Có 12 thiếu niên xa lạ, gồm cả trai lẫn gái được tập hợp lại qua một trang web bí ẩn vì mục đích chung: tự sát tập thể tại một bệnh viện bỏ hoang. Nhưng ở đây, cả nhóm bất ngờ phát hiện thi thể thiếu niên xa lạ khác đã chết còn vương hơi ấm. Chúng không biết danh tính người đó là ai, lại càng không rõ nguyên nhân do đâu người đấy xuất hiện ở nơi này. Diễn biến bất ngờ đã phá vỡ kế hoạch ban đầu của 12 thiếu niên, buộc chúng phải tìm ra sự thật sau cái chết của thiếu niên bí ẩn đó. Và qua quá trình điều tra phá án, quá khứ cùng nguyên do 12 thiếu niên đi tới quyết định giã từ cõi đời cũng dần được hé lộ.
Sự đồng điệu trong “khủng hoảng tuổi dậy thì”
Tuổi dậy thì, lứa tuổi đầy bất ổn giữa lằn ranh tuổi trẻ và trưởng thành. Lứa tuổi dễ cô đơn trong mâu thuẫn giữa thế giới bé nhỏ của bản thân với thế giới rộng lớn ngoài kia, khiến đứa trẻ dễ thấy bơ vơ, lạc lõng. Mà để hòa nhập, chúng phải khoác lên bộ mặt giả tạo. Rồi bao uất ức từ những chuyện tưởng như vụn vặt: gia đình, bạn bè, trường lớp... cứ vậy bùng nổ, khiến trẻ nhỏ thấy cuộc sống chẳng còn chút ý nghĩa và bao dồn nén, trở thành sự bùng nổ ngỡ rằng bột phát: tự tử?
Poster bộ phim.
Sự bất ổn ấy, đã được đạo diễn Yukihiro Tsutsumi cùng biên kịch Yutaka Kuramochi chuyển tải trọn vẹn trong bộ phim 118 phút được chuyển tải từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Tow Ubutaka: 12 thiếu niên muốn chết. Những người trẻ, vì lí do này hay lí do khác, mất đi động lực, niềm tin vào tương lai, vô tình lạc bước trên internet, tìm thấy nhau ở khao khát được chết nơi một trang web xa lạ, rồi tập hợp lại cho một vụ tự tử tập thể.
Nhưng 12 thiếu niên muốn chết không chỉ có thế. Bởi kết cấu truyện lồng truyện, câu chuyện nhỏ của từng cá nhân nằm trong câu chuyện lớn; kế hoạch tự sát buộc phải tạm dừng vì tình huống phát sinh ngoài dự liệu về một cái xác vô chủ bất ngờ xuất hiện đặt ra yêu cầu bức thiết cho 12 đứa trẻ cần tìm ra thủ phạm nếu như không muốn bị liên lụy. Tất cả, làm nảy sinh mâu thuẫn giữa 12 thiếu niên xa lạ song cũng giúp họ tương tác để dần dần thấu hiểu lẫn nhau. Đồng thời, tạo nên màu sắc trinh thám, phá án cho câu chuyện bí ẩn, u ám được xây dựng từ hệ thống hệ thống tình tiết dày đặc, căng thẳng, lớp lang, liên kết vừa với hiện thực trong không gian hẹp nơi bệnh viện bỏ vừa và vừa về không gian cá nhân cuộc đời, 12 thiếu niên muốn chết.
Để rồi, qua từng nút thắt được bóc tách, những số phận dần hiện ra; khán giả mới thấm thía, 12 thiếu niên muốn chết đâu phải câu chuyện riêng của 12 đứa trẻ mang khao khát quyên sinh. Rộng hơn, đấy là câu chuyện chung của xã hội, nhất là xã hội hiện đại hôm nay. Bởi đời người, ai chẳng đã, đang và sẽ trải qua độ tuổi ẩm ương với niềm hi vọng được lắng nghe và thấu hiểu, mong muốn yêu và được yêu, nhiệt huyết theo đuổi ước mơ khát vọng, khao khát khẳng định cái tôi một cách mãnh liệt. Nhưng nhịp sống ngày một quay cuồng, đáp lại những đứa trẻ đã từng trong sáng, ngây thơ, chỉ là quá nhiều thương tổn từ chính những bậc làm cha, làm mẹ, làm thầy, làm cô, từ bạn bè đồng trang lứa xung quanh. Khiến chúng, ôm mãi gánh nặng và thà đặt niềm tin vào những người xa lạ nhưng cùng chung mục đích.
