Thị trấn ở lại

Thứ Năm, 22/05/2025 00:02

. HỒ THỊ LINH XUÂN
 

Nhắm mắt lại mở mắt ra trời đã sáng bạch. Chiếc xe khách đỗ xịch bằng một cú thật sốc như để đánh thức những ai còn ngà ngật sau chặng đường dài. Gã tài xế miệng rộng mắt nhỏ đầu húi cua, nhớ ngày trước rất hay kể chuyện tiếu lâm, bây giờ dù có hơi bơ phờ vì phải chong mắt cầm vô lăng suốt bốn tiếng đồng hồ từ khuya vẫn tỉnh táo nở nụ cười để lộ hàm răng ám khói thuốc vàng xỉn.

Minh họa: Lê Anh Vân

“Xin mời mấy cô dì chú bác. Thị trấn Chà Ban kính chào kính chào”.

Gã cất giọng oai oái. Ai nấy uể oải lục tục xuống xe. Thùy cố nán lại thêm một chút chờ dòng người tản bớt. Qua ô kính ướt thấy sương đêm lúc này đã tan đi, thị trấn hiện ra không nhộn nhạo như một trung tâm huyện thường thấy mà lặng lờ cái nhịp sống chậm rãi, đều đều. Ngay như khu vực bến xe, người ta vẫn nhẩn nha, ai nấy quen mặt nên bâng quơ vài câu tán dóc. Ngước lên mây trắng trời trong, những người đàn ông rất hay theo dõi thời tiết bảo nhau: “Bữa nay thể nào cũng nắng tét rèm”.

Cái nắng hừng hực lúc nào cũng chực chờ đổ lửa xuống rẻo đất nhỏ miền biên tái này Thùy đâu còn lạ gì. Nắng làm cho những vết cứa trên mặt người như dày và sâu thêm. Nắng khiến tuổi thọ của những ngôi nhà sàn đứng tênh hênh bên dòng kênh đỏ lềnh như rút ngắn lại. Những ai chưa từng rời khỏi thị trấn sẽ thấy đất trời chỉ có hai mùa mà mùa khô bao giờ cũng dài hơn. Nóng như nung tưởng có thể khiến chiếc lá nâu vừa lìa cành đã rôm rốp giòn chỉ cần đưa tay ra bóp là nát vụn. Mùa nước ngắn nhưng bốn bề sóng sánh, ngập linh binh. Đêm đêm, gió thông thốc chạy bỡn nhau trên đồng trống thổi cái lạnh rùng mình mặc kệ đám côn trùng và ếch nhái kêu than buồn đến nỗi những người già tỉ tê chỉ cần nghe thêm mấy giọt đàn bầu ai nấy sẽ khóc.

Nhưng đận đó Thùy rời đi đâu phải vì đất buồn.

Gã tài xế đứng vặn mình mấy cái như màn khởi động đầu ngày. Nhận ra vẫn còn khách trên xe, gã thò đầu ngó nghiêng: “Có ngủ thêm được chút nào không người đẹp?” Cô gượng một nụ cười thay cho lời chào. Gã tài xế ngơ ngác một lúc, lầm bầm: “Ai quen nhỉ”. Nhận ra Thùy, gã gần như reo lên: “À, đi thăm người yêu phải không? Chà, cũng hơi lâu rồi nhỉ, gặp mình là nhớ chết.”

Hồi trước, cứ cuối tuần mỗi nửa tháng là Thùy bắt đúng chuyến xe này, duy nhất và sớm nhất từ nơi mình sống chạy thẳng về Chà Ban. Gã tài xế gọi cô là bà hoàng say xe, đặc cách dành riêng chỗ ngồi ngang ghế lái. Những cô gái trẻ và nhất là khi có chút nhan sắc bao giờ cũng mời gọi những lời trêu ghẹo, bông đùa. Họ trò chuyện nhấm nhẳng suốt dọc đường, về đủ thứ. Khi xe gần tới bãi đỗ, đi qua đoàn người rầm rập chạy, gã bảo: “Cái thị trấn hai vạn đàn ông thì đã có đến một nửa là lính hoặc từng là lính mũ nồi”.

