Có những ý thơ, những bài thơ của các nhà thơ - nhất là những nhà thơ nổi tiếng - làm cho ta phải thay đổi ý nghĩ của mình, hoặc buộc ta phải theo ý nghĩ của nhà thơ; vì nó đúng, vì nó chuẩn xác, vì nó có tính khoa học, vì nó hay - mà ta không biết, hoặc biết chưa thật đầy đủ, cặn kẽ.
1. Trong khi bao nhiêu người - kể cả các nhà thơ cổ kim, đông tây - ca ngợi mùa xuân, mùa hạ, mùa thu với cỏ cây và lá biếc cành xanh làm dịu mát cả đất trời hay với những cánh hoa đầy sắc màu làm rực rỡ cả một vùng, thì nhà thơ Ba Lan Iudép Ôdơga Mikhanxki, trong một bài thơ, lại nghĩ đến cây cối ở mùa đông, để từ đó có một ý thơ độc đáo, có thể làm nhiều người... giật mình:
Mùa nào...
Cây giữa mùa đông, tôi cũng yêu!
Khẳng khiu mà đứng, lá không reo.
Mùa nào cây đã hiên ngang vậy?
Cây giữa mùa đông, tôi cũng yêu!
(Hồng Diệu dịch qua một bản tiếng Nga)
2. Lại nhớ, hồi còn tuổi thiếu nhi, tôi được xem bộ phim Bãi vàng, bãi bạc của Trung Quốc. Bộ phim nói về cuộc sống của những người dân vùng Nội Mông ở phía bắc nước này, nơi đã từ lâu lắm, có nhiều cư dân Mông Cổ sinh sống. Thảo nguyên bao la, những con ngựa phóng như bạy, những người du mục cường tráng, hiền lành, những điệu dân ca tuyệt vời... để lại cho tôi một ấn tượng mạnh. Từ bấy đến nay, xem có đến hàng nghìn bộ phim, mà Bãi vàng, bãi bạc là một trong mấy bộ phim tôi nhớ nhất. Tuy vậy, chỉ đến những năm gần đây, khi đọc bài thơ Đêm thảo nguyên của nhà thơ Mông Cổ nổi tiếng Đôngôrưn Nhiama, tôi mới có ý nghĩ: phải có một ngày đặt chân đến đất Nội Mông hay Mông Cổ.
Đêm thảo nguyên
Mênh mang xanh biếc thảo nguyên
Một màu thần thoại diệu huyền xưa xa
Đường trường, mệt nhọc dần qua
Cỏ êm cho khách la đà giấc say...
Ngân hà - một dải sông dài
(Để buộc ngựa, có sợi dây sắc vàng)
Sao trời - những chú ngựa hoang
Lung linh khắp cả bản làng bình yên...
Tuyệt vời, đêm ở thảo nguyên
Cỏ thơm, thơm một nỗi niềm xôn xao...
Ngẩng đầu, nhìn đếm muôn sao
Những chàng tuấn mã hí vào trời khuya...
(Hồng Diệu dịch qua một bản tiếng Nga)
3. Tôi vốn vô cùng “dị ứng” với những người tự cao, tự kiêu, tự mãn, tự phụ. Ấy vậy mà có một người rất tự cao, tự kiêu... mà tôi lại rất yêu quý, rất mong được gặp. (Nhưng tiếc là không có dịp nào được gặp). Ông là nhà thơ Raxun Gamdatốp - người Liên bang Nga, ở nước Cộng hòa tự trị Đaghextan trên vùng núi Capcadơ, nơi có đến 36 dân tộc sinh sống, trong đó có dân tộc Avar, và R.Gamdatốp là người Avar.
Đây là bài thơ (không đề) mà R. Gamdatốp đã tự cao, tự kiêu, tự cho là vô cùng hay, tôi dịch qua một bản tiếng Nga (rất có thể do chính R. Gamdatốp đã viết bằng tiếng Nga, hay là ông đã dịch từ tiếng Avar):
Làm thơ về em, anh rất sợ!
