.Truyện ngắn
TESSA HADLEY
Ann Gallagher vừa nghe thiết bị không dây, vừa cắt một chiếc áo khoác ngắn bằng len màu tím hoa cà nhạt pha chút nước biển với tay áo dài tới ba phần tư. Chiếc kéo trong tay cô đưa những đường cuối cùng, gầm gừ trên mặt bàn gỗ, mảnh vải rơi xuống khỏi lưỡi kéo sắc lạnh.
Tầng hầm phía sau ngôi nhà lớn trong khu dân cư ở Bristol này được Ann và người bạn Kit Seaton của cô thuê để kinh doanh quần áo. Một ngôi nhà được xây dựng trên ngọn đồi, các phòng mở ra một khu vườn lớn.
Ai đó bước xuống bậc thềm dẫn đến cửa phụ, rồi gõ vào ô kính mờ đục. Ann nhìn lên, cáu kỉnh vì bị cắt ngang. […]
“Ann? Cậu còn nhớ tớ không? Nola đây.”
Nola Higgins đứng thẳng trong bộ đồng phục quân đội màu xanh nước biển, bó sát một cách khéo léo trên bờ vai vuông và bộ ngực nặng nề. “Tớ biết tớ không nên đến mà không hẹn trước,” cô vui vẻ xin lỗi. "Nhưng cậu có phiền nếu tớ hỏi cậu một câu hỏi nhỏ không?"
Ann và Nola đã lớn lên trên cùng một con phố ở Fishponds. Cả hai đều chiếm vị trí xuất sắc tại một trường dạy ngữ pháp dành cho nữ sinh. Nhưng khi Ann vào trường thì Nola đã bắt đầu năm học thứ ba và trên chuyến xe đưa họ về nhà, Ann luôn phớt lờ rồi tránh ngồi cạnh Nola. Cô hi vọng Nola hiểu về nhu cầu kết bạn cùng quyết định bỏ lại Fishponds của cô. Nhưng bây giờ cô đoán, rằng Nola tới cửa hàng của cô với mục đích nhờ cô may váy cưới. Trong quá khứ, từng có những cô gái khác từ Fishponds đến gặp cô và mong muốn cô làm việc này. […] Có lẽ, họ và Nola biết khi đến đây, họ sẽ được giảm giá. “Tớ đang bận, nhưng tớ sẽ nghỉ được tầm 10 phút. Tại sao cậu không vào đây, chờ tớ pha một chút cà phê.”
Ann đưa Nola vào phòng thử đồ. Họ có một phòng may, một phòng thử đồ treo tấm rèm nhung bằng vàng trên cửa sổ, một căn bếp nhỏ không có cửa sổ cùng một nhà vệ sinh. [...] Trên những bức tường trắng in tranh của Klee và Utrillo bên cạnh một chiếc gương cổ mạ vàng với cây cối bám quanh. Ánh sáng ban mai chờ đợi, trong kính cheval. Đôi khi Kit đưa bạn trai đến căn phòng này vào ban đêm, và Ann phải đề phòng gạt tàn bẩn, ly rượu, đệm nhàu nát.
Ann tự hỏi liệu Nola Higgins có ấn tượng với phong cách mới quyến rũ trong cuộc sống của cô không hay chỉ đơn giản là chấp nhận một cách bình tĩnh như cô ấy đã làm với nơi nào bước đến, trong quá trình làm việc với tư cách một y tá. Nola ở đây, những lọn tóc sẫm màu phủ trên bờ vai và khi ngồi xuống, cô kéo váy qua đầu gối như thể tự ý thức về phần hông rộng. Nhưng đôi mắt nâu của cô thì tỉnh táo và ánh lên những tia sáng kiên định. [...]
“Tớ không làm phiền cậu lâu đâu,” Nola nói. "Nhưng tớ thật sự có việc cần hỏi.”
