Vẻ đẹp của hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trong văn học kháng chiến chống Pháp 1945 - 1954

Thứ Sáu, 31/01/2025 06:29

. BÙI VIỆT THẮNG
 

Trong văn học dân gian đã lưu dấu hình tượng truyền thuyết bất hủ về người anh hùng làng Gióng (Thánh Gióng), sau khi đánh tan giặc ngoại xâm liền bay lên trời. Ngài đã hóa thành linh thiêng bất tử trong tâm thức cộng đồng người Việt. Truyền thuyết về hồ Hoàn Kiếm ghi tạc công đức của anh hùng dân tộc Lê Lợi đánh tan quân xâm lược Minh đem lại thái bình cho non sông gấm vóc. Ngài đã hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình khi đem lại nền hòa bình, quốc thái dân an. Ngài đã bình Ngô và bình thiên hạ bằng cả sinh mệnh và sự nghiệp của mình. Trong văn học thành văn thời cận đại đã khắc ghi Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của nhà thơ - danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Đình Chiểu tụng ca tinh thần xả thân vì nghĩa lớn của những người lính nông dân, những “dân ấp dân lân mến nghĩa làm quân chiêu mộ”.

Buổi sinh hoạt văn nghệ của bộ đội thời chống Pháp. Ảnh: TL

Nền văn học mới từ Cách mạng tháng Tám 1945, ngay từ đầu lấy anh bộ đội Cụ Hồ làm nhân vật trung tâm, biểu trưng của con người mới thời đại cách mạng hiện diện ấn tượng sâu sắc trong thiên bút kí Một lần tới Thủ đô (viết tháng 1/1946, đăng tạp chí Tiên phong, số 3/1946) của nhà văn Trần Đăng. Hình ảnh bốn chiến sĩ đi theo lối đi rừng “mắt mở mà không trông, tai lắng mà không nghe”, biểu thị một ý thức kỉ luật nghiêm minh vì “kỉ luật là sức mạnh của quân đội”. Hình tượng con người mới lồng lộng trên nền một hiện thực kinh kì sôi động biểu trưng cho tinh thần kiên định từ chối cái cũ, hướng về cái mới - lí tưởng cách mạng son sắt trong tâm hồn người Vệ quốc quân mang vẻ đẹp của đời sống mới.

Cuộc kháng chiến chống Pháp 1945 - 1954, về bản chất, là cuộc chiến tranh nhân dân, trường kì, nhiều gian khổ hi sinh. Trên tuyến đầu luôn luôn là những anh bộ đội Cụ Hồ trong vị trí và tư thế xung kích, về sau được tái hiện chân thực, sinh động và hùng hồn trong tiểu thuyết Xung kích (1951) của nhà văn Nguyễn Đình Thi. Cùng với sự trưởng thành của cuộc kháng chiến qua ba giai đoạn phòng ngự - cầm cự - tổng phản công, hình thành một phong trào “Văn nghệ sĩ đầu quân”, “Văn nghệ bộ đội” như là một bảo chứng của nền văn học mới - nền văn học do chính những người trong cuộc với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, cây súng và ngọn bút trong tay đều là vũ khí đánh giặc. Những tên tuổi tác giả mới xuất thân từ môi trường quân đội, quân ngũ như Hữu Loan, Trần Đăng, Thôi Hữu, Hồ Phương, Vũ Tú Nam, Siêu Hải, Từ Bích Hoàng, Hữu Mai, Chính Hữu, Hồng Nguyên, Hoàng Lộc, Thâm Tâm, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Trần Dần, Nhị Ca, Phác Văn, Nguyễn Khải... gieo niềm tin tưởng của toàn dân vào những bước đi đầy triển vọng của văn học kháng chiến trong nhiệm vụ tái hiện con người thời đại, phát hiện nhân vật trung tâm, điển hình - anh bộ đội Cụ Hồ với vẻ đẹp: Anh đi bộ đội sao trên mũ/ Mãi mãi là sao sáng dẫn đường/ Em sẽ là hoa trên đỉnh núi/ Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm (Núi Đôi - Vũ Cao).

