(Đọc Muôn hồi nắng cũ của Nguyễn Thanh Hải, Nxb Hội Nhà văn, 2023)
Mở tập thơ Muôn hồi nắng cũ của Nguyễn Thanh Hải chính là bước vào một không gian của những câu chuyện chiến tranh, mà hình ảnh người chiến sĩ xuất hiện chủ đạo, xuyên suốt tập thơ như sợi dây liên kết giữa hai miền không gian: vàng võ xưa cũ và hiện thời thương tưởng: Đất nước tôi đầy rẫy công sự, chiến hào/ không phải mất mát chỉ một nhà mà nhiều người mẹ già như thế/ Nói ra đây không phải nỗi đau nào cũng đem ra kể lể/ chỉ muốn mặc niệm một chút lòng mỗi độ tháng tư (Mỗi độ tháng tư).
Bằng cách này hay cách khác, người chiến sĩ vẫn sống trong tâm khảm của muôn triệu người Việt, lớp lớp thế hệ. Những bước chân thanh xuân băng rừng, bạt núi để đất nước có ngày thái hòa vẫn rì rầm đi vào thi, ca, nhạc, họa. Ngã xuống hay trở về, mất mát hay toàn vẹn, tất thảy luôn được ghi nhận, luôn được nhắc nhớ như một lẽ thường tình, bởi, trên đất nước này, nơi nào không có vết xước của chiến tranh? Và mỗi câu chuyện chiến tranh trên dải đất hình chữ S này cũng đều đủ sức lay động tâm thức con người: Má nói đó là hố bom/ rộng như năm 1968/ và sâu hố mắt cậu tôi bị hư từ những ngày đạn lạc (Bên đìa bông súng). Từ những câu chuyện đã hóa thành niềm thương đắng đót lòng dạ, thơ Nguyễn Thanh Hải trải lên trang viết những âm ba của nỗi đau. Nỗi đau của những bà má tiễn con đi khi tiếng khóc vẫn nóng hổi bờ vai. Rồi lại hoài vọng nơi bậc cửa mỗi độ tiếng quân hành gõ nhịp xôn xao, mà, chiến cuộc mấy mươi năm qua rồi tiếng chân ấy chẳng quay trở lại, chỉ có những vòng khói nhang hong ấm sự mỏi mòn nua già mắt mẹ: Xin mẹ đừng thăm nữa mẹ ơi/ Mẹ ngồi khóc con hay mưa trời khóc mẹ/ Tiếng chim kêu chạm vào ướt nhói/ Chiều đau như dáng mẹ ngồi (Chiều đau như dáng mẹ ngồi)...
Nguyễn Thanh Hải cũng dành phần lớn không gian trong tập thơ để tự sự với chính mình về chiến tranh thông qua nhiều hình ảnh mẹ, bom, tù ngục, mộ và nhang. Những hình ảnh tưởng đã mòn cũ khi viết về chiến tranh, nhưng qua ngòi bút của mình, Nguyễn Thanh Hải đã mang đến điều mới mẻ dạt dào cảm xúc: Tôi thấy đêm trổ ra một vườn hoa nhang/ lung linh của những người viếng mộ/ tháng bảy chạm vào đâu cũng ngỡ là da thịt/ nhang khói quyện vào người như máu mủ quê hương... (Những ngọn sóng tháng bảy).
Thơ Nguyễn Thanh Hải giữ nguyên vẹn màu cảm xúc bằng những câu chữ giản đơn, nhưng tinh tế khi chọn hình ảnh, ngữ nghĩa hài hòa thanh âm. Đọc thơ như thấy được sự ngọt ngào bẫng nhẹ dẫu đó là nỗi đau. Người miệt thứ đồng bưng nên lòng chân chất, buồn hay vui cũng thẳng đuột ra lời. Nhưng có điều, người xứ này hay có thói quen gói ghém buồn lại, tìm đâu đó trong góc rạ chân quê một sự vỗ về rất thiện lương và xanh lành: Tiếng dòng dọc sáng nay đau như mọi ngày/ mẹ vấp mé quê vớt tổ chim non vừa rơi chấm nước/ gió thổi năm non ngọn gió già xuôi ngược/ hỏi nắng hỏi nôi có thấy hồn nhiên nhảy chân sáo qua vườn (Nghe tiếng chim dòng dọc). Tôi biết chinh chiến đi qua/ tình yêu không kể bằng phím nhân chia hay cộng trừ/ người có tuổi nhưng hồn không tuổi/ gặp lại chiều nay/ hai mái hoàng hôn mà hồn vẫn nắng (Men tháng tư).
Nguyễn Thanh Hải không đi qua chiến tranh, nhưng anh đã luôn nhìn chiến tranh bằng chính sự thổn thức tận đáy lòng mình. Những thổn thức khơi nguồn từ kí ức của ông bà, cha mẹ. Rồi từ đó chiêm nghiệm với hành trình sống, hành trình viết: Như cánh đồng không thể nào nhắm mắt/ những mùa chim bay về thảng thốt/ hố bom càng trong càng tỏ/ chiều chiều nhìn tận đáy quê hương (Bên đìa bông súng). Những câu thơ viết về chiến tranh, về người lính của Nguyễn Thanh Hải tựa như giọt phù sa lấp lánh dưới nắng châu thổ, rọi thấu trong lòng người, mà nhớ, mà ghi, mà trân trọng, vì chiến tranh và hậu quả của nó - mỗi khi nói về nó đều khiến ta day dứt, cảm thương, y như thể chạm vào đâu cũng ngỡ thịt da mình.
