W.G.Sebald: Nghệ thuật sử dụng “bẫy kí ức”

Thứ Năm, 07/07/2022 06:39

Mới đây Vành đai sao thổ, một trong những tác phẩm quan trọng nhất của nhà văn người Đức W.G.Sebald đã được chuyển ngữ và ra mắt bạn đọc Việt Nam. Vậy là sau Ký ức lạc loài, Austerlitz - Một cái tên Chóng mặt, 4 tác phẩm độc đáo dẫu được viết trong cuộc đời ngắn ngủi của ông đã được chuyển ngữ. Năm 2001, W.G.Sebald qua đời trong một tai nạn giao thông bất ngờ ở Anh. Những chia sẻ dưới đây được ghi lại trước khi ông gặp tai nạn và ra đi.

W.G. Sebald từ lâu đã được các nhà phê bình trên thế giới ca ngợi là tác giả quan trọng bậc nhất từ sau Đệ nhị Thế chiến. Ở ông, bằng sự hòa trộn các thể loại hư cấu, kết hợp hình ảnh và văn bản; những ký ức, vẫn vơ, nỗi buồn và sự tổn thương từ trong lịch sử của một cộng đồng và thế hệ người châu Âu vô lai lịch đã hiện lên.

Bản ghi lại này nằm trong khuôn khổ buổi Đọc lần thứ 63 được tổ chức ngày 15 tháng 10 năm 2001 tại Phòng hòa nhạc Kaufmann, Trung tâm Unterberg trên Đường Y số 92, New York không lâu trước khi ông qua đời. Buổi đọc cũng có sự góp mặt của Susan Sontag và André Aciman. Các câu hỏi - trả lời sau đây thuộc phần trả lời khán giả sau Buổi đọc Austerlitz của Sebold.

Nhà văn W.G.Sebald.

- Ông có thể cho biết thêm về mối quan hệ giữa văn bản và các hình ảnh trong những tác phẩm của mình không? Ông đã chọn ra những bức ảnh như thế nào?

+ Vâng, các tấm ảnh thường được tôi chọn trước khi bắt tay vào viết. Tôi đã ngẫu nhiên thu thập những mẩu giấy vụn và các bức ảnh cũ trong nhiều năm trời trước khi bắt đầu viết chuyên nghiệp. Vì vậy, rõ ràng, chúng có với tôi cơ duyên bằng cách nào đó. Và rất thường xuyên, như trong trường hợp cuốn sách mới nhất (Austerlitz), điểm xuất phát là bức ảnh nằm ở bìa sách. Đó là bức ảnh mà tôi đã có trong nhiều năm. Và khi ý tưởng hình thành, những bức ảnh này đã trở thành một phần thân thiết trong quá trình làm việc, và tôi thấy không có lý do gì để loại chúng khỏi cuốn sách.

Và khi tôi viết tác phẩm hư cấu đầu tiên của mình, tôi không biết liệu nó có được xuất bản hay không. Tôi chỉ đưa những bức ảnh này vào vì yêu thích cá nhân. Nhưng khi tiếp tục làm thế, tôi nhận ra chúng có thể có chức năng khác trong văn bản: Chúng giữ dòng chảy ngôn từ. Và thường người đọc sẽ hay giảm dần sự ham thích càng về cuối sách. Vì thế, theo định nghĩa, sách gần như có cấu trúc dòng chảy. Và, do đó, việc đặt những cái đập vào chỗ này chỗ nọ mà khi lọt vào, bạn biết đấy, tai họa là không thể tránh khỏi. Vì vậy, những bức ảnh có tác động như thế.

Mặt khác, hoặc bí ẩn hơn, rằng những bức ảnh cũ nói riêng, những bức ảnh đen trắng cũ kĩ và đầy lạc lõng được lấy ra từ những chiếc hộp bị lãng quên từ lâu, thường có một sức hấp dẫn bí ẩn và hàm chứa đôi khi là những sinh mạng đã mất. Và còn điều gì tốt hơn điểm khởi đầu cho một nhà viết tiểu thuyết từ chính điều đó?