Và tất nhiên, đó là về một chiếc váy cưới. Giọng Nola không mang âm Bristol như bố mẹ cô. Nếu mẹ Ann ở đây, hẳn sẽ nói rằng Nola có một chất giọng rất hay.
Nola cho biết đám cưới sẽ diễn ra vào tháng 6. Một đám cưới nhỏ, yên tĩnh, ít nhất cô ấy hy vọng như vậy. Nola biết rằng thông báo này quá đột ngột và có lẽ Ann đã kín đơn hàng.
[...] "Cậu biết giá của tiệm chúng tớ không?” Ann hỏi một cách tế nhị. “Để tớ đưa cho cậu bảng giá.”
“Ôi, không thành vấn đề,” Nola đáp lời “Bởi người đàn ông tớ sẽ kết hôn, chồng sắp cưới của tớ…”
Nola dừng lại. Đôi mắt cô rưng rưng, hai má bừng đỏ. Ai có thể nghĩ rằng Nola Higgins lại dễ kích động như thế? “Thật ngớ ngẩn,” Nola nói. “Thật nực cười, Ann. Nhưng tớ rất hạnh phúc. Tớ không thể tin được tớ với anh ấy thực sự kết hôn. Chồng sắp tới của tớ... anh ấy thật là một người đáng yêu. Và anh ấy có thể trả mọi mức giá cậu đưa ra. Tớ biết váy cưới ở tiệm của cậu không hề rẻ.”
“Chà, cậu thật may mắn.” Ann nói đầy ngưỡng mộ. "Một người đáng yêu, và anh ấy cũng có thể trả tiền!"
"Tớ may mắn! Không biết nữa. Tớ là y tá của anh ấy. Cậu biết đấy, khi anh ấy còn rất nghèo. Đó là cách chúng tớ gặp nhau. Nhưng không phải anh ấy muốn tớ chỉ để tớ chăm sóc cho anh ấy. Ý tớ là, nếu bây giờ cậu gặp anh ấy, cậu sẽ không thể biết anh ấy từng bị ốm, ngoại trừ anh ấy hơi tập tễnh, thế thôi. "
“Thật mừng cho cậu.” Ann nói.
Nola ngồi yên, cầm cốc cà phê trên cả hai tay. Cô mang theo ít vải trong một chiếc túi giấy - các cô dâu thường làm vậy. Nola nói, chồng sắp cưới của cô có rất nhiều tài liệu trong nhà, cất trong tủ. Cả vài bộ quần áo cũ xinh xắn nữa. Ann nên đến xem vào lúc nào đó. Ann thầm nghĩ liệu có phải anh ta sở hữu một cửa hàng đồ cũ hay không? Cô bắt đầu hình dung về người đàn ông lớn hơn Nola nhiều tuổi, đáng kính, ân cần, ít nói, có lẽ đã qua một, hai đời vợ.
Mảnh vải có mùi băng phiến, nhưng nó trông thật đắt tiền, dệt từ gấm lụa dày, màu trắng nhạt, có thêu những bông hoa màu kem. “Nó cũ rồi,” Nola nói, “nhưng nó chưa bao giờ được sử dụng. Cả ren nữa, ren tốt. Nhưng tớ không mang theo ở đây. Tớ muốn hỏi ý kiến cậu trước.” Nola bất an sờ tay lên tấm gấm: “Thật quá đáng phải không? Tớ chỉ muốn mặc một cái gì đó, giống như bản thân tớ mà thôi. Nhưng anh ấy cứ khăng khăng…”
Ann thực sự tin rằng: “Bạn chỉ có thể tìm thấy những bộ quần áo phù hợp khi bạn có thể thay đổi chính mình và trở thành bất cứ thứ gì bạn muốn.” Cô trải tấm vài ra và kêu Nola đứng dậy. Sau đó, Ann kéo Nola đến đứng trước gương cheval, kéo miếng vải vòng qua eo cô ấy, vuốt, làm phẳng tấm vải rồi cau mày thành thạo nhìn hình ảnh phản chiếu của Nola qua vai.
