Tại sao tạ lỗi với mây xanh?

Thứ Bảy, 16/11/2024 09:23

(Đọc Tạ lỗi với mây xanh của Mai Thìn, Nxb Hội Nhà văn 2024)


            Tôi vẫn nghĩ rằng, tên một cuốn sách nói chung, thường thể hiện ý tưởng, tư tưởng của tác giả, nội dung chính hay những dụng ý có tính chủ đạo trong tác phẩm. Một cái tên sách được xem là tốt khi gói ghém được tinh thần của cuốn sách đó. Chính vì thế, khi đọc tập thơ, Tạ lỗi với mây xanh của Mai Thìn, câu hỏi lập tức xuất hiện trong đầu tôi là: Tại sao tạ lỗi với mây xanh?
           Tập thơ của Mai Thìn có 45 bài trong đó nổi bật lên là cảm hứng về chiến tranh, người lính, sự hi sinh mất mát của con người và những dư chấn khi cuộc chiến đi qua. Âm hưởng chính của tập thơ là ngậm ngùi, da diết. Ở giữa những bài thơ hiện lên một cái tôi trữ tình với nhiều suy tư. Chất suy tư kiềm chế sự bi lụy để mở ra không gian trầm tưởng về các giá trị của đời sống. Đứng trước những nấm mộ trẻ tuổi trong Nghĩa trang Trường Sơn; chứng kiến bữa cơm trong một gia đình ở Sơn Mỹ; cúi đầu trước máu xương gửi lại biên cương, Côn Đảo, Điện Biên, Vị Xuyên; ngậm ngùi những ngày giỗ chung trong gia đình có người lính bỏ mình ở hai chiến tuyến; lắng nghe tiếng chuông mang hồn tử sĩ; rưng rưng trước màu hoa thắm máu đào bao người ngã xuống; nghiêng mình trước mẹ già tóc trắng, lưng còng, đã hiến dâng những đứa con thân yêu của mình cho dáng hình đất nước; ngẫm nghĩ và khâm phục trước những người thương binh đi giữa cuộc đời mà cả phần còn lại hay phần mất đi của thân thể đều ẩn chứa giấc mơ về cuộc sống hạnh phúc, yên bình; ngơ ngác trước những chia ly, chờ đợi; ám ảnh trước những dư chấn của chất độc da cam; thao thức trên từng trang viết về chiến tranh cách mạng và người lính; day dứt về phận người trong chiến tranh; ước mơ về gia đình êm ấm khi cuộc chiến đi qua; suy tư về chiến tranh và hòa bình, tình yêu và thù hận, về giá trị của sự sống không chỉ sau những cuộc chiến tranh trên thân thể Việt Nam, mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới… tất cả làm nên một thế giới thơ đầy suy tư mà da diết: trưa nay/ chúng tôi đến thăm/ Nghĩa trang Vị Xuyên/ ầm ầm giông đổ/ nén nhang muộn thắp lên/ mưa ướt hết// xin thắp mấy dòng này/ tạ lỗi với mây xanh (Tạ lỗi với mây xanh); những bà mẹ già/ thường rất giống nhau/ nhất là mái đầu mây trắng/ cây gậy mòn nhẵn/ đỡ tấm lưng còng/ dựng nên/ dáng hình/ Tổ quốc (Những bà mẹ già); đêm đêm thao thức/ rót tràn trang văn/ những con chữ/ thẳng hàng/ tiếp cuộc hành quân (Kỷ vật của nhà văn)…
           Suy tư cùng thi sĩ, bất giác ta nhận ra, tất cả những gì cao cả nhất, đẹp đẽ nhất, giá trị nhất, tựa như mây xanh hoặc đã bay lên cùng mây xanh. Mây xanh ở giữa cuộc đời. Mây xanh trên vùng trời cao rộng và yên bình. Mây xanh dẫn lối con người qua những vùng tang thương bi lụy. Mây xanh lặng lẽ tỏa vào nhân gian một đề nghị, một chất vấn về giá trị của sự sống và cái chết, hi sinh và hiến dâng, của những gì mất đi, những gì còn lại mãi mãi…
          Hóa ra, tạ lỗi với mây xanh là tâm thế, tư thế, thái độ của một con người đứng trước những biểu tượng về lẽ sống, lẽ làm người. Đó không chỉ là lòng biết ơn, không chỉ là sự tưởng nhớ, không chỉ là ước ao chờ đợi, mà còn là một động thái thường trực để người ta sống tốt hơn, sống có ý nghĩa hơn giữa cuộc đời này. Vậy đấy, khi ngước lên những giá trị ở trên đầu, hẳn chúng ta sẽ không ít lần phải tạ lỗi với mây xanh.

