Người ngồi đó ôm nỗi nhân gian

Chủ Nhật, 03/09/2023 14:49

(Đọc Ta thương người lắm mà không nói của Trương Công Tưởng, Nxb Văn học, 2023)

          Xuất hiện trên văn đàn trong khoảng 10 năm qua, Trương Công Tưởng đã góp một mảng màu nhẹ nhàng mà sâu lắng vào bức tranh văn học trẻ. Có thể nói, tập thơ mới nhất của anh, Ta thương người lắm mà không nói là bức chân dung hoàn thiện hơn về người thơ này.
          Bài thơ đầu tiên của tập mang tựa đề Con đường, như một ngụ ý dẫn dắt người đọc bước vào thế giới thơ phía trước, lại như mở ra và định nghĩa về một hành trình tất yếu của cuộc đời: Tôi cúi đầu trước những nỗi đau/ và đón chờ niềm vui phía trước/ những con đường rộng mở thênh thang.
          Có một tình cảm rất riêng, vừa kính yêu vừa tràn ngập sự hiếu kì lại vừa đau đáu mà tác giả dành cho những người phụ nữ. Đó là những câu thơ mang hết buồn thương, nhìn thấu những lặng lẽ của những người đàn bà xa lạ cõng niềm riêng lầm lũi đi trong đời (Đàn bà); của “mẹ tôi” thường chải tóc khuya (Những đêm về sáng, Trầm); của ngoại tôi, chị tôi, những người đàn bà có chồng đi biên viễn: Cha tôi đi biên viễn/ Mười năm rồi chưa về/ Xóm toàn đàn bà/ Buổi chiều hay ngồi chải tóc cho nhau/ Họ nói với nhau điều gì mà mắt buồn xa vắng (Dòng sông tôi đã tắm hai lần).
          Thơ Trương Công Tưởng biểu thị một tâm hồn mong manh, nhạy cảm và đầy trở trăn. Ở đó bạn đọc thấy rõ một người thơ lặng lẽ trong đêm, vượt thoát khỏi quỹ đạo trái đất, ghé thăm những cơn mất ngủ của loài người. Đằng sau những bộn bề của nhịp sống thường ngày, anh nhận ra nỗi cô đơn thăm thẳm của những phận người.
          Dẫu có lúc hoài nghi, bất lực và không thoát khỏi những nỗi buồn triền miên nhưng người thơ ấy không rơi vào tiêu cực, không bị chìm sâu trong vô vọng: Những đêm ngồi khóc dưới sao trời/ Người có cả còn tôi thì mất cả/ Cũng may, tôi còn tôi// Cũng may, tôi còn tôi/ Để tôi vấp ngã, để tôi đứng lên (Khóc dưới sao trời). Cũng may, tôi còn tôi là một điểm sáng, một sự ngộ, một cơn tự cứu rỗi chính mình trong những phút gần bờ tuyệt vọng. Và hơn cả, đó là một cách biết tự yêu thương chính mình tốt nhất mà không phải ai cũng làm được.
          Không chỉ ở cảm xúc thơ, Trương Công Tưởng rất gần gũi, rất thật trước mắt người đọc trong những bài thơ viết về quê hương. Huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định là quê hương của anh, và trong tập thơ hơn 40 tác phẩm này đã có 4 bài thơ viết riêng cho Hoài Ân. Hẳn nhiên, đó là tình yêu quê hương trong bao mong nhớ và hoài niệm. Đó cũng là căn cước của con người ấy. Nơi chứa đầy kỉ niệm tuổi thơ, tình yêu đôi lứa (Về tháng sáu cùng anh), nơi khắc nghiệt nắng nỏ, mưa dầm (Na-An chiều thẳng đứng), nơi đã đi qua bao giông bão của thiên tai và chiến tranh nhưng những người mẹ vẫn giữ trọn nếp nhà ấm êm. Và cũng là nơi tạo nên con người kiên trì, bền bỉ trên hành trình thơ đầy chông gai mà vẫn đầy lòng trắc ẩn ấy: Về thương đất như đất thương người vậy/ Về học thân cây dừa kiên trung mà vươn thẳng/ Học con sông có quanh co bồi bãi cũng tràn bờ/ Về thương người như người đã thương ta (Hoài Ân).
          Đi cùng giọng thơ dịu dàng, trìu mến với cảm xúc chắt lọc xuyên suốt tập thơ là những hình ảnh, ngôn từ gần gũi, tự nhiên. Vì thế mà khi đọc đến trang cuối tập thơ, người đọc như vừa được ngồi chuyện trò với tác giả - một người bạn hiếu khách, ân cần, nhẹ nhàng nhưng cũng đầy trăn trở nỗi nhân gian. Trang sách dẫu khép lại, ta vẫn thấy người thơ ấy còn đăm chiêu day dứt những nỗi người: Ta thương người lắm, thương người lắm/ Thương người chỉ biết thương vậy thôi! (Ta thương người lắm mà không nói).
                                                                                        LÝ UYÊN giới thiệu và chọn