Hồi trước, mỗi lần về thị trấn bao giờ Thùy cũng thấy Khiêm sẵn đón từ xa. Chỉ cần xe vừa thắng kít cô sẽ lập tức mở cửa lao xuống. Đôi chân của nỗi nhớ chạy vụt như tên bắn, đôi tay siết chặt cái ôm, và đôi môi nồng nã nụ hôn. Dù biết Thùy nhiều năm sinh sống ở nước ngoài, ảnh hưởng lối sống Tây phương, Khiêm vẫn nghiêm mặt: “Em không biết xấu hổ à, cô bé?” Gã tài xế lúc đó cũng nhảy phốc khỏi ca bin, nhìn cô gái trẻ hồn nhiên nũng nịu bày tỏ tình cảm, quay sang Khiêm nháy mắt: “Giờ lệch nhau nhiều tuổi đang là mốt, chúc người anh em những ngày tốt lành”.

Bây giờ người tài xế vẫn vậy, dù mắt Khiêm đang xoáy thẳng về phía Thùy gã vẫn đưa tay vẫy: “Ở đây, ở đây”. Thùy từ tốn xốc túi hành lí mọn lên vai, từng cơn sóng ngổn ngang vẫn từng khắc cộn lên trong lồng ngực. Khiêm bước tới đỡ cô xuống từ bậc xe, hỏi: “Có mệt không?” Thùy sượng sùng lắc đầu. Mắt chẳng dám nhìn thẳng mắt. Dường như lời đã bỏ cô đi kể từ khi rời khỏi thị trấn lần cuối cùng. Đã từng là tất cả nhung nhớ, bây giờ Thùy sợ phải xoay người ngước lên và bắt gặp ánh mắt thăm thẳm như đáy vực của Khiêm. Sợ khoảng trống mênh mông ở đó sẽ thiêu đốt mình khó chịu hơn cả những con nắng khô khốc kéo dài của thị trấn suốt bảy tám tháng trời cộng lại.

Rút cuộc, họ im lặng, kẻ trước người sau hướng về núi Do. Không còn thì giờ cho sự nghỉ ngơi, bởi thời gian của người cần gặp chỉ còn đếm ngược từng phút…

Nhưng dù vội cũng chẳng thể nhanh.

Sau một đêm mưa, dẫu mặt trời đã chói loà mắt, đường lên núi vẫn trơn nhẫy như da lươn. Thâm u và lạnh. Thiếu nắng phơi rêu, những tảng đá lớn nhỏ lổn nhổn hoá xanh. Không gian tuyệt nhiên yên tĩnh khiến chiếc bóng của hai con người càng thêm đơn độc.

Càng lên cao càng không thấy bóng đâu. Đường mòn đôi chỗ mất dấu bởi cỏ rối và dây leo, chung quanh tối sẫm bởi nhiều tán che rậm rịt. Có đoạn vài con nhện giăng tơ vẫn còn nguyên mạng hệt trận đồ bát quái. Vẻ như đã lâu chẳng còn ai ngược núi theo lối này…

Ngày trước những đoàn hành hương vẫn thường tới đây, dập dìu cả đêm lẫn ngày. Từ nửa khuya đã có tiếng rầm rì, người nối người kéo nhau lục tục bộ hành lên đỉnh Bồ Hạc. Ở đó có một ngôi chùa cổ vách bện cỏ bàng mái lợp lá buông. Thềm sà la lạy Phật là thảm đá nhẵn trải chiếu bông bốn mùa nhìn lên chánh điện tuy sơ sài nhưng bao giờ cũng khói hương nghi ngút.

Người ta bảo bây giờ Phật đã rời đi, đến toạ ở một ngọn núi khác. Cuộc sống dần khấm khá, tín chúng xây những tòa bảo tháp nguy nga để tiếp rước, những ngôi chùa với mái tam quan bằng ngói trúc cao sừng sững dưới vòm cẩn phù điêu là những vị thần. Sang trọng và trang nghiêm, người ta xẻ núi đốn rừng làm đường để xe lớn xe nhỏ dễ dàng tiếp cận. Số ít người vẫn còn đến núi Do chủ yếu là để hái thuốc hoặc tham gia vào chuyến du lịch đi bộ đường dài mạo hiểm có người am hiểu dẫn đường.

