(Đọc tập thơ Một mình với cỏ thi của Văn Đắc, Nxb Hội Nhà văn, 2018)
Đọc Một mình với cỏ thi, Văn Đắc đã đưa tôi trở về với cái làng Triều bên biển Sầm Sơn của ông. Cái làng nuôi nấng ông từ nhỏ đến khi thằng Tới đã lớn bằng sào/ giấy trắng không viết viết vào cát khô để đọc trên cát những gì người thơ viết từ ngày đó đến giờ.
Về làng ông, để thấy trời cửa lạch như một vần thơ cổ. Hay nhỉ, biển thì muôn đời sóng gió phá cách, muôn đời dạt dào cuồng nhiệt hăm hở, mà ông lại thấy ra cái vần thơ cổ của bầu trời trên biển thì rõ là biển sâu, sâu lắm đấy.
Về làng Triều, để nhìn theo cái nhìn của ông mà thấy biển nằm ngang trên vai người dân chài khi vác cà kheo từ biển về nhà. Cái hình ảnh này có chỉ cho người vùng biển mà có khi họ cũng chẳng tin rằng biển đang nằm trên vai của mình. Nhưng tôi sẽ cứ đọc cho họ nghe hết bài thơ của ông để từ nay họ sẽ nhìn biển bao đời quen thuộc bằng một dáng hình mới. Cũng như Ngọn sào cong đang dịch nắng sang chiều thì rõ là mắt ông nhà thơ mới thấy ra được, và sau câu thơ đó từ đây cái nhìn ra biển của nhiều người cũng được dịch theo.
Về làng ông, để ngắm được cái lâu đài của dã tràng cao vợi. Nó không phải cao tự nó, dã tràng xe cát biển Đông mà, nhưng cao bởi có một người đã nằm áp má vào cát nhìn. Người đó dã tràng không biết đâu, nhưng tôi thì tôi biết ông Đắc ạ, người đó là một thi sĩ. Chỉ nòi thi sĩ mới biết cách cúi mình xuống ngang tầm những thấp bé của đời để những thấp bé đó được nâng lên tầm cao vợi của người.
Về làng Triều để tôi được chiêm ngưỡng cái hình em mà ông đã vẽ trên cát trắng mặt người xóa đi cái thực cảnh trên bãi biển người ta xé áo em/ để em thành thô thiển. Thơ luôn gột rửa cho con người niềm cao đẹp, trong sạch, như biển vậy.
Về làng Triều, để ông chỉ tôi thấy nơi đâu trong nhà chứa được cả dãy Trường Sơn và đất nước tôi cũng nằm trong đó/ trái đất quay đúng chỗ tôi ngồi. Câu thơ kích thước vũ trụ này làm tôi giật mình, thấy ông cao lớn vụt lên. Căn nhà ông ở quê trong câu thơ này đã vụt rộng thành trời đất và có thế mới đủ không gian cho tâm hồn thi sĩ của Văn Đắc tung tẩy, bay nhảy. Nhưng trong căn nhà vũ trụ đó ông vẫn là người trần gian. Và một bài thơ hay của Văn Đắc mà tôi thích nhất. Đó là bài thơ ông viết tặng vợ của mình:
Khi anh đang lả tay ra với gió
Thì tay em đang sàng gạo
Khi anh đang nhấp chén trà như nhấp mật ong
Thì mồ hôi em ướt hai đầu vú
Em có ghét anh không
Mà hôm nào em cũng dậy sớm
Rúc vào anh như con chó con.
Đây là một bài thơ hay viết về vợ, tin tôi đi, nó sánh được với rất nhiều những bài thơ về vợ của các đức ông chồng nhà thơ đã viết xưa nay. Tôi ngạc nhiên là ông đã viết được một bài thơ đầy ắp yêu thương tình nghĩa vợ chồng bằng một cách viết hiện đại, rất bạo. Gọi âu yếm vợ bằng tên con vật gần gũi trong nhà như thế trước chỉ có Nguyên Sa Hôm nay Nga buồn như con chó ốm, và giờ là Văn Đắc Rúc vào anh như con chó con. Còn ai nữa không? Mà cũng lạ lùng trùng hợp, bài thơ của Nguyên Sa đầu đề chỉ một chữ “Nga” và của Văn Đắc chỉ một chữ “Vợ”.
