Thư viện của tương lai

Thứ Năm, 23/06/2022 06:58

David Mitchell, Sjón, Tsitsi Dangarembga và Karl Ove Knausgård mới đây đã tham gia lễ khánh thành “những hộc tủ chứa” - nơi chứa các bản thảo sẽ không được nhìn thấy cho đến năm 2114 của họ.

Mới đây Thư viện Tương lai, một dự án do nghệ sĩ người Scotland, Katie Paterson thực hiện, đã mở cửa cho công chúng tham quan ở Oslo, Na Uy. Trong 8 năm qua, các bản thảo của một số tác giả còn sống nổi tiếng nhất thế giới đã được chuyển đến “Căn phòng im lặng” trên tầng cao nhất của thư viện Deichman, nơi chúng tiếp tục ở lại trong hơn 92 năm tới.

4 trong 8 tác giả của Thư viện Tương lai đã tự mình đến và đặt bản thảo vào 1 trong 100 ngăn kéo bằng kính. Có thể thấy rõ được sự chờ đợi khi David Mitchell, Sjón và Tsitsi Dangarembga nắm chặt bản thảo của mình và xếp hàng dài trong chân đi tất (Karl Ove Knausgård thì đi chân trần) - để vào ngôi nhà trên cây có hình dáng như một cái kén và để lại tác phẩm của mình. Những tác phẩm này sẽ không được đọc hoặc là xuất bản cho đến năm 2114, khi Thư viện Tương lai mở ngăn kéo ra cho toàn thế giới.

Kiến trúc tổ kén của Thư viện Tương lai.

Cho đến ngày đó, chỉ có những nhóm nhỏ du khách có thể ngồi không mang giày và im lặng chiêm ngưỡng những “cây phả hệ” vẫn đang phát triển của các tác giả xung quanh họ, cố gắng tưởng tượng những gì Elif Shafak hoặc Margaret Atwood có thể đã viết cho độc giả tương lai. Năm 2014, Atwood trở thành tác giả đầu tiên tham gia vào dự án này. Theo đó, Thư viện tương lai yêu cầu tác giả viết một văn bản ở bất kì độ dài hoặc thể loại nào, và không được tiết lộ bất cứ điều gì về nó ngoại trừ tiêu đề. 8 tác phẩm hiện này đều có những tựa đề hấp dẫn một cách kì lạ, từ Scribbler Moon (tạm dịch: Mặt trăng thô sơ) của Atwood cho đến The Last Taboo (tạm dịch: Điều cấm kỵ cuối cùng) của Shafak.

Atwood đã từng so sánh dự án này với truyện cổ tích Người đẹp ngủ trong rừng. Bà nói: “Thật kỳ lạ khi nghĩ đến giọng nói của mình – vốn đã im lặng suốt bao nhiêu lâu - đột nhiên được đánh thức trở lại sau hơn 100 năm nữa”. Cả Atwood (2014), Shafak (2017) và Han Kang (2018) đều không thể tham dự cuộc tái hợp lớn vào giữa năm nay, thậm chí còn quan trọng hơn sau sự trì hoãn ba năm liên tiếp bởi đại dịch Covid-19. Ba tác giả tham gia dự án lần này - Knausgård (2019), Ocean Vương (2020) và Dangarembga (2021) - đều định tham dự, nhưng Ocean Vương đã phải rút lui vào phút sau cùng bởi dương tính với Covid-19. Trước đây, tác giả của Một thoáng ta rực rỡ giữa nhân gian đã nói rằng việc đóng góp cho Thư viện Tương lai là “điểm sáng trong sự nghiệp của anh với tư cách là một tác giả cũng như con người”.

Nhà văn - nhà thơ người Iceland Sjón trong buổi lưu trữ bản thảo của mình.

“Ngày Bàn giao” bắt đầu bằng nghi thức hàng trăm người đi cùng với các tác giả, nghệ sĩ và các quan chức thành phố đi xuyên qua rừng để đến một vùng đồng bằng, nơi những cây vân sam non, bạch dương và cây thanh lương trà vẫn đang mọc lên. Vào năm 2014, khu vực này đã được phát quang để xây dựng phòng im lặng, và trồng 1.000 cây vân sam vào khuôn viên đó. Sau 100 năm, những cây này sẽ bị đốn hạ để làm giấy in 100 bản thảo đã được lưu trữ nói trên. Đó là một dự án đầy tham vọng, ẩn chứa niềm tin cũng như hy vọng rằng sẽ có sách và cả người đọc cũng như khu rừng vào năm 2114.

Tưởng tượng về ngày sau đó, David Mitchell đã nói đùa rằng, "Nó sẽ giống như Woodstock (một lễ hội âm nhạc thường niên của Mỹ) trong rừng!" Hiện tại, với lượng người quan tâm ngày càng tăng lên bởi việc trồng mới các cây vân sam cũng như danh sách tác giả hạng A tham gia dự án, Thư viện tương lai 2022 đã được cử hành giống như một lễ hội xanh lấp lánh.