Tôi nghĩ thích hợp khi sử dụng những bức ảnh này bởi vì ngôn từ phải là, như nó vốn là, một sự cứu rỗi, hoặc ít nhất là một nỗ lực cứu rỗi các linh hồn, theo một nghĩa hoàn toàn phi tôn giáo, không cần nói ra. Những hình ảnh cũng có thêm một chức năng nữa, khi văn bản thường có xu hướng dễ bị bỏ qua, chúng sẽ đóng vai trò như một hình thức lấy lại sự chú ý, khiến cho người đọc biết rằng câu chuyện đang được kể là dựa trên sự thật chứ không phải hoàn toàn bịa ra. Bởi vì chúng ta thường có xu hướng tin vào những bức ảnh hơn bất kì bằng chứng nào khác. Và điều này tất nhiên có nghĩa là hình ảnh, nếu bạn nhìn vào mặt trái của vấn đề này, cũng có thể được dùng như một phương tiện giả mạo.

Hình ảnh trong tác phẩm Austerlitz của W.G.Sebold.

Một bức ảnh có thể bị giả mạo và tôi phải thú nhận rằng mình đã làm giả không ít trong những cuốn sách mình viết trong vài năm qua. Chẳng hạn, như trong Ký ức lạc loài, cuốn nhật kí, mà người kể chuyện kể cho người đọc, là một cuốn nhật kí đã được người chú quá cố lưu giữ trong chuyến hành trình đến vùng Cận Đông. Chà, nếu bạn nhìn kĩ, nét chữ trong cuốn nhật kí đó chính là của tôi. Và vì vậy bạn biết đấy, sử dụng hình ảnh trực quan, phát triển các trò bí ẩn, tôi nghĩ, nó sẽ làm tăng thêm phần hứng thú của hư cấu, vì đó là tất cả. Chà, tôi nghĩ tốt hơn là tôi nên dừng lại ở đây nếu không sẽ mất cả buổi tối đấy.

- Tại sao ông lại cần đến dịch giả - khi mà ông đã từng viết các bài báo học thuật bằng tiếng Anh? Và ông có thấy được những điểm khác nhau khi viết bằng tiếng Đức và tiếng Anh không?

+ Chà, hãy bắt đầu với câu hỏi cuối. Ý tôi là, chắc chắn có sự khác biệt trong các phiên bản ngôn ngữ khác nhau của một tác phẩm. Đôi khi, nếu bạn cố gắng chuyển một văn bản từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, một số bóng mờ hay sự mịn màng có thể bị mất. Trong những trường hợp kì lạ riêng biệt, thì điều gì đó lại có thể trở thành thành tựu. Trong trường hợp của cuốn sách này (Austerlitz), có một đoạn dài khoảng mười trang là sự châm biếm về ngôn ngữ mà đồng bào tôi đã phát triển một cách ít nhiều vô tình vào những năm 1930 để mô tả chính mình trong… trò chơi phỉ báng, bắt bớ, và cuối cùng, nếu có thể, là xóa bỏ sắc dân thiểu số.

Bây giờ, ngôn ngữ đó là một dạng biến thể của tiếng Đức và, nếu ai đó bắt gặp nó, bạn biết đấy, nó gần như không tưởng, bởi không có khả năng cắt nghĩa nó bằng cấu tạo tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha… hoặc bất kì ngôn ngữ nào khác. Vì vậy đối với người đọc tiếng Anh của cuốn sách đó, trong những trang này chắc chắn họ sẽ bị mất một thứ gì đó. Nhưng nhìn chung, tôi nghĩ dịch sách nên ở mức độ khiến chúng có giá trị đối với người đọc nước ngoài như đối với người đọc ngôn ngữ gốc. Và có vô số ví dụ về điều đó.

 

Những cuốn sách của W.G.Sebald đã xuất bản tại Việt Nam. 