12 thiếu niên, và cả đứa trẻ đã lặng câm mang danh số 0 nằm trên giường bệnh, đồng điệu trong nỗi khủng hoảng tuổi dậy thì cùng đau thương cá nhân của một lớp người trẻ buổi hiện đại. Tất cả, tựa mảnh ghép đa sắc của tuổi trẻ hôm nay, dù cho không phải đối diện với cảnh mưa bom bão đạn, thì vẫn còn đó những mâu thuẫn, thương tổn, ẩn ức khiến mỗi ngày “phải sống” với chúng, đều trở nên ngột ngạt.
Điểm gặp gỡ nơi “tận cùng được sống”
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, 12 thiếu niên muốn chết là bộ phim xoay quanh cái chết cùng niềm khát khao được chết của những thanh thiếu niên tuổi đời còn quá trẻ. Nhưng, tạo dựng câu chuyện xoay quanh lớp nhân vật đặc biệt này, điều đạo diễn Yukihiko Tsutsumi hướng đến, vẫn là từ cái chết để gợi về sự sống, đề cao quyền được sống và sinh mạng con người.
Bởi những đứa trẻ tìm tới buổi tự sát tập thể như cách tự giải thoát khỏi bế tắc của “cõi tạm”, cũng là một cách tuổi nổi loạn phản kháng xã hội mà khẳng định ta từng tồn tại trên cõi đời. Nhưng khi được nói lên tiếng nói cá nhân giữa một tập thể gồm những người, tuy hoàn cảnh sống không tương đồng nhưng gặp nhau ở cùng một đích đến, chúng hiểu rằng, chết một cách không đau đớn là một lựa chọn song có sống thì mới có thể thay đổi hiện tại, cũng như thấy được tương lai.
Giá trị sự sống, hiện hình trên thân xác, tinh thần những đứa trẻ độ tuổi thanh, thiếu niên, kể cả số 0 có xuất thân, hoàn cảnh riêng nên mỗi người có nguyên nhân, đớn đau, ẩn ức, tổn thương riêng để đưa bước họ đến căn phòng bỏ hoang đấy. Với mong mỏi ẩn sau mục đích muốn chết đến vô vọng, rằng được bày tỏ cái tôi, hay chính là khẳng định “sự sống” vậy.
Vì thẳm sâu một Kenichi tính cách nhiệt tình luôn bị bạn bè bắt nạt, một Mitsue mù quáng vì thần tượng, một Ryoko luôn phải sống trong cái bóng thần tượng bản thân cô xây dựng lên, một Shinjiro thông minh với những suy luận sắc sảo nhưng mắc căn bệnh hiểm nghèo không biết trước tương lai sẽ ra sao, một Meiko và Seigo bị chính đấng sinh thành chối bỏ quyền sống lẫn sự tồn tại, một Takahiro luôn mặc cảm về khiếm khuyết cá nhân, một Nobuo mãi đeo đẳng tội lỗi trong quá khứ, một cô gái luôn hòa đồng lại gặp nỗi đau về căn bệnh tình dục do sai lầm tuổi trẻ như Mai, một Anri lạnh lùng đến như tàn nhẫn nhưng lại là người cô đơn hơn hết thảy, một Yuki trầm lặng, yếu đuối bao thời gian qua luôn mang nặng trên vai nỗi ám ảnh lỗi lầm về người anh trai phải sống thực vật. Vẫn là niềm tin le lói cho ngày mai hay hi vọng “sống” dù có đớn đau, nhiều thương tổn hơn nữa. Như chính người lập lên trang web, người tổ chức cuộc tự sát tập thể - Satoshi; tựa đã nhìn thấu rồi trân trọng sinh mạng hơn bất kì ai.
Cho nên, dù mang màu sắc u ám xoay quanh nỗi ám ảnh “cái chết” thì lần nữa, 12 thiếu niên muốn chết vẫn là bộ phim rất đẹp về sự sống và lòng ham sống; về quá trình tìm đường và nhận đường; là bài ca về tuổi trẻ trải qua đủ khủng hoảng cùng chấn thương tâm hồn sẽ càng trở nên kiên cường, mạnh mẽ hơn
Câu chuyện tuổi trẻ, được kể qua ngôn ngữ điện ảnh
Như đã nói, là một thước phim vừa mang yếu tố trinh thám, bí ẩn; vừa mang yếu tố tâm lí, xã hội; nên, gần trọn 118 phút, 12 thiếu niên muốn chết mang nước phim màu xám lạnh chủ đạo như chính trạng thái tinh thần u ám của 12 thiếu niên khi mới bước đến khu bệnh viện bỏ hoang. Nhưng đồng thời cũng là câu chuyện nói tới cái chết để hướng về sự sống, vì thế tới những cảnh phim cuối cùng, lúc những đứa trẻ cởi bỏ được gánh nặng thì màu phim đã chuyển sang sắc tươi sáng, trong trẻo. Đó, chính là cách, điện ảnh dùng ngôn ngữ để kể một câu chuyện vậy.
