Học và làm theo Bác – Đứng vững trên đôi chân của mình

Chủ Nhật, 24/07/2022 08:17

. PGS.TS NGUYỄN TUYẾT THU
 

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 mãi mãi đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc như một mốc son bằng vàng mở ra một kỷ nguyên mới: Đất nước thống nhất, non sông liền một dải, dưới sự lãnh đạo của Đảng toàn dân ta tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội như mong ước của Bác Hồ kính yêu: “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”!

Những ngày này chúng ta càng nhớ Bác - người khai sinh ra Đất nước, người mở lối cho dân tộc ta vững bước đi lên. Quan điểm đối ngoại của Bác là ánh sáng đi tới chiến công: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn” (1). “Chiêng” càng to, càng tốt “tiếng” vang vọng càng xa. Đồng thời nghe “cái tiếng” người ta hiểu “cái chiêng” như thế nào. “Cái tiếng” sẽ mời gọi, gắn nối, lan tỏa... Thế nên muốn hợp tác quốc tế thành công phải phát huy độc lập, tự chủ, phải mạnh ở “thực lực”, “trong ấm ngoài êm”. Có “thực lực” để độc lập thực sự mới có thể tạo ra thế lực thì bạn bè mới phục ta. Bác Hồ đã nêu ra một chân lý: “Sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng, nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập” (2). Một chân lý cho tất cả, cho mọi người, cho mọi dân tộc: Phải đứng vững trên đôi chân của mình!

Không phải một ngẫu nhiên của lịch sử mà để có ngày 30/4 vĩ đại là sự kế thừa, tiếp nối, kết tinh, phát triển và nâng cao tinh hoa văn hóa giữ nước có trong 4000 năm với những Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa... chói lọi chiến công của cha ông. Là do sự lãnh đạo tài tình của Bác Hồ và Đảng ta lấy điểm tựa truyền thống yêu nước hướng về ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã phát huy đến mức cao nhất tinh thần yêu nước nồng nàn của dân ta, kết hợp sức mạnh nội sinh với đoàn kết quốc tế... Nhìn từ phương diện đối ngoại có thể thấy nổi bật các bài học sau.

Đó là bài học về đoàn kết quốc tế dưới ánh sáng đường lối độc lập, tự chủ của tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì cuộc kháng chiến chống Mỹ của ta là chính nghĩa, và chủ yếu dựa vào tinh thần tự lực cánh sinh để chống lại kẻ xâm lược giàu có nhất cũng nham hiểm, xảo quyệt nhất của chủ nghĩa đế quốc nên nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân thế giới, nhất là các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Tuy vậy ta cũng phải mạnh để ngay chính kẻ thù xâm lược phải nể phục và bạn bè quốc tế kính trọng. Thế nên ngay từ Hội nghị Trung ương 12 (12/1965) đến Hội nghị Trung ương 13 (1/1967), Đảng chủ trương tiến hành đấu tranh trên ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao, vừa đánh vừa đàm, trong đó đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng. Năm 1967, quân dân ta đánh mạnh trên chiến trường buộc Mỹ phải xuống thang và chịu ngồi vào bàn đàm phán. Đảng đã đề ra những chủ trương đúng đắn “Dựa vào sức mình là chính, đồng thời dựa vào sự giúp đỡ của phe xã hội chủ nghĩa, ta ra sức đánh bại “chiến tranh cục bộ” của Mỹ trên chiến trường miền Nam và đánh bại chiến tranh phá hoại ở miền Bắc” (3).