Một phần của sự quạnh quẽ còn bởi vì rắn không biết từ đâu tụ về sinh sôi. Nào rắn hổ, chàm quạp, lục đuôi đỏ đầu dồ…, cứ đến mùa mưa là cuộc gia tăng dân số càng lớn. Toàn rắn độc, cũng đã nhiều người bỏ mạng như không. Ngoài những vị hạnh tu hoặc kẻ sĩ lánh đời, không còn mấy người qua lại, tới lui. Người ta vừa có ý dè chừng vì độ hiểm nguy vừa kính cẩn tôn thờ không dám xúc phạm.

Đã cuối mùa mưa, rắn non nở đã bằng đầu đũa tản bò lúc nhúc. Trước khi vào rừng Thùy đã vẩy lên người cả hai mấy giọt dầu sả, bài thuốc đuổi rắn của người đàn ông sống đơn độc giữa lòng núi...

*

*          *

Thùy gặp ông già trong một hoàn cảnh chẳng lấy gì làm vui vẻ. Đận đó Thùy vừa bỏ hết tất cả từ việc học hành đến tương lai sự nghiệp ở quốc gia có chỉ số hạnh phúc nhất nhì thế giới để về Việt Nam. Cô đã xách ba lô ra khỏi nhà sau cú tát như trời giáng của cha, kèm câu gằn: “Sướng không biết hưởng. Không có tiền đồ. Có giỏi thì mày đừng bao giờ về cái nhà này nữa”. Mẹ ngậm ngùi đuổi theo Thùy tận bến xe.

Nhớ lại khi cô vừa xong tiểu học, cha đã tách mẹ khỏi trách nhiệm dạy con. Cha đặt đôi bàn tay to lớn lên vai dặn dò: “Con phải sang bên kia mà tiếp thu nền giáo dục ưu việt. Gắng lấy tấm bằng tiến sĩ kinh tế ngoại quốc cha dễ gửi gắm con vào chỗ đàng hoàng”. Muộn mằn cha mới có được mỗi Thùy, ông nói: “Tất cả những gì cha làm đều là vì con”. Mẹ vẫn sụt sịt không dứt. Cha nạt: “Ủy mị sướt mướt chẳng ra cái thể thống gì. Thế giới này không cần nhiều nước mắt đến vậy”. Mẹ nấc lên: “Anh là kẻ máu lạnh vô tình”. Cha bảo: “Cứng rắn mới làm đại sự được”. Răng mẹ cắn môi tưởng sắp bật máu: “Nhưng tôi chỉ có duy nhất một đứa con. Nó còn nhỏ như vậy mà”. Cha khoát tay: “Tưởng gì. Đã sắp xếp đâu đó xong xuôi”. Từ mua nhà, thuê một người giúp việc tin cậy cho đến chọn trường, ngoài học ra, Thùy chẳng phải động tay làm gì cả. Chỉ là cha chưa từng hỏi qua xem Thùy thực sự muốn gì.

Cũng như mẹ thích làm thợ cắt tóc, cha bảo: “Vợ quan trưởng một huyện mà xuất đầu lộ diện lụm bạc cắc, ai coi?” Về sau mẹ muốn học nghề mở tiệm mát-xa, cha dậm chân: “Trong cơ cấu tôi sẽ về tỉnh, thứ nghề này ảnh hưởng thanh danh tôi lắm. Đừng có cãi”. Ông bà ngoại cũng gật đầu đồng tình. Lớn lên, có lần Thùy hỏi sao mình không phản kháng, vẻ mặt mẹ cam chịu: “Cho yên ổn con à”. Thùy bảo: “Vậy là đồng lõa cho sự thao túng”.

Sau này khi sự nghiệp cha lên như diều gặp gió mẹ dần quen với cuộc sống của một quý phu nhân. Khéo léo và ra dáng. Thỉnh thoảng mẹ nhắc tên một vài người thuộc họ hàng bên ngoại để cha tiện nhớ mà cất nhắc trong những kì họp hành. Bất giác Thùy nhớ đến Shashi, cậu bạn thân người Ấn cùng lớp. Cậu vẫn bám trụ lại xứ sở chuột túi dù thường bị hành hung, kiệt sức và mắc hội chứng sợ hãi khi đối mặt giá sinh hoạt và học phí đắt đỏ vẫn không dám buông xuôi vì đã trót sang đây bằng số tiền dùng làm của hồi môn cho hai người chị gái đang mỗi ngày già đi chỉ biết trông chờ một ngày cậu thành đạt và tất cả sẽ thay đổi. Shashi bảo: “Nếu cậu ăn kẹo của người khác thì không thể sống cuộc đời mình”. Sau này trong thư tuyệt mệnh, Shashi viết: “Đất nước này khiến người giàu hạnh phúc còn kẻ nghèo thì thật cô đơn”.

