(Đọc Lục bát mỗi ngày của Đặng Vương Hưng, Nxb Văn học, 2021)
Nhà thơ Việt Nam, dù anh đang sống ở đô thị phồn hoa, hay chân trời góc bể, dù anh đang sáng tác thơ bằng phương pháp, trường phái nào thì khi chuyển hướng sang viết lục bát, ta sẽ thấy ngay lập tức ở đó cái cội phần sinh/tử nhà quê thức dậy mạnh mẽ. Bởi vậy, có thể khẳng định thể thơ lục bát là một chứng chỉ tâm hồn, nghệ thuật thi ca của người quê Việt Nam.
Theo dõi thơ lục bát trong những năm gần đây, bạn đọc sẽ thấy có một người thơ luôn chuyên chú với “chứng chỉ tâm hồn” này là nhà thơ Đặng Vương Hưng. Tên tuổi Đặng Vương Hưng cũng từng được bạn đọc biết đến rộng rãi qua nhiều tập sách “đình đám” như: Những lá thư thời chiến Việt Nam; Mãi mãi tuổi hai mươi; Đa tài và đa tình… Nhưng, có lẽ thơ lục bát vẫn để lại trong anh nhiều tâm huyết nhất. Tâm huyết không chỉ với việc anh đã đứng ra sáng lập trang Web “Lục bát Việt Nam”, tổ chức ra các chương trình “Lễ hội thơ lục bát”,“Cuộc thi thơ lục bát Tổ quốc và Đạo pháp”, “Hội thảo thơ lục bát và văn hóa Việt”, mà mới nhất Đặng Vương Hưng đã cho ra đời tập thơ Lục bát mỗi ngày - một tập thơ bề thế với 942 bài thơ có độ dày lên tới 1248 trang.
Điều dễ nhận thấy trong tập này là tác giả tập trung nhiều vào hai đối tượng Người quê và Người lính. Và dù viết về đề tài, vấn đề, sự kiện gì, diễn ra ở quê hay phố, rừng hay biển, trời Á hay đất Âu thì lục bát Đặng Vương Hưng vẫn chuyên chú thuần chất một giọng quê, tình quê. Ngay ở tên đề mục với anh cũng là Về quê nhặt cỏ hái rau, tên bài thơ cũng phải là Về quê lại muốn đi cày, Phố nhà quê, Thôn nữ phố…, kể cả khi viết về người lính ở đảo xa rừng sâu thì cốt giọng nhà quê ấy vẫn xuyên suốt, sâu đậm: Những chàng lính trẻ, lính già/ Giống nhau ở nỗi nhớ nhà đấy thôi/ Điếu thuốc chia đều từng hơi/ Bàn tay ấm chẳng muốn rời nhau đâu (Viết cho em từ biên giới). Thể hiện chất quê, giọng quê không chỉ để anh phi lộ hay giãi bày tình/ cảnh của người nhà quê mà sâu xa hơn thế là tầm vóc, là căn tính, là những biểu trưng về văn hóa làng quê với cây đa, bến nước, sân đình, với ông bụt bà tiên, chàng tễu, anh bờm, với cái đẹp, cái xấu của những Lý Thông, Thạch Sanh, Tấm Cám, Chí Phèo, Tám Bính... để những câu chuyện ấy, những giấc mơ ấy ngày càng đến gần hơn tâm hồn người Việt: Làm sao cổ tích tiếng đàn/ Cho mùa yêu đến ngập tràn niềm vui (Cổ tích).
Sự tập thành đa tầng, đa diện, đậm màu sắc văn hóa như vậy, có thể nói, lục bát Đặng Vương Hưng đã tạo cho riêng mình một dấu ấn về giọng quê người quê trong thơ anh.
ĐỖ TRỌNG KHƠI giới thiệu và chọn
Lễ thả hoa ở biển Đông
Này vòng hoa trắng tinh khôi
Này bông hoa cúc còn tươi nắng vàng
Tâm nhang kính cẩn xếp hàng
Xin biển xanh hãy nhẹ nhàng nhận cho
Nơi đây đảo rất xa bờ
Những hồn lính biển bây giờ ở đâu?
Hải âu bay, sóng bạc đầu
Cuối trời quê mẹ trắng màu mây giăng
Trời cao ơi! Có nghe chăng?
Biển sâu ơi! Hãy nhớ rằng đảo xa
Những linh hồn lính Gạc Ma
Ngàn năm hát mãi bài ca biển trời…
Viết cho em từ biên giới
Ở nơi đầu núi đầu sông
Lá thư đến bọn anh mong đứng ngồi
Ở nơi cuối đất cùng trời
Cái thương cái nhớ hóa lời tình ca
Ở nơi mây gió giao hòa
Giọt mưa rơi xuống sẽ là của chung
Ngổn ngang núi, bạt ngàn rừng
Cái nhìn tưởng đến vô cùng bao la
Những chàng lính trẻ, lính già
Giống nhau ở nỗi nhớ nhà đấy thôi
Điếu thuốc chia đều từng hơi
Bàn tay ấm chẳng muốn rời nhau đâu
Chỉ thương cái áo bạc màu
Và cây súng phải dãi dầu nắng sương
Vô tình thôi cũng vấn vương
Để người cứ nhớ cứ thương nhau hoài
Phiên gác thức với đêm dài
Thời gian trôi chậm gấp hai ở nhà
Nơi đây thèm cả tiếng gà
Nằm mơ trẻ khóc, mẹ à ơi ru…
Dáng núi hiền như mùa thu
Lắng nghe thấy được tâm tư lòng người
Là khi nghiêng ngả tiếng cười
Nỗi buồn đi trốn, niềm vui ùa về!
Về quê nhặt cỏ hái rau
Về quê nhặt cỏ hái rau
Ra đồng nhổ mạ dắt trâu đi cày
Nắng mưa vẫn tháng năm này
Áo nâu vẫn mặc, võng đay vẫn nằm
Qua thời dệt lụa chăn tằm
Bãi dâu xanh cũng bớt đằm thắm đi
Mùa về theo cánh chim ri
Sáo diều trầm bổng thầm thì hồn quê
Em cười tươi lắm người mê
Cho anh ghen giữa bộn bề rạ rơm…
VNQD