Lên men từ xù xì cội đất

Thứ Tư, 04/09/2024 08:55

(Đọc Gốm lưu lạc của Vân Phi, Nxb Hội Nhà văn, 2024)


Gốm lưu lạc mang điệu thức trầm nâu, lặn vào đất đai mà bừng thức lửa. Đất hồn hậu thô tháp, lửa cháy khát nồng men, hòa quyện trong 36 bài thơ để lại cho người đọc ấn tượng về một loại gốm nung già. Già trong những ngẫm suy với độ sâu rộng của cảm xúc và tư duy thơ, trong những câu chữ được chắt lọc đủ tinh tế mà vẫn giữ được sắc màu tự nhiên của đời sống.
Tác giả dụng tâm sắp đặt tập thơ thành ba phần: Theo dấu thời gian, Đường biên ngẫm ngợiĐiều không định nghĩa, hẳn không ngẫu nhiên khi mỗi phần vừa chẵn 12 bài, như thể 12 con giáp, vừa chẵn 3 vòng xoay nung ngọn lửa nhân quần. Người đọc được dẫn dắt qua những vùng miền lưu dấu tích lịch sử - văn hóa, những đắng đót thế sự, dần đi vào cõi riêng tây. Tất cả được gắn kết, hòa quyện bởi men - trong ý nghĩa song sinh: men gốm nung chảy bởi lòng yêu thương chân thật như đất, men say hết mình như trạng thái thường trực của hồn thơ. Người thơ nặng lòng với cái đẹp quá vãng, mất dấu, tha hương, với phận người nổi nênh, những câu hỏi cuộn xoáy muốn bóc đến tột cùng để tìm ra bản chất tồn tại, thảng thốt trong cuộc đối thoại tha nhân - tự ngã. Gốm lưu lạc từ đó cũng trở thành biểu tượng kép: mảnh gốm thật lưu giữ dấu tích văn hóa, mà cũng là mảnh-gốm-người trong cuộc lưu lạc nhân sinh: bất giác thấy mình như gió - lưu lạc lũng khuya.
Thơ Vân Phi mang chất kí sự với những ghi chép nhanh, tinh từng chi tiết nhỏ nhặt, tinh kết hiểu biết sâu rộng của người thích dò đến ngọn nguồn lạch sông. Không gian văn hóa trải dài, vang vọng những địa danh, xuôi Nam ngược Bắc, lên Tây Nguyên, lênh đênh sóng nước biển Đông… Nhưng kí sự trong Gốm lưu lạc là kí-sự-thơ, hiển lộ tính chất thơ của đời sống, từ thô tháp đời sống nung chảy ra vệt men kì diệu đến từng chi tiết: con nhện nhả tơ - hạt mưa làm tổ - con tò vò cõng hạt đất nâu ủ mùa thu bên ngạch cửa. Kí ức văn hóa tan vào những câu thơ giàu sức nặng, âm vang những trăm năm, nghìn năm, mất còn, xoáy sâu những dấu hỏi: ai, nào, đâu… thoáng hiện gương mặt không tên. Đây cũng là mảng thơ dày dặn nhất trong thi tập, theo nét bút khai phá, dò tìm đến mạch nguồn cội đất, hiện hình đau đáu gương mặt thời gian.
Tính chất đất cũng in dấu trong mảng thơ suy nghiệm về đời sống và thân phận. Cảm hứng thơ hướng rõ rệt về những bãi bờ, cánh đồng, dòng sông cội nguồn, lấm láp, ấm hổi hơi thở nguyên sơ, những điều nhỏ nhoi, bình dị: Ba muốn ở lại nhà xưa/ đã quen rồi hơi ấm/ của đất sành quánh quện phù sa/ của vách tường táp lô hằn lên ngấn nước. Anh yêu đến thắt lòng hạt lúa thơm bùn bãi, mùi rượu gạo khê nồng, mùi cơm quá lửa… cho đời người nổi nênh, li hương có chỗ tìm về nương náu. Bức chân dung đời sống trong thơ anh đầy những mảnh vỡ, sứt sẹo, lẹm khuyết, là đời sống giữ nguyên sự sần sùi nguyên thủy, đời sống mang bản chất gốm không tô vẽ: Tiếng thở dài của rừng già/ vón cục trên cây chò cụt ngọn/ tuổi thơ em cháy sẹm mùi thuốc súng/ mắt em vết tích nỗi buồn … Sứt mẻ đến cả chiếc bóng: Chúng ta đi qua những ngày mòn cũ/ đi qua cái bóng sứt mẻ đời mình. Đẹp và đau. Đêm lầm lũi khâu vá những rách nát tâm hồn, đêm với những cơn say bất tận, để rồi ban mai tỉnh dậy tự thắp cho lòng đốm sáng. Em rót gì như rót lửa vào tim, ta rót cho nhau/ mình rót vào phía kiệt cùng trước sau tháng ngày tha thủi. Thơ nồng men theo những cuộc đầy vơi.
Ngôn ngữ thơ Vân Phi đậm chất thổ âm như vọng âm của đất: xạc xào, dời dợi, cháy sẹm, quánh quện, đỏ rọc, lụi hụi, và vội… nhưng không vì thế mà kém tinh tế, sáng tạo. Gốm lưu lạc không ít những từ ngữ giàu sức gợi, những tổ hợp độc đáo, những suy tưởng mới mẻ. Đó là ngôn ngữ thơ mang tính chất gốm, qua tinh luyện vẫn không mất đi vẻ đẹp chân chất. Từ Ngày mắc cạn (Nxb Hội nhà văn, 2020), đến Gốm lưu lạc (Nxb Hội nhà văn, 2024), Vân Phi đã có một bước nung lửa ngôn ngữ thơ của chính mình. Thể thơ lục bát, câu thơ đều đặn du dương, câu chữ ít nhiều dễ dãi gần như biến mất, anh hướng đến tổ chức bài thơ, câu thơ theo hướng tự do mà gai góc hơn, dài ngắn co duỗi, nhịp điệu biến hóa theo những suy tư sâu sắc giàu tầng bậc. Với Gốm lưu lạc, Vân Phi đã đi xa hơn chính mình trong cuộc hành trình gian nan mà đầy ủi an của thơ ca.
                                                                                                                                                                                                DUYÊN AN giới thiệu và chọn
Sông ly hương

