H.P. Lovecraft: Người đặt nền móng cho thể loại sci-fic

Thứ Sáu, 17/06/2022 07:05

Là một trong những nhà văn đã vĩnh viễn thay đổi thể loại giả tưởng (fantasy), kinh dị (horror) và khoa học viễn tưởng (sci-fic); H.P. Lovecraft và vũ trụ kinh điển Cthulhu của ông có sức ảnh hưởng vô cùng lớn và đã tạo nên những dấu ấn vô cùng riêng biệt.

Bên cạnh Xứ Narnia của C.S. Lewis, Xứ Cát ở Frank Herbert… Cthulhu không cuốn hút người đọc bởi vẻ đẹp hay những trận chiến liên hành tinh; mà bằng tính kinh dị, gothic, Lời hiệu triệu của Cthulhu (Wingsbooks và Nxb Kim Đồng ấn hành, Nguyễn Thành Long dịch) vẫn còn lại giá trị cho đến ngày nay.

TỪ SÁCH…

Lời hiệu triệu của Cthulhu gồm 4 truyện ngắn và cũng là 4 lối dẫn nhập vào trong vũ trụ của Lovecraft, với các Đại đấng cổ xưa, Ngoại thần và Cựu thần; tuyển tập truyện này gia tăng mức độ từ những lời kể có phần giản đơn trong Dagon, đến đầy ám ảnh bởi những tượng thần, nghi thức hiến tế… rồi nâng cấp hơn nữa bằng sự nghẹt thở của những pha hành động cũng như bí mật sau cuối mới kịp sáng rõ của Nỗi kinh hoàng tại Dunwich hay Bóng tối trùm lên Innsmouth.

Tuyển tập Lời hiệu triệu của Cthulhu.

Dễ thấy các truyện ngắn của Lovecraft đi trên đường biên pha lẫn thể loại, vừa kinh sợ trong lối viết kinh dị, gothic, khai thác các yếu tố tâm linh - tâm lí; vừa nghẹt thở như những cuốn sách hành động; đồng thời bao trùm lên hết là tính máy móc, công nghiệp của dòng tiểu thuyết khoa học - viễn tưởng.

Cũng như những tiểu thuyết sci-fic khác, Lovecraft thỏa trí sáng tạo trong những mô tả của một sinh vật là bá chủ thế giới. Đó là hỗn hợp của loài bạch tuộc, rồng cũng như phiên bản biếm họa của con người. Loài linh thiêng ấy phủ thân dị hợm với vảy cùng một cặp cánh chứa đầy đầu thịt mềm, thòi lòi xúc tu. Không dừng ở đó, Lovecraft cũng đã sáng tạo một thế giới khác, một vũ trụ song song với các kiến trúc đá hộp cao lớn đến muôn vạn trượng, cùng thứ dịch nhớt chảy dài những chất màu xanh. Đó là nỗi ám ảnh những người thủy thủ, trong mỗi giấc mơ cũng như từng con người một trước ước muốn bước vào vùng đất của những cá thể kì dị.

Mang trong mình sứ mệnh tuyệt diệt trái đất, vũ trụ nói trên từng bị giam hãm bởi những lời nguyền của cuốn Necronomicon, nhưng rồi sẽ sớm được gọi trở lại bởi những hậu duệ cùa vùng Innsmouth hay những con chiên hiến tế hàng ngày. Cũng như những buổi hầu đồng của các pháp sư người Eskimo hay thổ dân da đỏ của vùng đầm lầy Louisiana, Đại đấng Cổ xưa sẽ luôn được nhớ, chực chờ xuất hiện, và luôn hiện diện trong những giấc mơ. Năm sau dưới đáy đại dương, thế nhưng nó cũng hiển hiện bên trong tâm trí con người, bởi sự tò mò, bởi vì huyết thống hay cũng có khi hoàn toàn ngẫu nhiên. Những giáo sĩ Cthulhu vĩ đại rồi đây sẽ kịp trỗi dậy từ dưới mái nhà tăm tối trong thành phố R’leyh hùng tráng thống trị dương gian.

Cái hay của Lovecraft là ông xây dựng từng câu chuyện một theo chiều diễn tiến. Ông không tưởng tượng giả vờ, mà vũ trụ Cthulhu đã đi xuyên suốt từng thứ nhỏ nhất, từ hình tượng chung, các con chiên ngoan đạo… cho đến sách thánh dựa trên tội lỗi con người. Các tình tiết của ông cũng không phi thực, nó được xây dựng như thể tiểu thuyết thời kì Trung cổ với phù thủy và các pháp sư, để đem đến được tính hợp lí và không phô trương.

H.P. Lovecraft - Nhà văn đặt nền móng cho thể loại sci-fic.