Đó là bài học vô luận trong hoàn cảnh nào cũng phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, mềm dẻo, đúng đắn trong quan hệ với các nước lớn, vừa hợp tác vừa đấu tranh. Khi chúng ta đang đánh Mỹ đúng lúc phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có bất đồng, Việt Nam vẫn kiên trì giữ vững đường lối độc lập, tự chủ, kiên trì đoàn kết quốc tế. Chúng ta rất cần sự ủng hộ, giúp đỡ về chính trị, về vũ khí, khí tài quân sự của Liên Xô (cũ), Trung Quốc. Đảng đã tìm ra những nét tương đồng và khác biệt trong quan hệ giữa mỗi nước với Việt Nam để xác định lợi ích và chính sách của họ rồi tìm ra một mẫu số chung là tất cả đều ủng hộ chính nghĩa. Trên nền tảng đạo lý lẽ phải cùng đường lối độc lập, tự chủ, ta càng tranh thủ được sự giúp đỡ to lớn của nhiều nước anh em, nhiều tổ chức tiến bộ trên thế giới.

Đó là bài học tích cực, chủ động trên mặt trận ngoại giao. Nhờ tích cực và chủ động chúng ta nắm chắc thái độ và lập trường của các nước liên quan, nắm rõ âm mưu của Mỹ về đàm phán chỉ là “kế hoãn binh”. Để phù hợp với tình hình, Đảng phát huy cao nhất vai trò của Mặt trận Dân tộc giải phóng, phát huy cao độ vai trò mặt trận yêu nước với các đoàn thể công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, học sinh, trí thức, tôn giáo cùng các Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam... để tạo ra sức mạnh chính trị tổng hợp cũng là sức mạnh ngoại giao trong các mối quan hệ quốc tế.

Những bài học đối ngoại góp phần làm nên chiến thắng sống lại trong những ngày cả nước vượt qua Đại dịch Covid vừa qua!

Khi vaccine – vũ khí tốt nhất chống lại virut gây bệnh, khan hiếm trên toàn cầu, Nhà nước ta đã đi trước với sách lược “ngoại giao vaccine” thành công và tiến hành chiến dịch tiêm chủng miễn phí lớn nhất từ trước tới nay nên Việt Nam là một trong những nước ít chịu thiệt hại nhất.

Nhìn từ tầm vĩ mô, Đại dịch càng cho thấy rõ hơn xu hướng tất yếu của toàn cầu hóa, do vậy hội nhập nhanh chóng, mạnh mẽ, toàn diện sẽ như cái chìa khóa mở ra chân trời tương lai. Giả sử chúng ta không đề ra “ngoại giao vaccine” và bạn bè quốc tế không trợ giúp kịp thời? Câu hỏi ấy lại như một sự chứng minh đường lối đối ngoại chiến lược hiệu quả của Đảng. Đối nội và đối ngoại như hai cánh mạnh mẽ đưa đất nước thân yêu cất cánh bay vào bầu trời văn hóa thời đại để ngang tầm thời đại. Đúng như lời Đồng chí Tổng Bí thư khẳng định đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay!

Hiện nay Việt Nam thiết lập quan hệ với 189 (trong tổng số 193 quốc gia) thành viên của Liên Hiệp Quốc, trong đó quan hệ đặc biệt với 3 nước, đối tác chiến lược với 17 nước, đối tác toàn diện với 13 nước. Nhất quán nguyên tắc “bốn không”, không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, Việt Nam giữ vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị; đa phương hóa, đa dạng hóa.

Trong xu hướng chung hướng về hòa bình nhưng trên thế giới tiếng súng xung đột vẫn còn đe dọa sự bình yên. Vì một nguyên nhân dễ thấy: sự mất đoàn kết! Có những quốc gia trước đây từng là anh em một nhà, gần như chung một ngôn ngữ nhưng do bị các thế lực đen tối chi phối, lôi kéo, gây hiềm khích mà ngôi nhà đoàn kết bị đốt phá, anh em ly tán... Để rồi họ “trách cứ” nhau bằng tiếng súng!

Bài học của mọi bài học là đoàn kết để tạo ra sức mạnh nội sinh gắn liền với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ trên cơ sở vì hòa bình, phát triển và thịnh vượng lúc nào cũng là thời sự!

N.T.T

----------

(1). Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tr 147.

(2). Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 7. Sđd, tr 445.

(3). ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 30, Nxb Chính trị quốc gia, 2004, tr.88.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)