VNQĐ giới thiệu: Thơ Vương Huy

Thứ Năm, 22/04/2021 16:30

VƯƠNG HUY
Tên thật: Nguyễn Vương Huy
Năm sinh: 1974
Quê quán: Thị xã Cai Lậy, Tiền Giang
Tác phẩm đã xuất bản:
Chiếc bóng trong mưa (thơ, Nxb Văn nghệ 2006)
Lửa sâu cõi đá (thơ, Nxb Hội Nhà văn 2015, tái bản 2020)
Dụ ngôn người cô độc (trường ca, Nxb Văn hoá-Văn nghệ 2019)

“Thơ chính là thân phận. Sau hết, cái đọng lại của mỗi bài thơ là chất muối của tâm hồn, chất muối của đời sống. Mà muốn có chất muối ấy, thì chỉ có nhìn sâu vào thân phận mình cùng những trải nghiệm tâm hồn trong đời sống muôn mặt. Thơ không giải đáp, thơ chỉ gợi ra vấn đề. Mà vấn đề có lớn hay không, có gần gũi với hồn người hay không là do sự cộng thông giữa nhà thơ và thời đại, giữa nhà thơ và tâm lí con người. Nguyễn Du đã rất đúng khi viết: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Ở đây, trong thơ, ta thấy: Cái tâm cũng chính là cái tài. Cái tâm càng lớn thì cái tài càng lớn. Và ngược lại”.


Trong tĩnh lặng

Trên bức tường mỏi mệt
Tôi treo lên chiếc bóng của mình
Trong im lặng
Trong cỏ và mặt trời
Trong tiếng động
Tôi chỉ còn tôi
Với ánh sáng niềm vui lãnh đạm
Với tiếng đàn của một cây đàn không dây

Nơi căn phòng lang thang ấy
Mỗi khi buồn
Tôi thường nhóm lên một ngọn lửa nhỏ nhoi
Và lặng im
Nhìn nó
Cháy

Tôi tìm thấy gì
Giữa rơm rạ và mây trời
Một dòng sông bay đi mãi mãi
Tôi còn gì
Mặt trời buổi sáng đầu xuân lấp lánh
Những con chim
Hót trên những lối mòn trôi đi bất tận
Như khói
Trong ánh sáng của hoa
Trong màu của gió
Nhưng tôi cúi xuống nhận ra màu của đá

Nói được gì
Khi một giọt nước lăn trên bức tường thinh lặng.

Khung cửa tím

Bước ra từ khung cửa nào
Chậm rãi về khung cửa khác phía xa
Chậm rãi hay vội vã
Sớm muộn gì cũng chạm cửa mà thôi

Biết đâu sau khung cửa ấy là quê nhà
Nơi ta có thể ngả lưng tan dần rệu rã
Rồi ngủ quên trong sự xanh rì
Nơi ta có thể hát lời câm cùng dế
Nơi ta có thể thấy mình trong giun

Một căn phòng ngầm
Nơi ta rã người những suy tưởng đen

Chỉ một tiếng rít khô đủ khép lại con đường
Con đường mọc lô nhô những cái nhìn
Con đường làm bằng những hơi thở nối vào nhau ngút ngát
Con đường với mặt trời treo lên ngày mặt trăng móc vào đêm
Ta bước đi với một bánh xe quay tít trong đầu

Khung cửa thoáng hiện dần cuối con dốc mù sương
Một khung cửa tím
Bậc thềm đầy những dấu chân người đến trước
Bậc thềm đầy những hơi thở rụng vàng như lá

Có một ngày em sẽ gặp lại tôi trong nắng
Tôi sẽ về đậu lại ngón tay em
Tôi sẽ về thăm lại sợi tóc em
Không nói được
Chỉ vỗ hoài đôi cánh trắng.


Ba đoản khúc tìm thấy

1.
Một người nằm mơ trong sương mù
Hay chính những giấc mơ của hắn bay lên thành sương mù

Một người ngồi im trong sương mù
Sự tỉnh thức của sương mù đầy hắn hay sự tỉnh thức của hắn đầy sương mù

Một người đi trong sương mù
Chỉ còn một đóa hoa dại biết được những bước chân của hắn trôi về đâu.

2.
Im lặng

Trong vùng trời tro xám
Tôi tìm thấy lại những vì sao
Đã bay thoát vòm đen khốn đốn
Tự tìm thấy lại trò chơi độc sáng
Riêng mình

3.
Em đắm chìm trong mấy mét vuông huyễn mộng
Mơ về thế giới tranh
Tôi đắm chìm trong tay gió xác xơ
Trong tay nắng
Ngờm ngợp ngày xanh
Phố xá ban mai chìm đắm trong mối buồn
Đám tang trinh nữ
Và vỉa hè chìm đắm những linh hồn rượu
Bơi bằng nụ cười lơ mơ trên sắc màu gãy đổ
Và cuối đường ánh sáng nhanh
Tia chớp mộng mơ ngày cũ
Cuối đường tro than.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)