Knausgård đã nói một cách ngắn gọn và đầy xúc động về đặc ân này bất chấp cái chết là điều không thể tránh khỏi: “Điều kỳ diệu là dự án này đã biến tương lai trở thành hiện tại. Tương lai không tồn tại, nó là do chúng ta tạo ra”. Ông cũng tiết lộ tên gọi bản thảo của mình, Blind Book (tạm dịch: Cuốn sách không thấy), trước khi trao lại vinh dự cho Dangarembga với bản thảo mang tên Narini and Her Donkey (tạm dịch: Narini và con lừa của cô ấy). Cô giải thích thêm “Ở đất nước của tôi, Narini nghĩa là ‘vô cực’, giống như dự án này vậy… Tôi đến từ Zimbabwe, một đất nước đang gặp khó khăn vào thời điểm này, và giờ mọi người vẫn đang nhìn lại thời kỳ thuộc địa xa xưa…”

Nghi thức của Ocean Vương, phía sau bên phải là nhà sáng lập Katie Paterson (ngoài cùng), nhà văn Zimbabwe Tsitsi Dangarembga và nhà văn Knausgård (vị trí thứ 4).

Cuối cùng, Ocean Vuong gợi lên một điều gì đó về lễ bàn giao năm 2018 đầy mê hoặc của Han Kang, trong đó cô ấy đã kéo một tấm vải trắng xuyên qua khu rừng để tượng trưng cho sự sinh sôi cũng như cái chết, và gọi dự án là “một lời cầu nguyện kéo dài hơn một thế kỉ”. Đám đông vào năm 2022 cảm thấy sự hiện diện của Ocean Vương dù vắng mặt - như mong muốn của anh – với bài tụng kinh của ba nhà sư Phật giáo.

Trong 8 năm ngắn ngủi từ khi thành lập, vì đại dịch, mối quan tâm về một tương lai bất định ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm, về cuộc khủng hoảng khí hậu và chiến tranh ở Ukraine. Theo đó biểu tượng và sứ mệnh của Thư viện Tương lai - cung cấp những sự hi vọng - càng ngày càng cấp bách hơn bao giờ hết. Nhà văn, nhà thơ người Iceland, Sjón đã mô tả “chính con đường này trong khu rừng ở Oslo (đang trở thành) một phép ẩn dụ cho cách hoạt động của văn chương: nó là tác phẩm của nhiều thế hệ và các nhà văn sẽ dần nối gót những người đi trước - và đó là điều kì diệu trong công việc của Katie: cô ấy biến những khái niệm khổng lồ như thời gian và vũ trụ trở nên dễ hiểu và gần gũi hơn.”

Han Kang với tấm vải trắng trong buổi lễ lưu trữ.

David Mitchell cũng gợi nhớ lại về lần bàn giao năm 2016 của mình: “Tôi thấy đây là một tầm nhìn xa, một hành động của sự lạc quan và rất đẹp đẽ. Nếu ai đó bắt đầu việc này vào năm 1914 thay vì 2014, thì hãy nghĩ đến những người ta có thể đọc - James Joyce, James Baldwin, Eudora Welty! … Vì vậy, tôi đã thực hiện sứ mệnh của mình một cách nghiêm túc”. Ông cũng nói thêm: “thật là tuyệt vời khi thấy dự án này sẽ tiếp tục được truyền từ hết người này sang đến người khác. Trong bối cảnh của những sự kiện nằm ngoài ý muốn hiện nay, với tư cách là những cá nhân có được tiếng nói lớn lao, việc tập hợp lại với nhau như thế này giúp chúng tôi cảm thấy như đang tạo ra một cái gì đó mới, một kiểu kế hoạch dài lâu”.

Sjón, người viết bản thảo bằng tiếng Iceland, cũng nhận được sự đồng cảm từ Thư viện Tương lai trong việc ngôn ngữ của mình đang dần mai một. Ông chia sẻ về tính dễ tổn thương của tiếng Iceland, khi chỉ được khoảng 370.000 người nói, và nó có nghĩa đến năm 2114, rất có thể thứ tiếng đẹp đẽ này không còn tồn tại, hoặc không tìm được ai có thể chuyển ngữ được bản thảo này. Tuy nhiên ông cũng nói rằng “Bạn phải là một tác giả của thời đại này và nếu tác phẩm của tôi có thể đọc được sau 100 năm thì sẽ tốt thôi; nếu không thì tôi cũng đã làm hết sức mình. Và có lẽ cũng là một điều tốt nếu bạn không biết liệu mình có còn được đọc trong 100 năm nữa hay không!”

THUẬN NGÔ

Dịch từ The Guardian

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)