“Cậu thấy không? Màu trắng nhạt làm tôn lên mái tóc cùng làn da của cậu. Không đủ cho một chiếc váy nhưng tớ nghĩ chúng ta có thể làm thành một chiếc áo vừa vặn rồi tạo một chút peplum làm điểm nhấn và tìm một loại vải trơn phù hợp để may váy. Với dáng người đầy đặn, điều này thực sự sẽ trở nên tuyệt đẹp trên cơ thể cậu.”
"Thật vậy không?" Ánh mắt nghi ngờ của Nola phản chiếu trong đôi mắt tin tưởng của Ann.
*
Kit lao qua cửa kính sau bữa trưa, kể một câu chuyện điên rồ nào đó, hét lên vì cười và bị cắt ngang bởi những người đàn ông đi cùng. Một trong số họ là Ray, bác sĩ, bạn trai hiện tại của Kit, hoặc anh ta nghĩ như thế. Ann biết những điều Ray không biết… về một người đàn ông đã có gia đình. Người thứ hai cũng là bác sĩ, Donny Ross. Ann chưa từng gặp anh ta trước đây. Anh ta biết chơi cả piano và có chân trong một ban nhạc jazz. Donny Ross có thân hình gầy như roi, má hây hây, mái tóc đen dày quăn nhẹ. Miệng anh ta để lộ hàm răng nhỏ. Một người đàn ông mang gương mặt trầm uất và phán xét. Ann ngay lập tức nhận ra rõ ràng Donny không thích Kit.
Anh ta đứng dậy trong khi Kit vẫn đang nói chuyện rồi đi vào căn bếp nhỏ, lục tìm thứ gì đó, có lẽ ra rượu và đi ra với một túi đường cùng tách cà phê Ann đã pha cho Nola trước đó, lúc này hẳn đã nguội ngắt. […]
Ann bắt dầu nói với Kit về đám cưới của Nola. “Tớ biết đó không phải phong cách của chúng ta,” cô nói. "Nhưng chúng ta có thể nhận nó như một phần công việc." Và cô đưa cho Kit mảnh giấy ghi chi tiết số đo, dự kiến về Nola, thầm nghĩ Kit sẽ làm bộ mặt khinh thường như vốn có. Gương mặt Kit dài, mái tóc bù xù màu mật ong, thân hình nhỏ nhắn, mập mạp, gợi cảm đầy quyết đoán.
Nhưng trái ngược với suy nghĩ của Ann, Kit phấn khích ngồi dậy: “Ồ, Lawd, thật là một điều kì diệu. Không thể tin được cậu lại không biết đám cưới này được tổ chức ở đâu ư? Ngôi nhà nhỏ hoàn hảo nhất của Nữ hoàng Anne, ẩn mình trong công viên riêng trên đường đến Bath đấy. Hãy nhìn những gì cậu đã làm này. Ôi Lawd, cậu thật thông minh và xinh đẹp biết bao!”
“Nhưng Nola Higgins đến từ Fishponds. Chúng tớ từng học cùng trường…”
“Tớ không quan tâm cô ta là ai. Tớ chỉ cần biết cô ta kết hôn với Perney, và họ đã sở hữu Công viên Thwaite trong nhiều thế kỉ. Vậy là đủ!”
Ann bắt đầu hiểu tại sao Nola lại nghĩ cô ấy may mắn như vậy. Cô giải thích tất cả cho Kit, và đưa Kit xem chiếc áo gấm cũ Nola để lại. “Cô ấy nói anh ta có rất nhiều vải trong nhà, cả quần áo cũ nữa. Cô ấy nghĩ tớ có thể thích thấy chúng. Và tớ đã từ chối! Tớ nghĩ chắc hẳn anh ta điều hành một cửa hàng đồ cũ nào đó! ”
Kit ngồi phịch xuống ghế dài trong sự tuyệt vọng tột độ: “Khi cô ấy quay lại, cậu phải nói với cô ấy rằng cậu đã thay đổi quyết định. Trời ơi! Hãy tưởng tượng những gì họ đã có trên gác mái đi! ”
“Bộ xương,” Donny Ross lạnh nhạt đáp lời.