Lặng lẽ đời sông
âm thầm trong đục
trăm năm nghe nhịp đập phố phường
nghe đời cát bụi
nghe bóng cây gáo già trầm ngâm đếm tuổi
đã xa xưa dáng một con đò

Những chiều rơi vụn xa xôi
người cúi mặt soi bóng mình đã cũ
nhớ mẹ đò đưa khách trú
người Bắc người Nam biền biệt xứ nào
mẹ và vội những hạt ca dao
bao năm nhớ một mùi cơm quá lửa...

Đêm trên đò vắng
sào khuya treo một ánh nhìn
qua rồi lưỡi gươm mài sắc
sóng gợn lên dáng dấp đền đài
dòng Hương trôi
tuổi thơ trôi
sao vẫn âm âm một dáng ngồi cây cỏ
đã xao xác rồi, tôi, một gốc cây buồn
ngả vào chiều phố thị
đã bện nương cội rễ dòng Hương

Tôi hành khất nắng mưa bên trời chạng vạng
ly hương từ độ dại khờ
hơn ba mươi năm chẳng còn nghe câu hò điệu lí
chỉ nhớ mùi chớm khê rượu gạo
nhớ tiếng em ca câu mái đẩy mái nhì
và ngày đi, hành lí một dòng sông

Dòng sông ly hương
róc rách trong tôi, thầm thĩ trong tôi, ghì đôi chân tôi bên bờ huyền mộng
sông rồi sông chẳng phố thị ồn ào
sông rồi sông nghe mẹ hát ca dao
sông rồi sông - nước mắt - rỏ vào mây viễn xứ
và cơn mưa
nơi ngõ cũ ngọt ngào...


Giấc hải trình

Những ngọn gió về phía cánh buồm nào
chao chát chân mây
cánh hải âu chở một bầu trời
biển chở một chiêm bao
người mơ giấc cá tôm trở về

Phía hừng đông, những ngôi sao còn cài lên cúc sóng
bầy rêu lang thang
con phù du dang dở hành trình
đêm qua mắc câu vào một vì sao lạc
Cồn Cỏ, Chân Mây, Cù Lao phía nào xuôi Nam ngược Bắc
sóng chất đầy khoang thuyền
người neo vào một giấc khơi xa

Đêm đêm, phía ngoài vũ trụ
dường như ai đó đang ngoái nhìn
lo những chiếc thuyền sắp rơi ra khỏi biển
rơi ra khỏi những quỹ đạo

Thuyền vẫn đó
như biển vẫn đính vào vòng xoay quả đất
hấp lực nào giữ chúng ở lại
như mắt em chẳng then cài
sao nhốt mãi một tôi...


Điều không định nghĩa

Em bước ra từ giấc mơ màu gỗ lim
khẽ cúi xuống đặt lên tay anh bật lửa
mình đốt gì để sưởi một chiêm bao?

Em không gọi tên anh như một danh từ
cũng không nắm lấy một bàn tay ghì chặt
chỉ có những lọn hương đã ngập trong lồng ngực
cắp ban mai của chúng ta bay đi

Em ví mình như rượu
say hết tiếng thở dài
ban tặng anh ngút ngàn thinh lặng

Em bước ra từ trong khoảnh khắc
khi giấc xuân chểnh mảng phía vô cùng
anh cố nói một điều gì vô nghĩa

Em đã khua mái chèo trên sóng trắng
vẫy vào anh trùng trùng
anh cứ ngỡ giọt mồ hôi là bể mặn

Em, ánh nắng của ngày chưa hiện hữu
ta cố dò lấy một đường biên...

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)