Thùy gỡ bàn tay mẹ, lặp lại câu nói của Shashi: “Mẹ đã ăn kẹo người ta cho thì không thể có tiếng nói của mình được”. Thuỳ bảo mình không muốn tiếp tục như vậy nữa rồi bước lên xe khách vẫn rền máy nán chờ…

Thùy đến miền xa xôi biên giới Chà Ban. Gặp cơ sở chữa bệnh cho người nghèo miễn phí bằng liệu pháp đông y, cô xin vào phơi thuốc. Người lương y phụ trách có gương mặt hồng hào, hàm râu trắng dài quắc thước, bảo: “Thuốc tây đa phần chỉ giúp xoa dịu triệu chứng, chúng ta phải quay về với sự điều trị tận gốc căn cơ. Nhưng đó bao giờ cũng là hành trình dài”.

Ngay lần đầu theo chân nhóm tình nguyện lên núi Do hái thuốc, Thùy bị lạc khi mải đuổi theo con cự đà xanh. Con địa long với đôi mắt đỏ ngầu cứ cách chốc lại ngoái nhìn như muốn dẫn Thùy đến một nơi nào đó. Bây giờ nhớ lại Thùy không chắc mình có nhìn nhầm không. Nhưng cú té thì có thật. Cô vấp vào đá trơn ngã và bị con rắn xanh vác bụng lặc lè phập vào bắp chân. Trong khoảnh khắc, đầu óc Thùy bắt đầu châng lâng, nhìn xung quanh hết thảy đều mờ ảo. Sau đó có tiếng động và một bóng người nhòe nhoẹt bước tới gần bên. Trong phần ý thức tỉnh táo, cô nhận ra kẻ ấy đang tháo chiếc lắc ở cổ chân, sau đó là cảm giác bị cột chặt. Cái bóng vụt đầu xuống, Thùy cố vùng vẫy nhưng hoàn toàn không có sức và nước mắt tự nhiên chảy dài. Kẻ ấy cúi xuống và ngẩng lên phun cái gì đó ra ngoài vài lần nữa thì Thùy tỉnh dần, mắt nhìn thẳng phía trước là người đàn ông không có mặt phải. Cái mảng thịt cháy gồ như đá dăm, biến dạng, một con mắt thụt sâu thành hố đen. Miệng ông già ngập máu. Đám cỏ xanh bên cạnh đỏ bầm.

Thấy Thùy cựa quậy, ông già nói tỉnh như không: “Muốn sống thì đừng động đậy”. Hất mặt về phía xác con rắn lục đầu dồ cùng đám con non còn đang ngắc ngoải, ông già bảo: “Có biết cái chết bắt đầu cho sự sống là gì không? Lớn nhanh đẻ dữ, nhưng đẻ xong thì rắn mẹ ngoẻo. Độc chết người”.

Thè lưỡi liếm máu còn đọng lại trên chỗ rắn cắn, ông già nhai thứ gì đó đắp lên vết thương. Thùy rùng mình khi nhìn thấy chiếc lưỡi. Một màu đen xám như chì.

Trời đương nắng phút chốc ngả dần về chiều. Khi lượm những đồ vật tư trang của Thùy bị văng ra trong lúc ngã, ông già nhíu mày khi nhìn thấy một bức ảnh. Đó là bức ảnh gia đình khi cô còn nhỏ, vẫn luôn mang theo người từ khi ông nội qua đời.

“Quen sao với ông hai Mành?”, chợt ông già hỏi.

Thùy có phần bất ngờ: “Ông biết ông nội con?”

Giọng ông già lạnh như băng: “Cần phải uống một loại thuốc nữa trong ba ngày, bây giờ cô chưa thể xuống núi”.

Đó là thứ thuốc tanh lợm khiến Thùy nôn thốc khi vừa ngửi thấy. “Là gì vậy?”, Thuỳ hỏi. Ông già bảo: “Thứ độc hơn nọc độc của rắn lục đầu dồ”.