Cuối buổi chiều hôm đó, trong khi Kit mặc những bộ trang phục khác nhau và cùng Ray giải trí thì Donny Ross đi dạo xung quanh nơi Ann đang cắt bỏ lớp lót cho bộ đồ.
"Cô có phiền…?" Anh hỏi. Ann thường không cho ai khác vào phòng may. Cô lo lắng sao cho giữ các loại vải được nguyên sơ nhất. Với hai tay đút túi, cau mày, Donny tự thể hiện một giai điệu nhạc jazz nào đó […] Anh quay đầu lại nhìn chằm chằm vào các góc căn phòng như nhìn vào tất cả bằng chứng Ann đã may vá, trải ra xung quanh anh. Ann không hề có cảm giác muốn mua vui hay quyến rũ Donny. Cô tiếp tục, như mọi khi, tập trung vào công việc dù trong cô đang bung nở niềm hứng khởi nào đó mà chính cô cũng không hay biết.
*
Nola gặp Kit khi ghé vào xem các thiết kế của Ann. Cô vẫn mặc đồng phục y tá và cô muốn tiếp tục làm việc cho đến khi kết hôn. Kit dốc hết sức phục vụ cô. Lướt qua những bức vẽ, Nola run rẩy. Những người mẫu trong thiết kế của Ann không thể mảnh mai hơn, chiếc mũi hếch lên kiêu kì trên gương mặt đầy vẻ khinh thường. Ann đã học vẽ kiểu tốc ký này ở trường cao đẳng nghệ thuật.
“Cậu ấy biết mình đang làm gì,” Kit trấn an Nola. "Cậu ấy là một thiên tài. Đợi đến khi chúng tôi chuyển doanh nghiệp tới London, các ngôi sao của sân khấu và màn ảnh nhất định sẽ mặc đồ do cậu ấy thiết kế. Tôi đã đặt cuộc đời mình vào tay Ann."
“Những thứ này trông thật đẹp,” Nola thừa nhận một cách khao khát.
Cuối cùng, họ quyết định chọn một mẫu đồ cổ điển, kín đáo, đầy đủ mà đơn giản, ôm lấy thân hình Nola. Ann sẽ sử dụng gấm Nola đã mang cho vạt áo và tay áo, cùng một tấm lụa sa tanh phù hợp, nếu họ có thể tìm thấy, cho phần váy. "Trừ khi có thêm cái áo gấm nào khác?"
Tất nhiên họ đã lên kế hoạch từ trước để hỏi và tìm lời mời đến Công viên Thwaite. Không đợi họ nói hết câu, Nola đã háo hức: “Blaise rất muốn gặp hai người,” cô nói. Riêng Kit hoài nghi: “Thật không? Hay anh ấy sẽ nghĩ chuyện này là nực cười? Đến tận nhà may trang phục cho vợ sắp cưới. Ý tôi là, mối tình của hai người quả là câu chuyện lãng mạn nhất tôi từng nghe. Và Nola là một thiên thần. Fishponds gặp Công viên Thwaite.”
"Cậu thì biết gì về Fishponds?" Ann nói một cách sắc bén.
“Nào, Annie-Pannie. Đừng tỏ ra chảnh chọe thế chỉ vì có được sự tán dương của ông Misery-Guts Donny Ross."
