Francoise Sagan: “Cuộc sống là vô định hình, và văn học chỉ là hình thức”

Chủ Nhật, 26/06/2022 10:24

Nhân kỉ niệm 87 năm ngày sinh của nữ văn sĩ người Pháp Francoise Sagan (21/6/1935 – 21/6/2022), Văn nghệ Quân đội trích dịch bài phỏng vấn bà, từ series The Art of Fiction số 15 của tờ The Paris Review, được thực hiện bởi Blair Fuller & Robert B. Silvers vào năm 1956. Buổi phỏng vấn được thực hiện trước ngày cuốn tiểu thuyết thứ hai, Một nụ cười nào đó của bà ra mắt, sau những thành công vang dội của cuốn đầu tiên, Buồn ơi chào mi.

Francoise Sagan (1935 - 2004)

Cô gặp chúng tôi trong phòng khách được trang bị đầy đủ tiện nghi. Chúng tôi ngồi trên những chiếc ghế lớn được kê bên lò sưởi bằng đá cẩm thạch, và cô mời chúng tôi scotch từ một chai rượu. Phong thái của cô nhút nhát, nhưng giản dị và thân thiện. Khuôn mặt có phần xanh xao của cô dễ dàng biến thành một nụ cười hấp dẫn, và khá bí ẩn. Cô mặc chiếc áo len đen đơn giản và váy xám; nếu có ai gọi cô là người hư đốn, thì dấu hiệu duy nhất của điều đó là đôi giày cao gót bằng da màu xám nhạt được gia công trang nhã.

Cô nói với tông giọng trầm lắng và rõ ràng không thích được phỏng vấn hoặc yêu cầu trình bày ý kiến của mình. Cô chân thành và dễ chịu, nhưng không ưa những câu rườm rà, quá phức tạp hoặc quá cá nhân. Khi phản hồi những câu loại này, cô chỉ đáp lại ngắn gọn “có” hoặc “không” hoặc “tôi hoàn toàn không biết” theo sau đó là một nụ cười có phần bối rối.

*

- Cô bắt đầu viết Buồn ơi, chào mi vào lúc 18 tuổi như thế nào? Cô có mong đợi nó được xuất bản không?

+ Tôi chỉ đơn giản là viết ra thôi. Tôi có một thôi thúc muốn viết và cũng có nhiều thời gian rảnh. Tôi đã tự nhủ: Đây là loại công việc mà rất, rất ít cô gái ở độ tuổi tôi mong muốn cống hiến một cách hết mình. Tôi sẽ không bao giờ có thể hoàn thành nó nếu tôi nghĩ rằng nó thuộc phạm trù văn chương và các vấn đề liên quan. Tôi chỉ nghĩ về chính mình và liệu tôi có đủ sức mạnh ý chí cần thiết hay không.

- Quá trình viết có bị gián đoạn không?

+ Không, tôi hoàn thành nó một cách say mê - tôi chưa bao giờ muốn làm bất cứ điều gì nhiều như vậy. Trong khi viết, tôi nghĩ có thể nó có khả năng được xuất bản. Cuối cùng, khi đã viết xong, thì tôi lại nghĩ rằng nó vô vọng. Tôi đã rất ngạc nhiên bởi thành công của cuốn sách cũng như chính bản thân tôi.

- Cô đã muốn viết từ trước cuốn tiểu thuyết này chưa?

+ Có. Tôi đã đọc rất nhiều tiểu thuyết. Đối với tôi, dường như không thể không viết một cuốn. Thay vì đến Chile với một nhóm gangster và say tuốt trần mây, tôi là kiểu người sẽ ở lại Paris và viết một cuốn tiểu thuyết. Đó dường như là một cuộc phiêu lưu tuyệt vời đối với tôi.

- Quá trình viết thuận lợi chứ? Cô có nghĩ ra câu chuyện trước không?

+ Đối với Buồn ơi, chào mi; tất cả những gì bắt đầu là ý tưởng về một nhân vật, về một cô gái, nhưng không có gì thực sự thành hình cho đến khi tôi cầm bút trên tay. Tôi phải viết để có ý tưởng. Tôi đã viết Buồn ơi, chào mi trong hai hoặc ba tháng, làm việc hai hoặc ba giờ một ngày.

Một nụ cười nào đó thì lại khác. Tôi đã ghi lại một số ghi chú nhỏ và sau đó suy nghĩ về cuốn sách trong hai năm. Khi bắt đầu viết, một lần nữa tôi lặp lại quá trình hai giờ một ngày, và nó diễn ra rất nhanh. Khi bạn đưa ra quyết định viết theo lịch trình cố định và thực sự gắn bó với nó, bạn sẽ thấy mình viết rất nhanh. Ít nhất là đối với tôi.

- Cô có dành ra nhiều thời gian để chỉnh sửa lại bản thảo không?

