Abbigail Nguyen Rosewood và Viet Thanh Nguyen nói về bản sắc, tiểu thuyết mới và văn học nhập cư thế hệ thứ hai của người Việt ở Mĩ.
Mới đây, cuốn tiểu thuyết Constellations of Eve (tạm dịch: Chòm sao của Eve) của tác giả gốc Việt Abbigail Nguyen Rosewood đã được ra mắt tại Mĩ. Nhân dịp này, nhà văn đoạt giải Pulitzer Viet Thanh Nguyen đã có một cuộc trò chuyện với Rosewood. Việc phát hành cuốn sách cũng là khởi đầu cho mối quan hệ hợp tác xuất bản mới giữa Diasporic Vietnamese Artists Network và Texas Tech University Press. Bài phỏng vấn sau đây đã được cô đọng và chỉnh sửa cho rõ ràng hơn.
*
Viet Thanh Nguyen: Bạn đến Hoa Kỳ với tư cách là một người nhập cư, không phải tị nạn ở tuổi 12. Trải nghiệm đó là như thế nào?
Abbigail Nguyen Rosewood: Đó là một trải nghiệm thú vị. Tôi từ Việt Nam đến Singapore và sau đó là Texas. Có lẽ có một cú sốc, nhưng may là ở tuổi thiếu niên người ta luôn muốn trái nghiệm. Vì vậy, tôi nghĩ việc chuyển đến Hoa Kì là điều đáng mừng.
VTN: Đầu tiên là chào mừng bạn. Tiếp theo đó, tại sao lại đáng mừng?
ANR: Đó là câu hỏi rất khó trả lời. Nó thuộc phạm trù cá nhân. Tôi đã xa mẹ vài năm trước đó, và đến Mĩ là khả năng duy nhất để chúng tôi có thể đoàn tụ. Vì vậy, nó là một nơi trú ẩn an toàn theo nghĩa gia đình. Tôi đã không sống với bà trong suốt 5 năm trước khi hạ cánh xuống Texas, về cơ bản, lần trở lại này giống như một sự sum họp.
Nhà văn gốc Việt Abbigail Nguyen Rosewood.
VTN: Tiếc là chia li là chuyện đã quá phổ biến của cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Tôi đã đến đây khi mới 4 tuổi, vì vậy về cơ bản tôi lớn lên như một người Mĩ. Nhưng bước sang tuổi 12, tôi nghĩ là bạn chắc hẳn đã mang theo rất nhiều kỉ niệm về Việt Nam và cuộc sống ở đó. Tôi tự hỏi, làm thế nào để bạn liên hệ với các căn tính mới?
ANR: Gần đây tôi nghĩ về mình như người có ba danh tính. Một là người Việt Nam. Một là người Mĩ gốc Việt. Và một là người Mĩ. Và tôi nghĩ rằng tôi đang cân bằng cả ba bản sắc, và còn rất nhiều sắc thái giữa chúng.
VTN: Vậy hãy cho tôi một ví dụ về việc thể hiện bản sắc Việt Nam của bạn.
ANR: Ở Mĩ, tôi phải giữ một phần nào đó của bản thân để không hoàn toàn mất liên lạc với nguồn gốc của mình. Ví dụ đối với tôi, ở đây có một bức tượng Phật và đó là nơi mà tôi cùng Thiền với cha mình. Trong khi nếu ở Việt Nam, tôi không nghĩ mình lại tự động đi đến ngôi chùa nào đó.
VTN: Còn bản sắc Mĩ thì sao?
ANR: Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về ý nghĩa của việc trở thành một nhà văn phương Đông hay phương Tây. Tôi được đào tạo ở Mĩ như một nhà văn, nhưng tôi cũng có những ảnh hưởng từ phương Đông. Mặc dù người Việt Nam rất thẳng thắn, tôi nghĩ văn học Việt Nam có phần trầm lắng và tinh tế. Mọi thứ viết ra thì đều là một biểu hiện vi mô. Một văn bản, một cuốn tiểu thuyết… là một hành động của các chuỗi vi mô mà ta cần phải giải mã. Trong khi đó, với văn học Mĩ đương đại, tôi nghĩ chúng có nhiều đam mê và cuồng nhiệt hơn. Và tôi yêu cả hai điều đó. Vì vậy, tôi đang ở giữa cơn thịnh nộ lặng lẽ và cơn thịnh nộ ồn ào.
VTN: Tôi sẽ không gọi mình là một nhà văn Việt Nam vì tôi không thể viết bằng tiếng Việt. Điều đó có nghĩa gì khi bạn nói rằng bạn là một nhà văn Việt Nam nếu bạn đang viết bằng tiếng Anh?
