Cửa sổ văn nghệ

Khai mạc trưng bày 18 bảo vật quốc gia

Thứ Tư, 11/01/2017 06:36
Sáng 10.1, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã chính thức khai mạc trưng bày đặc biệt “Bảo vật quốc gia Việt Nam”. Đây là lần đầu tiên các bảo vật quốc gia được trưng bày một cách hệ thống, với những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật gắn với mỗi bảo vật.

Cắt băng khai mạc trưng bày "Bảo vật quốc gia Việt Nam"

Trong số 18 bảo vật được trưng bày lần này có: Ấn vàng "Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo" và Thống gốm hoa nâu triều Trần là 2 bảo vật vừa được công nhận tháng 12.2016. Ngoài ra còn có: Trống đồng Ngọc Lũ, trống Hoàng Hạ, thạp Đào Thịnh; tượng hai người đàn ông cõng nhau thổi khèn; mộ thuyền Việt Khê; bia Võ Cạnh; chuông chùa Vân Bản; ấn “Môn hạ sảnh ấn”; bia điện Nam Giao; trống Cảnh Thịnh; ấn “Sắc mệnh chi bảo”; tác phẩm “Nhật ký trong tù”, sách Đường Kách mệnh; bản thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”…


Họa tiết mặt trống đồng Ngọc Lũ, đường kính mặt 79,3cm

Bia điện Nam Giao là một trong những di vật có giá trị nhất còn sót lại của Đàn Nam Giao Thăng Long được trưng bày ngoài trời do kích cỡ khá lớn. Bia điện Nam Giao phản ánh rõ nét ý nghĩa lịch sử điện Nam Giao và lễ tế Nam Giao ở Thăng Long, nghi lễ lớn nhất của các vương triều Lý - Trần - Lê để tế Trời - Đất cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Một bảo vật khác là mộ thuyền Việt Khê không trưng bày hiện vật chính do kích cỡ quá lớn. Toàn bộ 170 đồ tùy táng của mộ thuyền này đang được trưng bày tại Đức, do đó bảo vật này được giới thiệu đến công chúng bằng hình ảnh. Đây là mộ thuyền có kích thước lớn nhất, hiện trạng nguyên vẹn nhất, chứa đựng nhiều đồ tùy táng quý hiếm của văn hóa Đông Sơn. Mộ thuyền là nguồn tài liệu nghiên cứu các ngành nghề thủ công truyền thống và lịch sử hình thành giai cấp trong xã hội Đông Sơn.


Thạp đồng Đào Thịnh - Văn hóa Đông Sơn, cách nay 2000 - 2500 năm. Đường kính miệng 61cm, đường kính đáy 60cm, cao 98cm

Thông qua trưng bày, Ban Tổ chức muốn cung cấp thông tin giúp công chúng hiểu sâu sắc hơn giá trị lịch sử, văn hóa nghệ thuật độc đáo, tư duy thẩm mỹ, sự sáng tạo cũng như bàn tay tài hoa, khéo léo của người Việt Nam. Từ đó, khích lệ lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống văn hóa trong mỗi người dân Việt Nam. Cùng với các bảo vật, trưng bày còn giới thiệu các tài liệu khoa học liên quan như: Bản vẽ, bản dập hoa văn, hình ảnh minh họa…


Đại diện lãnh đạo phường Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh nhận bằng ghi nhận trao tặng mô hình hiện vật Pháo trong lễ hội làng

Cũng nhân dịp này, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức Lễ đón nhận mô hình hiện vật Pháo do nhân dân làng Đồng Kỵ (Bắc Ninh) chế tác hiến tặng. Pháo làm bằng gỗ, đường kính 1,2m; dài 5,75m; cao 3,47m, được trang trí tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng), chạm khắc tinh xảo, sơn son, thếp vàng. Đây là mô hình di sản văn hóa phi vật thể của lễ hội làng Đồng Kỵ trong đời sống sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương…

Trưng bày “Bảo vật quốc gia Việt Nam” diễn ra đến tháng 5.2017.

Nguồn: Đại biểu nhân dân (Minh Quang)

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)