*
Vì vậy, vào một ngày chủ nhật, hai cô gái, Ray và Donny Ross cùng nhau đi dã ngoại tại Công viên Thwaite. Kit đã đính hôn với Ray vào thời điểm này. Ann không quá để tâm về điều đó. Kit từng đính hôn vài lần rồi mà Ann cũng biết rằng chuyện giữa Kit với người đàn ông có gia đình vẫn diễn ra thôi. Ông ta tên Charlie, một luật sư. Ann đã tình cờ gặp Charlie gần đây khi ông ta đi mua sắm với vợ con. […]
Vào ngày dã ngoại, lần đầu tiên kể từ mùa đông trời ấm áp, trong trẻo. Ray hạ mui trên chiếc xe mui trần rồi phóng vút đi. Kit buộc trên đầu một chiếc khăn quàng cổ còn Ann lúc ra ngoài không nghĩ đến việc mang theo chiếc khăn cột tóc, nên tóc cô dính cả vào mặt.
Và khi họ rẽ vào giữa những cột cổng bằng đá đổ nát, Ann hoang mang. Ngôi nhà mở ra trước mắt cô mang kiến trúc Palladian hoàn hảo, cân đối, tinh tế đến mức đơn giản. Có những mảng đá vàng đã phủ đen bồ hóng. Một vài con cừu bẩn thỉu gặm cỏ trên đồng cỏ trải dài dưới dốc. Một vài con khác lầm lũi dưới những gốc cây sồi cổ thụ, nơi lá mới vừa bắt đầu nhú ra từ những cành cây xám xịt, trơ trọi. Có những chiếc xe khác đang đậu trong vườn lẫn bãi đậu xe. Bởi ngôi nhà cùng khu đất này đã được mở cửa cho công chúng.
Họ đi qua cổng chính, nơi bán vé. Theo hướng dẫn trước đó của Nola, họ đi vòng qua một bên ngôi nhà, nhấn chiếc chuông đặt bên cạnh một cánh cửa được đánh dấu "Riêng tư" bằng sơn trắng. […]
Blaise Perney ngay lập tức bước ra mở cửa như thể anh đang đợi họ. Blaise rất cao, hay cười, trông trẻ hơn Nola nhưng khuôn mặt anh dài xương xẩu dưới mái tóc như sợi tơ nhạt nhăn nheo. Anh chào đón họ một cách hào hứng, đỏ mặt như thể họ đang làm ơn cho anh và nói rằng anh rất mong được làm quen. […] “Nola đang chuẩn bị bữa ăn ngoài trời trong bếp.” Vừa nói, Blaise vừa dẫn cả nhóm vào nhà.
Đây là khu nhà không mở cửa tiếp đón công chúng và không được phép sắp xếp, cải tạo lại để cảnh quan quá khứ trông như còn vẹn nguyên. Nhưng hiện tại, nơi đây chỉ trông thật lộn xôn với một bộ thiết bị không dây nhỏ rẻ tiền nằm cân bằng trên chồng sách bìa da. Một cuốn lịch của người bán sữa đặt giữa những bức ảnh đóng khung bạc đặt ở mặt bàn làm việc vỡ ngang dọc. Ngọn lửa điện bình thường trong lò sưởi bằng đá cẩm thạch khổng lồ dính đầy tro gỗ.
Trong căn bếp tối tăm đặt dãy sắt khổng lồ lạnh ngắt có năm chục đĩa ăn tối trên giá gỗ, Nola luộc trứng trên một chiếc lò nướng Baby Belling, nhìn họ vui mừng. Một thoáng ghen tị lướt qua tâm trí Ann nhưng nhanh chóng, cô nhận ra nó xuất phát từ sự nhân hậu. Và Ann đã nghĩ, bất cứ chuyện gì xảy ra sắp tới chắc chắn cũng đều tốt đẹp hơn bất kì ngôi nhà nào.
Khi họ ra ngoài dã ngoại, Blaise nói rằng đáng lẽ họ phải nhìn thấy những khu vườn khi mẹ anh còn sống. Nola, trong một chiếc váy hoa, nheo mắt mỉm cười với ánh mặt trời, trông giống một người mẹ hơn là một người vợ, trong dáng vẻ cô khôi phục và mang lại trật tự cho mọi thứ.