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, hàng vạn thanh niên ưu tú đã rời quê hương bản quán gia nhập Vệ quốc quân. Ngày đầu có cả những Vệ út quân (những chiến sĩ nhỏ tuổi trong lực lượng Vệ quốc quân, như tấm gương thiếu niên dũng cảm tên Lượm trong bài thơ cùng tên của nhà thơ Tố Hữu - Lượm, 1949). Quân đội là gia đình mới và lớn. Đặc biệt hơn, đó là một đội quân đánh giặc và đội quân văn hóa đặc sắc của Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Những người lính là những người anh em mới ngang tình huynh đệ. Tất cả kết giao trong hai chữ “đồng chí”. Tình đồng chí, đồng đội là thiêng liêng cao quý nhất khi con người tách khỏi gia đình bé mọn hòa vào cộng đồng xã hội rộng lớn thực hiện nghĩa vụ công dân cao cả đánh giặc cứu nước: Quê hương anh nước mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá/ Anh với tôi đôi người xa lạ/ Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau/ Súng bên súng đầu sát bên đầu/ Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ/ Đồng chí/ Ruộng nương anh gửi bạn thân cày/ Gian nhà không mặc kệ gió lung lay/ Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính/ Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh/ Sốt run người, vừng trán ướt mồ hôi/ Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài mảnh vá/ Miệng cười buốt giá/ Chân không giày/ Thương nhau tay nắm lấy bàn tay/ Đêm nay rừng hoang, sương muối/ Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới/ Đầu súng trăng treo (Đồng chí, 1948 - Chính Hữu). Có thể nói, bài thơ Đồng chí là một bức tranh toàn bích về tình đồng đội, đồng chí trong khói lửa chiến tranh. Con người ta sinh ra vốn không phải đã là lính. Nhưng khi trở thành anh bộ đội Cụ Hồ thì hẳn nhiên trưởng thành về nhân cách văn hóa. Bởi “văn hóa là cách sống cùng nhau” - một định nghĩa ngắn gọn về văn hóa được viết bằng ngôn ngữ thơ súc tích qua các thi phẩm khác như Nhớ của Hồng Nguyên, Viếng bạn của Hoàng Lộc, Lên Cấm Sơn của Thôi Hữu, Chiều mưa đường số 5 của Thâm Tâm...

Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hi sinh. Quân với dân như cá với nước. Mỗi người lính cầm súng ra đi đều để lại phía sau người thân với những đợi chờ, những nhớ nhung và đôi khi là cả những hoạn nạn, rủi ro trong cuộc sống. Khi truyện ngắn Thư nhà (1949) của nhà văn Hồ Phương xuất hiện trên tạp chí Văn nghệ, một số báo đã “lọt” vào nội thành Hà Nội, người dân chốn kinh kì ba mươi sáu phố phường lần đầu tiếp xúc qua văn chương với con người kháng chiến đã cởi bỏ được nhiều rào cản, vướng mắc, định kiến bởi những luận điệu chiến tranh tâm lí của đối phương. Nhân vật người lính chiến tên Lượng và mối quan hệ tình cảm với thôn nữ tên Chi trong truyện gây xúc động sâu sắc khi Lượng đã mở lòng, đã bao dung với người yêu của mình bị quân Pháp hãm hại. Nỗi đau này không của riêng ai. Tất cả cũng bởi chiến tranh như lưỡi dao oan nghiệt đã chém lìa hạnh phúc lứa đôi. Nỗi đau mất mát của người lính được nhà thơ Hữu Loan viết tài tình trong bài thơ Màu tím hoa sim (1949). Hãy tin vào những giọt nước mắt của người lính, nếu có. Nhưng trong trường hợp này người lính đã hát: Chiều hành quân/ Qua những đồi hoa sim/ Những đồi hoa sim/ Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết/ Màu tím hoa sim/ tím chiều hoang biền biệt/ Nhìn áo rách vai/ Tôi hát trong màu hoa/ Áo anh sứt chỉ đường tà/ Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu. Âm hưởng buồn thương của bài thơ không hề làm nhụt ý chí người ra trận. Trái lại, đó là một nỗi buồn đẹp có tác dụng thanh lọc tâm hồn con người.