Ông già sống giữa rừng thiên tuế trong ngôi nhà lá buông đơn sơ, trước sân phơi đầy thuốc nam. Bạn ông chỉ có con cự đà xanh hay nằm ễnh trên bàn đá mà mỗi chiều ông già cùng một người nữa tên Hà từ nơi nào đó tới ngồi đánh cờ và trò chuyện. Người đó trạc tuổi ông già, mất một cánh tay và cụt một bên chân. Thùy buồn chán chẳng biết làm gì, chiếc điện thoại đời mới mang về từ nước ngoài cũng đã tắt ngóm. Trên vách có cây đàn bầu nhưng Thùy chịu thứ này. Cô ngồi xuống chõng tre trải manh chiếu cũ thấy ngay đầu giường là một quyển sổ. Tưởng sách cổ, Thùy mở ra xem. Biết không phải nhưng như có điều gì thúc giục không ngăn lại được…

 

Minh họa: Lê Anh Vân

Ngày…

Vừa qua khỏi biên giới thôi mà đã nhớ em vô cùng. Dù mình chưa có một nghi lễ chính thức nhưng em với anh đã là ước hẹn. Em ở nhà mạnh giỏi. Những ngày chúng mình đã có anh luôn mang theo cùng.

Ngày…

Đạn pháo ngày đêm ràn rạt. Cũng chưa biết như thế nào. Tụi anh đã tham gia trận đánh đầu tiên. Thương vong nhiều lắm. Chiều nay cáng thương về trạm phẫu mà mưa xối đường đi. Máu lẫn cùng bùn.

Ngày…

Tụi anh bị phục kích, mười thằng rụng năm. Anh Phương con dì tư Sẫm xóm Me nằm trong số. Lúc ngã xuống ngực ảnh găm đầy mảnh...

Ngày…

Rừng khộp mùa khô nóng như nung. 12 ly 7 và đại liên ì chéo. Đá núi Oudong còn rách da. Anh bị sốt rét vừa mới hết. Hôm đứa giao liên đi nhận thuốc, bị súng bắn tỉa nả phọt óc không về được anh cũng tưởng đâu mình tiêu rồi.

Ngày…

Địa hình không thuận nên đợi êm tụi anh mới vào trận địa lấy xác đồng đội về. Bữa nay mấy quả mìn nổ cùng mấy thi hài, tụi nó mập thù lù như trứng ong vò vẽ bò lúc nhúc. Chiều nay anh không ăn nổi cơm.

Ngày…

Pháo kích. Toàn lửa là lửa. Khét lẹt. Anh ngã xuống và tưởng thế là hết. Khi tỉnh lại trong một hang đá, kẻ phát hiện anh còn sống mang về cứu chữa bảo anh bị mảnh đạn cối găm hỏng mắt phải, một bên mặt bỏng nát, cả người nát bấy. Anh không dám nhìn mình dưới làn nước trong, anh sợ mình sẽ đánh chết con quỷ trong đó…

Ngày…

Anh Hà cùng đơn vị khuyên anh về tìm em. Ảnh bị mìn cắt cụt một tay. Lúc dưỡng thương trong rừng bị rắn độc cắn nhiễm trùng, một bên chân tháo khớp. Giá lúc đó có anh ở cùng dùng lưỡi đen hút máu độc chắc ảnh không sao. Gia đình chết hết hồi bên đó tràn qua, giờ ảnh một mình đơn độc. Đợt người ta đưa giấy báo tử về chắc em sốc lắm. Giờ biết em đã chồng con đàng hoàng anh cũng mừng. Bữa anh che mặt ghé, đứa con trai lớn em nói “cha mẹ con đưa hai em đi nhà thương”. Anh nhét vào tay nó số tiền anh có suốt mấy năm đánh nhau, bảo của người bà con xa tên Bính trả nợ để nó nhận. Thằng nhỏ coi bảnh trai mà đèo đẹt quá, anh quên hỏi nó bao nhiêu tuổi chừng về trên này mới nhớ ra...

