VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Không chỉ là những mảnh ký ức

Thứ Năm, 14/11/2024 18:05

Những mảnh ký ức 1979 - 1989 - Chuyện kể từ biên giới phía Bắc là những chuyển kể về chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc trong khoảng thời gian 10 năm, từ 1979 đến 1989. Trước đó nhóm tác giả do nhà báo Đào Thanh Huyền khởi xướng đã ra mắt các cuốn sách Chuyện những người làm nên lịch sử - Hồi ức Điện Biên Phủ 1954 - 2009 về Chiến thắng Điện Biên Phủ và cuốn Đối mặt với B52 - Hồi ức Hà Nội (18/12/1972 - 29/12/1072) cùng một cách làm là gặp gỡ - phỏng vấn hàng trăm nhân vật/nhân chứng thuộc các thành phần, lực lượng khác nhau, tham gia vào sự kiện với những vai trò khác nhau, cụ thể hoá sự kiện lịch sử đến từng con người cụ thể, đã gây được tiếng vang và những dư luận xã hội tích cực cũng như bổ sung nguồn sử liệu quý giá từ nhân dân, của nhân dân. Từ Điện Biên Phủ mặt đất đến Điện Biên Phủ trên không và đến Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc là một hành trình rất dài của nhà báo Đào Thanh Huyền với những cộng sự khác nhau ở mỗi cuốn nhưng tựu trung lại là chị và những người thực hiện đã không bỏ cuộc, không đầu hàng trước khó khăn cho một dự án sách “không giống ai”, không hề giống cách làm sách lịch sử ở thời điểm triển khai ý tưởng.

Tôi đã tìm gặp anh Phạm Hoài Thanh, người đồng hành trong hai dự án Chuyện những người làm nên lịch sử - Hồi ức Điện Biên Phủ 1954 - 2009Những mảnh ký ức 1979 - 1989 - Chuyện kể từ biên giới phía Bắc để hỏi chuyện về quá trình thực hiện những bộ sách này. Anh Thanh cho biết, ý tưởng đầu tiên là từ chị Đào Thanh Huyền. “Huyền cảm xúc rất mạnh và luôn đau đáu với cảm xúc ấy. Năm 2004, chúng tôi cùng với một nhà báo đi hỗ trợ một đoàn phóng viên trong một khóa học đào tạo báo chí tại Điện Biên. Chúng tôi đã phát hiện rất nhiều thứ chưa được nói đến, không có trong sách vở. Những người lính kể với chúng tôi, đánh xong đồi A1 cả tiểu đoàn mấy trăm người chỉ còn có ba chục. Từ góc nhìn của báo chí được đào tạo mọi người tìm ra được rất nhiều thứ và chúng tôi thấy rằng còn rất nhiều chuyện để khai thác”. Vậy là cả nhóm bắt tay vào việc. Trong quá trình trò chuyện với các nhân chứng chị Huyền, anh Thanh và nhóm thực hiện nhận ra rằng, bên cạnh những bài ca hoành tráng về chiến thắng vẫn còn đó những hi sinh, tổn thất ít được nhắc đến sâu. Hai năm đầu nhóm chỉ dành thời gian mang tính khởi động, chắp nối các quan hệ, tìm các nhân chứng…

Những ý tưởng thường bột phát, và dễ nản trong quá trình thực hiện, còn với nhóm làm sách Điện Biên Phủ, họ đã không bỏ cuộc. “Nếu mình không làm thì ai làm? Tương lai sẽ không có ai tiếp cận theo lối này. Chúng tôi phát hiện ra rằng, câu chuyện từ những người lính bình thường nhất sẽ giúp cho người ta nhìn thấy rõ hơn những gì muốn kể. Những con người cụ thể mới là cốt lõi, là nền tảng của sự kiện lịch sử. Tướng lĩnh là quan trọng nhưng những người lính bình thường cũng quan trọng. Tất cả họ đều có vai trò cụ thể, công việc cụ thể”, Phạm Hoài Thanh nhớ lại.

Ba ấn phẩm do nhà báo Đào Thanh Huyền và các cộng sự thực hiện. 

Một câu chuyện khác cũng quan trọng không kém đó là tiền ở đâu để làm?