Trên chặng đường kháng chiến, dấu chân anh bộ đội Cụ Hồ đã khai phá, giải phóng những vùng đất mới với những nguồn sức mạnh mới nhờ tình quân dân thắm thiết: Anh về, cối lại vang rừng/ Chim reo quanh mái, gà mừng dưới sân/ Anh về, sáo lại ái ân/ Đêm trăng hò hẹn trong ngần tiếng ca (Lên Tây Bắc, 1948 - Tố Hữu). Đôi khi, một cảnh sinh hoạt thường nhật thắm tình quân dân trong bài thơ Bức tranh sinh hoạt (không ghi năm viết) của Minh Tiệp cũng gợi liên tưởng về khát vọng được sống đời bình thường của con người: Thương dân nhà chật chội/ Bọn anh đóng ở đình/ Chẳng tu cũng cơm muối/ Cô gái Mán thương tình/ Biếu anh rẫy sắn để dành trên nương/.../ Tôi chăn đàn gà ri/ Tôi vun vườn rau cải/ Bao giờ đông đến thu đi/ Rau kia tôi hái gà ri làm lòng/ Bữa cơm đoàn kết tôi mong/ Bà con đến dự cho đông đình này. Bài thơ Bao giờ trở lại (không ghi năm viết) của nhà thơ Hoàng Trung Thông là một tiếng nói nghệ thuật giản dị, ấm áp tình quân dân như cá với nước: Các anh đi/ Ngày ấy đã lâu rồi/ Xóm làng tôi còn nhớ mãi/ Các anh đi/ Bao giờ trở lại/ Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ mong/.../ Các anh về/ Mái ấm nhà vui/ Tiếng hát câu cười/ Rộn ràng xóm nhỏ/ Các anh về/ Tưng bừng trước ngõ/ Lớp lớp đàn em hớn hở chạy theo sau/ Mẹ già bịn rịn áo nâu/ Vui đàn con ở rừng sâu mới về/ Làng tôi nghèo/ Mái lá nhà tre/ Các anh về/ Xôn xao làng tôi bé nhỏ/ Nhà lá đơn sơ/ Tấm lòng rộng mở/ Nồi cơm nấu dở/ Bát nước chè xanh/ Ngồi vui kể chuyện tâm tình bên nhau. Quân đội nhân dân chính là như thế. Mỗi người lính chiến ở mặt trận đều có một hậu phương máu thịt, bền chắc, thắm thiết. Cấu tứ này được thể hiện một cách nghệ thuật trong những bài thơ được nhiều người yêu thích như Thăm lúa (1950) của Trần Hữu Thung, Mắt người Sơn Tây (1949) của Quang Dũng, Nhà tôi (1949) của Yên Thao, Nhớ vợ (không ghi năm viết) của Cầm Vĩnh Ui...

Ngày về (1947) của nhà thơ Chính Hữu là một thi phẩm tràn ngập cảm hứng lãng mạn về anh bộ đội Cụ Hồ, ngay trong bom đạn lửa khói của chiến tranh vẫn rạng ngời vẻ đẹp của những trang hào kiệt mang dáng dấp tráng sĩ xưa: Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa/ Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng/ Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng/ Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm/ Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm/ Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa/ Mái đầu xanh thề mãi đến khi già/ Phơi nắng gió và hoa ngàn cỏ dại/ Nghe tiếng gọi của những người Hà Nội/ Trở về! Trở về chiếm lại quê hương. Chắc chắn rằng, nhà thơ nhận cảm hứng từ đời thực - từ những người lính của Trung đoàn Thủ đô đã trải qua nhiều ngày chiến đấu trong lòng Hà Nội vào mùa đông 1946, qua lăng kính lãng mạn, hình tượng người lính vệ quốc đã đi vào sử sách chứa chan hào khí Đông Đô - Thăng Long. Cũng chính nhà thơ sau này lên chiến khu Việt Bắc đã viết thành công bài thơ Đồng chí (1948). Từ cảm hứng lãng mạn chuyển sang cảm hứng hiện thực là hợp thời, hợp quy luật sáng tạo thơ ca khi điểm xuất phát cũng như đích đến của thơ trong bản chất phục tòng quy luật “cái đẹp chính là đời sống”.

Tây Tiến (1949) của nhà thơ Quang Dũng, nếu nói không quá là một tượng đài bằng ngôn ngữ thơ ca về anh bộ đội Cụ Hồ: Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm/ Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm/ Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành/ Tây Tiến người đi không hẹn ước/ Đường lên thăm thẳm một chia phôi/ Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy/ Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi. Đó đích thực là vẻ đẹp của hùng tâm tráng chí. Có thể nói, Tây Tiến là một trong những bài thơ thành công nhất về anh bộ đội Cụ Hồ trên thi đàn Việt Nam từ 1945 đến nay.