ANR: Tôi nghĩ thứ quyết định đó là DNA và tiếng nói bên trong với tư cách là một nhà văn. Khi tôi nói rằng tôi là một nhà văn Việt Nam, đó là nguồn cảm hứng và khả năng cảm thụ của tôi bắt nguồn từ quá trình lớn lên của tôi. Tôi không thể viết bằng tiếng Việt, nhưng tôi hy vọng rằng một ngày nào đó tôi có thể làm được. Tôi biết Jhumpa Lahiri vừa mới ra mắt cuốn sách tiếng Ý đầu tiên của cô được viết hoàn toàn là bằng tiếng Ý sau khi sống ở đó khoảng một thập kỷ. Đó là điều tôi hy vọng rằng tôi cũng sẽ làm được, nhưng bằng tiếng Việt. Tôi muốn đơn giản hóa ngôn ngữ bởi vì thể hiện bản thân bằng một ngôn ngữ là điều cốt lõi, chứ không phải thông qua phương tiện ngôn ngữ nào.
VTN: Hầu hết các tác phẩm văn học của người Mĩ gốc Việt cho đến gần đây đều được định hình bởi chiến tranh và trải nghiệm của người tị nạn, đó không phải là đặc điểm của cuốn Constellations of Eve . Bạn có thấy mình là một phần của văn học Việt - Mĩ không?
ANR: Tôi nghĩ rằng tôi là một phần của làn sóng văn học Việt - Mĩ mới và không nhất thiết là phải viết về chiến tranh. Tôi cảm thấy đặc biệt biết ơn anh, Isabelle và DVAN [Diasporic Vietnamese Artists Network] về sáng kiến này vì đó là món quà thật tuyệt. Giống như khi anh được trao giải Pulitzer và mọi chuyện không chỉ dừng lại ở đó. Nó sẽ đưa ra nhiều lựa chọn khác. Và vì vậy, tôi thực sự biết ơn. Và tôi nghĩ văn học Việt - Mĩ có rất nhiều nhánh. Tôi rất vui khi trở thành “người mới” trong lĩnh vực này.
VTN: Constellation of Eve nói về điều gì?
ANR: Cuốn sách theo chân ba nhân vật chính trong ba lần hóa thân khác nhau của cuộc đời của họ. Và trong mỗi lần lặp lại, họ có cơ hội để thử những gì mình chưa kịp làm. Và thực tế là có những “tiếng vọng” hay là chỉ dấu của những thực tại trước đây.
Tác phẩm Constellation of Eve.
VTN: Là người tị nạn, tôi thường nghĩ về điều sẽ xảy ra nếu bố mẹ mình ở lại Việt Nam. Và cuốn tiểu thuyết của bạn khám phá điều đó, rõ ràng, theo một cách rất khác. Tôi biết rằng niềm tin Phật giáo đóng một vai trò nào đó trong tiểu thuyết này, có phải vậy không?
ANR: Vâng. Tôi nghĩ Phật giáo vào luân hồi là một niềm tin rất từ bi vì nó cho phép chúng ta tin rằng chúng ta có cơ hội thứ hai và cơ hội thứ ba và cơ hội thứ tư… bởi vì với tôi, cuộc sống rất hay thay đổi. Mọi người lạc nhau lúc nào không hay. Và dù cho chúng ta cố gắng hết sức để giao tiếp và yêu nhau nhiều đến thế nào, thì ta cũng không thể hoàn toàn biết được đâu là đúng đắn. Vì vậy, tôi nghĩ đó là lí do tại sao tôi bị cuốn hút vào điều này.
VTN: Cảm hứng nảy ra câu chuyện này là gì?
ANR: Tôi bắt đầu viết cuốn sách này vào khoảng thời gian khi mối quan hệ của tôi với chồng tôi, khi đó là chồng sắp cưới, đang ở một ngã ba đường. Và tôi nghĩ cuốn sách này là một tác phẩm tình yêu theo rất nhiều cách, bởi đó là cách mà tôi cố gắng tìm ra mối quan hệ của chúng ta. Chúng ta đã bỏ lỡ nhau như thế nào? Chúng ta đã tách biệt nhau ra sao? Và làm thế nào để chúng ta bắt đầu coi nhau là điều hiển nhiên?
Việt Thanh Nguyễn là một nhà văn người Mĩ gốc Việt, và hiện là Phó Giáo sư tại Đại học Nam California. Tiểu thuyết đầu tay của anh, The Sympathizer, đã được trao nhiều giải thưởng văn học, trong đó có Pulitzer cho tác phẩm hư cấu hay nhất năm 2016. Mới đây tác phẩm này đã được chuyển thể sang bản điện ảnh. Các tác phẩm của anh đã được chuyển ngữ: Người tị nạn, Kẻ ly hương (chủ biên). Abbigail N. Rosewood là một tác giả người Việt. Cô có bằng MFA về viết sáng tạo của Đại học Columbia. Hai cuốn tiểu thuyết của cô đã được đề cử cho Giải Pushcart, Best of the Net và giải Truyện ngắn Mĩ hay nhất. Cô đã giành giải nhất trong cuộc thi Writers Workshop of Asheville Literary Fiction. DVAN (Diasporic Vietnamese Artists Network) do Isabelle Thuy Pelaud - một học giả về lịch sử và văn học Mĩ gốc Á, cùng Việt Thanh Nguyễn thành lập, nhằm quảng bá văn học Mĩ gốc Việt ra với thế giới. |
THUẬN NGÔ
VNQD