùi sợ hãi đầy ô nhục này không? Và mỗi lần nghe thấy tiếng gầm sâu trong cổ họng con chó, tiếng gầm thịnh nộ mà cũng có thể là tiếng gầm ham muốn, mỗi lần cảm thấy người con chó xô vào cổng, cô nhận được câu trả lời: Không phải hôm nay.

*

* *

Con chien méchant bị nhốt trong một mảnh vườn chẳng có gì mọc ngoài cỏ dại. Một hôm cô xuống xe, dựng nó vào tường nhà, gõ cửa, đợi và đợi, trong khi cách cô vài mét con chó lùi lại rồi lao vào hàng rào. Mới tám giờ sáng, không phải giờ người ta thường đến gõ cửa nhà người khác. Nhưng cuối cùng cánh cửa cũng hé. Trong ánh sáng mờ cô nhìn ra một gương mặt, gương mặt của một người đàn bà lớn tuổi với những nét gầy hốc hác và mái tóc bạc thưa. “Cháu chào cô,” cô nói bằng thứ tiếng Pháp không tệ của mình. “Cháu có thể nói chuyện với cô một lúc không?”

Cửa mở rộng hơn. Cô bước vào, một căn phòng đồ đạc thưa thớt nơi lúc này một người đàn ông già mặc cardigan đỏ đang ngồi ở bàn với một cái bát trước mặt. Cô chào ông; ông gật đầu nhưng không đứng dậy.

“Cháu xin lỗi phải làm phiền cô chú sớm thế này,” cô nói. “Cháu đạp xe qua nhà mình hai lần mỗi ngày, và lần nào - chắc cô chú cũng nghe thấy - con chó cũng muốn chào hỏi cháu.”

Tất cả im lặng.

“Chuyện diễn ra đến nay đã vài tháng. Cháu tự hỏi có phải đã đến lúc cần có sự thay đổi. Không biết cô chú có thể chuẩn bị giới thiệu cháu với con chó nhà mình, để nó có thể quen cháu, để cho nó thấy cháu không phải là kẻ thù, cháu không có ý định gì xấu?”

Đôi vợ chồng nhìn nhau. Không khí trong phòng lặng yên, như thể cửa sổ chưa mở nhiều năm.

“Nó là con chó ngoan,” người đàn bà nói. “Un chien de garde,” một con chó canh.

Qua đó cô hiểu sẽ không có chuyện giới thiệu, không có chuyện làm quen với con chien de garde, rằng coi cô như kẻ thù thì tiện hơn với người đàn bà này nên cô sẽ tiếp tục làm kẻ thù.

“Mỗi lần cháu đi qua nhà cô chú, con chó lại đâm ra dữ dằn,” cô nói. “Cháu không nghi ngờ gì chuyện nó thấy ghét cháu là trách nhiệm của nó, nhưng mức độ thù hằn của nó với cháu làm cháu thấy sốc, sốc và sợ. Mỗi lần đi qua nhà mình là một trải nghiệm nhục nhã đối với cháu. Sợ đến thế thì thật nhục nhã. Không sao cưỡng lại được. Không sao chấm dứt được nỗi sợ.”

Đôi vợ chồng nhìn cô lạnh tanh.

“Đây là đường công,” cô nói. “Cháu có quyền, trên đường công, quyền không phải sợ hãi, quyền không bị làm nhục. Cô chú là người có khả năng khắc phục chuyện này.”

“Đây là đường nhà tôi,” người đàn bà nói. “Chúng tôi không mời cô vào đây. Cô có thể đi đường khác.”

Người đàn ông cất tiếng lần đầu. “Cô là ai? Cô có quyền gì mà vào đây bảo chúng tôi phải đối xử thế nào?”

Cô dợm đáp lại, nhưng ông ta không quan tâm. “Đi,” ông ta nói. “Đi, đi, đi!”

Cổ tay chiếc cardigan ông ta mặc đang xổ ra; khi ông xua tay đuổi cô đi nó quét vào bát cà phê. Cô định chỉ cho ông, nhưng rồi lại thôi. Không một lời, cô rút lui; cánh cửa đóng lại sau lưng cô.

Con chó lao vào hàng rào. Một ngày, con chó nói, hàng rào này sẽ sập. Một ngày, con chó nói, tao sẽ xé mày thành từng mảnh.

Bình tĩnh hết mức có thể, dù đang run rẩy, dù có thể cảm thấy những đợt sóng sợ hãi đập từ người mình vào không khí, cô đối mặt với con chó và nói, bằng những từ ngữ của con người. “Chết mẹ mày đi!” cô nói. Rồi cô trèo lên xe và bắt đầu đạp lên dốc.

Nguyễn Huy Hoàng dịch từ nguyên bản tiếng Anh

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)