Ngày…

Anh tìm về ngôi nhà xưa, nơi anh từ một đứa trẻ mồ côi phiêu dạt được cha mẹ nhận nuôi thành người. Hỏi ra hàng xóm bảo mẹ đã mất, cha đau ốm liên miên. Anh vừa đến cổng thì gặp người em cùng lớn lên dưới một mái nhà đi ra, người đã nhiều lần thình lình hét vào tai anh là đồ con hoang con nhận, con của kẻ giết người đĩ điếm ngay từ lúc bé nhưng anh chẳng chấp. Giờ gặp, hắn hỏi anh là ai, đi đâu. Anh xưng tên, hắn cố tình không nhận ra. Chửi thề đù má, bảo có người anh nuôi như thế nhưng chết ngỏm rồi, chết trong lí lịch của hắn lẫn kí ức của gia đình này...

*

*          *

Xế trưa ngày thứ ba ông già đưa Thùy ra lối mòn, ông bảo: “Họ nhờ trinh sát và bộ binh của sư đoàn dưới núi tìm cô từ sáng nay”. Thời gian ở lại cũng đủ để cô trích ngang lí lịch với ân nhân về quê quán và công việc. Biết cô làm ở cơ sở chữa bệnh, ông già đưa cho túi thuốc, dặn: “Mang xuống núi cho ông Hai Hèo”. Trước khi quay đi, ông già bảo: “Đừng kể với bất kì ai về lão già này, đó là cách duy nhất để trả ơn cứu mạng”.

Đi cà nhắc trên đường mòn một đoạn ngắn thì Thùy gặp Khiêm. Ngay từ cái nhìn đầu tiên cô lập tức bị anh cuốn hút. Từ dáng vẻ cao ráo rắn rỏi đến gương mặt thanh tú bởi đôi mắt sâu cánh mũi thẳng, gần như không có điểm trừ…

*

*          *

Bây giờ Khiêm vẫn ở phía sau. Họ lại cố giữ một khoảng cách mà trước đây không phải thế. Thùy nhớ mãi những ngày Khiêm cõng mình trên lưng trong buổi chiều đi hái thuốc từ trên núi trở về. Nếu hôm nào quá trễ, họ tạt vào ngôi nhà giữa lưng chừng núi vẫn hay cho khách hành hương hoặc lỡ đường thuê nghỉ tạm. Những buổi hừng đông Do sơn bốn bề sương phủ, cô gái tựa đầu vào vai chàng trai xem mây tan dần để đón mặt trời lên. Những ngày hè trời trong mặt nước như gương, đôi trai gái cùng bơi xuồng đi ngắm sen nở. Khiêm bảo: “Đất Chà Ban đầy máu mà sen nơi đây thì thơm đến vô cùng”.

Anh cũng vài lần đưa cô vào thăm sư đoàn anh công tác, nơi cách bến xe hồi sáng này chừng vài chục bước chân. Thùy bối rối: “Em vào được không?” Khiêm xoa đầu Thùy, cười: “Người thân dự bị của lính thì được”.

Qua cánh cổng lớn luôn được canh gác nghiêm ngặt, họ thả bộ trên con đường hai bên là những hàng khộp đang mùa trút lá, vàng cả lối đi. Hoa nở bừng trước từng dãy nhà san sát, có phần giống nhau; rau trái tăng gia xanh những khu vườn nhìn trật tự và thích mắt. Thùy bảo: “Lính mấy anh lãng mạn quá chừng”. Ngày nghỉ, đi qua những sân bộ đội đang chơi thể thao, những anh lính trẻ chạy đuổi theo bóng mồ hôi nhễ nhại vẫn bảo nhau: “Không được vén áo lên mà quạt đâu, phải tôn trọng phụ nữ nhé!” Thùy phì cười vẫy vẫy tay. Mấy chàng áo xanh to nhỏ truyền tai nhau: “Người yêu anh Khiêm. Nhìn trẻ quá. Đúng là lính trinh sát, tia giỏi quá”.

Giờ nghỉ trưa cuối tuần, vài cậu lính trẻ ngồi trên thành lan can để viết nhật kí hoặc biên thư. Trên chiếc bàn gỗ dưới bóng cây sộp già hoặc từng bãi cỏ, hành lang, tốp năm ba chàng chụm đầu nghe cát-xét. Thùy hỏi: “Họ đang làm gì?” Cậu chàng tên Việt bảo: “Nghe nhạc theo yêu cầu, xem có ai gửi tặng bài hát cho lính không đó chị”. Đi bộ đội hơn một năm, Việt bảo mình cũng kiên trì nghe nhưng chưa từng được ai viết thư hoặc gửi tặng bài hát nào. Cậu kể nhà mình chỉ có ba mẹ con, mà bà mẹ luôn bận rộn việc đồng áng. Cuối tuần nhìn đồng đội được người thân lên thăm mà mình chẳng có, buồn ứa nước mắt nhưng biết ở nhà mẹ cũng vất vả trăm bề.