 

Sau một đoạn đời
 

Trong tôi luôn có một thung lũng, một thảo nguyên, một dòng sông,
ngôi nhà gió mưa của mẹ
và một tình đầu không thể lãng quên
trong tôi luôn có những năm tháng buồn tênh
cái giếng ngọc đêm trăng chị tắm
ngọn đồi chúng mình vấp ngã
cúc áo ai rơi
chăn gối u hoài

Trong tôi luôn có một mùa hoa cải, một cánh đồng,
đàn bò mỗi chiều xuống núi
có cha tôi chạng vạng ngồi rít điếu
có bà tôi khuya sớm ngọn đèn dầu
có em tôi hai mươi năm vẫn ngồi không nói
có tóc mẹ cài thiên lí thơm hương

Đàn bò của tôi giờ chạy về đâu
em tôi lưu lạc xứ người chưa một lần trở lại
bà tôi qua cầu Nại Hà về nơi nào xa mãi
còn mỗi tôi ngồi ôm những giấc mơ đau

Thung lũng của tôi, nhiều năm nữa về sau
vẫn núi vẫn sông vẫn cánh đồng hoa cải
đàn ông đàn bà người già con trẻ
sẽ hát gì cho những ước mơ

Tôi đi ngược lối sông từ mùa hoa ấy đến giờ
dòng An Lão vẫn xanh ngăn ngắt bãi bờ
váy em ướt rồi khô
lòng ta mưa rồi tạnh
vết thương cũng lành sau bao lần chảy máu
chỉ còn dáng mẹ ngồi hun hút cơn đau.

Tranh của danh hoạ Paul Gauguin.


Những vạt nắng buồn

Tôi nhặt nỗi buồn như cỏ mang đi
ngày chuyển giông cha tôi đã té ngã bên bờ sông vắng
vết thương ấy trong tôi giờ chảy máu

Không còn nữa hồn nhiên chiều em ra suối tắm
da em thơm như quả đầu mùa
tôi lên rừng đốn củi
hái về những chùm quả chát
hái về những non tơ

Môi người là những vết thương
đôi lần ta đã hôn nhau bên bờ suối
người chân trần chạy vào đêm tối
bỏ lại cho ta những vạt nắng buồn

Tôi nhận nỗi buồn như của cải riêng tôi
và im lặng chẳng bao giờ chia sớt
có lần tôi mang nỗi buồn ra sông vắng
thả vào mênh mông

Tôi đã đợi những vạt rừng lên xanh
mùa măng đắng em gùi xuống núi
vết thương ấy tôi chẳng bao giờ nói
nên cứ hoài nhức buốt không thôi.

Tranh của danh hoạ Paul Gauguin.


Đêm ở Hoài Ân

Nằm giữa quê hương mắt người không ngủ
những ngôi sao nhấp nháy bốn mùa
ai mang nước sông Kim đi mất
cơn gió gầy thổi rát miền thương

Người về Hoài Ân chỉ để nói nhớ nhau
mà sao khi gặp trăm ngàn bối rối
hương chè còn thơm đêm trăng hò hẹn
con tằm nhả tơ rút cạn đáy lòng

Đêm ở Hoài Ân núi đứng trong sương
thung lũng buồn ôm dáng hình khắc khoải
những thân cây dừa dang tay gió gọi
như bóng mẹ cô đơn ngóng đợi con về

Đêm ở Hoài Ân lẻ một bàn tay
lẻ nụ cười lẻ trăm ngàn câu nói
thị trấn nhỏ dáng người qua trầm mặc
những con đường hắt trống vắng vào đêm.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)