Tưởng tượng của ông cũng được kế thừa và sử dụng lại ở các nhà văn sau này, ít nhiều khiến ta hiểu được những gì ông kể. Như thể Nỗi kinh hoàng tại Dunwich dễ làm độc giả liên tưởng đến Trại trẻ đặc biệt của cô Peregrine, còn Bóng tối bao trùm ở Innsmouth một lần nào đó tương tự Coraline của Neil Gailman. Dĩ nhiên những nhà văn trên kế thừa và chịu ảnh hưởng một cách sâu rộng của Lovecraft, nhưng chính tính hợp lí và đầy logic trong các truyện ngắn giúp cho người đọc có một góc nhìn hoàn toàn phù hợp và không thể phủ nhận.

… ĐẾN PHIM

Trong loạt phim ngắn “siêu dị” Love, Death & Robots mùa 3 gây được tiếng vang toàn cầu gần đây của nền tảng trực tuyến Netflix, không khó để nhận ra những ảnh hưởng của Lovecraft lên nội dung các tập phim. Tuy đều được chuyển thể từ các tiểu thuyết, truyện ngắn của các nhà văn sci-fic khác, thế nhưng chính Lovecraft dường như là người đặt nền móng cho những ám ảnh này.

Tập 2 - Bad Travelling mang tới những sự tương đồng về mặt hình ảnh với vũ trụ Cthulhu của Lovecraft nhất. Kể về chuyến hải hành nhiều sóng gió của một tàu cá khi bị loài quái vật biển mang Thanapod - loài cua khổng lồ ăn thịt người, đe dọa. Theo đó, thuyền trưởng Torrin được lệnh đưa nó đến quần đảo Phedin - nơi có nhiều cư dân sinh sống, để làm mồi cho lũ con nhung nhúc vừa được sinh ra, đổi lại y sẽ bảo toàn được mạng sống. Tập phim nói sâu xa hơn nhằm khắc họa những ranh giới đạo đức, giữa hi sinh cá nhân và cuộc sống cộng đồng. Tuy nhiên không khí, ý tưởng, hành động… tất cả đều gợi nhớ tới Lovecraft và vũ trụ của ông.

Một điểm cũng độc đáo không kém là việc khắc họa hình tượng những nhân vật bằng công nghệ 3D trong tập phim này khá… lạ lẫm, dễ khiến người xem nhớ tới các thành viên nhà Marsh cùng những đặc điểm giải phẫu khác lạ, đậm tính ma quái. Không rõ đây là ý đồ hay chỉ vô tình, nhưng sức ảnh hưởng của Lovecraft lên trên tác phẩm là không thể không nhận thấy.

Quái vật trong tập Bad Travelling có nhiều tương đồng với vũ trụ Cthulhu của Lovecraft.

Nếu Bad Travelling mang được tinh thần “kinh dị” của Lovecraft ở mặt hình ảnh, thì tập 8 In Vaulted Halls Entombed, lại sở hữu được yếu tố “tinh thần” gần Lovecraft nhất. Kể về một nhóm người lính bám theo đoàn người phạm tội, khi đi vào một đường hang dài, đã bị tấn công bởi những sinh vật kì dị. Chiếm vị trí trung tâm là một bức tường cao và con quái vật quỷ dị, không rõ hình thù, chỉ biết nó đòi hỏi con người giải thoát cho mình bằng những mê dụ tâm trí, và nếu không kiên gan, sự giải thoát là thứ hiển nhiên con người sẽ làm.

Cũng như Cthulhu ám ảnh con người qua những giấc mơ, khiến họ phải nhảy khỏi ô cửa sổ tự sát, hoặc phải mê đắm trong những mộng tưởng hoang đàng… một trong hai nhân vật chính cuối cùng cũng phải làm hại bản thân để không nghe theo lời mê dụ đó. Cũng như Lovecraft, tập phim tập trung khai thác lòng tham của con người, đồng thời là bản tính tò mò với những thứ mới lạ, và sự dễ buông xuôi chiều theo số đông hướng về cái ác.

*

Tuy lúc sinh thời không nhận được sự chú ý thích hợp, thế nhưng H.P.Lovecraft xứng đáng được ca ngợi như một trong những trụ cột hình thành nên dòng sci-fic đương đại. Tạo nên sự ảnh hưởng rộng rãi lên các nhà văn - nhà làm phim lớn như Stephen King, Neil Gaiman hay Guillermo del Toro… Lời hiệu triệu của Cthulhu là một dẫn nhập đáng đọc, về một nhà văn với trí tưởng tượng không biên giới, và không gian âm u, có phần đáng sợ mà thể loại sci-fic đã tạo được nên.

NGÔ MINH

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)