                                                               NGUYỄN THANH TÂM giới thiệu và chọn


Tạ lỗi với mây xanh

Ngày mười hai tháng bảy năm tám tư
chúng tôi trồng cây phượng bên góc trường
kỉ niệm buổi cuối cùng đời học sinh trung học
rồi vỗ cánh
mỗi đứa một phương

Mỗi đứa một phương
nhưng không có đứa nào
chia với các anh quả đạn pháo ở biên cương phương Bắc
không có đứa nào xắn hộ một xẻng đất
cho vuông vức chỗ các anh nằm

Đêm mười hai tháng bảy
năm tám tư
tôi chong đèn làm thơ trên trang lưu bút
gửi cho người bạn gái
thường mặc chiếc áo vàng ngày chào cờ đầy nắng
buồn vẩn buồn vơ cơn mưa trút lá
nhưng chẳng có giọt nước mắt nào
khóc cho mấy nghìn liệt sĩ
mấy vạn đốt xương
hóa đá dọc chiến hào

Suốt bao năm nằm lại non cao
chỉ có nắng và những mùa hoa gạo đỏ
thầm lặng ủ các anh
chút hơi ấm quê nhà

Trưa nay
chúng tôi đến thăm
nghĩa trang Vị Xuyên
ầm ầm giông đổ
nén nhang muộn thắp lên
mưa ướt hết

Xin thắp mấy dòng này
tạ lỗi với mây xanh.


Giấc mơ hoa ban trắng

Biết bao nhiêu liệt sĩ Điện Biên
các anh nằm
không
đứng ở khắp nơi
quá mỏi suốt 55 năm
trong những ngôi mộ có tên và không tên

Súng vẫn trên vai
cơm vắt vẫn bên người
các anh đứng
dọc sông Đà
Nậm Tao
Nậm Rốm…
nhìn nước xuôi
thương nhớ bấy quê nhà

Dẫu đời lính thì phải vì Tổ quốc
nhưng tóc các anh xanh
giờ đã trắng bên đồi
mơ ước một lần về phép
thăm mẹ già
đi dưới hàng cau

55 năm
như đã lâu rồi
viên đạn bắn các anh
nằm quên trong bảo tàng chứng tích
máu thịt con người
đâu cũng đỏ mà thôi

Dọc Tây Bắc
đi tuyến đường nào cũng thấy
các anh giăng dây kéo pháo qua đèo
trắng và trắng
từng cánh hoa bạc trắng
bời bời
một giấc mơ.

Cánh chuồn tuổi thơ

Ngày ấy ta đi
em còn tát nước bờ soi
tóc chớm hồng hai má
bao mùa cày chân rạ
đợi ta về
em thẩn thơ vành nón trắng

Nhớ buổi quen nhau
nồi khoai bốc khói
vàng ánh đèn dầu
bàn tay
dịu dàng từng thếp lá
mà như lạ
lại như quen
lúc chia tay
trăng lạc vào trong mắt

Buổi ta đi
em gửi theo chiếc nón
đường chằm
thơm từng ngón tay
và tóc

Giờ ta về
đồng quê trĩu thóc
chợ nón họp đầy

Em đâu
ngẩn ngơ một con chuồn chuồn
lẻ bầy
đính trên mảnh đạn.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)