Thùy hỏi dấn thêm: “Các cậu nghe nhạc, còn anh Khiêm?”

Việt dẫn Thùy đến một khu vườn nhỏ có hòn non bộ bên dưới là bầy cá kiểng đủ màu sắc nhàn tản vẫy đuôi. Một cái hang giả được rào lưới bên trong là những con cự đà đổi màu giương cặp mắt vô sự. Những cây bonsai được uốn tỉa công phu. Việt bảo: “Tất cả thời gian rảnh hiếm hoi của anh Khiêm đều ở đây hết”.

Thùy cười, cẩn thận ghi lại tên mấy hòm thư. Thi thoảng ra bưu điện gửi vài dòng động viên đựng trong bao bì được dán những con tem phong cảnh khắp mọi miền. Để khi gặp lại, Việt cười tít mắt bảo: “Em nhận được một lá thư. Một cô nữ sinh đang học lớp 11 chúc em hoàn thành nhiệm vụ và công tác tốt. Chỉ bấy nhiêu mà em vui suốt cả tháng, mở ra gập lại đến nhàu”. Rồi Việt khoe: “Mẹ em nói tuần tới thu xếp lên thăm, em bắt đầu háo hức ngóng từ giờ luôn chị ạ”.

Thùy ngần ngại: “Còn anh Khiêm thì sao?”

Cậu lính trẻ vẻ buồn buồn: “Không phải chỉ thời gian em ở đây, nghe nói suốt mười tám năm nay chưa từng có người thân nào lên thăm ảnh hết. Cũng may, bây giờ có chị rồi”.

Thùy sực nhớ những lần Khiêm khuyên mình nên làm hòa với cha. Anh bảo: “Em sẽ về nhà và sang bên kia học hết tiến sĩ chứ?” Thùy lắc đầu: “Em không…”. Khiêm cốc nhẹ trán cô. “Anh tưởng chỉ đá núi Do mới cứng cho tới khi chạm vào đầu em”. Mắt nhìn xa xăm, Khiêm bảo: “Bây giờ anh chỉ ước mình còn ba má, họ muốn anh trở thành thế nào cũng được”.

Sau này Thùy nghe Việt kể thêm về cuộc đời Khiêm, cô mới biết mình hiểu về anh ít quá: “Trước mẹ em cùng quê anh Khiêm. Mẹ kể hồi đó thấy anh Khiêm bị cha hành hạ suốt. Có bữa đưa hai đứa con nhỏ đi viện về, thấy anh cầm xấp tiền, không cần hỏi, cha ảnh tưởng ảnh ăn cắp, đánh ảnh đến da thịt rách tươm. Xong phạt quỳ gối dưới trời nắng, đầu đội chục cái đĩa sành không cho rớt. Anh Khiêm bị phạt vì đã cầm số tiền của người đàn ông tên Bính nào đó gửi trả món nợ từ xưa. Có lần nhà bị lốc xoáy cuốn trong lúc người lớn đi vắng, thấy đồ đạc loảng xoảng rơi xuống, anh Khiêm chạy tới che cho hai đứa em. Ảnh bị thanh củi rớt trúng đầu máu ra như xối. Cha ảnh về bốc ảnh ném ra xa ôm hai đứa con, mắng anh Khiêm: “Mày không được cái tích sự gì”.

Chợt một bữa cùng ngồi trên đê ngắm đồng chiều, Khiêm mở ví lấy ra một ảnh thẻ trắng đen được bọc nhựa kĩ càng: “Lúc lâm chung mẹ anh bảo người đàn ông trong ảnh mới là ba anh”.

Thùy lặng người. Thảo nào thấy anh quen thuộc thế.

