Buồn vui đừng tính vào khôn dại

Thứ Hai, 04/11/2024 11:24

(Đọc Ngỗng trời kêu xa xứ của Vũ Quần Phương, Nxb Hội Nhà văn, 2023)

           Có lẽ khi nhà thơ đến một lứa tuổi nhất định nào đó, thì những bài thơ được viết ra cũng trở nên trầm lắng, giản dị hơn. Là bởi khi đó những chiêm nghiệm trải qua sự kiểm định khắc nghiệt của thời gian - điều mà tạo hóa không bao giờ nhảy cóc để dành cho trẻ tráng - sẽ lên tiếng. Thơ được viết bằng sự chiêm nghiệm liệu có giữ được những run rẩy của cảm xúc? Ý nghĩ này chợt đến khi trước mắt tôi là thi tập Ngỗng trời kêu xa xứ của Vũ Quần Phương, được xuất bản khi ông đã ngoài tám mươi tuổi.
         Mỗi trang thơ dần hiện ra, xóa đi mọi điều tôi tự hỏi, và tự thấy mình có phần hạn hẹp khi đọc thơ mà lại có những ý nghĩ cứng nhắc như vậy. Ngỗng trời kêu xa xứ là những hình ảnh đầy thân thương, gần gũi, rưng rưng, lay động trong kí ức, trong tâm thức của Vũ Quần Phương. Những hình ảnh ấy đã sống dậy trong thơ, như là cách để nhà thơ được trở về, được gặp lại, được chạm vào để cảm nhận một cách vừa chân thực, vừa rất hình tượng: trăng ngả tàu cau xuống ngõ quê; cả trời đất như có gì hồi hộp; đất nằm đợi chân người/ hương trái chín bồn chồn tay đến hái… Nhà thơ đã cho thấy sự tinh tế không chỉ trong ngôn ngữ biểu đạt mà cả sự tinh nhạy của tri giác trong sự nhận biết, lắng nghe, quan sát. Phẩm chất thi sĩ của Vũ Quần Phương lại thêm phần nào đó được khẳng định qua những câu thơ như thế.
         Ở thi tập này, bạn đọc sẽ gặp những ý thơ, những hình ảnh không phải là mới trong thơ Việt, cũng không phải là mới trong thơ Vũ Quần Phương, tuy vậy, ta vẫn như bước vào một không gian thơ với nhiều chiều kích, nhiều sắc màu, nhiều thanh âm mới: mái rạ ẩm sau mưa xanh tia khói bếp/ vẫn nuôi tôi những cơn đói tâm hồn. Bởi vì tâm hồn đầy phức cảm của nhà thơ luôn luôn đón nhận những điều quen thuộc bằng những háo hức, mong chờ, tươi mới, nguyên sơ. Bởi vì mọi sự quen thuộc ấy đều trở thành chất liệu để ông nâng tầm lên thành nghệ thuật bằng cách ươm vào đó những thấm thía, ngẫm ngợi của cuộc đời mình.
            Không chọn mảng thế sự, thời cuộc ồn ào, đương đại, dường như thơ Vũ Quần Phương luôn đi vào những góc đời thường, kín đáo để khơi mở, kiếm tìm những gì mà nhiều khi đời sống, con người dễ bỏ qua, quên lãng, hay thậm chí thấy không có gì đáng kể, tẻ nhạt. Thế nhưng khi vào thơ, cách ông gọi tên những nỗi niềm ấy lại mang đến phía sau đó thật nhiều suy tưởng: mỗi buổi sáng đời người/ muốn reo to lại muốn ngồi lặng im. Chúng ta đã đi qua biết bao nhiêu buổi sáng trong đời mình, chúng ta đã sống những buổi sáng ấy như thế nào, có lẽ chẳng mấy ai nhìn lại. Hoan hỉ hay trầm tĩnh, reo mừng hay im lặng thì cũng chỉ là trạng thái, cái đáng nói hơn phải chăng là khoảnh khắc - có những khoảnh khắc sẽ trở nên bất tử trong cuộc đời chúng ta, tùy vào cách chúng ta nắm bắt, thâu nhận.
           Cách Vũ Quần Phương nhìn nhận và lí giải mọi sự luôn nhẹ nhàng mà cũng rất sâu xa: mưa nhẹ như ru/ tóc cũng êm ru mà bạc trên đầu. Nhẹ nhàng nhưng không dễ dàng để có được câu thơ như thế. Tuổi tác và chiêm nghiệm cũng chỉ là một cách hiểu. Đó còn là căn tính của người thơ khi nhìn vào một vấn đề và giải mã nó theo cách độc đáo, riêng biệt. Câu thơ đa nghĩa này cũng cho thấy cách nhà thơ nhẹ nhàng đón nhận mọi sự, nhẹ nhàng đi qua thời gian với những vui buồn được mất.
          Chẳng thế mà ta không khỏi giật mình khi gặp câu thơ ông viết như tự nhắc nhủ mình: buồn vui đừng tính vào khôn dại/ say thắng chắc gì hơn biết thua. Câu thơ như phút ngộ ra. Và ta hiểu vì sao, dẫu bao niềm nỗi riêng chung trong thơ thì ta vẫn gặp một Vũ Quần Phương thong dong với thơ, với đời khi đã vào tuổi xưa nay hiếm.
                                                           MAI HƯƠNG giới thiệu và chọn


Hình như

Anh giữ trong mắt anh
gương mặt em hôm ấy

Anh giữ trong nước chảy
dấu chân em lội qua

Anh giữ chút hương xa
mặt đường đầy gió thổi

Làm sao anh giữ nổi
lòng yên
khi gió yên.


Nắng tươi vàng bên cửa

Nắng vàng hanh
cải vàng hoa
vị tết tuổi thơ xa lắc lắc

Ao rau cần cạn nước
tơ sợi cúc tần bay gió se
lá tre khô xào xạc chân tre
thằng bé nào vừa gọi tôi xa tít

Con đường cỏ may trên bờ đê
sông rủ phù sa đi chợ tết

Nắng hanh tươi vàng ngày
trước vẫn tươi vàng bên cửa
bao tốp người đi
không thấy quay về nữa
nắng vàng tươi bên cửa
vẫn đợi người
năm mới
đợi ngày xưa.


Khách hóa chủ nhà

Tán tỉnh thế nào mà cô ấy đến
ngồi chơi một lúc năm mươi năm
và còn ngồi tiếp

Chia nhau niềm vui, chia nước mắt
lặn lội xứ người thương con nhớ nước
bát cơm sớm mai
khuya đêm chén thuốc
người cùng ta mải miết tháng năm dài

Bàn tay chưa nghỉ ngơi
đã trên đầu bạc tóc
chén nước trà đang nghi ngút khói
tay tôi nâng chén nước mời em
chén nước chừng chưa nguội
em chừng vừa nhấp môi
mà sông đã bồi
đã bà ru cháu
bãi hóa đồng dâu
chỗ ta qua sông sông đã nên cầu
em vẫn dáng ngồi tảo tần thuở ấy

Tôi vẫn nghe tiếng ngoài sông nước chảy
khách hóa chủ nhà
em hóa đời tôi.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)