Đạo diễn Yukihiko Tsutsumi.
Cùng với màu phim, góc quay cũng tận dụng tối đa mục đích và liên tục thay đổi. Như góc quay chính diện vốn mang tới sự tin tưởng, chắc chắn thì giờ đây, trong 12 thiếu niên muốn chết, lại tạo cảm giác rợn người bởi, sự “chắc chắn” đó lại gắn liền với quyết định “được chết” của những đứa trẻ. Và còn là những góc máy chếch phía trên lấy trung cảnh, cận cảnh, thậm chí là đặc tả gắn liền với từng phân cảnh đã khắc họa thêm rõ nét biến chuyển cảm xúc, biểu cảm gương mặt diễn viên.
Bên cạnh đấy, lối dựng phim có sự đan xen giữa dựng song song và dựng nhảy: hiện thực đan xen quá khứ, nhân vật này có sự liên kết với nhân vật kia, câu chuyện của 12 thiếu niên song hành cùng bí ẩn về cái chết của đứa trẻ khác càng làm cho tác phẩm của đạo diễn Yukihiro Tsutsumi trở nên bí ẩn, khó đoán.
Ngoài tính liên kết chặt chẽ trong từng cảnh, phân cảnh, tràn ngập trong 12 thiếu niên muốn chết còn là những hình ảnh đa nghĩa mang tính đậm tính biểu tượng. Bệnh viện, nơi con người để kéo dài sinh mạng trở thành nơi những đứa trẻ tìm đến kết liễu cuộc đời. Nhưng nơi ấy, có thật sẽ trở thành nấm mồ chung của 12 đứa trẻ hay lại mang ý nghĩa lần nữa gieo sự sống cho con người? Những bóng người trùm áo đen lướt qua các phòng vừa như một nghi thức, vừa gợi đến câu chuyện: có lẽ, đây không phải lần đầu tiên, cuộc tự sát tập thể như vậy được tổ chức. Và tính nghi lễ còn được thể hiện trong cảnh quay 12 thiếu niên cùng nhau đứng trên sân thượng ngước nhìn bầu trời tựa sự ám chỉ về lần cuối được ngắm nhìn sự sống; song cũng gợi tới, một thoáng, quyết tâm tự tử của họ đã lung lay...
Cùng với khía cạnh hình ảnh, yếu tố âm thanh từ những khoảng lặng, quãng ngưng của thanh âm hay tiếng rè như một cuộn băng bị xước báo hiệu sự chết chóc, những tiếng va đập chát chúa dội thằng vào thính giác… càng làm tăng thêm sự hồi hộp, bí ẩn cho từng cảnh quay của 12 thiếu niên muốn chết.
Từng nằm trong danh sách những bộ phim thuộc Liên hoan phim Việt Nam - Nhật Bản năm 2019, 12 thiếu niên muốn chết, nói đến cái chết để khắc sâu thêm giá trị sự sống. Cả bộ phim, dùng sự ảm đạm từ nội dung, sự phát triển tâm lí lẫn việc các nhân vật dần bộc lộ tính cách đến cách dựng phim, quay phim, dàn cảnh... để làm bật lên sự trong sáng, trong trẻo ở ánh mặt trời, trong nụ cười của những đứa trẻ vào cuối phim.
Và được một đạo diễn kì cựu như Yukihiko Tsutsumi chắp cánh, qua sự diễn xuất của dàn diễn viên trẻ, đẹp, cực kì tài năng của nền điện ảnh xứ sở hoa anh đào; thật sự 12 thiếu niên muốn chết đã thành công trong việc truyền tải giá trị nhân văn về niềm tin yêu cuộc đời. Nhất là trong bối cảnh, tuổi trẻ hôm nay, mạnh mẽ, kiên cường đó nhưng cũng tinh tế, nhạy cảm lắm trước thương tổn mong manh hằn sâu nơi tâm hồn.
MỌT MỌT
VNQD