+ Rất ít.

- Vậy thì cả hai cuốn sách đều không mất quá năm hoặc sáu tháng để hoàn thành đúng không?

+ Vâng, đó là một cách tốt để kiếm sống.

- Với cô thì điều gì là quan trọng khi bắt đầu xây dựng một nhân vật?

+ Mỗi một nhân vật, hoặc một nhóm nhân vật, có thể là ý tưởng cho một vài cảnh hoặc phân nửa thời lượng cuốn sách, nhưng tất cả đều sẽ thay đổi trong quá trình viết. Đối với tôi, viết là một hành trình trả lời câu hỏi về việc tìm kiếm nhịp điệu nhất định. Tôi so sánh nó với nhịp điệu của nhạc jazz. Phần lớn thời gian cuộc sống là một sự tiến triển nhịp nhàng của ba nhân vật. Nếu một người nói với chính họ cuộc sống bản chất chính là như vậy, thì người ta sẽ cảm thấy đời bớt độc đoán hơn.

- Cô có mang những tính cách thực vào trong nhân vật của mình không?

+ Tôi đã thử làm nhưng chưa bao giờ tìm thấy bất kì điểm tương đồng nào giữa những người tôi biết và những nhân vật trong tiểu thuyết của tôi. Tôi không sao chép hoặc khắc họa con người. Tôi chỉ cố gắng cung cấp cho những nhân vật tưởng tượng của mình một loại đời sống sống động.

Tôi sẽ chết mất nếu đưa những người tôi biết vào trong tiểu thuyết. Đối với tôi, dường như có hai loại nhân dạng: “nhân dạng” mà mọi người xuất hiện trước mắt nhau và “nhân dạng” mà một nhà văn cố gắng theo đuổi ở trong thực tế.

- Cô có nghĩ rằng liệu đây là một hình thức “gian lận” để lấy trực tiếp từ thực tế?

+ Chắc chắn là thế. Nghệ thuật phải lấy cảm hứng từ trong thực tế. Nó tạo nên chuỗi thời gian mà với chúng ta đó chỉ đơn thuần là một khoảnh khắc; thêm một khoảnh khắc, cộng thêm một khoảnh khắc khác, và tùy biến chúng thành chuỗi đặc biệt được tổ chức lại với nhau bởi các cảm xúc chính.

Đối với tôi, nghệ thuật không nên đặt cái “thật” làm mối bận tâm. Không có gì viển vông hơn một số tiểu thuyết được gọi là “chủ nghĩa hiện thực” - chúng là những cơn ác mộng. Có thể đạt được “sự thật” trong vài tiểu thuyết nhất định - nhưng cảm giác thực sống của một nhân vật mới là tất cả.

Tất nhiên ảo tưởng của nghệ thuật là khiến người ta tin rằng văn học vĩ đại rất gần với cuộc sống này, nhưng sự thật thì hoàn toàn ngược lại. Cuộc sống là vô định hình, và văn học chỉ là hình thức.

- Nhân vật của cô có lưu lại trong tâm trí sau khi cuốn sách hoàn thành không?

+ Khi cuốn sách hoàn thành, tôi ngay lập tức mất hứng thú với các nhân vật. Và tôi không bao giờ đưa những phán xét về mặt đạo đức vào sách của mình. Tất cả những gì tôi muốn thể hiện là vẻ ngoài của họ. Đưa ra phán xét hoặc có suy nghĩ chống lại các nhân vật của tôi khiến tôi vô cùng khó chịu; nó không làm tôi quan tâm bất kì chút nào.

Đạo đức duy nhất đối với một tiểu thuyết gia là đạo đức thẩm mĩ (esthétique). Tôi viết sách, chúng kết thúc và đó là tất cả những gì liên quan đến tôi.

- Giờ đây nhìn lại cô cảm thấy thế nào về Buồn ơi chào mi?

+ Tôi thích Một nụ cười nào đó hơn, vì nó khó viết hơn. Nhưng Buồn ơi, chào mi cũng thật thú vị vì nó gợi lại một giai đoạn nào đó trong cuộc đời tôi. Nhưng tôi sẽ không thay đổi một chữ nào cả. Cái gì đã qua là đã qua rồi.

- Vì sao cô nói Một nụ cười nào đó khó viết hơn?

+ Bởi tôi không nắm giữ bất cứ con “át chủ bài” nào như khi viết cuốn đầu tiên. Không còn không khí nghỉ hè bên bờ biển, không có âm mưu ngây thơ lên đến cao trào, không còn cung cách giễu cợt của Cécile... Và nó khó viết đơn giản vì nó là cuốn thứ hai.

Hai tác phẩm đầu tay đã tạo danh tiếng cho Francoise Sagan.

- Cô có cảm thấy khó khăn khi chuyển từ ngôi thứ nhất của Buồn ơi chào mi sang ngôi thứ ba của Một nụ cười nào đó không?