Bạn biết đấy, nếu bạn đọc một trang… hoặc vài trang của Marcel Proust, bạn không thể hình dung được độ phức tạp về cú pháp của những cụm từ khi được chuyển sang một ngôn ngữ khác. Nhưng nó đã được thực hiện, và được làm một cách tuyệt vời. Người dịch phải cực kì sáng suốt và may mắn, như thế mới có thể làm được những điều này, nhưng họ rất ít và khá thiểu số, và với tư cách một nhà văn, chúng tôi thường gặp khó khăn với những dịch giả không được như vậy, và nếu có khả năng, bạn nên can thiệp.

Ừm - tại sao tôi không dịch sách của mình? Chà - lí do là do tôi bắt tay vào nghiệp viết rất muộn, ở tuổi độ ngoài bốn mươi rồi, và tôi không có thời gian bởi đã có thể thấy “chân trời” phía trước và vì vậy, bạn biết đấy… và tôi có một vài việc khác chiếm hết thời gian. Nó là công việc viết lách, và vì vậy, trở thành dịch giả đồng thời là một nhà văn, tôi nghĩ, có hơi quá sức, có thể là do hệ thần kinh của tôi. Vì vậy, tôi nghĩ tốt hơn là mình không nên làm điều đó, và một điều nữa là tôi không hoàn toàn tin tưởng vào vốn tiếng Anh của mình. Có một sự khác biệt lớn, bạn biết đấy, nếu bạn nhận một bản gốc kém nhưng có đủ năng lực, bạn sẽ cải thiện nó. Nhưng điều đó không giống với việc bạn tự viết nháp ngay từ ban đầu. Thế nhưng đôi khi hai người bất tài thì lại có thể tạo thành một cặp ăn ý.

- Trong tất cả các tác phẩm đã xuất bản, ông thích nhất tác phẩm nào và tại sao?

+ Chà, đó là một câu hỏi mà tôi cảm thấy thật sự rất khó trả lời, bởi tôi thực sự có một vấn đề mà tôi nghĩ rằng mình có thể chia sẻ với một số nhà văn khác, vì những cuốn sách khi được viết xong, nhiều khi bị coi như những đứa trẻ bị bỏ rơi, và điều đó ám chỉ quan điểm đạo đức về những nỗ lực từ trong quá khứ và nó khá khó chịu.

Tôi nghĩ một phần trong mỗi nhà văn luôn là sự băn khoăn về công việc, nỗi sợ, rằng rất có thể nó không thể hoàn thành. Và vì nỗi sợ này mà một vài người, bạn biết đấy, không muốn nhìn lại vì họ cho rằng bản thân đã làm điều đó rồi. Nhưng vì viết lách là một công việc chậm chạp đến đau đớn, tôi trân trọng hầu hết những đứa con đó, những cuốn sách mà tôi đã viết, và tôi không hề do dự khi nói thế.

Và điều này đặc biệt đúng cho phần cuối trong nỗ lực đầu tiên của tôi về tiểu thuyết đầu tay đã được dịch sang tiếng Anh, với tiêu đề Chóng mặt, kể về một loại câu chuyện về cuộc hồi hương, tức là người kể chuyện, người đang sống buông thả ở Ý trong cơn hoảng loạn, quay về ngôi làng nhỏ ở rìa bắc dãy Alps, nơi anh ta lớn lên, và lần đầu tiên tôi nghĩ sau 30 hoặc 35 năm anh ta mới trở lại nơi mà anh đã sống trong tám hoặc chín năm đời mình; và tôi nhớ mình đã viết điều đó rất nhanh mà không do dự - đó là một chương có tên Il ritorno in patria - trên một hòn đảo ở Hy Lạp, mà tôi không có bất kì một gợi ý nào.

Không có ảnh để xem, không có báo để đọc, chỉ có một tập giấy và một cây bút chì. Và đó là khoảnh khắc giải thoát nhất đối với tôi trong suốt sự nghiệp viết văn ngắn ngủi của mình, và đó là khoảnh khắc không bao giờ tôi còn thấy lại.

NGÔ MINH

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)