Ngày đó những người bạn cùng chung ý tưởng có mở một công ty truyền thông, họ dự tính dành một phần tiền kiếm được để thực hiện cuốn sách. Anh Thanh nhớ lại, cho đến khi ra đến bản thảo nhóm làm sách vẫn không có một đồng nào hết. “Công ty của chúng tôi khi đó dù làm ăn không tốt lắm nhưng vẫn trích ra được một ít cho chi phí đi lại, gặp gỡ, lấy tư liệu. Ô tô thì chúng tôi có, chỉ đổ xăng và lên đường, ăn uống cũng không bao nhiêu. Chi phí cao nhất là chúng tôi phải vào TP. Hồ Chí Minh để gặp các bác cựu chiến binh. Đến thời gian cuối thì Huyền có liên hệ với Vingroup xin được một ít kinh phí. Sau đó chúng tôi may mắn gặp được anh Xuân, khi đó làm Tổng giám đốc Viettel kí cho một hợp đồng tài trợ…”. Có lẽ là một người lính nên Trung tướng Hoàng Anh Xuân, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn viễn thông Quân đội rất hiểu, xem bản thảo của nhóm tác giả xong anh đã đồng ý tài trợ cho họ 300 triệu đồng, một số tiền khá lớn trong việc tài trợ sách ở thời điểm ấy. “Chúng tôi đã quyết định không động một đồng nào vào số tiền đó cho các chi phí khác mà dành để đặt nhà xuất bản in 1.000 cuốn phiên bản đặc biệt, bìa cứng để tặng cho tất cả các nhân chứng, những người có liên quan khi thực hiện cuốn sách, chỉ giữ lại một phần đủ để tổ chức một buổi ra mắt cuốn sách tại Hà Nội và tổ chức một chuyến đi lên Tây Bắc, qua các địa danh lịch sử, gặp các nhân chứng dọc đường lên Điện Biên trong đó có một nông trường tên là Nông trường Thân Thuộc đóng ở Than Uyên, Lai Châu, nơi những người lính sau chiến tranh ở lại làm kinh tế nhưng ít được nhắc đến.

Cuốn sách mới nhất Những mảnh ký ức 1979 - 1989 – Chuyện kể từ biên giới phía Bắc do nhóm ba tác giả: Đào Thanh Huyền - Hà Hương - Phạm Hoài Thanh thực hiện. Tham gia hai trong ba cuốn sách lịch sử, anh Phạm Hoài Thanh cho biết, bản thân anh đã học được nhiều thứ và trưởng thành lên rất nhiều trong quá trình làm sách. “Nhận thức về chiến tranh khác đi, không còn mơ hồ như xưa nữa. Khách quan hơn về thắng thua, bên này bên kia. Giữa thực tế và sách vở...”, anh Thanh chia sẻ.

Để thực hiện cuốn sách, chị Đào Thanh Huyền và chị Hà Hương đã phải đến Đồng Nai, Bình Dương rồi ra miền Bắc gặp gỡ các nhân chứng. Một khó khăn khách quan nữa là thời gian triển khai thực hiện lại đúng đợt Đại dịch Covid-19, khắp nơi thực hiện giãn cách xã hội, mỗi chuyến đi, mỗi cuộc gặp gỡ đều phải tính toán, canh chừng trong sự hên xui rất lớn. Ám ảnh nhất với nhóm vẫn là những chuyến trở lại Hà Giang. “Ngày 11/7/2020 chúng tôi có mặt ở Vị Xuyên, trước giỗ trận một ngày. Vào xã Phương Tiến, gặp dân và những nhân chứng về giỗ trận. Sau đó chúng tôi đi Lạng Sơn. Mỗi chuyến đều diễn ra trong khoảng 2 ngày. Sau đó đi Quảng Ninh. Những nhân chứng ở Hà Nội và gần hơn thì tranh thủ. Gần cuối thì chúng tôi lại tìm ra một đơn vị DKZ ở Lạng Sơn toàn lính Hà Nội. Các bác họp đồng ngũ về đông đủ nên cũng thuận lợi để gặp gỡ, hỏi chuyện”, anh Thanh nói. Thời gian dành cho cuốn sách tuy không liên tục nhưng cái chính là họ đã không bỏ cuộc, bám sát lộ trình đã định.

Cuốn sách "Những mảnh ký ức 1979 - 1989 - Chuyển kể từ biên giới phía Bắc" do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2024. 

Rất nhiều câu chuyện cảm động trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu nhóm làm sách Những mảnh ký ức 1979 - 1989 - Chuyện kể từ biên giới phía Bắc đã gặp từ bộ đội, công an, dân quân, cán bộ địa phương, dân thường... “Có những người lính đã cõng nhau từ đỉnh đồi xuống, rồi lạc nhau đến tận khi chúng tôi gặp gỡ. Có những đơn vị đã giải tán chỉ còn phiên hiệu. Đã từng sống, chiến đấu nên họ có thể làm rất nhiều việc, lẳng lặng sống, thành công trên nhiều lĩnh vực, cũng chẳng kể với ai về những việc đã làm, thậm chí đôi khi chính người thân cũng chẳng biết. Nó là những mảnh ký ức ẩn mình đâu đó, và cũng chính vì thế đã khiến chúng tôi gặp họ để ghi lại những câu chuyện đơn lẻ ấy”, anh Thanh nhớ lại Và có lẽ cũng từ suy nghĩ ấy đã gợi mở về cái tên của cuốn sách. Chị Đào Thanh Huyền cho biết, nhà báo Hà Hương sau chuyến lên Vị Xuyên, nghe những câu chuyện về cuộc chiến do những nhân chứng kể đã bị ám ảnh suốt một thời gian dài.