TỐNG PHƯỚC BẢO giới thiệu và chọn
Ghi từ Phú Quốc
Con bec-giê đá mang bộ phục săn lùng
bất động nghe sắt thép kẽm gai kể chuyện trại tù binh
nắng trưa buồn qua ngực
Cầm tay một trời sim mật
không gian không nhiều cho một cuộc đi
tôi theo về phía những dãy tù nơi cất giữ các anh
theo lời con chim khách
Người thuyết minh nghẹn và khóc
chùng giọng bên hiện vật đun nước trụng người
nghẹt thở
hồi đó các anh đâu sợ
lớp này ngã lớp khác vùng lên
Bức tường bảo tàng lên tiếng
tội ác rút móng chân tay những chiến sĩ đào hầm
đục khoét xương chân các anh vượt ngục
Và ngỗng và bec-giê
cũng quen riết hơi người
và mưa trời cũng giúp các anh tàng hình trong đất
Trong tận cùng tội ác
là đốt lửa nướng người
anh du kích trẻ Cà Mau
lúc kiệt sức kêu lên mấy tiếng má ơi, rồi nhắm mắt
Mỗi tấc đinh sắt đóng vào thịt xương các anh
là căm thù muôn nghìn tấn
anh Sơn, anh Ni, anh Có, anh Rô, anh Khánh
và bao anh khác nữa…
thời gian không thể quên
tên các anh đã lộng vào Tổ quốc
mây trắng viền khung
biển xanh mạ kính
mà mẹ chỉ mong gặp lại các anh bằng thịt bằng xương
Nắng trưa điểm danh hàng dương
nghe sau lưng bờ cát gọi
những nùi kẽm gai rào ngang lịch sử
không ngăn được sự thật
cảm giác tủi cho tên quân cảnh phục xanh
trung thành ôm đồn cao đứng gác
ngàn năm sau không tiến hóa nổi thành người…
Nghe tiếng chim dòng dọc
Tiếng dòng dọc sáng nay đau như mọi ngày
mẹ vấp mé quê vớt tổ chim non vừa rơi chấm nước
gió thổi năm non ngọn gió già xuôi ngược
hỏi nắng hỏi nôi có thấy hồn nhiên nhảy chân sáo qua vườn
Gió riết bụi chuối sau hè trưa nay buồn như mọi ngày
bà đắp đắp khâu khâu nỗi nhớ mòn tấm áo màu ba lô vá không còn chỗ vá
rẽ đòng đong đưa đêm mùa rẽ mạ
con cuốc kêu buồn non non nước nước không về trú ẩn những nỗi đau
Gió sông quê chiều nay nặng như mọi ngày
chị múc từng tiếng trẻ trai ngày xưa gội giùm kí ức
không thể làm mây chiều đắp cho em tấm ngực
cây huyết dụ sau đình sao không cầm được vết thương đau
Ngọn nồm đêm nay ngoan hơn mọi ngày
nguôi vi vu chuyện giao liên buổi chiều pháo càn bên kia lộ bốn
bông lau rớt màu trắng gió
bầu trời cụt một tiếng chim
Đã bao lần chị múc tiếng trẻ trai gội giùm em kí ức
đã bao năm mẹ thổi năm non ngọn gió già xuôi ngược
bà gấp tấm áo đong đưa mấy mùa
rẽ mạ tìm em...
chiến tranh chìm khuất sông nào
Từng tốp sóng bình yên diễu hành ngang ngực nước
từng xác bông móng tay đã bờ bãi an bày
mẹ đã về bên kia sông nằm gần tiếng chim dòng dọc
biên sóng nào mặc niệm em tôi.
Những lệ núi quê hương
Chúng tôi vừa qua đồi Tức Dụp
thấy mùa xuân bên núi cũ chưa mòn
thấy quá nhiều kì bí Cô Tô
không biết sương hay lệ ngập ngừng chuyện núi
Thôi đừng kể nữa tiếng sáo hồn thiêng vừa rưới lên mồ
rửa những xa xăm chiều đạn bom kí ức
thôi đừng khượi thêm vết thương trên miệng đá
bao năm đã lành trên Ma Thiên Lãnh rồi
Nếu có thể xin gọi Ô Tà Sóc
là lệ núi
lệ núi này có phải của các anh
hay nước mắt mẹ đọng nhiều năm lặn lội
Và đau thương sẽ không còn nằm đau như những nắm đá nằm không tên không tuổi
mang bao nhiêu hoa về nghĩa trang để Dốc Bà Đắc nguôi khói và mưa và nước mắt
làm sao có thể cầm lòng được đất trời
khi các anh vẫn đêm đêm tăm tắp thẳng hàng cùng biên giới
thức bảo tàng cho Ô Tà Sóc quê mình/ những lệ núi quê hương…
VNQD