Từ làng Triều, tôi muốn cùng Văn Đắc đi lại con đường thơ mà ông đã đi trong hành trình mấy chục năm qua. Thời chiến tranh, con đường ra trận bị đạn bom cày nát và những cô gái làm đường gian lao, dũng cảm là một đề tài đã được viết nhiều đến thành quen thuộc. Bản thân ông khi viết về đề tài này từ những năm bảy mươi thế kỉ trước cũng đã thấy đó là “một điều thật khó”. Nhưng rồi ông đã biết mở lối con đường thơ của mình từ một lòng ao cô gái mở đường giặt áo và cất tiếng hát. Lúc áo giặt là lúc áo nghỉ/ Em vắt khô/ Đặt ngang lá cỏ/ Một con đường/ Để em hát riêng em. Khéo lắm ông Đắc ạ, chọn một nhát cắt, một khoảnh khắc tĩnh tại, một buổi chiều lạ trong thời chiến biến động làm điểm tựa cho bài thơ đứng được. Câu thơ ngắt nhịp vừa mô tả động tác vừa giữ gìn khoảnh khắc. Tiếng hát thả cánh chim vào con đường và bài thơ dừng lại cho cánh chim bay mãi theo năm tháng, vượt qua tính thời sự của đề tài, vượt qua mốc thời gian cụ thể, để còn ngân dài với đời người.
Một mình với cỏ thi, Văn Đắc trong tôi là thi sĩ viết thơ trên cát. Ông đã từ cát luyện thành thủy tinh thơ mình, long lanh. Sau một đời mải miết đi tìm Cỏ Thi trong đời và trong thơ, tôi nghĩ ông đã tự họa cho mình một bức chân dung mang dáng dấp của một lão triết nhân già làng rất được - Không đi xa để ngồi chơi một mình.
PHẠM XUÂN NGUYÊN chọn và giới thiệu
Đi tìm câu tục ngữ của dòng sông
Câu tục ngữ bao giờ ai đó bỏ quên
tôi nhặt được trong túp lều cuối bãi
nghe đã rõ mà lòng còn muốn hỏi
ngọn sào cong đang dịch nắng sang chiều
Đăm đăm nhìn câu tục ngữ tôi theo
thấy thấp thoáng cây chờ và lá đợi
chân trời biển như lợp toàn ngói mới
hai triền sông cửa mở đón tôi vào
Tôi lần theo câu tục ngữ mời chào
chân thụt bùn hoa, tay mò trong cỏ
câu tục ngữ chừng hóa con thuyền nhỏ
đưa tôi về gặp lại tuổi thơ tôi
Câu tục ngữ xưa mà làng đã nay rồi
đời lại đẻ ra nhiều câu mới nữa
tôi muốn hát một lời gì nhỏ nhẹ
như là câu tục ngữ thế này thôi
Tôi đã về, trời nước của sông ơi
sương khói mơ hồ như tranh vẽ
chiều có lẽ là chiều trong tục ngữ
con sông thầm tìm đến rạng đông
Sau câu tục ngữ này là biển là sông.
Tâm sự với con đường
Chúng tôi dừng xe trên đèo Hải Vân
nơi sóng biển đang thì thầm với đá
nơi cát trắng ùn lên nỗi nhớ
đường miền Trung gấp khúc bánh xe lăn
Chừng ở đây mây chia đến bốn bề
biển chia sóng cho bến bờ đất nước
đứng giữa thiên nhiên như mời như hát
lá cỏ bên đường cũng lả xuống bàn tay
Vết tích con đường đi qua chiến tranh
còn hun hút hai bên làng Quảng Trị
rừng với suối, núi với đồng gặp bể
một dải trời trong mắt quá mênh mông
Một chút chạnh lòng gặp cảnh Đèo Ngang
đừng nói đó là nỗi buồn hoài cổ
ta không thể để lòng ta bé nhỏ
khi con đường rộng mở dưới chân đi.
Làng biển
Làng ở đây là phố không vỉa hè
sân biển rộng sớm chiều vỗ sóng
đời là thật đất là xứ mộng
đêm thuyền câu, ngày thuyền hóa con đò
Biển cách sông trở một cánh buồm qua
chiều ra bể, sáng đã về quét ngõ
rượu mới nhấp, đầu đã say ngọn gió
một tiếng gà gáy nhớ khơi xa
Ở ít ngày lòng đã giục chân đi
trời cửa lạch như một vần thơ cổ
tôi đâu nghĩ giữa nơi đầy sóng gió
một câu Kiều sáng sớm đã sang sông.
VNQD