Kí sự Cao Lạng (1950) của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, Xung kích (tiểu thuyết, 1951) của nhà văn Nguyễn Đình Thi, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên (thơ, 1954) của nhà thơ Tố Hữu, Người người lớp lớp (tiểu thuyết, 1954) của nhà văn Trần Dần, theo chúng tôi, là tiêu biểu cho bộ phận văn học kháng chiến có quy mô phản ánh hiện thực rộng lớn - ở đây “quy mô” không đơn giản quy về dung lượng phản ánh, mà chủ yếu nghiêng về cảm hứng sáng tác mang tính sử thi - lãng mạn như một đặc điểm quan trọng của nền văn học cách mạng từ sau 1945. Trong đó, ba tác phẩm văn xuôi đều gắn với những chiến dịch lớn. Chiến dịch Biên giới 1950 được tái hiện trong kí sự dồi dào chất sống và nóng hổi sự kiện của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Lần đầu trong văn học mới xuất hiện hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ chính quy trong một không gian rộng lớn và chiến thuật quân sự mới tầm chiến dịch. Xung kích của nhà văn Nguyễn Đình Thi mang dấu vết của một tiểu thuyết phóng sự, được viết liền ngay trong và sau chiến dịch Trung du 1951. Một tác phẩm “ròng ròng sự sống” theo cách đánh giá của giới nghiên cứu văn học. Lần đầu tiên hình ảnh nhân vật “đám đông” (nhân dân) được tái hiện trên nền cảm hứng sử thi, hòa quyện với chân dung cá nhân như các nhân vật Kha, Sản, Lý... Đó là cái nhìn toàn cảnh phối hợp với cái nhìn cận cảnh khiến cho tiểu thuyết có sự gần gũi với người đọc, nhất là những người trực tiếp cầm súng trên chiến trường. Người người lớp lớp của nhà văn Trần Dần được khởi viết từ khi chiến dịch Điện Biên Phủ bước vào giai đoạn một. Nhà văn và người lính chiến là “hai trong một”, nên con chữ bật ra, đậu lại trên trang sách và neo được vào trí nhớ người đọc. Nhà văn cũng sử dụng hình thức tiểu thuyêt phóng sự để đảm bảo tính thời sự, chính xác của kể chuyện chiến tranh trên một chiến trường có ý nghĩa, tầm vóc chiến lược. Nhan đề tác phẩm Người người lớp lớp mang ý nghĩa một thông điệp nghệ thuật về sức mạnh của chiến tranh nhân dân, về Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, bách chiến bách thắng. Tác phẩm đồng thời thể hiện tâm thế, tinh thần tích cực của văn nghệ sĩ luôn đồng hành cùng nhân dân, đất nước.

Tráng ca Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của nhà thơ Tố Hữu là một bản tổng kết chiến thắng lịch sử mang tính quyết định cho nền hoà bình ở Việt Nam sau chín năm kháng chiến trường kì. Chiến sĩ Điện Biên là biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam có truyền thống hàng nghìn năm. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là bằng chứng hùng hồn của sức mạnh đoàn kết quân dân. Hoan hô chiến sĩ Điện Biên tô thắm ngọn cờ hòa bình được nhuộm bằng máu đào của anh bộ đội Cụ Hồ để xây đắp một nền hòa bình vững bền muôn năm, để cho đời sống trở về trạng thái bình thường với vẻ đẹp vĩnh hằng: Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng.

Những chiến binh Việt Nam, muôn đời nay, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu hi sinh. Cậu bé làng Gióng thuở sơ nguyên hay những dân binh, dân vệ, rồi anh Vệ quốc quân, Giải phóng quân, anh bộ đội Cụ Hồ, Quân đội nhân dân Việt Nam… là sự kết tinh ở những thời kì khác nhau phẩm chất tốt đẹp, cao cả của tinh thần, lí tưởng cách mạng, ý chí, sức mạnh dân tộc. Văn học kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), trong chín năm máu lửa, đã minh chứng hùng hồn cho truyền thống lịch sử kiêu hùng ấy. Thời đại đang đi bằng những bước chân thần tốc. Giữa guồng quay mạnh mẽ ấy, hình tượng người chiến sĩ trong văn chương và trong cuộc sống lao động, dựng xây, bảo vệ Tổ quốc vẫn thắp sáng niềm tin vững chắc hướng về phía trước.

B.V.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)