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng thời nguyên là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316 bảo vệ biên giới phía Bắc, khi cuộc chiến tháng 2 năm 1979 nổ ra ông là Phó Chính uỷ Trung đoàn 148, Sư đoàn 316, đóng quân tại Than Uyên, Lai Châu, trực tiếp tham gia lãnh đạo đơn vị chiến đấu. Trong lời giới thiệu cuốn sách Những mảnh ký ức 1979 - 1989 - Chuyện kể từ biên giới phía Bắc ông đã viết: “Với tư cách một độc giả, đồng thời là một cựu chiến binh, tôi thấy câu chuyện lịch sử được kể và tái hiện ở nhiều phương diện, góc nhìn. Các nguồn tin chính thống khả tín kết hợp với tư liệu phỏng vấn công phu thực sự đã thu hút tôi ở tính khách quan, chân thực và đa dạng”.

Tôi hỏi anh Thanh rằng, những hi sinh của người lính trong các cuộc chiến tranh là không gì đo đếm được, những gì xã hội dành cho họ liệu đã là sự ghi nhận và tôn vinh xứng đáng? Anh Thanh điềm đạm trả lời: “Tôi không nghĩ thế, cuộc đời cho họ cơ hội ấy, số phận run rủi đến đấy. Hàng nghìn hàng vạn người tham gia chiến tranh, mỗi người đóng vai trò nhất định trong cuộc chiến, từ vị chỉ huy đến mỗi chiến sĩ, mỗi người đều có nhiệm vụ của mình. Chỉ huy có nhiệm vụ của chỉ huy, người lính chiến có nhiệm vụ của người lính chiến cầm súng, anh nuôi làm tròn nhiệm vụ của anh nuôi. Tôn vinh bao nhiêu cho đủ…”.

Những cuốn sách mà Đào Thanh Huyền và các tác giả thực hiện trong nhiều năm qua đã vẽ nên những mảnh ký ức thật như cuộc sống, những mảnh ký ức các nhân vật mang ra từ cuộc chiến, cất giấu, khuất lấp bao nhiêu năm nay có cơ hội hiển lộ. Những mảnh ký ức ấy như những nét vẽ đơn lẻ, những nét chân dung tự hoạ để khi tập hợp lại dựng nên một bức phù điêu lớn về cuộc chiến. Và chắc hẳn sẽ nói gì đó với thế hệ sau. Về điều này, anh Phạm Hoài Thanh nói rằng, lòng yêu nước là những trải nghiệm, cảm xúc tốt đẹp của chúng ta trên mảnh đất ấy, không phải cứ bảo “mày yêu nước đi” là yêu. Năm 1979, tôi mới học lớp 9 cũng đã viết đơn xung phong đi bộ đội. Hiệu ứng tập thể rất lớn. Nhưng cũng không nên cố gắng để thế hệ sau quá tự hào về chiến tranh, mà hãy làm sao để họ hiểu cái giá của hòa bình. Trong xã hội có những người trẻ bồng bột, trước những xung đột dù lớn, dù nhỏ chưa cần tìm hiểu đã hô “đánh bỏ mẹ nó đi”, họ cần hiểu bản chất của chiến tranh và giá trị của hòa bình.

Anh Thanh nhắc lại một câu nói của cựu chiến binh Đỗ Ca Sơn trong cuốn sách Những người làm nên lịch sử - Hồi ức Điện Biên Phủ 1954 - 2009, một trong những người lính trung đoàn 174, đơn vị chịu nhiều tổn thất trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, sau này ông là một nhà giáo, câu nói của ông mà anh tâm đắc là: “Không ai mong có chiến tranh để làm anh hùng, nhưng lòng tự trọng khiến mỗi người phải cầm súng”.

Đào Thanh Huyền, Hà Hương, Phạm Hoài Thanh đều là những người làm báo giàu kinh nghiệm và ít nhiều có thành tựu cùng sự trải nghiệm. Một nguyên tắc làm việc của nhóm khi thực hiện Những mảnh ký ức 1979 - 1989 - Chuyện kể từ biên giới phía Bắc là không cắt gọt ngọt ngào, không biên tập trơn tru, để nguyên cách nói đời thường của nhân vật, thậm chí cả những câu cảm thán suồng sã. Mục tiêu là để giữ tính chân thực cao nhất. Có lẽ bởi những mảnh ký ức riêng lẻ ấy không chỉ là ký ức cá nhân mà đó là những mảnh ghép để làm nên ký ức tập thể, ký ức của một thế hệ đổ máu xương bảo vệ Tổ quốc, ký ức về một giai đoạn đau thương và hào hùng của dân tộc.

Hiện tại chị Đào Thanh Huyền làm việc tại Pháp, chị Hà Hương đang tiếp tục theo học báo chí, truyền thông tại Mĩ còn anh Phạm Hoài Thanh sống và làm việc tại Hà Nội. Ngoài những kỷ niệm chung, "những mảnh ký ức" khi thực hiện các cuốn sách, họ vẫn đầy ắp những ý tưởng, những dự định cho công việc sắp tới.

NGUYỄN XUÂN THỦY

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)