Biên giới
Sẽ vẫn đằng đẵng cuộc trường chinh không hồi kết
như đã định danh
như là số phận
của mấy nghìn năm từ tổ tiên đánh giặc
đến hôm nay, mai sau cháu con vẫn ngày đêm nhìn về phương Bắc
Biên cương hằn dấu chân người lính
Biển Đông dạt dào sóng - dâng - nâng vạn thân tàu
súng, pháo sẽ còn đêm đêm thao thức
bên những trái tim thèm sống để yêu
trong mỗi nhịp đập
Mỗi ngư dân là một con tàu
tàu ở đâu, biển trời ta ở đó
dẫu thuyền con
dẫu đảo nhỏ
dẫu kẻ xấu gầm ghè đâm va
lòng vẫn mãi khơi xa
Mỗi đỉnh non cao in dấu chân người sơn cước
mỗi nếp nhà sàn, nhà trình tường đất
những đàn trâu thả rừng rung rinh mõ cổ tấu nhạc
vẫn hiền hòa ngô lúa trên nương đầu mùa ngậm sữa
vẫn khề khà chợ phiên người Tráng, người Hoa dân lành
sẽ luôn biết cương mãnh dựng đá tai mèo khi họa xâm lăng
Thêm mộ gió mọc bên sóng
có người cha nào nước mắt chảy vào trong
khi tay mình bóp ngực
Có thể sẽ còn thêm những nấm đất bọc chiến binh bên đồi
có người mẹ già nua ngồi tựa thành mộ
Vị Xuyên hiu hắt bóng chiều
Vị Xuyên trầm hùng mây trắng…
Người thân đưa xương cốt về xuôi
nhưng hồn ta muôn đời biên giới.
Bức tranh tập thể của trẻ con trên đảo Phú Quý
Phú Quý những nét vẽ:
tháp chùa cong nền trời
nhà thờ gió treo đầu thập tự
cột phong điện khổng lồ quay nhịp sóng
Có những đứa trẻ sinh ra, lớn lên dưới tán dừa
có những linh hồn thác vào cõi vĩnh hằng
đêm đêm nghĩa trang nằm nghe biển kể
về những phận người
Có mái trường nơi những đứa trẻ ê a
giọng của ngọn nguồn Tổ quốc giữa trùng khơi gió mặn
có cô giáo bẽn lẽn đón người đất liền câu vọng cổ biển
có người xe ôm vừa chở khách, vừa kể bằng nồng nồng mùi sóng những trăn trở
Trẻ con không kể chuyện đất cát trở nên đắt đỏ
không kể chuyện những người đầu tư giàu có
đã mang theo túi tiền vượt sóng đến đây
không ước mơ đảo ngày sau thành thiên đường du lịch
mà sao tranh thấy ngơ ngác màu chiều?
VNQD