*

*          *

Trong từ đường nhà Thùy có di ảnh một người giống hệt như trong bức ảnh của Khiêm. Ông nội hằng ngày lau tới lau lui rồi nói chuyện một mình, những điều không ai hiểu. Hồi Thùy còn nhỏ, ông nội vẫn hay bảo: “Con có một người bác nuôi đã hi sinh”. Mỗi lần nghe thế cha đều gằn giọng: “Đừng dạy con nít nhận thân lung tung, có cùng máu mủ chi đâu”.

Nói là nói vậy, nhưng khi tiếp đoàn này, phái nọ ở nhà cũ dưới quê, sau màn giới thiệu anh ruột là liệt sĩ, bao giờ cha cũng bảo: “Nguyện vọng cả đời tôi là tìm được hài cốt của anh tôi”. Khi có ai hỏi sao không đón cha già lên tỉnh sống chung, giọng cha bùi ngùi, đầy cảm thông: “Cha tôi nặng tình với mẹ tôi, nguyện suốt đời ở lại ngôi nhà cả hai vẫn sống thuở xưa để khói hương người quá cố”.

Đúng lúc con mèo đen đi la cà về, nhìn thấy nó, ông nội cười nhạt. Mình mẩy con mèo lốm đốm cam lốm đốm vàng, có lẽ đã nhảy vào chỗ phun sơn. Ông nội điềm nhiên vuốt ve: “Mun không thể nào là mướp. Sao phải dối trá từ đầu chí đuôi thế con”.

*

*          *

Ông Hà đón Thùy dưới gốc cây sa la. Ông tiều tuỵ đi nhiều so với lần gặp gỡ xa xôi trước. Nhìn thấy Khiêm như nhìn thấy người đồng đội của mình thời trai trẻ, ông gật gù hài lòng.

Trong cuộc gọi bất ngờ, ông Hà bảo Thùy: “Hồi bây bị rắn cắn ở rừng thiên tuế, qua bức ảnh và những cuộc chuyện, anh Tốn đã nhận ra bây ngay. Ảnh đã về tìm, nhưng gặp cha mi… đành đi. Ảnh biểu có sai quấy gì cũng là người lớn sai, con bé Thùy không có lỗi. Lâu lắm rồi mới thấy ảnh vui. Ảnh cất tờ giấy ghi địa chỉ và số điện thoại của bây trong bọc ni lông, giữ kĩ như thư nhà gửi cho lính trên chiến trận. Ảnh bây giờ yếu lắm, vừa là người thân vừa là ân nhân, nhắn bây lên để tiễn đưa ảnh trên đoạn đường cuối cũng là phải lẽ ở đời”.

Và đoạn đường đưa tiễn đó sao có thể thiếu Khiêm.

Khi lửa cháy bừng lên liếm dần mất hút chiếc hòm gỗ đơn sơ, Thùy nghĩ nhiều về sự chia li. Không rõ mọi thứ đã bắt đầu từ đâu nhưng bây giờ tất cả đã kết thúc.

Giao hũ tro cốt cho Khiêm, ông Hà bảo: “Hãy rải xuống đồng đất biên thùy”.

Hoàng hôn dần xuống, xám ngoét như những tàn tro. Hít một hơi sâu, Thùy dũng cảm nhìn vào mắt Khiêm, nở một nụ cười tạm biệt.

Tiễn Thùy ra xe, Khiêm hỏi: “Em có ổn không?” Thùy có ổn không khi bây giờ đã có thể hoàn toàn sống cuộc đời tự do, không phải chịu sự ràng buộc hay sắp đặt. Cô thoáng nghĩ tới cha, nhớ tới gương mặt sa sầm nghiêm nghị chẳng mấy khi cười thoải mái; cả đời ích kỉ, chạy đua quyền lực, liệu có phút giây nào ông hạnh phúc chưa. Để bây giờ, những gì đã kí và nhận suốt thời gian đương chức đủ để giữ chân ông đến hết đời sau song sắt.

Xe chầm chậm chuyển bánh rồi lao vút đi. Thị trấn ở lại phía sau dần chìm vào màu đêm nhưng nhức. Thùy ôm vào lòng chiếc quách còn giữ nắm tro cốt cuối cùng của bác hai. Cô sẽ rải nó trên phần đất hương hỏa họ Đặng. Giờ này chắc bác và ông nội đã gặp nhau sau bao năm xa cách…

H.T.L.X

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

Tại Củ Chi có một suất chiếu đặc biệt của bộ phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” được gọi là suất chiếu tri ân.

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)