+ Vâng có, nó khó hơn, hạn chế hơn và kỉ luật hơn. Nhưng tôi không gặp quá nhiều khó khăn như với một số nhà văn khác.

- Có phải những tiểu thuyết gia luôn chỉ đang viết duy nhất một cuốn sách không?

+ Về cơ bản, tôi cho là vậy. Nói rộng ra hơn, tôi nghĩ rằng một tiểu thuyết gia là người viết đi viết lại cùng một cuốn sách. Chẳng hạn tôi đã dẫn dắt một nhân vật này từ cuốn sách này sang đến cuốn khác, và tôi tiếp tục cùng với ý tưởng tương tự. Chỉ có góc nhìn, phương pháp, cách viết là thật sự thay đổi.

Một cách đại khái, đối với tôi dường như có hai loại tiểu thuyết. Có những cuốn sách chỉ đơn giản là kể một câu chuyện và hi sinh rất nhiều cho việc kể đó - như sách của Benjamin Constant, mà Buồn ơi chào miMột nụ cười nào đó thuộc về. Tuy nhiên cũng có những cuốn sách khác cố gắng thảo luận và thăm dò các nhân vật và sự kiện trong sách - nó thuộc về kiểu un roman où l’on discute (cuốn sách mang đến được những thảo luận).

Cạm bẫy của cả hai đều quá rõ ràng: trong câu chuyện đơn giản, có vẻ như các câu hỏi quan trọng thường bị bỏ qua. Trong khi những cuốn tiểu thuyết phức tạp, thì sự lạc đề có thể làm giảm hiệu quả một cách chung chung.

- Cô có muốn viết kiểu “un roman où l’on discute” không?

+ Có, tôi muốn viết và thực tế là đang lên kế hoạch: một cuốn tiểu thuyết với dàn nhân vật lớn hơn, sẽ có ba nhân vật nữ chính phức tạp và linh hoạt hơn so với Dominique hay là Cécile trong hai cuốn đầu. Cuốn tiểu thuyết tôi muốn viết là cuốn mà nhân vật chính sẽ được giải thoát khỏi những yêu cầu của cốt truyện, khỏi cuốn tiểu thuyết và khỏi tác giả.

- Cô đã kiếm được nhiều tiền một cách nhanh chóng. Nó có thay đổi cuộc sống của cô không? Và cô liệu có phân định giữa việc viết tiểu thuyết kiếm tiền và viết một cách nghiêm túc, như một số nhà văn Mĩ và Pháp đã làm không?

+ Tất nhiên thành công của những cuốn sách đã thay đổi phần nào cuộc sống của tôi vì tôi có rất nhiều tiền để tiêu nếu muốn, nhưng xét về chính mình trong cuộc sống của tôi, thì nó không thay đổi nhiều.

Bạn biết đấy, có nhiều tiền trong túi là điều tuyệt vời, nhưng đó không phải là tất cả. Triển vọng kiếm được nhiều hơn hay ít tiền hơn sẽ không bao giờ ảnh hưởng đến cách tôi viết. Tôi viết sách, và nếu sau đó tiền xuất hiện, càng nhiều thì tốt hơn thôi.

*

Sagan ngắt lời những người phỏng vấn để nói rằng cô ấy phải rời đi để làm việc cho một chương trình phát thanh. Cô ấy xin lỗi và đứng dậy. Thật khó tin, một khi cô ấy ngừng nói, cô gái nhỏ bé, hấp dẫn, chỉ với một cuốn sách mà lại có thể tiếp cận được nhiều độc giả hơn hầu hết những tiểu thuyết gia khác trong đời. Đúng hơn, người ta có thể nghĩ cô ấy là một nữ sinh vội vã chạy đến Sorbonne khi cô ấy gọi vọng xuống sảnh chung cư, “Tạm biệt mẹ. Con sẽ về sớm ”

Francoise Sagan (họ thật là Quoriez) là con út trong một gia đình khá giả sống ở vùng Dauphine nước Pháp. Các nhân vật của bà đã trở thành biểu tượng cho lớp thanh thiếu niên vỡ mộng, giống như các nhân vật của nhà văn Mĩ J.D. Salinger. Trong suốt sự nghiệp dài và đầy biến cố, Sagan đã cho ra đời 20 cuốn tiểu thuyết, 3 tập truyện ngắn, 9 vở kịch, 2 tiểu sử và một số tác phẩm phi hư cấu.

Bà được nhà văn François Mauriac ca ngợi là "một tiểu quái quyến rũ", còn cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac thì đã nói: "Với cái chết của Sagan, nước Pháp đã mất một trong những nhà văn xuất sắc và nhạy cảm nhất - một nhân vật lỗi lạc trong đời sống văn học của chúng ta."

THUẬN NGÔ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)