Loanh quanh giữa tán cây bạch dương, các quả tạ giống như những vũng nước giữa mỗi tán cây, phản chiếu bầu trời. Ray và Donny chạy đua như còn học sinh rồi vật lộn nhau trên mặt đất, trong khi Kit vẫn tiếp tục cuộc nói chuyện sôi, khiến Blaise nghe như thể cô và Ann là những chuyên gia về vải cũ. Kit nói, hy vọng có nhiều thổ cẩm hơn và rằng họ vẫn chưa bắt đầu may chiếc váy của Nola.
Blaise trả lời sau này họ phải đi tìm thêm tấm gấm và anh có đủ loại quần áo cũ, vải vóc, đồ thêu ở tầng trên, trong máy ép gỗ tuyết tùng. “Hai cô có thể tự tìm bất cứ thứ gì hai cô thích. Tôi thì nghĩ đó đều là đồ bỏ thôi. Và tôi sẽ chỉ dẫn hai cô mọi điều về xung quanh khi người tham quan đã đi hết. Tất nhiên tôi không phản đối họ, vì họ là bánh mì và bơ của chúng tôi mà.”
"Chuyện gì xảy ra với chân của ông vậy?" Ray hỏi.
Blaise xin lỗi, vì anh không phải người hùng chiến tranh. Anh đã phải xoay sở để được mắc căn bệnh bại liệt đáng sợ.
Nola trải một chiếc khăn ra bàn trong khi Blaise xắn ống quần lên và Ray cùng Donny xem xét bắp chân gầy guộc, vặn vẹo của anh. Kit quay mặt đi. Cô vốn không thích nhìn những thứ bệnh tật hay dị dạng. Tuy nhiên, chân của Blaise Perney hầu như không bị biến dạng. Quá trình hồi phục của anh thực sự kì diệu. Blaise nói với họ rằng chính Nola đã cứu mạng anh. Nghe vậy, Nola chỉ ngượng ngùng cười mà nói: “Tất cả chỉ là may mắn, vậy thôi.”
Điều ngạc nhiên là ngay cả khi Blaise sở hữu cả một công viên nhưng anh không phản đối bất kì loại thuế nào. Vấn đề duy nhất đặt ra với anh là tìm đủ tiền trả nhân công, vì những ngôi nhà cũ ngày nay không có tiền đính kèm. Thwaite là một cái hố không đáy khi nói đến tiền bạc. Đáng nhẽ Blaise nên nhường chỗ, bán cái công viên này đi như một khách sạn hay gì đó, nhưng anh không thể. Anh quá đa cảm. Dù sao, đây cũng không phải thời điểm thích hợp để kinh doanh khách sạn.
Blaise và Nola gọi nhau “người thương” rồi chuyền cho nhau lọ muối trong một cuộn giấy thấm dầu mỡ gói vài quả trứng. Kit mang theo những chai rượu sâm panh từ hầm rượu của cha cô kèm theo một chiếc làn đầy bánh mì kẹp nhỏ không vỏ với dưa chuột và gan ngỗng cô đã làm. Hiện Kit vẫn sống ở ngôi nhà vùng ngoại ô cùng người cha góa vợ, đã nghỉ hưu. “Một ông già tồi tệ.” Ann nghĩ.
Dù sao thì họ cũng uống sâm panh của “người đàn ông tồi tệ” đó trong những chiếc li thế kỉ mười tám được đem từ nhà ra vì Blaise không tìm thấy thứ gì khác. Uống cạn sâm panh, Kit tiếp tục mang ra một chai Armagnac. Và buổi chiều hôm đó, họ đã say. Ann hầu như không thể nhớ họ đã nói cái gì khi đi lang thang trên sân vào buổi tối hay sau khi mọi người đã đi hết.
