Chùm thơ của tác giả Phạm Vân Anh

Thứ Năm, 24/10/2019 09:02

PHẠM VÂN ANH
Lá bàng lại rụng


Cha tôi sinh ra trên xứ sở này rồi trở về trong đất
Ngày cha đi, tuổi không còn trẻ để có quá nhiều nuối tiếc
và cũng chưa đủ già để chiêm nghiệm xưa sau
Ngày cha đi, ông nội tôi ngồi rất lâu bên gốc bàng đỏ lá
Lá thắm lên trời những giọt bầm
Buồn như đôi mắt ông nội tôi
Nhỏ máu

Rất có thể
Những người sinh ra cha tôi cũng nằm lại nơi này
Để lại mảnh khăn lữ khách xơ xác bay hoang nắng
Rất có thể
Người đàn ông, đàn bà xa lạ ấy đang dạo chơi
trong đồn điền cao su nơi mặt trời vỡ bóng
Không mảy may bận tâm về một vùng đất đã từng qua
Trong tôi
Khái niệm nào về họ cũng mơ hồ như rừng đêm u uẩn

Kí ức tôi mãi mãi là một người đàn bà răng nhưng nhức hạt na
Tấp tởi ngược Tuyên Hà, chao chát xuôi Thanh Nghệ
Tóc vấn trần kể truyện thơ thâu đêm ru cháu ngủ
Miếng cơm búng thơm se sẽ vị chè bồm
Quở: “Thánh họ đứa nào chê cháu tôi đen đủi”

Kí ức tôi mãi là một người đàn ông guồng chân khuya sớm
Bận mải bên những khung dệt mành mành
Cả đời một món ngon: mắm tôm bác trứng
Khoản tiền còm chi chút cháu học thêm
Đêm nằm đếm cột kèo mà nhắc tên bọn trẻ
Thương cháu con như muối mặn ngoài đồng

Chiều nay bất chợt gặp lá bàng lại rụng
Xoay trong mùa Vu lan
Bến nước quê tôi giờ thưa vắng chân người
Tôi chỉ gặp những cụ bà vừa đấm lưng vừa gom lá

Nhận ra mình tuổi nào thơ bé
Vụt lớn lên từ ống khói bếp mùn
Ông bà tôi cời lửa những chiều hôm.


Máu người năm ấy


Về Duy Tân những ngày tháng sáu
“Khu đảo” năm nào ăm ắp phù sa
Người bác sĩ già Viện Quân y 7
Đứng lặng bên hang đá phía sau chùa

Vùng hậu cứ của hậu phương bất khuất
Che chở thương binh dưới trăm mái tranh nghèo
Buốt xói lòng đón người về từ bom đạn
Dẫu không nghe tiếng đất rền núi chuyển phía tiền duyên

Ba ngàn ngày đêm người Duy Tân xếp nếp
Gian nhà hẹp, chiếc chõng tre nhường lại anh em
Cắt cử nhau chèo đò qua bến vắng
Đưa đón thương binh từ khắp mọi miền

Có còn ai nhớ máu người năm ấy
Chảy từ lòng dân sang huyết quản thương binh
Vết thương lành mau, da người hồng lại
Bao người hồi sinh nhờ dòng máu ân tình

Không một ai đong đếm những hi sinh
Bởi đất nước mình đâu cũng là trận tuyến
Chiến tranh lùi xa, tình người thấm quyện
Phẩm hạnh quê nghèo còn đó với núi sông.

Biên cương gửi nhớ


Ở nơi này tìm thấy một tình yêu
Trong thế núi dáng sông
Bên nhà dựng sát nhà, mái kề liền mái
Dưới vầng mặt trời ngày lại ngày giục con gà gáy sáng
Trên con đường sắc đỏ trải mênh mông

Con phải là muối mới ướp được lòng người
Lời mẹ sáng đường rừng
Con tập làm người trai mường cho thấu bụng mường
Thử làm người trai bản cho tường lòng bản

Quân hàm xanh lấm đỏ đất đồi
Cơn sốt xua võ vàng ngang mặt
Đã hiểu vía rừng qua vạt váy phơi
Đã quen hồn núi qua chùm lá buộc(1)

Thấy dấu lá lối mòn biết hiểm hung đang đợi
Nhìn đường ong bay hiểu điều nhẫn nhục
Lội giữa dòng trôi hiểu sự miệt mài
Gặp những bà mế một đời trán căng lù cở hiểu câu an phận
Nhận về bụng mường rộng rừng già
Tỏ lòng bản thật mái rạ
Thảo thơm khoai lúa làng ta

Ngắt nắm tai chua nhớ giàn tầm bỏi
Hái chùm mắc kham nhớ quả dâu da
Thấy nếp sàn nghiêng nhớ dáng cha dặm ngói
Gặp mặt trời ngái ngủ nhớ thóc mẹ phơi
Chạm màu cúc quỳ thảng thốt
Chào mào đường quê inh ỏi
Nắng đã vàng rơm, sen đã hoa?


---------
1. Phong tục đồng bào Mông phơi váy trắng trên hàng rào, đồng bào Thái buộc lá
trước cửa nghĩa là trong nhà có chuyện, không tiếp khách.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)