Biết không em - em yêu quý nhất đời:
Xứng hơn anh, trẻ hơn anh, khối kẻ
Đọc thơ anh, yêu em mất, em ơi!
Làm thơ về em, anh rất sợ!
Biết chăng em - em yêu quý nhất đời:
Những chàng trai yêu cô nào thật sự
Thơ anh viết về em, họ lấy hết thôi!
Xin nói thêm: R. Gamdatốp làm thơ từ năm 11 tuổi. Được tặng danh hiệu “Nhà thơ nhân dân Đaghextan” năm 1959. Được tặng “Giải thưởng Nhà nước Liên Xô” năm 1952, “Giải thưởng Lênin” năm 1963. R. Gamdatốp có một tác phẩm “văn xuôi” đặc sắc Đaghextan của tôi (đã dịch sang tiếng Việt). R. Gamdatốp còn dịch thơ cổ điển Nga và thơ Xô viết sang tiếng Avar. Thơ ông được dịch sang nhiều thứ tiếng các dân tộc Liên Xô trước đây và nhiều thứ tiếng nước ngoài. Người cha của R. Gamdatốp là Xađa Gamdát (1877-1951) cũng là một nhà thơ nổi tiếng.
Tôi sẽ rất tiếc, nếu không được nói cách nhìn nhận của R. Gamdatốp về tài năng (trong đó có tài năng của nhà thơ); nó buộc người ta phải nghĩ rộng hơn, sâu hơn về chuyện này. Ông viết, trong quyển Đaghextan của tôi: “Không biết tài năng có trong con người là do đâu. Không biết do trời cho hay đất ban cho. Hay nó là con của trời và đất. Không biết nó ẩn náu ở đâu trong cơ thể con người: ở trái tim, trong dòng máu hay trong óc. Ngay từ lúc mới ra đời nó đã trú vào trái tim nhỏ bé của con người, hay sau này con người mới tìm thấy nó khi đã đi qua bao chặng đường nhọc nhằn trên thế gian. Cái gì nuôi sống nó nhiều hơn: tình yêu hay lòng căm thù, niềm vui hay nỗi buồn, nụ cười hay nước mắt... Nó có được tiếp nhận qua di truyền hay là con người cô kết chắt lọc ra nó ngay trong bản thân mình từ tất cả những gì mình thấy, mình nghe, mình đọc, mình xúc động và nhận biết? Đó là kết quả của lao động hay của trò chơi tạo hóa?... Nó là quá táo mà người làm vườn đã cố công chăm sóc mới có, hay là quả tao rơi thẳng từ trên cây xuống lòng bàn tay chú bé?... Tài năng là một điều bí ẩn: nó xuất hiện từ đâu, nó ẩn náu tại nơi nào, vì sao nó có ở người này mà không có ở người kia...”.
4. Có một chuyện, ai cũng cho là “tất nhiên”: đòi hỏi tình yêu trai gái ở trên đời này đều phải chung thủy cả, theo nhà thơ Đôbri Giôtép (Bungari) lại là chuyện không thể có, chuyện... hão huyền! Nhà thơ nói ý tưởng ấy của ông trong bài thơ Khúc ca đơn giản để chứng tỏ quy luật biện chứng ấy như nhiều quy luật biện chứng khác của tạo hóa:
Nếu anh bảo gió rằng
khi nào
ở đâu
và ra sao
gió phải thổi
thì gió sẽ không còn
là gió nữa
Nếu em bảo mặt trời
khi nào
ở đâu
và ra sao
mặt trời phải hiện lên hồng tía
thì mặt trời sẽ không còn rực rỡ
sẽ không phải
là mặt trời được nữa
Nếu ai bảo
khi nào
ở đâu
và ra sao
tình yêu phải dài lâu muôn thuở
thì tình yêu sẽ không phải
là tình yêu nữa!
(Vũ Tú Nam dịch qua một bản tiếng Pháp)
H.D
VNQD