Nola cởi giày và vô tư đi lại trên chiếc quần tất. Và việc Donny Ross theo đuổi Ann hôm đó cũng căng thẳng như một con mèo rình rập. […] Nằm sát nhau nhưng không chạm vào nhau trên bãi cỏ dài dưới gốc cây bạch quả có lá hình những mái chèo nhỏ tinh xảo, màu xanh cỏ. Ánh sáng mờ dần trên bầu trời thành màu ngọc lam đậm. Những con công đậu trên cây phía trên, vón cục lại trong bóng tối, chiếc đuôi dài buông thõng xuống như những con chim chuông.
Cơn say của họ lẽ ra phải kết thúc trong một sự xấu hổ hoặc thảm họa nào đó. Ray cũng say như những người còn lại, và anh ta chở họ về nhà. […] Nhưng cuối cùng, Ray cũng đưa các cô gái trở lại an toàn trước ngưỡng cửa những ngôi nhà ở Fishponds và Stoke Bishop. Trên đường về, Kit không ngớt lời khen Blaise “Hãy tưởng tượng xem sẽ tuyệt vời thế nào khi được ở một nơi như thế.”
Nhưng Ann, với cái nhìn sâu sắc đã nhận ra cuộc sống của Blaise thực sự không dễ dàng như những gì anh đã thể hiện. Rằng anh đã cảm kích ra sao khi thấy cách họ chiếu cố Nola. Sau buổi dã ngoại, họ đã không kịp quay trở lại bên trong ngôi nhà để xem máy ép gỗ tuyết tùng, bởi các bác sĩ phải về trực đêm. Song tất cả đều hứa hẹn sẽ đến thăm đôi vợ chồng vào một ngày gần nhất. Và khi ấy, Blaise nói, anh sẽ cho họ xem mọi thứ. Sẽ sớm thôi, vào năm 1953.
Minh họa: Ngô Xuân Khôi
*
Ngày Sally Ross 16 tuổi vào năm 1972, mẹ cô, Ann, đã may cho cô một chiếc áo khoác từ mảnh gấm cũ, thêu hoa. Tấm gấm trắng gấp gọn trong tủ với những mảnh vải khác có từ khi Sally mới bắt đầu ghi nhớ được cuộc sống. Và bây giờ họ quyết định nhuộm lại nó thành màu tím.
Đây cũng là mùa hè cha của Sally, một bác sĩ, chuyển ra ngoài sống cùng người phụ nữ khác.
Những ngày sau đó, mẹ cô đã bán toàn bộ đĩa nhạc jazz cha cô còn để ở nhà và cắt mọi chiếc cà vạt của ông thành từng mảnh bằng chiếc kéo bà đã dùng cắt vải bấy lâu rồi đốt tất cả chúng trong vườn. Tất nhiên, Sally cùng anh chị em của cô đứng về phía mẹ. Nhưng họ vẫn bàng hoàng trước sự hận thù mà mẹ thể hiện. Điều trước đây họ chưa từng một lần nhìn thấy.
Sally và mẹ đã cùng nhau đắm chìm vào mùa hè đó. Cô đứng bên canh nước nhuộm lạnh âm u trong bát nước giặt cũ, quan sát những vết phồng rộp trên bề mặt vải, dùng cán thìa gỗ nhúng chúng xuống nước, cảm thấy thứ hy vọng mong manh bất chấp mọi thứ. Sally không xinh đẹp như mẹ nhưng Ann đã khiến cô nhận ra vẻ đẹp của riêng cô. Dưới đôi tay khéo léo của Ann, Sally nhổ lông mày, vén tóc và bà còn may cho cô chiếc áo khoác đẹp rực rỡ. Sally đã mặc nó rất nhiều lần, không cài cúc bên ngoài áo phông và quần jean.
[...] Cuối mùa hè năm đó, cha cô lại chuyển về.
Sally luôn biết rằng tấm gấm này thuộc về một người phụ nữ đã chết ngay trước đám cưới. Người đàn ông cô ấy định kết hôn sở hữu một ngôi nhà trang nghiêm trong khuôn viên một công viên rộng lớn. Cô ấy từng là y tá và chính cô đã cứu sống ông khi ông bệnh nặng. Ann và Kit Seaton - mẹ đỡ đầu của Sally - đã đi dã ngoại với họ một lần trong công viên ấy.
Nhưng không lâu, người y tá kia bị lây bệnh bạch hầu từ một trong những bệnh nhân cô chăm sóc và ra đi chỉ một tuần sau đó. Vị hôn phu của cô ấy đã viết thư cho họ kèm theo mảnh gấm lụa cùng bản thiết kế chiếc váy cưới hai người đã đặt. Anh không cần đến dịch vụ của họ nữa. Anh cũng không biết phải làm gì với loại vải này. Anh và người phụ nữ anh yêu… còn quá trẻ.
Ann đã không giữ bức thư, cả bản thiết kế của bà. Giờ đây bà bắt đầu hối hận vì khi kết hôn, bà và Kit từ bỏ công việc kinh doanh, bà gần như không lưu lại bất cứ thứ gì. Hai người thậm chí chưa bao giờ nghĩ đến việc chụp ảnh những bộ quần áo họ đã may.
Vào một ngày cuối tuần mùa hè năm đó, Sally thấy mình đang đứng trước những câu chuyện của mẹ cô. Về công viên Thwaite, nơi bây giờ được biết đến như một trường cao đẳng đào tạo giáo viên. Bạn trai của Sally là một sinh viên nghệ thuật hiện làm việc bán thời gian cho một công ty phục vụ hội nghị và tiệc chiêu đãi.
Khi họ cần thêm nhân viên, Sally đã giúp đỡ bằng cách cố tình khoác lên người chiếc áo khoác mẹ may rồi treo nó lên móc trong bếp. Và công việc của cô ngày hôm đó chủ yếu ở hậu trường, rửa chén đĩa, dao kéo trong một bồn rửa sâu ở Belfast, bên cạnh một bình nước nóng kêu ục ục, ục ục. Căn bếp tối như hang động, những bức tường sơn màu kem ngả sang màu xanh của tuổi tác, lớp lớp vỏ khoáng chất phun ra.
Sau bữa ăn trưa, trong lúc tạm lắng khi các giáo viên uống cà phê ngoài trời nắng, Sally lang thang trên lầu và quan sát xung quanh. Mặc dù các phòng đã được chuyển đổi thành không gian giảng dạy nhưng thiết kế của nó vẫn mang dáng dấp một ngôi nhà ở. Một phòng được dán giấy dán tường Trung Quốc, màu xanh lam nhạt, có hoa văn chim và lá tre. Còn trong căn phòng khác, những chiếc tủ gỗ bóng loáng được xây cao từ sàn đến trần; những thứ này chứa đầy đồ dùng văn phòng phẩm và vật liệu nghệ thuật.
Có ai đó từ nhóm nhân viên phục vụ đã theo Sally lên lầu. Và khi giật mình nhận ra, cô đã thấy bản thân đang kể với anh ta về mọi chuyện. Chuyện bố mẹ cô chia tay, chiếc áo khoác cũng như mối quan hệ đau buồn của mẹ cô với ngôi nhà cùng những người trong ngôi nhà này. Đây không phải bạn trai của Sally mà chỉ là một người đàn ông xa lạ làm việc cùng cô. [...] Và giữa tất cả những phức tạp cùng xáo trộn đó, Sally đã quên lấy lại chiếc áo khoác treo trên mắc. Một chiếc áo khoác hầu như không quan trọng, trong sơ đồ của mọi thứ.
Như Quỳnh dịch
VNQD